Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

2 năm: hơn 4.000 tàu cá, hơn 2.300 ngư dân Việt thương vong, mất tích trên biển*

Đó là thông tin do ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) - cho biết


HỒNG ÁNH - KỲ NAM - ANH TÚ - TỬ TRỰC - /
Vợ chồng ông Trần Khắc Thạch ở tỉnh Khánh Hòa trắng tay sau vụ tàu lạ tông chìm tàu Ảnh: KỲ NAMVợ chồng ông Trần Khắc Thạch ở tỉnh Khánh Hòa trắng tay sau vụ tàu lạ tông chìm tàu Ảnh: KỲ NAM
Khánh kiệt vì “tàu lạ”
Bà Lê Thị Hằng (ngụ xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) là chủ tàu cá KH-96640-TS bị tàu nước ngoài đâm chìm ở vùng biển Hoàng Sa vào ngày 7-3. Con tàu trị giá khoảng 1,4 tỉ đồng bao gồm cả ngư cụ, phương tiện, máy móc chỉ mới ra khơi thì bị đâm chìm. Gia đình xin được khoanh nợ ngân hàng gần 800 triệu đồng khi mua tàu nhưng không được chấp nhận. Hằng tháng, gia đình bà phải trả lãi hơn 10 triệu đồng. Ngay sau vụ chìm tàu, bà Hằng cũng phải vay nóng để trả ngân hàng hơn 37 triệu đồng.

“Gia đình đã làm đầy đủ giấy tờ, thủ tục bảo hiểm nhưng 2 tháng nay, Bảo hiểm Bảo Việt vẫn chưa chi trả. Người ta cứ hẹn lên hẹn xuống, bổ sung giấy này giấy kia. Chồng tôi dân biển mà 2 tháng nay không dám theo tàu bạn ra khơi vì sợ người ta gọi bổ sung giấy tờ. Vậy nên ổng bứt rứt nhớ nghề, lúc nào cũng cau có, khó chịu. Gia đình cũng mong cơ quan nhà nước sớm hỗ trợ để tiếp tục vươn khơi bám biển” - bà Hằng thở dài.
Tương tự, ông Trần Khắc Thạch (SN 1979; ngụ tổ 6 Hà Ra, phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang; chủ tàu cá KH-95797-TS) từng bị tàu nước ngoài tông khi đang đánh bắt ở quần đảo Trường Sa ngày 9-9-2015. Thiệt hại ước tính gần 1,3 tỉ đồng. Từ làm chủ tàu, ông Thạch phải đi làm thuê cho các tàu bạn nhưng nhiều chuyến biển bị lỗ, gia đình lại phải mượn tiền lo cho 2 con nhỏ. Gần 5 tháng sau vụ tai nạn, bảo hiểm mới chịu thanh toán. Trong 5 tháng đó, gia đình gần như kiệt quệ. Nợ tổn phí gần 180 triệu đồng, nợ ngân hàng 200 triệu đồng… Gia đình làm đơn xin được khoanh nợ nhưng ngân hàng vẫn tính lãi hằng tháng gần 6 triệu đồng. Nhận tiền bảo hiểm gần 400 triệu đồng đem đi trả nợ xong xuôi cả nhà ông Thạch về tay trắng. “Ước muốn của gia đình là tiếp tục đóng tàu vươn khơi bám biển nhưng chưa biết tính sao. Nghĩ mà xa xôi quá!” - ông Thạch xót xa.
Không bám biển, biết sống làm sao!
Chúng tôi trở lại nhà ngư dân La Văn Quen (44 tuổi; ở thôn Thiện Chánh, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định). Dù là chủ một tàu đánh bắt xa bờ trị giá hàng trăm triệu đồng nhưng ông Quen vẫn ở trong căn nhà cấp 4 xập xệ như một năm trước khi tàu của ông bị tàu cảnh sát biển Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công. Bà Trần Thị Mai, vợ ông Quen, kể: “Ngay sau khi sửa xong, anh Quen lại cho tàu ra khơi. Tôi lo lắng nên khuyên nghỉ ngơi thời gian rồi hãy đi nhưng ảnh nói “Biển của mình thì mình đánh bắt chứ sợ gì” rồi cương quyết đi. Từ đó đến giờ, hầu như ít khi ảnh ở nhà, chủ yếu ăn ở trên biển” - bà Mai tâm sự.
Ngư dân tàu QNa-95959TS được đưa vào bờ an toàn sau khi bị tàu nước ngoài đâm chìm ở Hoàng Sa
Cuối tháng 4-2016, vừa trở về sau chuyến biển ở Hoàng Sa, ngư dân Nguyễn Chí Thạnh (ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) không khỏi ưu tư bởi công sức gần 1 tháng đánh bắt nhưng không thu được gì. Anh Thạnh kể để chuẩn bị cho mỗi chuyến biển kéo dài cả tháng, mỗi tàu cá phải vay mượn ít nhất 150 triệu đồng mua sắm nhu yếu phẩm, nhiên liệu đánh bắt. Thế nhưng, khi ra biển thì đụng tàu Trung Quốc liên tục quấy rối, xua đuổi. Sau hơn 20 ngày đánh bắt không hiệu quả, anh em đành quay về. Cả chuyến biển chỉ bán được gần 100 triệu đồng tiền hải sản đánh bắt được. Các thuyền viên coi như lỗ nặng.
Ngư dân Đặng Dũng (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) lâm vào cảnh kiệt quệ khi 20 lần liên tục bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp phá ngư lưới cụ ở Hoàng Sa.
Bao năm đi biển, dư dả đâu không thấy, bây giờ chỉ biết nhà ông nợ hơn 400 triệu đồng. "Có lúc tính bỏ nghề biển, chuyển qua nghề khác kiếm sống nhưng ở biển mà không đi biển thì biết làm gì sống” - ông Dũng tâm sự.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, trong năm 2015, tỉnh này có gần 100 trường hợp tàu cá và khoảng 900 ngư dân bị tàu lạ tấn công, xua đuổi khi đang đánh bắt ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam; trong đó chủ yếu bị tàu Trung Quốc tấn công. Dù rơi vào cảnh nợ nần nhưng họ vẫn cố vay mượn, sắm sửa lại tàu tiếp tục ra khơi.
Lập đường dây nóng khu vực
Ông Võ Khắc Én, Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết trong năm 2015, Khánh Hòa có 24 trường hợp bị tai nạn trên biển, trong đó có 3 tàu bị chìm hẳn. Chính sách hỗ trợ ngư dân bị nạn khi bị tàu lạ xua đuổi, tấn công, đâm chìm không cao; chủ yếu chi cục làm hồ sơ cho các trường hợp này để xin hỗ trợ từ các đoàn thể, Quỹ Tấm lòng vàng, quỹ Hội Nghề cá…
Tuy vậy, nếu ngư dân bị chìm tàu muốn đóng lại tàu thì tỉnh Khánh Hòa có chính sách hỗ trợ 50% số tiền còn thiếu. Về các thủ tục bảo hiểm, ngân hàng, chi cục đã nhận rất nhiều phản ánh của ngư dân. Ông Én thừa nhận làm thủ tục rất nhiêu khê. “Trong các cuộc họp, chi cục đã đề nghị những đơn vị này hỗ trợ ngư dân nhưng họ nói họ làm theo quy định, làm nhanh… Mỗi người nói mỗi kiểu, họ là đơn vị kinh doanh nên cũng khó nói” - ông Én thở dài.
Dù tàu Trung Quốc liên tục gây hấn trên biển Đông nhưng ngư dân Bình Định vẫn quyết ra khơi, đơn cử như đội tàu đánh bắt hải sản của ông Bùi Thanh Ninh, ngụ xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn. Hiện nay, đội tàu này có 16 chiếc cùng gần 200 lao động đang đánh bắt cá trên vùng biển của Việt Nam. Để đối phó với Trung Quốc, các nhóm tàu của ông Ninh luôn sát cánh bên nhau trong quá trình hoạt động. Khi đủ cá, đội tàu cử một tàu chở vào đất liền tiêu thụ rồi quay ra. Hiện ngư dân các xã ven biển trong tỉnh đã thành lập 451 tổ, đội đoàn kết khai thác thủy sản trên biển với 1.829 tàu cá tham gia.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết giữa trùng khơi, chỉ có ngư dân mới bảo vệ tốt cho ngư dân. Quan trọng là ngư dân ra khơi bám biển theo tổ đội tàu thuyền an toàn. Hiện Phú Yên có trên 100 tổ đội tàu thuyền an toàn với mỗi tổ đội từ 5-10 tàu thuyền khai thác xa khơi.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng để bảo vệ tốt cho ngư dân, cần thiết phải thiết lập đường dây nóng giữa các quốc gia trong khu vực. Hiện tại đường dây nóng giữa Việt Nam và Philippines chính thức được khai thông và hoạt động có hiệu quả. Việt Nam tiếp tục đàm phán với Thái Lan, Campuchia, Brunei, Malaysia, Indonesia để trao đổi thông tin và giải quyết khó khăn cho ngư dân.
Cảnh báo cướp biển
Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản gửi các cảng vụ hàng hải, yêu cầu khẩn trương phổ biến tới tất cả chủ tàu, công ty quản lý và khai thác tàu biển về tình hình cướp biển xảy ra đối với các tàu lai dắt trong vùng biển Đông Sabah và Nam Philippines. Ông Võ Duy Thắng - Trưởng Phòng An toàn An ninh Hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam - cho biết các tàu biển cần tăng cường trực ca khi tàu đang neo đậu; giữ chiếu sáng xung quanh tàu và bật các đèn pha cao áp; nâng cao cảnh giác, bấm còi báo động khi có tàu người lạ đến gần; chuyển hướng hoặc tránh vào khu vực này nếu có thể...
V.Duẩn
Truy tìm “tàu lạ” để bồi thường cho ngư dân
Ngày 7-5, ông Ngô Tấn, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Nam, khẳng định đã gửi báo cáo đến các cơ quan chức năng về việc tàu cá QNa-95959TS do ông Phạm Phú Thành (ngụ xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) bị tàu nước ngoài đâm chìm ở Hoàng Sa.
Sau khi nhận được văn bản trên, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Bộ Ngoại giao báo cáo sự việc. Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng cần truy tìm tàu nước ngoài đâm chìm tàu cá QNa-95959TS, yêu cầu bồi thường thiệt hại cho ngư dân, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho ngư dân Việt Nam. Cơ quan chức năng cần kiên quyết, kịp thời phối hợp ngăn chặn và xử lý những hành động tương tự để ngư dân yên tâm bám biển.
Tr.Thường
Theo NLĐ
* Tiêu đề do VietTimes đặt lại

Không có nhận xét nào: