Thứ Năm, 2 tháng 8, 2018

Tung kế “liên Nga chế Hoa”, Trump đẩy Trung Quốc vào nguy cơ thành Liên Xô thứ hai; Không còn hả hê, TQ tắt ngấm nụ cười nhìn độc chiêu của ông Trump


Tiệp Nguyễn | 

Tung kế “liên Nga chế Hoa”, Trump đẩy Trung Quốc vào nguy cơ thành Liên Xô thứ hai

Với quyền lực Trung Quốc đang trỗi dậy, Tổng thống Mỹ đang muốn thực hiện những điều cựu Ngoại trưởng Kissinger đã làm những năm 1970 với Liên Xô.

Trước đây, Mỹ đã bắt tay Trung Quốc để đấu Liên Xô thì giờ đây Mỹ muốn bắt tay Nga để trừng phạt Trung Quốc (kế liên Nga chế Hoa theo cách gọi của Trung Quốc), theo RI.
Trong cuộc trò chuyện với Financial Times, ông Henry Kissinger cựu ngoại trưởng Mỹ đã có đánh giá quan trọng về nỗ lực của tổng thống Trump để cải thiện mối quan hệ của Mỹ với Nga. Cuộc phỏng vấn được thực hiện trên nền tảng của cuộc họp thượng đỉnh diễn ra ngày 16.7 tại Helsinki.

Ông Kissinger nói: "Tôi nghĩ ông Trump có thể là một trong những gương mặt lịch sử xuất hiện hết lần này tới lần khác để đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên, khiến nó phải từ bỏ những ảo ảnh cũ kỹ. Không nhất thiết là ông ấy biết điều đó hay ông ta đang cân nhắc những lựa chọn lớn hơn. Đó có thể chỉ là một sự ngẫu nhiên".
Ông Kissinger không đề cập chi tiết nhưng xu hướng suy nghĩ của ông nhất quán với những ý kiến mà ông đã bày tỏ trong quá khứ. Mỹ đang dần mất đi ảnh hưởng trên đấu trường quốc tế, sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự hồi sinh của Nga đòi hỏi phải có một đối trọng toàn cầu mới.
Tung kế “liên Nga chế Hoa”, Trump đẩy Trung Quốc vào nguy cơ thành Liên Xô thứ hai - Ảnh 1.
Ông Henry Kissinger cựu ngoại trưởng Mỹ đã có đánh giá quan trọng về nỗ lực của tổng thống Trump để cải thiện mối quan hệ của Mỹ với Nga.
Trở lại những năm 1972, trong cuộc trò chuyện với ông Richard Nixon về chuyến đi sắp tới tới Trung Quốc, báo hiệu sự mở đầu lịch sử với Trung Quốc, ông Kissinger có vẻ đã mường tượng ra việc tái cân bằng sẽ trở nên cần thiết trong tương lai.
Ông bày tỏ quan điểm so sánh với Liên Xô (người Nga), Trung Quốc chỉ "mới nguy hiểm. Thực tế, họ sẽ trở nên nguy hiểm hơn sau một thời kỳ lịch sử". Ông nhấn mạnh: "trong 20 năm, với người kế nhiệm ông, nếu ông ta cũng khôn ngoan như ông thì sẽ khiến cho người Nga chống lại người Trung Quốc".
Kissinger chỉ ra rằng Mỹ, đã tìm cách để hưởng lợi từ sự thù địch giữa Moscow và Bắc Kinh trong kỷ nguyên Chiến Tranh Lạnh sẽ cần phải "chơi trò chơi cân bằng quyền lực một cách hoàn toàn không cảm tính. Hiện tại, chúng ta cần Trung Quốc để sửa và trừng phạt người Nga". Nhưng trong tương lai, sẽ phải có một con đường khác.
Tất nhiên, ông Kissinger không phải là người đi đầu trong "tam giác ngoại giao" Mỹ-Nga-Trung. Không hề bí mật, vào thập niên 1950, Mỹ đã làm tất cả để gây chia rẽ giữa hai nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông và Nikita Khrushchev.
Trọng tâm được nhấn vào Trung Quốc đang bị cô lập lúc đó. Ý muốn của ông Khrushchev về việc "chung sống hòa bình" qua cuộc họp thượng đỉnh với ông Dwight Eisenhower năm 1959 tại trại David đã trở thành một thời điểm vạch ra sự phân ly giữa Trung-Xô.
Tung kế “liên Nga chế Hoa”, Trump đẩy Trung Quốc vào nguy cơ thành Liên Xô thứ hai - Ảnh 2.
Ông Trump và ông Putin đã thể hiện mối quan hệ nồng ấm trong cuộc họp thượng đỉnh diễn ra ngày 16.7 tại Helsinki.
Nhưng ngay cả khi chia rẽ giữa Liên Xô và Trung Quốc trở nên sâu sắc (đỉnh điểm là cuộc xung đột đẫm máu tại sông Ussuri năm 1969), ông Nixon đã đảo ngược chính sách của ông Eisenhower và mở một đường dây đối thoại với Bắc Kinh, ưu tiên cho cuộc cạnh tranh toàn cầu của Mỹ với Liên Xô.
Nhưng tài liệu giải mật thời Chiến Tranh Lạnh cho thấy Washington đã thận trọng cân nhắc khả năng có một cuộc chiến lớn hơn giữa Trung Quốc và Liên Xô.
Một bản ghi nhớ đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ đã thuật lại chi tiết khoảnh khắc đặc biệt trong lịch sử Chiến Tranh Lạnh - một sĩ quan KGB đã hỏi về phản ứng của Mỹ với giả thiết có một cuộc tấn công của Liên Xô vào những cơ sở chứa vũ khí hạt nhân Trung Quốc.
Sau đó có một bản ghi nhớ gây chú ý với Kissinger được thực hiện bởi nhà quan sát những ảnh hưởng của Trung Quốc Allen S. Whiting, cảnh báo sự nguy hiểm khi Liên Xô tấn công Trung Quốc.
Rõ ràng, năm 1969 là năm then chốt khi những tính toán của Mỹ được thay đổi dựa trên dự tính rằng những căng thẳng của Liên Xô với Trung Quốc sẽ tạo nên một nền tảng cho sự gần gũi Mỹ-Trung. Điều này đã dẫn tới những đàm phán của Nixon và Kissinger để mở ra những kênh đối thoại bí mật với Trung Quốc qua Pakistan và Romania.
Hiện tại, những tóm lược trên rất hữu dụng bởi những động thái của ông Trump đang chỉ ra một chương trình đảo ngược lại kỷ nguyên Eisenhower - ngăn chặn Trung Quốc bằng cách đẩy mạnh một liên minh với Nga.
Tung kế “liên Nga chế Hoa”, Trump đẩy Trung Quốc vào nguy cơ thành Liên Xô thứ hai - Ảnh 4.
Tổng thống Eisenhower là người đặt nền móng cho sự phân ly giữa Liên Xô và Trung Quốc.
Nhưng liệu ông Putin có "cắn câu" ông Trump? Rõ ràng điều này còn tùy thuộc vào Mỹ sẽ trao gì cho Nga. Không nghi ngờ rằng ông Putin sẽ coi đây là một cơ hội hiếm có với Nga.
Ông đã có sự tán dương thái quá với ông Trump về vấn đề Triều Tiên và những sự hưởng ứng ấm áp sau đó là một trao đổi có ý nghĩa tại Helsinki. Đây là khởi đầu tốt để ghi điểm cho sự sắc sảo của Moscow khi thực hiện vai trò lớn hơn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bắc Kinh sẽ phải quan sát "sự tan băng" tại Washington với một thái độ không dễ chịu. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã hoan nghênh cuộc họp thượng đỉnh tại Helsinki.
Nhưng những đánh giá chủ đạo của giới phân tích Trung Quốc cho rằng sẽ không có gì lớn xảy ra vì mâu thuẫn trong mối quan hệ Mỹ-Nga mang tính nền tảng và căn bệnh sợ Nga (Russophobia) đang lan tỏa khắp trong giới quyền uy nước Mỹ.
Mặt khác, thời báo Hoàn Cầu của đảng Cộng sản Trung Quốc có một bài xã luận có một phân tích rất hay về điều gì thúc giục ông Trump dành sự chú ý (tôn trọng) với Nga - Trung Quốc có thể học sự tôn trọng mà ông Trump dành cho Nga.
Bài báo kết luận rằng lý do duy nhất có thể hiểu được là dù Nga không phải là một quyền lực kinh tế, họ vẫn giữ ảnh hưởng toàn cầu do sức mạnh quân sự:
Ông Trump luôn nhấn mạnh rằng Nga và Mỹ là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất trên thế giới, với tổng số lượng vũ khí chiếm khoảng 90% trên thế giới và vì thế Mỹ cần chung sống hòa bình với Nga. Về mối quan hệ giữa Mỹ với Nga, ông Trump là người rất nhạy bén.
Mặt khác, nếu Mỹ đang gây áp lực với Trung Quốc hiện nay thì là bởi Trung Quốc dù là một người khổng lồ về kinh tế vẫn yếu trong sức mạnh quân sự. Vì thế:
Vũ khí hạt nhân của Trung Quốc không chỉ sử dụng để đảm bảo an toàn cho "cú tấn công thứ hai" mà còn đóng vai trò nền móng để tạo nên sự răn đe mạnh mẽ khiến các quyền lực bên ngoài không dám hăm dọa quân đội Trung Quốc...
Một phần trong chiến lược của Mỹ đến từ vũ khí hạt nhân tiên tiến hơn... Một số nhân vật diều hâu đang hô hào Trung Quốc cần đẩy nhanh tiến trình phát triển sức mạnh hạt nhân chiến lược. Không chỉ để cho Bắc Kinh sở hữu một kho vũ khí hạt nhân mạnh mà còn khiến cho thế giới bên ngoài biết rằng Trung Quốc kiên quyết bảo vệ các lợi ích của quốc gia với bằng sức mạnh hạt nhân.
Thực tế, nếu thời điểm cấp bách tới, Trung Quốc sẽ phải tự lực cánh sinh trong tam giác của Kissinger. Và Trung Quốc cần chuẩn bị cho điều như vậy có thể xảy ra.
theo Viettime

Không còn hả hê, TQ tắt ngấm nụ cười nhìn chiến lược độc đáo của ông Trump vùn vụt về đích

Hải Võ | 
Không còn hả hê, TQ tắt ngấm nụ cười nhìn chiến lược độc đáo của ông Trump vùn vụt về đích
(Ảnh: Reuters)

Nhà phân tích Trung Quốc cảnh báo chính phủ nước này rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ đã đạt được những bước tiến rất đáng kể trong thời gian ngắn.

Kể từ khi tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu nêu ra khái niệm "chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" (gọi tắt là chiến lược Ấn-Thái) vào năm ngoái, đa số nhận định của dư luận về chiến lược này là "xem nhẹ" và "hạ thấp" - tờ Thời báo Hoàn Cầu đánh giá.
Các phân tích với chiến lược Ấn-Thái chủ yếu nhằm vào những khó khăn, đặc biệt là mâu thuẫn và lợi ích giữa các thành viên (Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Mỹ), cho rằng chiến lược này sẽ mất rất nhiều thời gian để định hình.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Bành Niệm - trợ lý nghiên cứu tại Viện nghiên cứu biển Đông (NISCSS), Trung Quốc - phân tích trên tờ Hoàn Cầu, tin rằng Mỹ đang rốt ráo hoàn thiện các chương trình chi tiết của khái niệm Ấn-Thái, đưa khuôn khổ này đạt được các bước tiến thực tế và chiến lược hóa.
Từ khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đến "Chiến lược Ấn-Thái"
Khái niệm "khu vực tự do Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" được ông Trump sử dụng dày đặc nhất trong chuyến công du châu Á vào tháng 11/2017, bao gồm trong bài phát biểu ở diễn đàn APEC tại Đà Nẵng.
Theo ông Bành, Mỹ sau đó chỉ mất khoảng nửa năm để biến khái niệm này thành một chiến lược thực thụ.
Khoảng hơn một tháng sau khi Bộ trưởng quốc phòng James Mattis trình bày về "chiến lược Ấn-Thái" tại Đối thoại Shangri-la vào tháng 6 năm nay, Mỹ và Australia đã bắt tay thiết lập kế hoạch chung nhằm thúc đẩy lợi ích chiến lược của hai nước ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Các động thái diễn ra trong thời gian ngắn, hiệu suất hợp tác cao như thế là không thường thấy trong lịch sử khi Mỹ muốn thúc đẩy một chiến lược nào đó - ông Bành Niệm nhận xét, đồng thời dự đoán tốc độ phát triển của chiến lược Ấn-Thái có thể vượt xa ước tính của các bên.
Mỹ ồ ạt "ra đòn" kinh tế, quân sự
Khác với các chiến lược lớn trước đây của Mỹ thường do tổng thống dẫn dắt, lộ trình phát triển chiến lược Ấn-Thái được trao cho Lầu Năm Góc, thể hiện qua vai trò của Bộ trưởng Mattis ở Shangri-la cũng như trong nỗ lực hợp tác với Australia sau đó.
Kết quả từ hoạt động tích cực của Bộ quốc phòng Mỹ là hợp tác an ninh quân sự trở thành lĩnh vực được chú trọng hàng đầu trong chiến lược này. "Trao cờ" vào tay quân đội, tổng thống Trump cũng tránh được những tác động và mâu thuẫn đa chiều từ phương diện ngoại giao đối với chính quyền của ông.
Đồng thời, cộng đồng quốc tế có thể thấy rõ mục tiêu trọng điểm của chiến lược Ấn-Thái nằm ở lĩnh vực an ninh chiến lược. Theo lời ông Mattis, việc tăng cường xây dựng sức mạnh trên biển, củng cố quan hệ hợp tác với đồng minh là ưu tiên hàng đầu của chiến lược.
Trong kế hoạch chung Mỹ-Australia, hợp tác quân sự cũng là nghị trình trọng yếu. Trong tương lai, Mỹ sẽ từng bước thúc đẩy hợp tác quân sự với những đồng minh và đối tác then chốt như Ấn Độ, Nhật Bản, nhằm đạt các bước tiến thực chất trong chiến lược.
Thêm vào đó, hợp tác kinh tế cũng là mục tiêu quan trọng của chiến lược Ấn-Thái. Vấn đề phát triển kinh tế được xếp vào 1 trong 4 nhiệm vụ lớn của chiến lược mà ông James Mattis phát biểu tại Singapore hồi tháng 6.
Khi Mỹ và Australia thảo luận về kế hoạch chung, song phương bày tỏ rõ cần phải tổ chức cơ chế đối thoại chính thức về đầu tư cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong tuần tới, Mỹ sẽ tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Ấn-Thái.
Không còn hả hê, TQ tắt ngấm nụ cười nhìn chiến lược độc đáo của ông Trump vùn vụt về đích - Ảnh 2.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-la 2018 ở Singapore hồi tháng 6 năm nay (Ảnh: BQP Mỹ)
Đối trọng với Vành đai, Con đường của Trung Quốc
Trong diễn biến mới nhất liên quan đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 30/7 công bố kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 113 triệu USD vào khu vực này.
Đây được xem là hành động của Mỹ nhằm tạo ra đối trọng với sáng kiến đầu tư "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc. Chính sách vung tiền của Bắc Kinh bị giới chức Washington đánh giá là mang nhiều tham vọng phát triển thiếu kiềm chế ở nước ngoài và để lại nhiều hệ lụy về nợ nần với các nước tham gia.
"Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương" được ông Pompeo đưa ra là chương trình tăng cường hỗ trợ tài chính từ chính phủ Mỹ đối với các đồng minh, đối tác ở khu vực Ấn-Thái, thông qua cơ quan tạm gọi là Công ty Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (USIDFC).
Theo lời ngoại trưởng Pompeo, Mỹ sẽ "chống lại bất kì quốc gia nào" có ý định thâu tóm ảnh hưởng trong khu vực. Đây được cho là thông điệp cảnh báo Bắc Kinh, trong tình hình cuộc chiến thương mại giữa hai nước không có dấu hiệu hạ nhiệt, bên cạnh căng thẳng trong vấn đề Đài Loan hay biển Đông.
Trong tổng số 113 triệu USD, 25 triệu USD dự kiến được Mỹ đầu tư mở rộng xuất khẩu công nghệ tới khu vực Ấn-Thái, 50 triệu USD hỗ trợ các nước sản xuất và lưu trữ năng lượng, đồng thời tạo ra mạng lưới hỗ trợ mới nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng.
Các tiến triển mới cho thấy thông điệp của chính quyền Trump về việc thu được lợi ích kinh tế thông qua chiến lược Ấn-Thái không phải chỉ là nói suông, dù những mối hợp tác thực chất vẫn còn trong quá trình định hình và phải qua thời gian khảo nghiệm.
Giáo sư Josef Gregory Mahoney, giám đốc Trung tâm quốc tế nghiên cứu chính trị cao cấp tại Đại học sư phạm Hoa Đông, Thượng Hải, nhận định tuyên bố mới của Mỹ nhằm vào "Vành đai, Con đường" cho thấy chính sách đối ngoại của ông Trump tới đây sẽ tập trung vào: Tái định vị thế đối đầu của Mỹ với Trung Quốc trong kinh tế và ngoại giao.
Chỉ khoảng một tuần trước đây, theo ông Mahoney, các chính sách đối ngoại của tổng thống Trump - dù bất lợi cho Trung Quốc - dường như vẫn tạo khe hở để Bắc Kinh phát triển quan hệ với các đối tác phương Tây, khi EU có nhiều bất đồng với Washington.
Việc ông Trump gây sức ép và căng thẳng trong nội bộ NATO, rút Mỹ khỏi hiệp định khí hậu Paris hay Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đều là những biểu hiện của chủ nghĩa cô lập, mang lại tầm nhìn về một trật tự thế giới mới với Trung Quốc là nhà ủng hộ toàn cầu hóa mạnh mẽ nhất.
Nhưng cách tiếp cận của ông Trump lúc này đang là tái lập vị thế chủ đạo của Mỹ đối với châu Âu, và nhanh chóng đạt "chiến thắng đầu tay" với việc các nước châu Âu cam kết cải thiện các điều kiện thương mại, chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng và cùng Mỹ chống lại Trung Quốc trong chiến tranh thương mại.
Như thế, thay vì cô lập và bảo hộ Mỹ, mục tiêu ưu tiên của ông Trump lúc này là cô lập Trung Quốc.
Trung Quốc lo ngại?
Mỹ tăng tốc hoàn thiện "chiến lược Ấn-Thái" là thực tế đã rõ ràng, khi các bước hành động cụ thể liên tục được tiến hành.
Chiến lược, mà ban đầu bị nhiều học giả Trung Quốc cho là một sự đánh tráo khái niệm với chiến lược "xoay trục châu Á-Thái Bình Dương" của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, nay đã tiến vào giai đoạn thực tiễn, bất chấp còn nhiều khó khăn ở khu vực.
Trung Quốc "không được khinh suất, mà cần nâng cao cảnh giác và quan sát chặt chẽ, đồng thời sớm có biện pháp tương ứng nhằm ứng phó hiệu quả với tình hình" - Hoàn Cầu dẫn cảnh báo của học giả Bành Niệm.
Trả lời câu hỏi báo chí về việc Mỹ, Nhật, Ausstralia muốn đẩy mạnh đầu tư vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc ông Cảnh Sảng ngày 31/7 nói "Đây là chuyện tốt".
Ông Cảnh cho biết Trung Quốc sẵn sàng cùng các nước nỗ lực thúc đẩy giao lưu khu vực và tăng trưởng kinh tế, đồng thời "hoan nghênh tất cả các nước có cùng tư duy tham gia xây dựng 'Vành đai, Con đường'".

Không có nhận xét nào: