Bùi Hải |
Nếu để ý sẽ thấy có 1 kỷ lục: Cả phiên tòa xử ông Thăng, ông Thanh chỉ có một bị cáo duy nhất đại diện cho phái yếu. Nhưng lạ thay, đó lại là phiên tòa trình diễn nhiều nước mắt nhất, nhiều lời cầu xin nhất và nhiều hoàn cảnh éo le nhất.
Nếu điểm lại các từ khóa được bị cáo dùng để nói những lời sau cùng, thì không khó nhận ra sự giống nhau đến ngạc nhiên.
Trịnh Xuân Thanh (Nguyên chủ tịch PVC): Thương vợ nuôi 3 con nhỏ rất vất vả bên Đức. Sụt cân. Không còn cơ hội chăm sóc bố mẹ nữa. Xin lỗi bác Tổng Bí thư. Xin sang Đức chăm sóc vợ con. Cảm ơn cán bộ trại giam. Hối hận. Xin lỗi. Khóc. Xin khoan hồng.
Vũ Đức Thuận (Nguyên TGĐ PVC): Bố tham gia kháng chiến. Bố vợ là liệt sĩ. Khóc hơn 1 phút. Hối hận. Xin lỗi. Xin khoan hồng.
Nguyễn Mạnh Tiến (Nguyên Phó TGĐ PVC): Sức khỏe vợ không tốt, hai lần lên bàn mổ. Con mắc bệnh hiểm nghèo. Hối hận. Xin lỗi. Khóc. Xin khoan hồng.
Phạm Tiến Đạt (Nguyên kế toán trưởng PVC): Bố mất sớm. Mẹ suy giảm sức lao động, suy thận, mắt kém. Vợ hai lần mổ, sức khỏe yếu. Cảm ơn cán bộ trại giam. Khóc. Xin khoan hồng.
Nguyễn Anh Minh (Nguyên Phó TGĐ PVC): Con nhỏ dại. Một anh trai vừa mất. Một anh trai khác hiếm muộn. Không còn cơ hội phụng dưỡng bố mẹ già. Khi cải tạo về sợ hai con không nhận ra bố. Hối hận. Xin lỗi. Khóc. Xin khoan hồng.
Nguyễn Quốc Khánh (Nguyên Phó TGĐ PVN): Bản thân nhiều bệnh tật. Là con duy nhất. Mẹ già 80 tuổi. Xin được tại ngoại ăn tết với mẹ. Hối hận. Xin lỗi. Xin khoan hồng.
Đinh La Thăng (Nguyên Chủ tịch PVN): Vợ đẻ hai con cũng không có nhà vì đi công trường. Tết luôn phải đi công trường. Bố bị bệnh hiểm nghèo. Cháu ngoại hỏi ông sao chưa về. Xin về nhà ăn Tết và chăm sóc bố. Hối hận. Xin lỗi. Khóc. Xin khoan hồng.
Có một chi tiết rất hay là bị cáo nữ duy nhất trong phiên tòa Lê Thị Anh Hoa, khi được nói lời cuối cùng dù vẫn nghẹn ngào, lại không xin giảm án cho mình, mà xin giảm cho chồng.
Bị cáo bị ung thư tuyến giáp giai đoạn 3 này đã xin cho Nguyễn Thành Quỳnh được khoan hồng để có thể về chăm sóc con nhỏ.
Tôi tin là trong những giọt nước mắt kia, có phần trăm thật sự của sự đau đớn, hối lỗi, mềm yếu. Nhưng việc nhắc lại rất nhiều lần gia cảnh éo le như một lá bùa, lại ảnh hưởng đến sự nguyên chất của nước mắt.
Xét về mặt hiệu ứng tâm lý, nước mắt là thứ có thể lây lan. Nhiều người sẽ rơi nước mắt chỉ vì thấy nhiều người khác đồng loạt sụt sùi, dù bản thân họ không có gì đáng khóc.
Tôi không phải người trong cuộc, nên lý trí tôi không rõ ở phiên tòa này, nước mắt có lây lan một cách nhất quán hay không, nhưng cảm xúc của tôi thì lại mách bảo một điều khác.
Giữa rất nhiều nước mắt sụt sùi của các đấng nam nhi đã từng rất quyền lực, tôi chỉ thấy lòng chùng xuống, khi thấy Hoa nghẹn ngào khi xin giảm án cho chồng.
Trong rất nhiều bình luận nghiêng ngả của độc giả, cảm xúc của tôi cũng mách bảo để dừng lại khá lâu trước 4 ý kiến.
Người thứ nhất đã nhận xét về phiên xử hôm qua bằng một câu ngắn gọn "màn trình diễn của lời cầu xin và nước mắt".
Người thứ 2 tự nhủ: "Cũng có thể các hoàn cảnh éo le ấy là có thật, nhưng nếu là tôi, tôi sẽ không đem tất cả điều đó phơi bày trước tòa để cầu viện tình thương. Làm thế, những người thân của họ lại đau thêm một lần nữa".
Người thứ 3 đưa ra một câu hỏi: "Đọc thấy tình cảm của các ông với gia đình mà ứa nước mắt. Cũng ngày này năm xưa, chúng tôi còn không biết Tết này mua được gì cho gia đình, mấy đứa nhỏ chúng nó có manh áo mới không? Thậm chí có những lúc chẳng biết có đủ tiền về quê ăn Tết với bố mẹ không? Chúng tôi cũng có gia đình, ông biết không?".
Người thứ 4 thở dài: "Những ai không bị tắc tuyến lệ thì đều biết chảy nước mắt. Có mấy loại nước mắt: Nước mắt khiến người ta mạnh mẽ hơn hoặc nước mắt khiến họ hèn nhát đi. Nước mắt giúp người rơi lệ được cảm thông hơn và nước mắt khiến kẻ khóc bị xấu xí đi.
Khóc vào lúc nào và khóc vì cái gì là rất quan trọng. Chỉ mong họ nghĩ đến nước mắt của bao người khác trước khi định nhúng chàm".
theo Trí Thức Trẻ
Ảnh các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN
Những điểm đặc biệt trong phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm
Hoàng Đan |
Trong phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm đã có rất nhiều bị cáo khóc, nghẹn ngào trong phần tự bào chữa, nói lời sau cùng cũng như rất nhiều lời cảm ơn.
Phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm trong 10 ngày qua đã có những tình tiết đặc biệt nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội mà ở một số vụ "đại án" xử "bầu" Kiên, Dương Chí Dũng, Hà Văn Thắm... chưa có hoặc không xuất hiện.
Tươi tỉnh, thậm chí cười khi rời tòa
Mặc dù căng thẳng, mệt mỏi trong phiên xử nhưng sau phiên xử các bị cáo trong vụ án này lại tươi tỉnh và thậm chí cười khá tươi khi chuẩn bị bước lên, ngồi trên ôtô rời tòa.
Chiều ngày 11/1, tại phiên xét xử ngày thứ 4, Viện kiểm sát đã đọc bản luận tội, trong đó, đề nghị mức án 14-15 năm tù với bị cáo Đinh La Thăng và các cấp dưới, trong đó, nặng nhất với mức án chung thân cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh.
Tuy nhiên, sau phiên xử này, khi ngồi trên ôtô rời tòa bị cáo Đinh La Thăng đã cười khá tươi còn bị cáo Trịnh Xuân Thanh khi chuẩn bị được đưa vào xe chuyên dụng rời tòa tỏ vẻ khá tươi tỉnh.
Tại nhiều buổi, trước khi phiên tòa bắt đầu, ngồi hàng đầu ở hàng ghế bị cáo trong phòng xử, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cũng nhiều lần tươi cười, tỏ ra rất thoải mái trao đổi với luật sư bào chữa, người thân có mặt trong phòng.
Hay trong quá trình dẫn giải đến phòng cách ly vào trưa 10/1, bị cáo Thanh cũng có nụ cười khá tươi.
Trước đó, được cảnh sát dẫn giải rời tòa lúc sẩm tối 10/1, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng giám đốc PVN cũng tươi cười khi gặp người quen.
Nhiều bị cáo khóc, nghẹn ngào tại tòa
Các bị cáo gồm cả ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh đều đã khóc, nghẹn ngào trong phần tự bào chữa cho mình hay phần nói lời sau cùng trước tòa.
Tại phần tự bào chữa trước tòa trong phiên xử chiều ngày 13/1, bị cáo Thăng khóc vì sự quan tâm của những người thân và hoàn cảnh gia đình mình.
"Bị cáo chỉ có mong muốn cuối cùng là làm sao chấp hành án, trước khi chết thì được ra ngoài, được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân, gia đình, bạn bè.
Bị cáo cũng mong muốn nếu có chết được làm ma tự do chứ không phải ma tù. Bị cáo chỉ mong muốn như vậy. Một lần nữa bị cáo xin cảm ơn", bị cáo Thăng nói trong nghẹn ngào.
Cũng trong phần tự bào chữa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh khóc và nói: "Từ hôm vào trại tạm giam, bị cáo luôn rơi nước mắt khi nhớ về hai con gái và vợ. Bị cáo thấy mình có lỗi với anh Thăng và các anh lãnh đạo tập đoàn".
Sáng 17/1, bị cáo Trịnh Xuân Thanh vào cuối phần nói lời sau cùng tiếp tục khóc và bày tỏ sự ân hận. Bị cáo Vũ Đức Thuận còn khóc, nghẹn ngào đến cả phút mà không nói được lời sau cùng khiến HĐXX phải nhắc nhở giữ bình tĩnh.
Các bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến, Phạm Tiến Đạt, Nguyễn Thành Quỳnh... đều tỏ thái độ xúc động khi nói về gia đình, vợ con.
Là bị cáo nữ duy nhất trong phiên tòa, Lê Thị Anh Hoa không thể cầm được nước mắt khi xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho chồng là Nguyễn Thành Quỳnh.
Rất nhiều lời cảm ơn
Có thể nói, trong phiên tòa này, những lời "cảm ơn" được ghi nhận có số lượng rất nhiều và người sử dụng nhiều lời "cảm ơn" nhất trong phiên tòa chính là bị cáo Đinh La Thăng.
Cụ thể, ngay từ lần bị HĐXX gọi lên thẩm vấn đầu tiên, bị cáo Đinh La Thăng đã nói lời cảm ơn đến các cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố và đưa vụ án ra xét xử một cách nhanh chóng.
Khi các vị luật sư bào chữa cho các bị cáo tham gia xét hỏi, bị cáo Đinh La Thăng cũng được nhiều luật sư đặt câu hỏi, mỗi lần trả lời xong ông đều không quên cảm ơn HĐXX, Viện kiểm sát, cũng như các vị luật sư.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Thăng dùng rất nhiều từ cảm ơn để gửi đến HĐXX, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an), các kiểm sát viên.
Mở đầu phần nói lời sau cùng, bị cáo Thăng tiếp tục nói lời cảm ơn HĐXX đã điều hành phiên tòa dân chủ, khách quan,theo tinh thần Hiến pháp 2013, và tinh thần cải cách tư pháp; cảm ơn luật sư đã tham gia phiên tòa với sự hiểu biết pháp luật sâu sắc, với các ý kiến rất sắc sảo.
"Bị cáo xin được cảm ơn Đảng, Nhân dân, TANDTC, VKSNDTC, các luật sư, cảm ơn trại giam T16 Bộ Công an...
Cảm ơn gia đình, vợ con, bị cáo vào tù rồi mới thấy giá trị lớn lao của gia đình, vợ con đã dành cho bị cáo. Rất đớn đau. Cảm ơn bạn bè, người thân, đồng chí, đồng nghiệp đã có sự cảm thông, chia sẻ với hoàn cảnh của bị cáo.
Cuối cùng bị cáo cảm ơn HĐXX phiên tòa, cám ơn VKS, các luật sư...", bị cáo Thăng nói lời sau cùng.
Điều tra viên trả lời thẩm vấn, bị cáo không đồng tình với luật sư
Trong vụ án ông Đinh La Thăng và đồng phạm, luật sư Nguyễn Văn Quynh, bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã hỏi một Điều tra viên và đây được đánh giá là điều hiếm gặp.
Luật sư trong phiên xử chiều 10/1 đã hỏi Điều tra viên căn cứ nào để kết luận bị cáo Trịnh Xuân Thanh không thành khẩn, quanh co, chối tội và Điều tra viên cũng trả lời trước tòa về lý do đưa ra nhận định trên.
Tuy nhiên, khi điều tra viên trả lời đã bị HĐXX nhắc trả lời ngắn gọn, xoay quanh hành vi, quyết định tố tụng và không trả lời về quá trình ghi lời khai của các bị can.
Điều tra viên vắn tắt lại: "Với nội dung lời khai của bị can Trịnh Xuân Thanh không đúng với phần chúng tôi đã kết luận".
Một điểm đặc biệt khác là, vị luật sư bào chữa cho bị cáo Ninh Văn Quỳnh, nguyên Trưởng ban Tài chính, Kế toán, Kiểm toán của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong phần tranh luận đã đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung phần của bị cáo Quỳnh.
Tuy nhiên ngay sau đó, trong phần tự bào chữa trước tòa bị cáo Ninh Văn Quỳnh đã bày tỏ không đồng tình với đề nghị này của luật sư bào chữa.
Tại phiên tòa, HĐXX đã dành 3 ngày để thẩm vấn, 5 ngày để tranh luận. Phần tranh luận diễn ra sôi nổi, các vị luật sư bào chữa đã được phát biểu nhiều lần để tranh luận với quan điểm luận tội cũng như đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát.
Ngoài ra, các bị cáo cũng được tự bào chữa cho mình ngay sau phần luật sư nêu quan điểm bào chữa.
Theo HĐXX, sau khi nghị án vào 8h sáng ngày 22/1, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần tuyên án.
theo Thời đại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét