- 58 phút trước
"Theo tôi, việc bắt giữ lãnh đạo ngân hàng chưa dừng lại tại ông Bình mà sẽ còn diễn ra với một số ông khác trong lĩnh vực này," một chuyên gia tài chính từ Hà Nội bình luận với BBC về các vụ bắt người với cùng tội danh 'cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế'.
Cuối tuần qua, cựu Tổng giám đốc ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongA Bank) Trần Phương Bình cùng bốn đồng sự bị Cảnh sát Điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng (C46) thuộc Bộ Công an bắt giữ.
Hôm 12/12, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an xác nhận ông Bình bị khởi tố tội 'Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng' và 'Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng'.
Tháng 3/2016, ông Phạm Quyết Thắng, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Dầu khí Toàn cầu (GPBank) cũng bị bắt và khởi tố vì 'cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại cho ngân hàng hàng ngàn tỷ đồng'.
Hôm 14/12, trả lời BBC từ Hà Nội, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nói: "Không riêng gì ông Bình và ngân hàng Đông Á mà còn nhiều ngân hàng khác đang trong tình trạng bên bờ vực phá sản vì nợ xấu và không đủ khả năng hoạt động theo luật về tổ chức tín dụng."
"Tuy nhiên, Nhà nước vẫn cố gắng duy trì hoạt động của những ngân hàng đó, cái nào bê bết quá thì tổ chức sáp nhập hoặc mua lại với giá 0 đồng."
Đề cập về tội danh 'Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng', chuyên gia cho hay: "Việc các ngân hàng cho vay mà không nghiên cứu kỹ hồ sơ, rủi ro, cho những công ty sân sau vay thì tràn lan chứ không riêng gì một vài giám đốc ngân hàng bị bắt gần đây."
'Can thiệp'
"Việc một ngân hàng cho vay là vấn đề dân sự nhưng khi họ bất chấp quy định của pháp luật, cố ý gây thất thoát tiền của những chủ tài khoản tại ngân hàng thì công an phải điều tra để làm rõ có tính chất hình sự tới mức nào."
"Trong vấn đề dân sự có yếu tố hình sự là vì vậy."
Ông Thành cũng nói thêm: "Cả hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đang trong cái nạn quản lý không theo quy định của pháp luật ngay từ những năm thiết lập ban đầu."
"Hiện trong số hơn 30 ngân hàng thương mại tại Việt Nam, một số cái đang không còn vốn điều lệ so với nợ xấu mà họ tạo ra nên không còn đủ an toàn để tiếp tục hoạt động."
"Đáng lý phải cho nhiều ngân hàng phá sản nhưng chính phủ có những lý do này khác để không cho phép điều này xảy ra."
"Thật ra chẳng có cơ sở pháp lý nào để Nhà nước can thiệp vào, để các ngân hàng ấy tiếp tục hoạt động tạo thêm nợ xấu rồi Nhà nước lại đứng ra mua lại."
"Nhưng rồi Nhà nước có lãnh trách nhiệm về nợ xấu mà ngân hàng tạo ra hay không? Đó là cả vấn đề."
"Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, hiện có hơn 500.000 tỷ đồng nợ xấu hiện bán cho công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) 240.000 tỷ đồng, số còn lại thì các ngân hàng tự quản lý lấy nhưng rõ ràng là họ không thể làm được."
Hồi tháng 12/2015, Phó cục trưởng C46 Nguyễn Trọng Long được truyền thông trong nước dẫn lời, theo đó nói số nợ xấu của ba ngân hàng 0 đồng (gồm GPBank, OceanBank và CBBank) và DongA Bank là "khoảng 50-70.000 tỷ đồng".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét