15:00 18/02/2015
Gặp Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thời điểm này thật khó. Bởi lực lượng Công an nói chung, lực lượng Cảnh sát nói riêng đang ráo riết ra quân triển khai đợt cao điểm tấn công tội phạm bảo vệ Tết Nguyên Đán 2015. Dường như không khí những ngày đầu xuân mới chưa làm dịu được độ "nóng" trong căn phòng làm việc của vị Tư lệnh lực lượng Cảnh sát. Chưa bao giờ ông cho phép mình được "chậm lại", bởi "ngày nào còn tội phạm thì lực lượng Cảnh sát không thể dừng tay".
- TPCTC là loại tội phạm nguy hiểm, xâm hại đến hầu hết các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội. Xin Trung tướng cho bạn đọc CSTC nhận diện sơ bộ về loại tội phạm này ở Việt Nam trong những năm gần đây?
- Những năm gần đây, tình hình hoạt động của các loại tội phạm hình sự có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động của TPCTC. Tình trạng sử dụng bạo lực gây ra các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng vẫn có chiều hướng tăng cả về số lượng, tính chất và mức độ. Nhiều băng, nhóm tội phạm hoạt động công khai, trắng trợn, manh động… Các băng, nhóm tội phạm hoạt động bảo kê, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê xuất hiện ngày càng nhiều trong khi sự vào cuộc của các lực lượng chức năng ở một số địa phương còn thiếu kiên quyết, triệt để làm cho quần chúng hoang mang, lo lắng.
TPCTC đang từng bước chuyển sang hình thức mới phức tạp hơn, có sự câu kết, móc nối chặt chẽ, đan xen, chuyển hóa giữa các lĩnh vực hình sự, kinh tế, ma túy. Sự "xâm nhập" của tội phạm hình sự vào các lĩnh vực kinh tế, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, chúng thâu tóm một số lĩnh vực mang lại lợi nhuận, ép giá các gói thầu, bảo kê nguồn cung cấp vật liệu, khoáng sản…, qua đó tạo tiềm lực kinh tế, mở rộng quan hệ để đối phó với các cơ quan công quyền và đặc biệt là với cơ quan điều tra (như băng nhóm Minh "sâm", Hưng "sóc" ở Bắc Ninh...). Một đặc điểm nổi bật của tội phạm hiện nay, đó là tính lưu động rất cao, huy động lực lượng nhanh, luôn tàng trữ, sử dụng nhiều loại vũ khí để hoạt động phạm tội và sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng chức năng và quần chúng nhân dân khi bị phát hiện, bắt giữ.
Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát. |
- Một năm đã trôi qua, lực lượng Cảnh sát nói chung, Tổng cục Cảnh sát nói riêng đã đạt được những thành tích, chiến công rất đáng tự hào, trong đó ghi dấu ấn đặc biệt trong việc triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức lớn như Minh "sâm", Hưng "sóc" ở Bắc Ninh; Nhật "khùng" ở TP HCM… Trung tướng có thể chia sẻ về kết quả đấu tranh của lực lượng Cảnh sát với TPCTC trong năm qua?
- Trước những diễn biến phức tạp của tình hình TPCTC, Tổng cục Cảnh sát đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai nhiều đợt tấn công, truy quét tội phạm, đặc biệt là TPCTC. Với sự tập trung cao độ, tinh thần không khoan nhượng với tội phạm theo phương châm đấu tranh: "Không để TPCTC hình thành", "bóp chết từ trong trứng", chúng ta kiên quyết không cho tội phạm có cơ hội lộng hành, nhằm lập lại trật tự, ổn định tình hình, tạo sức răn đe, trấn áp mạnh mẽ với tội phạm.
Cụ thể, đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an xây dựng và triển khai Kế hoạch số 03/KH- BCA-C41 về đấu tranh với TPCTC trong phạm vi toàn quốc; thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Thứ trưởng Lê Quý Vương làm Trưởng ban; ban hành Điện số 1032/ĐK ngày 30/5/2014 về mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm có tổ chức tại 18 địa bàn trọng điểm. Đồng thời, trong năm qua cũng triển khai trong toàn lực lượng nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm theo chuyên đề; tuần tra vũ trang, kiểm tra công khai nhiều địa bàn trọng điểm phức tạp về ANTT…
Theo thống kê, năm 2014, lực lượng Cảnh sát đã triệt phá 2.725 băng nhóm tội phạm. Sau một thời gian ra quân trấn áp, tình hình tội phạm cơ bản đã được kiềm chế, phạm pháp hình sự đã giảm mạnh cả về số vụ và tính chất; nhiều băng, nhóm tội phạm đã co cụm, không còn hoạt động hoặc tự tan rã.
- Trong những băng nhóm tội phạm đã bị triệt phá, rõ ràng, chúng ta đang thấy các tên trùm trong tổ chức tội phạm thường núp dưới vỏ bọc khá kín đáo (như chủ doanh nghiệp) và có mối quan hệ khá chặt chẽ với một số cán bộ chức năng ở địa phương. Trung tướng nghĩ về vấn đề này như thế nào?
- Với bản chất nham hiểm của tội phạm, các đối tượng cầm đầu các băng nhóm thường triệt để lợi dụng tiền, các lợi ích vật chất, công việc và các mối quan hệ xã hội để lôi kéo, mua chuộc các cán bộ thoái hóa, biến chất trong các cơ quan công quyền, trong đó không loại trừ cả lực lượng thực thi pháp luật.
Trong thời gian qua, cùng với sự quyết liệt trong đấu tranh với TPCTC thì lãnh đạo Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát cũng rất quyết liệt phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng bảo kê, bao che tội phạm của các cán bộ chính quyền địa phương, kể cả trong lực lượng Công an. Như lời Bộ trưởng Trần Đại Quang đã trình bày trước Quốc hội là "không có vùng cấm". Trên toàn quốc đã có nhiều địa phương xử lý quyết liệt với các trường hợp bảo kê tội phạm bằng các hình thức kỷ luật nghiêm khắc, thậm chí có trường hợp đã lập hồ sơ truy tố trước pháp luật.
Thường xuyên luyện tập, sẵn sàng đáp ứng mọi nhiệm vụ. Ảnh: Duy Tường. |
- Để triệt phá được các băng nhóm tội phạm có tổ chức, lực lượng Cảnh sát phải mất rất nhiều công sức, thậm chí phải đổ máu giữa thời bình. Ông có thể nói gì về những CBCS của mình?
- Cuộc chiến với TPCTC cực kỳ gian truân. Muốn đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, phải dùng cả trí và lực. Các điều tra viên, trinh sát viên phải có bản lĩnh, dũng cảm, nghiệp vụ tinh thông và có kinh nghiệm trong đấu tranh với tội phạm. Quá trình trinh sát có khi kéo dài nhiều năm. Vì nhiều băng nhóm có nhiều mối "quan hệ" nên các trinh sát phải làm việc đơn tuyến, tuyệt đối bí mật, họ phải đương đầu với nhiều khó khăn và nguy hiểm. Trong nhiều băng nhóm tội phạm, bọn chúng luôn tàng trữ, sử dụng vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng Công an khi bị phát hiện, truy bắt. Trong năm 2014, đã có 8 đồng chí hy sinh, 220 CBCS bị thương trên mặt trận đảm bảo ANTT vì sự bình yên của đất nước.
- Bộ Công an đang tiến hành đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán 2015. Đối với lực lượng Cảnh sát là lực lượng trực tiếp chiến đấu, bảo vệ sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân, chắc chắn tiếp tục những ngày họ phải tích cực dấn thân để hoàn thành nhiệm vụ. Và tất nhiên, họ sẽ phải hy sinh niềm vui sum họp bên gia đình để thực hiện nhiệm vụ chốt trực, đảm bảo ANTT trong những ngày trước, trong và sau tết. Đồng chí có muốn chia sẻ với những chiến sĩ của mình cũng như người thân của họ?
- Trước hết, tôi phải gửi lời cảm ơn sâu sắc tới những người thân, bố mẹ, vợ chồng, con cái những đồng nghiệp của tôi, những người đang nhận nhiệm vụ nặng nề là đảm bảo ANTT, giữ gìn sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Có thể nói là nếu không có một hậu phương vững chắc, thì chúng tôi không bao giờ hoàn thành được nhiệm vụ. Hy sinh hạnh phúc riêng tư, hy sinh niềm vui sum họp bên gia đình trong thời khắc năm mới là những sự hy sinh thầm lặng nhưng hết sức vinh quang. Tôi mong rằng người thân của những người lính Cảnh sát cần chia sẻ, thông cảm và tạo điều kiện để chúng tôi có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.
- Xin cảm ơn Trung tướng!
Thu Hòa - Đinh Hiền (thực hiện)http://cstc.cand.com.vn/anh-hung-mac-thuong-phuc/Kien-quyet-tan-cong-toi-pham-dem-lai-binh-yen-cho-dat-nuoc-339807/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét