Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

Ông Phạm Minh Chính có “đá lộn sân…” trong chuyến “ đi sứ” Trung Quốc ?; Viện chiến lược Mỹ nói Trung Quốc đặt vũ khí trên cả 7 đảo nhân tạo ở Biển Đông; 600.000 người Trung Quốc chết mỗi năm do làm việc kiệt sức

Phúc Lộc Thọ.

truong ban to chuc trung uong pham minh chinh tham trung quoc hinh 1
Trưởng BTC TW VN  Phạm Minh Chính và Trưởng BTCTW TQ Triệu Lạc Tế

Dư luận chú ý tới chuyến thăm Trung Quốc từ 11-15/12/2016 của ông Phạm Minh Chính, Ủy viên BCT, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban tổ chức TW…Ông Phạm Minh Chính được xem là một yếu nhân, một ngôi sao đang lên của chính trường Việt…
Ông Phạm Minh Chính thăm Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ Việt-Trung vốn xưa nay và hiện tại đang ở trong một tình thế đầy nhạy cảm; một thứ hàn thử biểu nghiệt ngã, hà khắc bởi luôn ở trong tình thế “ cái sẩy nẩy cái ung”....
Ông Phạm Minh Chính thăm Trung Quốc sau khi đi Nhật và có dư luận đồn đoán nhằm dọn đường cho chuyến đi sang Mỹ và Tây Âu trong giai đoạn tiếp theo.
Ông Phạm Minh Chính được phái “ đi sứ” sang các nước lớn có nhiều ảnh hưởng tới kinh tế-chính trị Việt Nam chắc với mục đích chuẩn bị dữ liệu cho những bài toán, những lập trình chiến lược các chính sách về nhân sự-kinh tế-chính trị-ngoại giao của bộ máy cán bộ cao cấp của Đảng CSVN…
Phạm Minh Chính được chú ý bởi các yếu tố tuổi tác ( ông sinh năm 1958), được đào tạo bài bản ( tốt nghiệp đại học xây dựng ở Bucarest-Romania ( 1976-1983), có đầy đủ các học vị quan trọng: Phó Giáo sư-Tiến sĩ; từng kinh qua các vị trí chuyên viên cao cấp Văn phòng chính phủ, quan chức ngoại giao hàm Bí thư thứ nhất, Thứ trưởng Bộ Công an hàm Trung tướng, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh…
Như vậy, nếu xem xét các tiêu chuẩn cần và đủ về học hàm-học vị và địa bàn, môi trường luân chuyển thực tế để thử thách nhằm cơ cấu vào các vị trị trọng yếu, Phạm Minh Chính không thiếu một thứ gì…
Ông Phạm Minh Chính đang đi thăm Trung Quốc trên cương vị Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban tổ chức TW, đây là vị trí thường được xếp hàng thứ 5 trong BCT. Thời ông Lê Duẩn, Trưởng Ban Tổ chức TW thường có danh xưng “ Sáu Thọ” ( Lê Đức Thọ-Sáu Búa) để thấy cái quyền sinh quyền sát của Trưởng Ban Tổ chức TW lớn tới mức nào. Những người ở vị trí Trưởng Ban tổ chức thường ngấp nghé các ngôi vị cao hơn ví như Nguyễn Văn An, Hồ Đức Việt…
Qua thông tin của báo chí trong và ngoài nước về hoạt động, phát ngôn của ông Phạm Minh Chính tại Trung Quốc thấy mấy có mấy điều đáng chú ý sau đây:
-Chiều 11/12/2016, tại Đại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, ông Triệu Lạc Tế - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Ban Bí thư - Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã hội đàm với ông Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Đảng ta.
Tại cuộc hội đàm, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước, đi sâu trao đổi ý kiến về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và công tác cán bộ.
Tại cuộc hội đàm này, ông Phạm Minh Chính đề nghị:” Trong thời gian tới, hai Đảng, hai nước cần tập trung vào việc tăng cường tin cậy chính trị thông qua trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả các cơ chế hợp tác, nhất là cơ chế gặp đại diện hai Bộ Chính trị để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh; tăng cường trao đổi lý luận chính trị, trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng; tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch hợp tác đào tạo giai đoạn 2016-2020; (http://vov.vn/chinh-tri/truong-ban-to-chuc-trung-uong-pham-minh-chinh-tham-trung-quoc-576862.vov)
Nội dung này ông Phạm Minh Chính đã thực thi đúng chức năng phận sự, “đá” đúng vị trí được giao trong “ đội bóng BCT”…
Thông thường hoạt động của các quan chức trong bộ máy lãnh đạo cao cấp của Đảng về thực chất không khác mấy hoạt động của các chân xút trong một đội bóng. Bộ máy ( đội bóng) muốn đạt hiệu quả hiệu suất cao đạt được những thành tự đỉnh cao, chiến thắng đối phương thì đòi hỏi các chân xút được đặt đúng vị trí sở trường và từng chân xút phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của vị trí được giao…
Trận thua đội tuyển Việt Nam trước đội Indonesia trong cả 2 trận lại không do sự tài giỏi của tiền đạo đối phương mà lại do sự lập cập của hàng phòng ngự và thiếu sự sắc bén, bài bản của hàng tiền đạo, bỏ lỡ nhiều cơ hội ngon ăn…
Việt Nam thua vì các cầu thủ của 2 tuyến này về cơ bản đã không hoàn thành được nhiệm vụ, tệ nhất là hàng phòng ngự. Một bàn thua do lỗi của Quế Ngọc Hải với nhiệm vụ kèm chặn tiền đạo đối phương không cho họ đưa bóng vào khung thành thì lại phạm lỗi ngớ ngẩn, chèn tiền đạo đối phương ngã trong vùng cấm, khiến cho thủ môn phải chịu quả 11 m. Xem kỹ pha bóng này, Quế Ngọc Hải đã chèn ngã một cách không cần thiết nên phải trả một cái giá quá đắt…
Còn quả thua thứ thứ 2 cũng do lỗi của trung vệ Đình Đồng, tự đưa bóng vào lưới nhà. Còn pha phóng đẩy thủ môn Nguyễn Mạnh phạm lỗi do bị đối phương chơi xấu, đã đạp trả đũa kết cục phải nhận thẻ đỏ cùng do lỗi kèm người của hàng phòng ngự…
Mặc dù hàng tiền vệ và tiền đạo của Việt Nam có nhiều cố gắng đáng khen nhưng đã không gỡ lại được với những sai lầm do hàng phòng ngự gây ra; kết cục chịu thua cay đắng trước đội Indonesia, một đội bóng có trình độ cá nhân của các tuyển thủ không cao hơn…
Qua chuyện đá bóng để thấy: việc các cầu thủ phát huy đúng sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao ở cái vị trí của mình là cơ sở để đưa đội bóng lên đỉnh cao. Còn như một Quế Ngọc Hải, từ là trung vệ buộc phải nhảy vào cầu môn và cuối trận bóng bỏ cầu môn lên tham gia tấn công cũng chẳng làm nên cơm cháo gì…
Trở lại vị trí Trưởng Ban Tổ chức TW của ông Phạm Minh Chính trong chuyến thăm “ giao hữu” với Trung Quốc, qua VOV thấy phía đối tác Trung Quốc, Trưởng Ban Tổ chức Triệu Lạc Tế phát biểu rất chừng mực đúng chức năng, phận sự:” Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc bày tỏ tin tưởng trên cương vị mới, ông Phạm Minh Chính sẽ đóng góp tích cực vào việc tăng cường và vun đắp quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai Đảng, hai nước, trong đó có quan hệ hợp tác giữa hai Ban Tổ chức Trung ương hai Đảng…
Còn ông Phạm Minh Chính đã phát biểu với đồng cấp trong hội đàm những ý kiến như sau: “tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại; phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước về truyền thống quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai Đảng, hai nước; đẩy mạnh giao lưu nhân dân; thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư cân bằng, tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ lâu dài giữa hai Đảng, hai nước; cùng nhau nỗ lực hợp tác giải quyết tốt các vấn đề trên biển, nhất là thực hiện Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới; trân trọng mời ông Triệu Lạc Tế thu xếp sớm sang thăm Việt Nam…”
Những ý kiến này không thuộc “sân” của Ban tổ chức TW, không phải là chuyện để nói với ông Triệu Lạc Tế ? Những ý kiến này, theo người viết bài này chỉ những vị ở cương vị sau đây mới nên phát biểu với đối tác Trung Quốc: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Thường trực Ban Bí thư…
Còn nếu đi vào cụ thể từng lĩnh vực thì đó là chuyện bàn thảo giữa BT Bộ Quốc phòng, BT Bộ Ngoại giao, Trưởng Ban Tuyên giáo TW, BT Bộ Công thương… với các đối tác Trung Quốc…Ông Phạm Minh Chính đưa ra trao đổi với ông Triệu Lạc Tế những vấn đề nên trên là ôm đồm, là bao sân, không đúng chức trách phận sự giống như Quế Ngọc Hải nhảy lên tham gia làm tiền đạo trong trận đấu với đội Indonesia trên sân Mỹ Đình cuối cùng cũng chẳng làm nên cơm cháo gì…
Ý kiến của ông Phạm Minh Chính trong buổi buổi tiếp kiến ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên Thường vụ BCT:
Ông Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đánh giá cao những thành tựu thu được trong điều phối thúc đẩy bố cục chiến lược "Bốn toàn diện" của Trung Quốc cũng như những đóng góp nổi bật của Trung Quốc cho hòa bình và phát triển của khu vực và thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam sẵn sàng cùng Đảng Cộng sản Trung Quốc sâu sắc toàn diện quan hệ giữa hai Đảng, cùng dẫn dắt quan hệ Việt – Trung phát triển tốt đẹp hơn…” ( CRI )
Những ý kiến nêu trên cần cân nhắc nhất là đối với đánh giá “ những đóng góp nổi bật của Trung Quốc cho hòa bình và phát triển của khu vực và thế giới”,  giới quan sát cho rằng, ông Phạm Minh Chính phát biểu như vậy là nông nổi, xa rời thực tế và không thuộc chức trách phận sự của một Trưởng Ban tổ chức TW ?
Chuyện nóng ở Biển Đông và Đông Bắc Á và quan hệ Việt-Trung do ai nếu không phải là Trung Quốc ? Thế vai trò “ nổi bật” cho hòa bình của Trung Quốc chắc ở tận châu Phi ?
Còn cho rằng nhân tố Trung Quốc “giúp phát triển khu vực và thế giới” thì cần phải xem kỹ lại, vì hơn ai hết Việt Nam là nước  trả giá rất nhiều cho những đồng vốn đầu tư, cho các thứ hang hóa rác thải, độc hại từ Trung Quốc; Điều này nhiều chuyên gia kinh tế đã lớn tiếng…
Chả nhẽ ông Phạm Minh Chính với chức trách Bí thư Trung ương Đảng, không nhận được loại thông tin này và không quan tâm tới chúng? Trong khi Philippines, Malaixia, Campuchia, Thái Lan đang vồ vập bắt tay với Trung Quốc thì chả nhẽ Việt Nam lại coi đó là điềm lành cho quan hệ Việt-Trung ?
Việt Nam đã có hàng ngàn năm quan hệ với Trung Quốc, nhiều sứ thần của nhiều triều đại khi đi sứ sang thiên triều về đã mang về không chỉ vinh quang mà góp phần chèn, dẹp “ rút phép thông công” của những cuồng vọng xâm lăng, tham vọng hiếp đáp của các đầu lĩnh phương bắc…

P.L.T.

Viện chiến lược Mỹ nói Trung Quốc đặt vũ khí trên cả 7 đảo nhân tạo ở Biển Đông

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết Trung Quốc dường như đã đặt những vũ khí như hệ thống phòng không và chống tên lửa trên tất cả 7 đảo nhân tạo nước này xây dựng ở Biển Đông.

vien-chien-luoc-my-noi-trung-quoc-dat-vu-khi-tren-ca-7-dao-nhan-tao-o-bien-dong
Ảnh vệ tinh đá Tư Nghĩa ngày 23/11. Ảnh: AMTI
Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), chương trình thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ hôm qua cho biết họ đã theo dõi việc Trung Quốc xây dựng cấu trúc lục giác trên đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi thuộc quần đảo Trường Sa từ tháng 6 và tháng 7. 
"Hiện giờ có vẻ như các cấu trúc này là một sự nâng cấp từ các công sự phòng vệ phạm vi nhỏ đã được Trung Quốc xây dựng tại đá Gaven, Tư Nghĩa, Gạc Ma, và Châu Viên", họ nói.
Ảnh vệ tinh chụp đá Tư Nghĩa và Gaven cho thấy các thiết bị dường như là súng phòng không và hệ thống vũ khí tầm gần (CIWS) để phòng vệ trước các cuộc tấn công tên lửa hành trình. Ảnh vệ tinh chụp đá Chữ Thập cho thấy các tòa tháp có khả năng chứa radar nhắm mục tiêu, theo Reuters.
"Hệ thống súng và nhiều khả năng là các CIWS này cho thấy Bắc Kinh nghiêm túc về việc bảo vệ đảo nhân tạo họ xây dựng, trong trường hợp nổ ra xung đột vũ trang ở Biển Đông", AMTI nhận xét.
"Chúng sẽ là hàng phòng thủ cuối cùng trước tên lửa hành trình của Mỹ hoặc các bên khác", AMTI bình luận.
Giám đốc AMTI Greg Poling nói rằng tổ chức này đã dành nhiều tháng cố gắng tìm ra mục đích của các cấu trúc.
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi tự tin nói rằng chúng là hệ thống phòng không và CIWS. Chúng tôi từng không biết họ có hệ thống lớn và tân tiến như thế ở đó", ông nói.
"Đây là hành động quân sự hóa. Người Trung Quốc có thể lập luận rằng chúng chỉ phục vụ mục đích phòng thủ, nhưng nếu bạn thiết lập súng phòng không và các ụ CIWS lớn, điều đó có nghĩa là bạn đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột trong tương lai", chuyên gia nói thêm.
Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối quốc tế. Nước này bồi đắp, cải tạo 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở vật chất trái phép trên đó.
Trung Quốc từng nói rằng họ không có ý định quân sự hóa các đảo nhân tạo và việc xây dựng thiết bị quân sự trên các thực thể này sẽ giới hạn trong các yêu cầu phòng thủ cần thiết. Trong khi đó, Mỹ đã chỉ trích điều họ gọi là Trung Quốc quân sự hóa các tiền đồn trên biển và nhấn mạnh sự cần thiết của tự do hàng hải.
vien-chien-luoc-my-noi-trung-quoc-dat-vu-khi-tren-ca-7-dao-nhan-tao-o-bien-dong-1
Cận cảnh cấu trúc Trung Quốc xây dựng trên đá Tư Nghĩa. Ảnh: AMTI
Phương Vũ


600.000 người Trung Quốc chết mỗi năm do làm việc kiệt sức

Trung Quốc mỗi năm có hơn nửa triệu người tử vong do làm việc quá sức, lớn hơn cả Nhật Bản.

Nhân viên văn phòng ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: China Daily.
Nhân viên văn phòng ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: China Daily.
Số liệu thống kê cho thấy nhóm người chết vì làm việc quá sức có tuổi đời trẻ hơn và thường làm trong các ngành công nghiệp như truyền thông, quảng cáo, chăm sóc y tế và công nghệ, CCTV News ngày 11/12 đưa tin.  
Trường hợp mới nhất là một kỹ sư 24 tuổi, có thói quen làm việc quá mức, anh đã chết trong một lần làm thêm giờ. Những tin tức kiểu này không ngừng xuất hiện ở Trung Quốc vài năm qua. 
Năm ngoái, trang tin việc làm zhaopin.com cho biết hơn một nửa trong số 13.400 nhân viên văn phòng không tập thể dục trong giờ làm. Hai phần ba số người được hỏi nói họ làm thêm nhiều hơn 5 tiếng mỗi tuần. 
Áp lực cạnh tranh khốc liệt buộc nhiều người trẻ tuổi phải làm việc căng thẳng để có thu nhập và phát triển sự nghiệp. 
Làm việc quá nhiều với áp lực tinh thần có thể là nguyên nhân khiến người lao động chịu các tác động xấu cho sức khỏe, dẫn đến nhiều bệnh cấp tính.
Thiếu sự bảo vệ về mặt pháp lý cũng là nhân tố khiến người lao động không có điều kiện làm việc lành mạnh. Liên đoàn Lao động Trung Quốc quy định mỗi người chỉ phải làm việc 8 tiếng mỗi ngày, 44 tiếng mỗi tuần. Tuy nhiên, ở nhiều công ty, người không làm thêm giờ thường bị xem là lười biếng và thiếu tinh thần làm việc. 
Trang sina.com.cn khuyên người lao động tránh mệt mỏi bằng cách ăn nhiều hoa quả, rau xanh, tránh cà phê và thức ăn nhanh, ăn sáng đúng giờ, thường xuyên tập thể dục và tắm. 
Văn Việt

Không có nhận xét nào: