Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

Nợ nước ngoài tăng 6,5 lần sau 14 năm; Việt Nam nợ nần đầm đìa vì ‘bóc ngắn, cắn dài’; Tập đoàn Than - Khoáng sản VN nợ hơn 100.000 tỷ đồng, mỗi ngày trả lãi 12 tỷ, lợi nhuận lao dốc


Trái phiếu do chính quyền Việt Nam phát hành. Do phát hành vô tội vạ, chi tiêu vô tội vạ nên các khoản lãi và nợ gốc phải trả càng ngày càng lớn. (Hình: TBKTSG)
Ông Ðinh Tiến Dũng, bộ trưởng Tài Chính CSVN, vừa khuyến cáo, nếu Việt Nam tiếp tục thu-chi ngân sách như thời gian vừa quà thì… “chỉ có chết”!

Bộ trưởng Tài Chính Việt Nam vừa có một buổi điều trần trước Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam về dự luật sửa đổi Luật Quản Lý Nợ Công hiện hành.

Khi được yêu cầu giải thích tại sao nợ nần của Việt Nam trong giai đoạn từ 2011 đến 2015 tăng vọt, ông Dũng nói thẳng là vì kinh tế Việt Nam không đạt được mục tiêu tăng trưởng mà vẫn phải chi cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, duy trì các mục tiêu an sinh xã hội.

Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, bộ trưởng Tài Chính CSVN trách Quốc Hội Việt Nam khóa trước đã cho phép bội chi ở mức quá cao, tổng nợ trong giai đoạn từ 2011 đến 2015 lên tới 1.4 triệu tỉ đồng, đã vậy lại còn chấp nhận trả lãi cho vốn đi vay cao (từ 11%/năm đến 13%/năm), thời gian vay lại ngắn. Cần nhắc lại rằng, ông Dũng giữ cương vị bộ trưởng Tài Chính Việt Nam từ năm 2013!

Cũng theo ông Dũng, trong những năm vừa qua, năm nào dự báo tăng trưởng kinh tế cũng sai. Chẳng hạn năm ngoái, dự báo giá trị GDP sẽ là 5.1 triệu tỉ đồng nhưng cuối cùng chỉ đạt được 4.6 triệu tỉ đồng.

Tân chính phủ CSVN với sự điều hành của ông Nguyễn Xuân Phúc trong vai trò thủ tướng đang cố gắng chứng minh gánh mà nội các cũ do ông Nguyễn Tấn Dũng điều hành để lại quá nặng.

Hồi cuối năm 2016, Bộ Tài Chính CSVN từng loan báo, tính đến cuối năm 2015, tổng nợ của chính phủ Việt Nam là 2.6 triệu tỉ đồng. Tuy chưa có số liệu chính thức về nợ nần của Việt Nam tính đến cuối năm ngoái nhưng công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), từng ước đoán, tổng nợ của chính phủ Việt Nam cho đến hết năm 2016 sẽ xấp xỉ ba triệu tỉ đồng, tương đương 64.4% GDP.

Bởi nợ nần do nội các cũ tạo ra đã quá lớn, cuối năm ngoái, Ủy Ban Tài Chính-Ngân Sách của Quốc Hội CSVN đã lắc đầu với đề nghị nâng giới hạn nợ nần của nội các mới từ 50% GDP lên 55% GDP, trong giai đoạn từ 2016 đến 2020.

Lúc đó, đa số thành viên thuộc Ủy Ban Tài Chính-Ngân Sách của Quốc Hội CSVN cho rằng, khi ngân khố “không vững chắc” thì không những phải duy trì ngưỡng an toàn nợ nần như hiện nay mà còn phải thắt chặt việc sử dụng vốn vay. Ủy ban này lưu ý, tuy Quốc Hội CSVN đã ấn định giới hạn cho nợ riêng của chính phủ trong giai đoạn từ 2011 đến 2015 là 50% GDP nhưng trong thực tế, năm 2015, nợ riêng của chính phủ đã lên tới 50.3%, khiến tỉ lệ nợ phải thanh toán đã vượt qua mức 25% tính trên tổng thu ngân sách.

Ủy Ban Tài Chính-Ngân Sách của Quốc Hội CSVN xác nhận, việc duy trì các giới hạn nợ nần là một thách thức vì trong giai đoạn 2011-2015, các chỉ số về nợ nần đều đã chạm ngưỡng được ấn định. Thậm chí nếu tính đúng, tính đủ, gộp hết các khoản vay có tính chất như nợ nần quốc gia thì nợ nần đã vượt xa ngưỡng được ấn định.

Chính phủ CSVN được nhắc nhở rằng, dù trên danh nghĩa, những khoản vay trong thời gian vừa qua của các doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi trách nhiệm của những doanh nghiệp nhà nước đó nhưng trong thực tế, nếu các doanh nghiệp nhà nước không trả được nợ thì chúng trở thành nợ dự phòng của chính phủ. Chính phủ không được phép chuyển nợ dự phòng thành nợ chính thức, không được trả nợ thay các doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra cần phải lập thống kê chi tiết để tránh tình trạng, Quốc Hội không cho phép nhưng mức độ nợ nần trên thực tế vẫn vượt giới hạn đã ấn định.

Tại buổi điều trần về dự luật sửa đổi Luật Quản Lý Nợ Công hiện hành trước UƯy Ban Thường Vụ Quốc Hội CSVN hôm 20 Tháng Ba, giống như cách nay vài năm, bộ trưởng Tài Chính vẫn chỉ thừa nhận những khoản mà chính phủ vay rồi mang về cho các doanh nghiệp nhà nước vay lại, hoặc những khoản vay mà chính phủ Việt Nam đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp mới là nợ quốc gia, chứ không gộp nợ của các doanh nghiệp nhà nước thành nợ quốc gia. Tuy nhiên theo tường thuật của báo chí Việt Nam thì Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội CSVN không yên tâm.

Tháng trước, tân chính phủ CSVN công bố chiến lược kiểm soát nợ nần, theo đó, từ nay đến 2020, chính phủ sẽ không để các khoản nợ mà họ bảo lãnh vượt qua mức 12% GDP. Tuy nhiên người ta chưa rõ chính phủ sẽ làm thế nào khi vào lúc này, các khoản tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước vay mượn được chính phủ Việt Nam đứng ra bảo lãnh đã xấp xỉ 11% GDP và nếu không được bảo lãnh để vay nợ hoặc được vay lại từ chính phủ Việt Nam, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước sẽ… tắc tử?

Với bối cảnh như vừa kể, ông Phùng Quốc Hiển, phó chủ tịch Quốc Hội CSVN, không yên tâm về dự luật sửa đổi Luật Quản Lý Nợ Công hiện hành. Ông Hiển bảo rằng, theo dự luật, vai trò “đầu mối” trong quản lý nợ nần quốc gia của Bộ Tài Chính cũng chỉ như “cộng sổ.” Khi dự luật vẫn dành quyền đi vay cho rất nhiều nơi thì cũng như một căn nhà có nhiều cửa đi vay song trả nợ thì chỉ có duy nhất một cửa. (G.Ð)

(Người Việt)


Tập đoàn Than - Khoáng sản VN nợ hơn 100.000 tỷ đồng, mỗi ngày trả lãi 12 tỷ, lợi nhuận lao dốc
(VTC News) - Ôm cục nợ hơn 100.000 tỷ đồng, cứ mỗi ngày mở mắt ra, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) phải trả lãi 12 tỷ đồng nên lợi nhuận lao dốc.
Báo cáo của Thanh tra Bộ Tài chính tiết lộ, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) nợ hơn 100.000 tỷ đồng. Như vậy, cứ mỗi ngày, TKV phải trả 12 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng.

Không chỉ vậy, đoàn thanh tra của Bộ Tài chính còn xác nhận công ty mẹ tập đoàn chưa mở tài khoản riêng tại các ngân hàng thương mại để theo dõi, hạch toán các quỹ tập trung nói trên theo yêu cầu của Bộ Tài chính.
“TKV có trách nhiệm mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại để theo dõi, hạch toán rõ ràng, đầy đủ thu chi, kết dư các quỹ tập trung, các khoản lãi phát sinh từ việc gửi tiền từ tài khoản này được hạch toán tăng nguồn các quỹ tương ứng”, Bộ Tài chính yêu cầu.
Trả lãi 12 tỷ đồng mỗi ngày
Cụ thể, theo Thanh tra Bộ Tài chính, tại thời điểm cuối năm 2015, tổng nợ phải trả của TKV lên tới 100.343 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 37.609 tỷ đồng, nợ dài hạn lên tới 62.734 tỷ đồng.

tkv

Sau mỗi đêm, TKV phải trả 12 tỷ đồng tiền lãi. 


Số liệu này cũng khớp với số liệu tài chính mà TKV đã công bố. Theo bảng cân đối kế toán hợp nhất 2015 của TKV, tổng nợ phải trả của TKV tại ngày 31/12/2015 tăng 3.898 tỷ đồng, tương ứng 4,2% so với số đầu năm.
Năm 2015, TKV tập trung cho các khoản vay dài hạn. Tổng nợ dài hạn tăng từ con số 55.532 tỷ đồng năm 2014 lên 62.734 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ ngắn hạn giảm từ con số 40.913 tỷ đồng năm 2014 xuống 37.609 tỷ đồng.
Trong đó, tiền vay ngân hàng của TKV là con số cao ngất ngưởng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tại TKV đạt 16.412 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn đạt 61.675 tỷ đồng. Như vậy, số nợ chịu lãi suất tại TKV lên tới 78.078 tỷ đồng.
Chính vì vậy, năm 2015, TKV “còng lưng” trả lãi ngân hàng. Năm 2015, TKV phải trả 3.831 tỷ đồng tiền lãi vay. Bình quân, mỗi ngày mở mắt ra, Tập đoàn này phải trả tới 10,5 tỷ đồng tiền lãi.
Tới năm 2016, TKV chưa công bố báo cáo tài chính cả năm nhưng số liệu nửa năm cho thấy, TKV vẫn chưa cải thiện được nợ nần. Tổng nợ phải trả tại tập đoàn này đã tăng 3.670 tỷ đồng lên 104.013 tỷ đồng.
Không chỉ tổng nợ phải trả tăng cao, tổng nợ vay cũng đi lên. Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016, tại thời điểm cuối quý 2, tổng nợ vay tại TKV đạt 82.135 tỷ đồng, tăng 4.057 tỷ đồng so với năm 2015.
Nợ vay tăng nên TKV tiếp tục è cổ trả lãi. Chi phí lãi vay nửa đầu năm 2016 của TKV là 2.188 tỷ đồng. Như vậy, sau 1 đêm, tập đoàn này phải trả tới 12 tỷ đồng tiền lãi.
Lợi nhuận lao dốc
Cũng như nhiều doanh nghiệp Nhà nước khác, TKV đang trong tình trạng lãi vay “ăn mòn” lợi nhuận. Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016 của TKV, lợi nhuận sau thuế trong kỳ của Tập đoàn chỉ đạt 197 tỷ đồng, giảm 669 tỷ đồng, tương ứng 77,25% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là đà giảm rất mạnh.
Có thể thấy, mức lãi 197 tỷ đồng trong nửa năm 2016 của TKV chỉ bằng 9% lãi vay. Tức là, làm được bao nhiêu, TKV phải “nuôi” ngân hàng gần hết.
Đây không phải lần đầu tiên TKV chứng kiến lợi nhuận giảm sút và lãi vay “ăn mòn” lợi nhuận. Năm 2015, lợi nhuận sau thuế của TKV chỉ đạt 472 tỷ đồng, giảm 1.646 tỷ đồng, tương ứng 78% so với năm 2014.
Video: Nhiều lãnh đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam bị bắt
Bên cạnh doanh thu giảm sâu, chi phí lãi vay cũng là cản lực của TKV. Năm 2015, TKV phải trả 3.831 tỷ đồng tiền lãi vay. Như vậy, lợi nhuận của TKV chỉ bằng 12% so với chi phí lãi vay.
Những năm trước đó, TKV cũng rơi vào cảnh ngộ lợi nhuận đi lùi, dù tốc độ khiêm tốn hơn rất nhiều so với năm 2015 và 2016.
Cụ thể, năm 2014, lợi nhuận sau thuế tại TKV đạt 2.118 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 2.321 tỷ đồng năm 2013. Trước đó, năm 2012, lợi nhuận sau thuế tại TKV là con số lớn hơn, lên tới 2.588 tỷ đồng.
Điều đáng nói, trong khi các tập đoàn khác đã công bố báo cáo tài chính theo đúng quy định thì TKV không những chưa công bố báo cáo tài chính 2016 mà còn công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016 với thông tin chưa đầy đủ.
Trong nhiều năm qua, TKV chỉ công bố bảng cân đối kế toán mà không công bố thuyết minh báo cáo tài chính.
Bảo Linh

Nợ nước ngoài tăng 6,5 lần sau 14 năm

TP - “Vay cứ vay, chia cứ chia, trả nợ cứ trả. Như thế làm sao quản lý chặt chẽ được, làm sao làm rõ trách nhiệm được? Nhu cầu chi lớn nên vay lớn. Nợ công tăng nhanh là đúng, áp lực trả nợ cao là đúng”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định như vậy tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nợ nước ngoài tăng 6,5 lần sau 14 nămBộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, nợ công tăng nhanh do điều hành.

Dự báo sai, nợ công phình lên
Ngày 20/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Theo tờ trình của Chính phủ, vấn đề quản lý nợ công đã bộc lộ một số bất cập, như nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Riêng quy mô dư nợ nước ngoài của Chính phủ đến cuối năm 2015 so với cuối năm 2001 đã tăng 6,5 lần.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc phân bổ vốn đầu tư từ nguồn vốn vay nợ công còn dàn trải và hiệu quả đầu tư chưa cao, đã phát sinh những rủi ro từ các dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ và vốn vay Chính phủ bảo lãnh dẫn đến không trả được nợ, Chính phủ phải trả nợ thay. Thực tế trên là do nhận thức về nợ công hạn chế, phần nào vẫn còn tâm lý “bao cấp” từ nhà nước, nhất là vốn ODA và trái phiếu Chính phủ.
Theo Tờ trình của Chính phủ: Chỉ tính riêng quy mô dư nợ nước ngoài của Chính phủ đến cuối năm 2015 so với cuối năm 2001 đã tăng 6,5 lần, tập trung vào ba nhà tài trợ chính: Ngân hàng Thế giới tăng 11,5 lần, Ngân hàng Phát triển châu Á tăng 20,3 lần, Nhật Bản tăng 6,8 lần.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã nêu hàng loạt vấn đề đang tồn tại quanh câu chuyện nợ công hiện nay. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu: Luật sửa đổi lần này có giải quyết được những bất cập mà Chính phủ vừa đề cập không? Từ khi có luật (năm 2009) đến nay, lẽ ra phải hạn chế, nhưng vì sao nợ công lại tăng nhanh như vậy? Cách tính nợ công thế nào, kinh nghiệm từ quốc tế ra sao, có giống cách tính của ta không?
Giải trình những bất cập vừa nêu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, nợ công tăng nhanh trước tiên do điều hành. Chi tiêu thì quyết theo nhu cầu, nhưng tăng trưởng kinh tế không đạt như dự báo. Năm 2016, kế hoạch tăng trưởng kinh tế là 6,7%, thực tế chỉ đạt 6,21%. GDP được xác định làm mẫu số để tính các chỉ số nợ công, bội chi được cơ quan dự báo đưa ra 5,1 triệu tỷ đồng, song con số thực chỉ đạt 4,5 triệu tỷ đồng. Dự báo tăng trưởng sai, chẳng năm nào đúng, dẫn đến nợ công cứ tăng lên.
“Vay cứ vay, chia cứ chia, trả nợ cứ trả. Như thế làm sao quản lý chặt chẽ được, làm sao làm rõ trách nhiệm được? Nhu cầu chi lớn nên vay lớn. Nợ công tăng nhanh là đúng, áp lực trả nợ cao là đúng”, ông Dũng cho hay.
Một cửa trả nợ, ba cửa vay
Một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi điều chỉnh nợ công. Dự thảo luật quy định, nợ công bao gồm nợ Chính  phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương. Tuy nhiên lại có ý kiến đề nghị bổ sung vào phạm vi nợ công các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), nợ vay của Ngân hàng Nhà nước... Bởi trên thực tế, nhiều “ông lớn” như Vinashin, Vinalines trước đây vay nợ, rồi khi tái cơ cấu, Chính phủ vẫn là người đi trả nợ thay.
Không đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, nếu đưa nợ của DNNN cũng là nợ công thì “tính nguy hiểm” sẽ cao. Bởi khi có Chính phủ bảo lãnh, lo trả nợ cho rồi họ sẽ làm bừa, làm ẩu. Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, tỷ lệ nợ công hiện đã áp trần 65% GDP. Nếu bây giờ cộng thêm số nợ từ DNNN vào thì tỷ lệ nợ công có còn là 65% nữa hay không? Mặt khác nợ DNNN còn được điều chỉnh bằng nhiều luật khác nữa, nếu đưa hết vào thì phạm vi nợ công không rõ ràng.
Qua khảo sát 40 nước trên thế giới, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, hầu hết các nước đều không tính nợ DNNN vào nợ công. Như Vinashin, nếu cho phá sản thì Chính phủ chỉ chịu phần đã bảo lãnh. Nhưng do chủ quan nên đề án tái cơ cấu một số khoản không phải Chính phủ bảo lãnh vẫn đưa vào nợ của Chính phủ.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị tiếp tục làm rõ phạm vi điều chỉnh của nợ công, nên giữ nguyên như cũ hay mở rộng ra với cả DNNN, các khoản nợ tạm ứng trước, nợ xây dựng cơ bản... Trước tình trạng cắt khúc, quản lý nợ công không theo hệ thống, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ việc bảo lãnh, vay về cho vay lại. 
Trong bối cảnh “nhà chỉ có một cửa trả nợ mà tới vài ba cửa vay”, ông Hiển lưu ý, đi vay không chỉ là trả nợ, mà còn phải tính đến hiệu quả trong việc sử dụng vốn vay. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình dự án ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 3 tới.
Thành Nam

Không có nhận xét nào: