Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

RFI: Tầu khu trục Mỹ lại tuần tra ở Hoàng Sa; TQ nói điều tàu chiến, máy bay "cảnh cáo và trục xuất" chiến hạm Mỹ tuần tra ở Hoàng Sa


Hải Võ | 

TQ nói điều tàu chiến, máy bay "cảnh cáo và trục xuất" chiến hạm Mỹ tuần tra ở Hoàng Sa
Bà Hoa Xuân Oánh (Ảnh: MFA China)

Chính phủ Trung Quốc ngày 11/10 lên tiếng về thông tin tàu khu trục USS Chafee của Mỹ tuần tra khu vực quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam, vào hôm qua.



Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh nói tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Chafee của Mỹ đã tiến vào vùng biển gần các đảo ở quần đảo Hoàng Sa (hiện bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép-PV) khi "chưa được sự chấp thuận của chính phủ Trung Quốc".
Bà Hoa tuyên bố, "phía Trung Quốc đã ngay lập tức điều chiến hạm và máy bay chiến đấu để kiểm tra, nhận diện, đồng thời cảnh cáo và trục xuất tàu Mỹ".
Theo thông tin bổ sung từ Bộ quốc phòng Trung Quốc, quân đội nước này đã điều động tàu hộ vệ tên lửa Huangshan cùng hai chiến đấu cơ J-11B và một trực thăng Z-8 để phản ứng trước sự xuất hiện của tàu Mỹ.
Bà Hoa Xuân Oánh cảnh báo Mỹ "chấm dứt những hành động sai lầm tương tự", và cho biết Bắc Kinh đã "giao thiệp nghiêm khắc với phía Mỹ". Còn Lầu Bát Nhất nói Quân giải phóng nhân dân (PLA) sẽ tăng cường xây dựng cơ sở phục vụ tác chiến trên biển và trên không "nhằm vào các hành động thách thức lặp lại của Mỹ".
Trước đó, theo tin từ Reuters, tàu USS Chafee đã thực hiện cuộc tuần tra tự do hàng hải theo định kỳ gần các đảo đá ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hôm 10/10.
Các quan chức chính phủ Mỹ nói rằng hoạt động trên nhằm thách thức "những yêu sách quá mức" về chủ quyền mà Trung Quốc đang áp đặt một cách phi lý ở quần đảo này.
Video tạm dừng
Mỹ tìm đối tác tuần tra chung trên Biển Đông
theo Thời đại

Tầu khu trục Mỹ lại tuần tra ở Hoàng Sa

mediaTầu khu trục USS Chafee.Wikimedia
Ngày 10/10/2017, một tầu khu trục của Hải Quân Mỹ đã tiền gần quần đảo Hoàng Sa, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng, tại vùng Biển Đông. Sự kiện trên diễn ra trong bối cảnh chính quyền của tổng thống Donald Trump đang tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc để đối phó với chương trình phát triển hạt nhân và vũ khí đạn đạo của Bắc Triều Tiên.




Hãng tin Reuters, trích nguồn tin ẩn danh từ ba sĩ quan Hải Quân Mỹ, cho biết tầu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Chafee, thay thế USS John McCain bị hỏng, đã tiến hành các hoạt động tuần tra bình thường, thách thức « những yêu sách hàng hải quá đáng » của Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa, trong đó có nhiều đảo nhỏ và bãi cạn đang tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng.
Tuy nhiên, theo Reuters, hoạt động tuần tra lần này không mang tính « khiêu khích » như các chiến dịch trước đó, kể từ khi tổng thống Trump nhậm chức vào tháng 01/2017. Tầu USS Chafee chỉ tiến gần các đảo ở Hoàng Sa. Trong khi đó, vào tháng 08/2017, tầu khu trục USS John McCain đã tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của Đá Vành Khanh (Mischief Reef), bị Trung Quốc chiếm giữ ở Trường Sa.
Đây là hành động bảo vệ tự do hàng hải lần thứ tư của chính quyền Trump để phản đối những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc hạn chế quyền tự do hàng hải trong vùng Biển Đông chiến lược.
Bộ Quốc Phòng Mỹ không bình luận trực tiếp về hoạt động trên, nhưng cho biết Hoa Kỳ đã tiến hành các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải và tiếp tục làm như vậy trong tương lai.
Hạm trưởng, hạm phó USS John McCain bị cách chức
Chỉ huy tầu khu trục USS John McCain, trung tá Alfredo J. Sanchez, và chỉ huy phó Jessie L. Sanchez đã bị bãi nhiệm ngày 11/10/2017 liên quan đến vụ va chạm ngày 21/08/2017 với một tầu chở dầu gần Singapore khiến 10 người chết và 5 người bị thương. Theo thông báo của Hạm Đội 7 Hải Quân Mỹ, « vụ va chạm trên có thể ngừa trước được. Chỉ huy tầu đã phán đoán kém và chỉ huy phó đã thể hiện kém khả năng lãnh đạo trong chương trình huấn luyện của tầu ».
Anh sẽ không tiến hành các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông
Trả lời hãng tin Úc Fairfax Media ngày 10/10/2017, bên lề hội nghị của đảng Bảo Thủ ở Manchester, bộ trưởng Quốc Phòng Anh Michael Fallon khẳng định các chiến đấu cơ Typhoon của Anh đã bay trên vùng Biển Đông vào năm 2016 và sẽ tiếp tục hoạt động này. Tuy nhiên, Anh Quốc không có ý định tiến hành các hoạt động đặc biệt ở Biển Đông, như Hoa Kỳ đang làm.
Vẫn liên quan đến vùng Biển Đông, tầu sân bay Adelaide và chiến hạm HMAS Darwin của Hải Quân Úc đã đến Philippines ngày 10/10/2017 để tham gia loạt huấn luyện quân sự chung tại vùng biển Indo-Thái Bình Dương mang tên « Indo-Pacific Endeavour 2017 » kéo dài 5 ngày.
Trang Philstar, trích phát biểu của thuyền trưởng Jonathan Earley, cho biết chuyến thăm lần này thể hiện cam kết của Úc trong việc ủng hộ an ninh và ổn định trong vùng. Đợt huấn luyện diễn ra tại vịnh Subic, tập trung chủ yếu vào các hoạt động nhân đạo và cứu hộ trong trường hợp thảm họa.

Không có nhận xét nào: