Sự kiện vắc xin giả Trung Quốc gây làn sóng phẫn nộ trong công chúng đã khiến cả Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường phải vào cuộc. Có chuyên gia phân tích rằng phía sau liên quan đến cuộc chiến ngầm tại Trung Nam Hải.
Cuộc chiến ngầm tại Trung Nam Hải
Sau bùng nổ vụ vắc xin giả, khuya 22/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã lên án vụ vắc xin giả của Công ty Công nghệ Sinh học Trường Sinh (gọi tắt là Công ty Trường Sinh) là phi nhân tính; ngày 23/7 lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình trong lúc đang ở nước ngoài cũng lên tiếng “Hành vi sản xuất vắc xin trái pháp luật của Công ty Trường Sinh mang tính chất tàn ác ngoài sức tưởng tượng, gây cú sốc mạnh trong cộng đồng…”
Đi cùng cơn bão dư luận về vắc xin giả, tối 27/7, theo giới truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa thông tin về công tác điều tra của Chính phủ, vụ án vắc xin của Công ty Trường Sinh đã được điều tra rõ, có rất nhiều bằng chứng cho thấy tội sản xuất và tiếp thị các loại thuốc không đạt tiêu chuẩn của Công ty Trường Sinh được thành lập.
Thông tin mà cơ quan chức năng điều tra tiết lộ, Công ty Trường Sinh vì muốn giảm giá thành sản xuất đã vi phạm quy trình sản xuất tiêu chuẩn, trong đó có cả vấn đề tái sử dụng nguyên liệu đã hết hạn. Ngoài ra, công ty còn đánh dấu ngày sản xuất sản phẩm không đúng, thậm chí thay đổi cả thời gian thử nghiệm trên chuột.
Sau vụ việc, Chủ tịch Công ty Trường Sinh là Cao Tuấn Phương (Gao Junfang) cùng 15 người khác đã bị tạm giam hình sự, nhiều nhân viên cũng đã bị cảnh sát đưa đi thẩm vấn.
Nhiều nhà phân tích tình hình thời sự chính trị Trung Quốc đã chỉ ra, giới chức Bắc Kinh đã kịch liệt lên án Công ty Trường Sinh gây ra vụ bê bối thảm họa này nhưng đằng sau vụ việc này ẩn hiện lờ mờ cuộc đấu tranh quyền lực trong ĐCSTQ.
Liên quan vấn đề đấu đá quyền lực này, cư dân mạng Trung Quốc cũng chia sẻ một hình ảnh chụp chung của ông Giang Trạch Dân với ban lãnh đạo Công ty Trường Sinh, theo đó kèm theo các suy luận cho rằng kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, ông Giang Trạch Dân và phe cánh còn sót lại đã luôn âm thầm phá rối ông Tập Cận Bình, do đó việc chính quyền Bắc Kinh lên tiếng đối với Công ty Trường Sinh cũng đồng nghĩa lên tiếng đối với cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và phe cánh còn lại trong Đảng.
Trên RFA Mỹ cũng có bài bình luận chỉ ra, sự kiện vắc xin giả của Công ty Trường Sinh ẩn chứa “cuộc đấu đá nội bộ” giữa phe cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và phe lãnh đạo đương nhiệm Tập Cận Bình.
“Bang Cát Lâm” làm bệ đỡ cho Cao Tuấn Phương?
Bài viết nhìn lại nguồn gốc sự kiện từ năm 1995. Thời điểm đó truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin: Từ ngày 25 – 27/6 (năm 1995), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương Giang Trạch Dân dưới hộ tống của Bí thư tỉnh Cát Lâm Trương Đức Giang đã đi khảo sát tại Thành phố Cát Lâm và thành phố Trường Xuân, châu tự trị Diên Biên ở tỉnh Cát Lâm… Chiều 25/6, sau khi ông Giang Trạch Dân nghe báo cáo công tác của Bí thư tỉnh Cát Lâm Trương Đức Giang đã đưa ra một bài phát biểu chỉ đạo quan trọng…
Những người khác đi thị sát cùng ông Giang Trạch Dân còn có: Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Tăng Khánh Hồng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Thương mại quốc gia Vương Trung Vũ (Wang Zhongyu), Phó Tổng thư ký Tổ Lãnh đạo tài chính Trung ương kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch quốc gia Tằng Bồi Đàm (Zeng Peiyan), Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp Từ Hữu Phương (Xu Youfang), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chu Chính Khánh (Zhou Zhengqing), Tư lệnh Quân khu Thẩm Dương Vương Khắc (Wang Ke).
Bài viết còn đặc biệt chỉ ra lai lịch những người trong đoàn tùy tùng của ông Giang Trạch Dân, trong đó ngoài những nhân vật đứng đầu các hệ thống quân đội – chính quyền – Đảng ủy tỉnh Cát Lâm, một trong những người đi cùng là ông Vương Trung Vũ là người gốc ở Trường Xuân tỉnh Cát Lâm, thăng tiến qua nhiều chức vụ tại tỉnh Cát Lâm cho đến chức cao nhất Bí thư tỉnh Cát Lâm rồi vào trung ương năm 1988, cuối cùng lên đến Ủy viên Chính phủ kiêm Tổng thư ký Chính phủ, và sau đó nhậm chức Phó Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc. Như vậy, Vương Trung Vũ nằm trong số nhân vật hàng đầu “bang Cát Lâm”.
Nhân vật thứ hai là Hồng Hổ (Hong Hu), con của Thượng tướng Hồng Học Trí (Hong Xuezhi) thuộc thời mới xây dựng chính quyền Cộng sản Trung Quốc, ba năm sau khi đi thị sát Trường Xuân cùng ông Giang Trạch Dân, Hồng Hổ được lên chức Phó Bí thư tỉnh Cát Lâm (từ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Cải cách Kinh tế Chính phủ), sau đó vài tháng được kiêm nhiệm thêm chức Tỉnh trưởng Cát Lâm.
Nhân vật thứ ba đi cùng là Từ Hữu Phương cũng bắt đầu ở quan trường Cát Lâm, sau đó lên chức Bí thư tỉnh Hắc Long Giang và Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp.
Trước khi bà Cao Tuấn Phương vào tù, trang web chính thức của Công ty Trường Sinh vẫn còn thông tin câu chuyện vào năm 1995 cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân đã đến thăm Công ty Trường Sinh và ghi dòng chữ lưu niệm “Phát triển của các ngành công nghiệp công nghệ cao để tăng cường sức mạnh tổng thể quốc gia”, khi đó Trường Sinh Trường Xuân vẫn là doanh nghiệp nhà nước và bà Cao Tuấn Phương là tổng giám đốc.
Theo trang “Bách khoa toàn thư Baidu” của Trung Quốc, bà Cao Tuấn Phương sinh năm 1954, trước khi bị bắt đã đảm nhiệm qua nhiều chức vụ tại Công ty Trường Sinh: Chủ tịch Hội đồng quản trị, người đại diện pháp lý, Tổng giám đốc, Giám đốc Tài chính; là người phụ nữ có một số ảnh hưởng chính trị nhất định ở tỉnh Cát Lâm. Bà Cao từng là Ủy viên Chính hiệp của tỉnh Cát Lâm, Đại biểu Nhân đại thành phố Trường Xuân, Phó Chủ tịch thứ năm của Ủy ban Y tế dự phòng tỉnh Cát Lâm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Công thương nghiệp thành phố Trường Xuân.
Tờ Tin tức Bắc Kinh (Bjnews) của Trung Quốc đưa tin, từ năm 1994 – 2004, Cao Tuấn Phương từ vị trí người quản lý dần dần trở thành người nắm quyền chính của công ty này; từ 2005 – 2015 bà Cao Tuấn Phương “nâng cấp” Công ty Trường Sinh trở thành doanh nghiệp không khác gì một “doanh nghiệp gia đình” có trị giá hơn 6,7 tỷ nhân dân tệ.
Từ năm 1993 – 2007, các Bí thư Tỉnh uỷ của tỉnh Cát Lâm lần lượt là Trương Đức Giang, Vương Vân Khôn và Vương Mân. Các Tỉnh trưởng lần lượt là Cao Nghiêm, Vương Vân Khôn, Hồng Hổ, Vương Mân và Hàn Trưởng Phú. Ngoài ra còn có ông Tô Vinh (Su Rong) khi đó là Tổng thư ký của Tỉnh ủy Cát Lâm kiêm Phó Bí thư Tỉnh ủy. Trong số này có hai người sau này lên chức trở thành lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc là Trương Đức Giang và Tô Vinh. Như vậy, việc công ty của bà Cao Tuấn Phương phát triển được mạnh mẽ tại Trường Xuân không thể không có liên hệ với Bí thư Tỉnh ủy khi đó là ông Trương Đức Giang.
Năm 1990, ông Trương Đức Giang từ Thứ trưởng Bộ Dân chính được ông Giang Trạch Dân điều đến Cát Lâm, từ 1995-1998 nhậm chức Bí thư tỉnh Cát Lâm kiêm Chủ tịch Ban Thường vụ Nhân đại, đến năm 1998 được ông Giang Trạch Dân chuyển đến làm Bí thư tỉnh Chiết Giang và khởi động vào Bộ Chính trị. Qua xác minh cho thấy, tháng 7/1998, ông Trương Đức Giang được gọi về Bắc Kinh nghe chỉ đạo, theo đó, trước khi rời khỏi Cát Lâm ông Trương Đức Giang phải hoàn thành một số việc, trong đó có nhiệm vụ đích thân đi khảo sát tại công ty của bà Cao Tuấn Phương.
Ban Tuyên truyền Trung ương Trung Quốc cấm đưa tin
Một vấn đề đáng chú ý là thời gian gần đây xuất hiện thông tin cho rằng người phụ trách truyền thông báo chí trong Ban Tuyên truyền Trung ương ĐCSTQ đã ban hành một thông báo yêu cầu “ngừng đưa tin về vắc xin giả”.
Đài Á châu Tự do (RFA) đã chia sẻ thông tin nhiều người làm trong ngành truyền thông thuộc nhà nước Trung Quốc cho biết, hầu hết các cơ quan truyền thông nhà nước đã bị cấm theo dõi về sự cố vắc xin giả. Một số luật sư từng lên tiếng về chuyện vắc xin cũng bị các hạn chế của ngành Tư pháp khiến họ không còn dám mạnh mẽ lên tiếng nữa.
Hiện nay, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm tỉnh Cát Lâm cũng từ chối trả lời mọi câu hỏi của các cơ quan truyền thông về vụ việc vắc xin giả.
Theo tìm hiểu, vắc xin DPT là vắc xin tổng hợp của bệnh ho gà, bạch hầu và uốn ván. Theo quy định của chương trình tiêm chủng cho trẻ em ở Trung Quốc Đại lục, trẻ sau khi sinh phải được tiêm phòng, độ tuổi tiêm là từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi. Các em học trường tiểu học công lập, trước khi nhập học phải nộp “Phiếu tiêm chủng trẻ em” chứng minh rằng bé đã được tiêm chủng, trong đó bao gồm cả tiêm DPT, nếu không thì không được nhập học.
Đài VOA Mỹ từng chỉ ra, trong những năm 1980 – 1990, Trung Quốc Đại lục sử dụng vắc xin viện trợ không hoàn lại với quy mô lớn của Nhật Bản, cho đến tận năm 2008; còn vắc xin của Trung Quốc sản xuất luôn rơi vào tình trạng không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được cho phép duy trì hoạt động nhờ có dung túng của cơ quan chức năng. Điều này giải thích cho thừa nhận của giới chức Trung Quốc rằng, sau bùng nổ làn sóng dư luận về sản xuất vắc xin giả ở Vũ Hán và Công ty Trường Sinh, giới chức Trung Quốc đã vô cùng chậm trễ để có thể trình bày rõ ràng nguyên nhân vụ việc trước công luận.
Theo Trithucvn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét