Giai đoạn tham gia Ủy ban Giám sát Đình chiến tại Sài Gòn năm 1968 được cho là lúc một sỹ quan quân báo của cộng sản Ba Lan, Ryszard Kuklinski tiếp xúc lần đầu với CIA ở Sài Gòn.
Đại tá Kuklinski sau được coi là 'gián điệp số một' Hoa Kỳ có được trong khối Hiệp ước Warsaw.
Ở cương vị Trưởng ban Kế hoạch Bộ Tổng tham mưu quân đội Ba Lan và trợ lý cho Đại tướng Wojciech Jaruzelski, ông đã chuyển các kế hoạch phòng thủ chiến lược bí mật nhất của Liên Xô cho CIA từ 1972 đến 1981, và để lại nhiều tranh cãi.
Nhiều năm sau khi chế độ XHCN tan rã, dư luận vẫn chia rẽ về ông, một số coi ông là kẻ phản bội tổ quốc, một số khác coi ông là anh hùng.
Hồi ông qua đời năm 2004 tại Mỹ, các báo Anh gọi ông là "điệp viên thời Chiến tranh Lạnh nổi tiếng nhất của Ba Lan" (Poland's most famous Cold-War spy).
Vụ chạy trốn hồi tháng 11/1981 của ông Kuklinski sang Mỹ đã được mô tả khá kỹ trong cuốn 'A Secret Life: The Polish Colonel, His Covert Mission, And The Price He Paid to Save his Country' (2009) của Benjamin Weiser.
Benjamin Weiser đã ghi lại lời phỏng vấn Kuklinski nói ông phải phản bội nước Ba Lan cộng sản vì lý tưởng chống lại Liên Xô.
Kuklinski nói về sếp cũ, Tướng Jaruzelski là "kẻ cơ hội" và đã chuẩn bị Thiết quân luật từ lâu trước ngày thực hiện vào tháng 12/1981.
Ông Kuklinski cho rằng cơ hội giải phóng Ba Lan khỏi "sự chiếm đóng của Liên Xô" coi như không còn nên ông phải bỏ đi.
Nhưng những người phê phán ông nói Kuklinski từng làm gián điệp cho Liên Xô trước khi làm cho Mỹ, và đã nhận nhiều tiền từ CIA.
Cuộc gặp ở Sài Gòn dịp Tết Mậu Thân
Trong cuộc đời còn nhiều bí ẩn về đại tá Ryszard Kuklinski, giai đoạn ông có mặt ở Sài Gòn trong Cuộc chiến Việt Nam được cho là quan trọng.
Benjamin Weiser cho rằng nhờ làm bạn với các quân nhân người Mỹ nói tiếng Ba Lan tại Sài Gòn, ông đã hiểu ra thế nào là Phương Tây, và thay đổi quan điểm.
Sau cuốn sách của Weiser, có thêm một cựu lãnh đạo quân độ Ba Lan, xác nhận cho rằng vụ "chiêu mộ Kuklinski" hoặc ít ra là tiếp xúc ban đầu của Hoa Kỳ với ông, có thể đã xảy ra đúng trận Mậu Thân 1968.
Trung tướng Franciszek Puchala, nguyên phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Ba Lan, đã biết ông Kuklinski từ thập niên 1980.
Năm 2014, khi đã nghỉ hưu, ông Puchala ra cuốn sách: "Gián điệp CIA ngay trong Bộ Tổng tham mưu Ba Lan. Ryszard Kuklinski gần hơn với sự thực (Szpieg CIA w Polskim Sztabie Generalnym. Ryszard Kukliński bliżej prawdy), để bác bỏ "huyền thoại yêu nước" của đồng cấp cũ.
Nói chuyện với báo Gazeta Pomorska, Tướng Franciszek Puchala kể lại:
"Tôi gặp Kuklinski lần đầu vào tháng 3/1980 khi tôi được thuyên chuyển từ Quân khu duyên hải ở Bydgoszcz đến Cục Tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh tại Warsaw. Khi đó, Kuklinski đã là trưởng Ban Kế hoạch - Tác chiến trong Cục và đó là nơi tập trung mọi thông tin, hồ sơ phức tạp nhất liên quan đến Quân đội Ba Lan, hệ thống phòng thủ quốc gia Ba Lan. Đó cũng là nơi soạn ra các văn bản, tài liệu về sự tham gia của Ba Lan trong khối Hiệp ước Warsaw..."
Cuốn sách của Tướng Puchala, người có hiểu biết sâu về cơ chế hoạt động của quân đội Ba Lan qua hai thời kỳ cộng sản và dân chủ, nêu ra nhiều chi tiết về hoạt động của ông Kuklinski trong Ủy ban Đình chiến tại Việt Nam.
Tướng Puchala không đồng ý với nhiều đoạn trong sách của Benjamin Weiser về 'động cơ chính trị' khiến Kuklinski theo Mỹ nhưng xác nhận câu chuyện ở Sài Gòn.
"Giai đoạn rất thú vị chính là thời gian Kuklinski ở Việt Nam...Chuyến đi của ông ta (11/1967-05/1968) khi đó mang hàm trung tá, tham gia Ủy ban Đình chiến Quốc tế tại Việt Nam được sự đồng ý của cả Tổng Cục I là tổng cục tác chiến, và Tổng Cục 2 - tức Quân báo thuộc Bộ Tổng Tham mưu.
Chính lời Kuklinski kể lại với Weiser thì trong đêm quân Bắc Việt Nam mở cuộc Tổng tiến công "Tết" tháng 1/1968, Kuklinski có mặt trên nóc khách sạn của người Mỹ để quan sát chiến sự. Một người Mỹ mà sau Kuklinski nghi là nhân viên CIA, đột nhiên bước đến hỏi chuyện bằng tiếng Ba Lan. Hóa ra ông ta là người gốc Ba Lan. Kuklinski làm quen và sau có nhờ người này mua cho một món hàng tại cửa hàng Mỹ ở Sài Gòn..."
Nhưng đến mùa Thu 1972, Kuklinski nói với vợ rằng trong chuyến đi nghỉ hè trên du thuyền ở Tây Đức, ông ta gặp lại mấy "bạn Mỹ" là quân nhân quen ở Sài Gòn..."
Cho đến nay, nhiều nguồn tài liệu về Kuklinski và hoạt động cho CIA của ông vẫn chưa được Hoa Kỳ giải mật nhưng Tướng Franciszek Puchala tin rằng năm CIA đã quan tâm đến sỹ quan người Ba Lan ngay ở Sài Gòn, và đến 1972 thì ông ta chính thức làm việc cho họ.
"Năm 1972, khi Kuklinski được cho là bắt đầu đề nghị hợp tác với quân báo Mỹ thì hóa ra CIA đã thu thập khá nhiều tin tức, tiểu sử và hoạt động của Kuklinski trong các năm 1967-68, khi ông ta làm việc trong Ủy ban Đình chiến tại Việt Nam", theo Tướng Franciszek Puchala.
Cuốn sách của Benjamin Wieser thì nói đến một chi tiết thú vị là nhờ sống ở Sài Gòn nên ông Kuklinski rời thành phố này với cảm giác Phương Tây không "đồi trụy" và xấu xa như các quan chức Liên Xô và Ba Lan vẫn nói.
Ba Lan trong Ủy ban Giám sát Đình chiến
Ủy ban Quốc tế về Kiểm soát và Giám sát Đình chiến Việt Nam (International Commission for Supervision and Control in Vietnam), là cơ chế có thẩm quyền khá rộng, gồm các đoàn Ấn Độ, Canada và Ba Lan bắt đầu làm việc tại Hà Nội vào tháng 9/1954.
Nhưng từ giữa năm 1959, họ chuyển trụ sở vào Sài Gòn.
Ủy ban có ba thành viên dân sự có chức vụ đại sứ hoặc tương đương, các cấp phó và có tiểu ban chính trị và quân sự.
Con số nhân viên và sỹ quan mỗi nước cử sang theo chế độ luân phiên là khá đông.
Cộng hòa Nhân dân Ba Lan đã cử sang Việt Nam 160 người chỉ trong các năm đầu tiên, và hai phần ba là sỹ quan quân đội, theo trang của Bộ Quốc phòng Ba Lan.
Tài liệu này viết vào tháng 12/1965, sau khi Ấn Độ công nhận miền Bắc (VNDCCH), chính quyền Sài Gòn yêu cầu đoàn Ấn Độ rời đi và họ chuyển ra Hà Nội.
Tại Sài Gòn chỉ còn lại phái bộ 36 người của Canada và Ba Lan, trong đó người Ba Lan có 5 sỹ quan và 16 nhân viên, quan chức dân sự.
Người Ba Lan phải hoạt động trong môi trường thù địch, theo nhận xét của Bộ Quốc phòng Ba Lan.
Một người Ba Lan khác, đại sứ Mieczyslaw Maneli, hai lần đến Việt Nam để làm việc trong phái bộ Ba Lan thuộc Ủy ban Giám sát Đình chiến, đã từng tiếp xúc với cả ông Phạm Văn Đồng của miền Bắc và Ngô Đình Nhu của miền Nam để nêu ra một đề nghị 'đối thoại Hà Nội - Sài Gòn'.
Nhưng ông Maneli cũng không thể biết là một thành viên khác của phái bộ Ba Lan, Kuklinski đã có ý tưởng chạy theo phía Mỹ khi ở Sài Gòn.
Điều đáng chú ý là ông Kuklinski và nhiều sỹ quan, quan chức Ba Lan sang Việt Nam đã không biết tiếng Anh.
Vì thế, các tài liệu nói Hoa Kỳ chọn một số nhân viên gốc Ba Lan sang Sài Gòn theo dõi và thu thập tin tức từ nhóm người Ba Lan làm việc trong Ủy ban Đình chiến.
Một nhân vật khác có liên quan đến Ba Lan chính là Theodore Shackley, trưởng trạm CIA ở Nam Việt Nam.
Có mẹ người Ba Lan, ông ta nói giỏi thứ tiếng này và từng chiêu mộ gián điệp Ba Lan cho Mỹ ở Tây Berlin sau Thế Chiến.
Nhưng sau khi Ryszard Kuklinski đã về nước thì 'Ted' Shackley mới từ Lào đến Sài Gòn cuối năm 1968 và phụ trách chiến dịch Phượng Hoàng khét tiếng.
Các hoạt động của phái đoàn Canada và Ba Lan chấm dứt ngày 27/01/1970, cùng với việc ký kết Hiệp định Paris và việc bổ nhiệm một Ủy ban Đình chiến mới.
Kuklinski 'có công đưa Ba Lan vào Nato'?
Sau khi ở Việt Nam về, ông Kuklinski sang Moscow học tại Học viện Quân sự Voroshilov nổi tiếng của Liên Xô năm 1974, và càng trở thành người được tin cậy.
Nhưng lúc đó, ông đã là gián điệp cho Mỹ.
Đại tá Kuklinski đã chuyển cho Hoa Kỳ hơn 35 ngàn trang tài liệu mật đa số bằng tiếng Nga, về các kế hoạch quân sự chi tiết của phe cộng sản do Liên Xô dẫn đầu.
Năm 1981 ông cùng vợ và hai con được CIA đưa ra khỏi Ba Lan, gây cơn sốc cho toàn bộ quân đội Ba Lan và khiến Moscow giận dữ.
Tháng 5/1984, ông bị toà án binh Ba Lan xử tử hình vắng mặt.
Sau khi chính trị khu vực thay đổi và Warsaw trở thành đồng minh của Washington, án tử hình cho Kuklinski bị xóa năm 1995.
Tháng 4/1998, ông Kuklinski trở về Ba Lan lần đầu sau nhiều năm nhưng sự đón nhận không hoàn toàn tích cực.
Ngoài một số người coi ông là anh hùng, những người khác vẫn coi ông là kẻ phản bội lời thề của quân nhân.
Quân đội Ba Lan thời XHCN bị lên án vì Thiết quân luật nhưng cũng được ủng hộ khá cao vì truyền thống tôn trọng quân nhân, bất kể họ mang quân phục gì.
Bản thân Đức Giáo hoàng John Paul II khi về thăm tổ quốc năm 1979 đã nghiêng mình chào lá quân kỳ của Quân đội cộng sản Ba Lan.
Tổng thống dân chủ Lech Walesa, cựu lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết đã từ chối không tha bổng cho ông Kuklinski.
Tướng Franciszek Puchala nay cho rằng câu chuyện Mỹ trả công cho hoạt động của Kuklinski bằng cách mời Ba Lan vào Nato năm 1999 chỉ là "huyền thoại".
Ông tin rằng Ba Lan trở lại thành đồng minh của Phương Tây là nhờ biến đổi địa chính trị, nhờ Công đoàn Đoàn kết, Đức Giáo hoàng John Paul II chứ không phải nhờ các điệp vụ của riêng ông Kuklinski.
Dù vậy, cựu cố vấn an ninh của Tổng thống Jimmy Carter, giáo sư Zbigniew Brzezinski, có vẻ nói chính xác khi gọi đại tá Ryszard Kuklinski là "sỹ quan Ba Lan đầu tiên trong Nato".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét