Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

Việt Nam 'tự vệ' trước thép Trung Quốc

Công nhân đang làm việc tại một nhà máy thép ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Thép giá rẻ và thép dài của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Việt Nam, gây ra những thiệt hại không thể khắc phục.
Công nhân đang làm việc tại một nhà máy thép ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Thép giá rẻ và thép dài của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Việt Nam, gây ra những thiệt hại không thể khắc phục.
Bộ Công Thương Việt Nam vừa loan báo sẽ tăng mạnh mức thuế áp đặt trên thép nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc. Đây là một trong những “biện pháp tự vệ tạm thời” mà Việt Nam liên tục đưa ra trong thời gian gần đây để bảo vệ doanh nghiệp trong nước, sau đánh giá cho thấy thép giá rẻ và thép dài Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Việt Nam, gây ra những thiệt hại không thể khắc phục cho Việt Nam.

Số liệu của Bộ Công thương cho biết chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu thép chủ yếu từ Trung Quốc lên tới hơn 1,53 triệu tấn, tăng 7,6% về số lượng và 61,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, sắt thép phế liệu được xếp vào diện bị kiểm soát gắt gao, nhưng do chi phí nhập sắt thép phế liệu vào Việt Nam rẻ hơn mua phôi luyện thép, nên mặt hàng này vẫn chiếm khối lượng lớn nhập khẩu. Ước tính mỗi ngày có hơn 10.000 tấn sắt thép phế liệu được nhập vào Việt Nam.

Ngoài ra, các chủng loại thép nhập khẩu từ Trung Quốc cũng bị nghi ngờ khai man để trốn thuế.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương Việt Nam, cho biết: “Thép Trung Quốc đã tràn vào Việt Nam với quy mô rất lớn. Trong đó có hiện tượng người ta kê khai không chính xác, thí dụ một số thép có hàm lượng chất Bo rất thấp, nhưng họ khai đó là thép hợp kim cao cấp nên trốn được thuế. Vì vậy nên các doanh nghiệp thép của Việt Nam chịu sự cạnh tranh bất bình đẳng”.

Chính vì vậy, một trong những "biện pháp tự vệ” mà Việt Nam đưa ra là xác định rõ các loại thép và đánh thuế thích hợp.

Theo thông báo của Bộ Công thương, bắt đầu từ ngày 22/3, Việt Nam sẽ áp dụng tăng thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép nhập vào Việt Nam là 21,3% (so với mức trước đây chỉ từ 4,64 – 6,78%) và với thép dài là 13,9%.

Vietnamnet cho biết quyết định tăng thuế được Thủ tướng Việt Nam ban hành sau một cuộc điều tra kéo dài của Bộ Công thương, bắt đầu từ ngày 25 tháng 12 năm 2016, sau những than phiền của các nhà sản xuất thép trong nước. Các công ty tư nhân Việt Nam nói các nhà sản xuất thép Trung Quốc đang bán phá giá với giá thấp hơn giá trị thực tế, gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng.

Sản lượng thép dư thừa của Trung Quốc trong những năm gần đây đã dẫn đến những cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước châu Âu. TS. Lê Đăng Doanh nói vì vậy, việc Trung Quốc tận dụng láng giềng Việt Nam để tiêu thụ thép dư thừa cũng là điều dễ hiểu. Mặc dù vậy, chuyên gia kinh tế của Việt Nam đánh giá các biện pháp tự vệ của Việt Nam hiện nay là vẫn còn quá “hiền” và “chậm”.

Ông nhận xét: “Việt Nam cho đến nay đã hội nhập rất sâu, tích cực ký kết các hiệp định thương mại tự do. Nhưng các biện pháp phòng vệ của Việt Nam còn thấp và ít được vận dụng”.

TS. Lê Đăng Doanh cũng nhắc nhở một khi Việt Nam áp dụng các biện pháp tự vệ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác, thì doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tuân thủ “luật chơi” đã định cho các nước khác.

“Đấy là điều mà Việt Nam phải chuẩn bị và cân nhắc kỹ trước khi áp dụng các biện pháp này, thí dụ như tăng tiêu chuẩn về độ vệ sinh an toàn thực phẩm, hàm lượng các hóa chất hoặc các yêu cầu khác”, TS. Lê Đăng Doanh nói thêm.

Theo Vietnamnet, sau khi Việt Nam thông báo áp dụng biện pháp tự vệ, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã bày tỏ bất bình với mức thuế cao và nói rằng mức giá của họ là công bằng và không hề vi phạm luật thương mại. Theo các doanh nghiệp Trung Quốc, vấn đề bắt nguồn từ nhu cầu thấp, sự yếu kém của kinh tế toàn cầu và các sản phẩm kém chất lượng.

Khánh An

(VOA)

Không có nhận xét nào: