Tương truyền mẹ vua Tự Đức từng bị lòa mắt, đã dùng đủ thứ thuốc quý mà không khỏi cho đến khi quan lại địa phương cống tiến sâm Nam núi Dành.
Hành trình "ngậm ngải" tìm thần dược cứu mẹ vua sáng mắt
Lần theo nguồn thông tin ít ỏi thu thập được, PV Đời Sống Plus đã chuẩn bị kế hoạch cho công cuộc tìm kiếm sâm Nam núi Dành ở vùng đất thiêng. Bởi lẽ, theo người dân ở đây thông tin về sâm tiên (cách gọi khác của sâm Nam núi Dành) đã đi vào dĩ vãng từ lâu, đôi lúc rất cần nhưng giờ cũng không thể tìm đâu ra thứ thảo dược quý hiếm này.
Biết trước hành trình tìm đến với gốc sâm quý từng tiến vua sẽ không dễ dàng nhưng PV vẫn quyết tâm bắt đầu chuyến đi với nguồn tư liệu không nhiều.
Khu vực chúng tôi đến là địa điểm thuộc xã Liên Chung (Tân Yên, Bắc Giang), nơi cách trung tâm Hà Nội hơn 4 giờ đồng hồ chạy xe. Thung lũng đất thiêng này không chỉ nổi tiếng với nhiều hội đình, quần thể lăng đá Dinh Hương đồ sộ, với phong cảnh núi non hùng vĩ mà còn là nơi duy nhất ở Việt Nam sản sinh ra giống sâm quý tiến vua.
Núi Dành hay còn gọi là núi Chung Sơn cao hơn 100m so với mực nước biển. Để vào được nơi đây, chúng tôi phải băng qua nhiều cung đường hiểm trở, ngoằn ngoèo, nhỏ hẹp với những ngọn đồi nhấp nhô. Từ trên cao nhìn xuống, hai xã Việt Lập, Liên Chung như một chiếc thuyền buồm hình con thoi nằm gọn trong dãy núi.
Thung lũng này từ xưa được xem là vùng đất thiêng, hội tụ linh khí nên mới sản sinh ra hai loài thảo mộc quý là sâm Nam núi Dành và Hành Liên Bộ. Cũng chính vì vậy mà các cụ từ ngàn đời xưa đã cất nên câu ca dao khẳng định thương hiệu về miền đất này:
"Sâm Nam nổi tiếng núi Dành
Chợ đầy nhan nhản những hành Chung Sơn
Sông Thương uốn khúc lượn quanh
Cá nhiều tôm sẵn Lãn Tranh giỏi chài".
Sau nhiều giờ chạy xe, cuối cùng chúng tôi đã tìm đến “cửa ngõ” duy nhất để vào thung lũng núi Dành. Trước khi vào trong thung lũng, người viết quyết định đi một vòng quanh con đường lớn để dò hỏi thông tin bên lề về giống sâm tiên quý hiếm. Thế nhưng, khó khăn chồng chất khi sau vài chục lần hỏi thăm, chúng tôi vẫn chỉ nhận lại những cái lắc đầu cười trừ từ người dân địa phương.
Những tưởng công cuộc tìm về với gốc sâm Nam khổng lồ phải dừng lại ở đây nhưng may mắn thay, trong lúc tưởng chừng như tuyệt vọng thì chúng tôi gặp một cụ già dáng vẻ lam lũ vừa đi hái củi trên núi về. Cũng chính người đàn ông này đã giúp chúng tôi le lói hy vọng khi nhận lời dẫn đường đến nơi mà gốc sâm Nam tiến vua khổng lồ cuối cùng ở Bắc Giang đang được lưu giữ.
Thật may mắn khi ông chính là em họ của người sở hữu gốc sâm Nam có tuổi thọ hơn 100 năm ở vùng đất thiêng này. Vừa đi ông vừa nói: "Tôi tên Viêm, là em họ của ông Đăng (người sở hữu gốc sâm). Tôi lớn lên ở đây nên mới biết về nguồn gốc cây sâm Nam cổ thụ này".
Theo lời kể của ông Viêm, trước đây, đã từng có thời điểm người ta tưởng loại sâm Nam này bị tuyệt chủng vì thương lái tìm đến lùng sục thu mua một cách tận diệt. May mắn thay, qua thời gian vẫn còn một số ít hộ đem giống sâm quý về trồng và bảo tồn, nhân giống đến nay.
"Số lượng sâm Nam giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay nhưng gốc sâm khổng lồ thì có thật. Sở dĩ, ít người biết thông tin này vì người sở hữu nó không muốn lan rộng thông tin để đề phòng kẻ xấu..." - người đàn ông cho biết.
“Mục sở thị” gốc sâm Nam tiến vua khổng lồ cuối cùng
Theo chỉ dẫn, PV Đời Sống Plus đã tìm đến nhà ông Thân Hải Đăng (54 tuổi, ở thôn Đồng Sen, xã Việt Lập, Tân Yên, Bắc Giang) để tìm hiểu về gốc sâm Nam cổ có tuổi đời hơn 1 thế kỷ. Trước khi nói chuyện, ông Đăng đưa chúng tôi đến chân núi nơi ông trồng gốc sâm cổ thụ. Trên đường cuốc bộ leo núi, ông Đăng kể về cơ duyên đào được gốc sâm tiên.
Ông Đăng cho biết, ông là con út trong gia đình có 10 anh em, gia cảnh khi ông còn nhỏ rất túng bấn. Để nuôi sống cả gia đình, bố ông phải đi làm thuê quần quật cả ngày lẫn đêm, mẹ ông lên núi tìm sâm bán cho quan lớn trong vùng để đổi lấy gạo ăn qua ngày.
Ông còn nhớ, hồi đó bà ngoại dẫn mẹ ông đi biền biệt mấy ngày đêm nhưng chỉ đào được hai củ sâm quý. Củ lớn đem bán lấy tiền mua gạo, củ còn lại nhỏ quá không ai mua nên gia đình đã đem ra trồng ở một góc vườn. Gốc sâm Nam đó hiện chính là gốc sâm khổng lồ duy nhất còn sót lại trong vùng với tuổi đời hơn 100 năm.
Hồi tưởng chuyện cũ, ông kể lại: "Lúc ấy tôi còn nhỏ nhưng nhớ rất rõ hôm đó là một ngày mưa tầm tã gần cuối năm. Trong nhà không còn gì cho các con ăn nên bà ngoại và mẹ tôi đưa nhau lên núi tìm thảo dược về bán, đổi lấy gạo nấu cháo. Hai người đi cả ngày trời mới trở về với 2 gốc sâm trên tay, một củ nhỏ bằng ngón tay mới nhú lên và củ còn lại gần bằng ba ngón tay.
Chiều hôm đó, mặc dù mưa to nhưng mẹ tôi vẫn chạy đi bán để đổi lấy gạo. Thế nhưng, mẹ tôi chỉ bán được một củ to, củ còn lại họ chê nhỏ quá nên không ai mua. Sau buổi tối về dầm mưa, mẹ tôi bị sốt cao, tìm thầy chữa mấy ngày cũng chưa thấy thuyên giảm.
Đến đêm, bố tôi thấy gốc sâm nên liền cắt một nửa đem đun với nước cháo cho mẹ húp. Sau khi ăn cháo sâm, mẹ tôi ngủ một nhịp đến sáng dậy thì thấy người đã khỏe khoắn trở lại. Một phần gốc sâm còn lại được bố tôi đem ra vườn ngay sát chân núi trồng và nó sinh trưởng đến bây giờ".
Thời gian đầu, cây sâm Nam sinh trưởng kém và hay bị gà rừng đến ăn hết lá, chỉ còn lại gốc và thân. Ít năm sau, tin đồn sâm Nam núi Nam Dành "tái xuất" dần lan rộng ra khắp nơi. Một hôm, có người hàng xóm tên Dư ở xã Liên Chung (huyện Tân Yên, Bắc Giang) đem một gói kẹo bon bon sang cho các cháu rồi xin củ sâm Nam về cho người nhà đang ốm nặng. Với bản tính thương người, ông Đăng chạy ra đào đưa cho ông Dư một củ đem về.
Ít hôm sau, ông Đăng lên báo đọc thì phát hiện củ sâm do chính tay mình đào cùng người hàng xóm với tiêu đề: “Củ sâm Nam tiên từng tiến vua tái xuất ở vùng đất thiêng”. Sau đó, ông liên hệ lên chính quyền địa phương và tác giả bài báo để trình bày tường tận và đính chính về sự việc.
Nhận biết tầm quan trọng của giống sâm quý, ông Đăng không giữ cho riêng mình mà quyết định nhân giống rộng ra; đồng thời hướng dẫn một số hộ dân trong vùng trồng thêm để "hồi sinh" loại cây quý này. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm, điều kiện nên số lượng sâm cũng không gia tăng là bao.
Người đàn ông lấy làm tự hào khi dẫn chúng tôi đến thăm gốc sâm cổ thụ. Bà ngoại của ông ngày trước từng có thời gian theo học bốc thuốc nên trong lúc lên núi Dành tìm cây lá nam đã phát hiện sâm tiên, đem về trồng trước vườn trên sườn núi.
Ông cho biết, ngày còn sống, bà ngoại ông luôn dặn dò về công dụng đặc hiệu của loại sâm tiến vua này và kể cho các cháu ngọn nguồn câu chuyện sâm Nam núi Dành giúp mẹ vua Tự Đức lấy lại đôi mắt sáng. Thuở trước, những nhà giàu có trong vùng săn sâm Nam như săn vàng để làm sản vật dâng lễ lên quan lớn xin giảm tô, thuế hoặc cống tiến lên triều đình.
Trước đây, khi mới phát hiện sâm Nam trên núi Dành, người dân hùa nhau lên núi tìm và có trường hợp may mắn đào được củ sâm to như củ sắn, dài gần hai gang tay, ước chừng có tuổi thọ hơn 300 năm.
Theo truyền thuyết về sâm Núi Dành, ở một đỉnh núi nọ có hai mẹ con nương tựa vào nhau mà sống. Một hôm, người mẹ đột ngột lâm bệnh nặng nhưng nhà không có tiền chạy chữa. Nghĩ mãi không có cách gì lấy tiền mua thuốc cho mẹ, anh con trai đành tự đi lên núi tìm thuốc. Đi đến tối mịt vẫn không được gì, chàng trai ngồi nghỉ rồi ngủ thiếp đi dưới một gốc cây đại thụ lớn ở lưng chừng núi Dành.
Trong giấc mơ, chàng trai thấy mình tìm được gốc sâm cứu mẹ. Tỉnh giấc, bàn tay chàng trai vẫn nắm chặt một thân cây rất nhỏ. Đưa lên mũi ngửi, chàng mới hay mình đã tìm ra cây sâm tiên nên vội đào củ đem về sắc thuốc cho mẹ uống. Được uống sâm quý, người mẹ ít ngày sau liền khỏi ốm.
Cũng vì thế mà đã có thời kỳ, loại sâm quý này được nhân dân trong vùng dùng trong thành phần các bài thuốc dân gian và hỗ trợ chữa một số loại bệnh hiếm gặp. Ông Đăng cũng từng có thời gian bốc thuốc nên cho rằng: Sâm Nam tốt cho trẻ nhỏ ốm yếu, người ốm chỉ cần đun nước sâm lên uống sẽ giúp hạ nhiệt tức thì. Người dùng cũng có thể ngâm sâm với mật ong uống để hỗ trợ tăng sức đề kháng rất tốt. Loại sâm này còn hỗ trợ kéo dài cơn hấp hối".
(Còn nữa)
Nguồn: Trí Kiên (doisongvietnam.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét