Dân trí Bộ GD&ĐT sắp công bố chương trình môn học mới. Theo đó, nhiều tác giả - tác phẩm “kinh điển” sẽ không đưa vào chương trình chính thức môn Ngữ Văn. Học sinh sẽ không phải học thuộc lòng Văn, Sử mà được dạy thiết kế thời trang, đồ họa, thiết kế trang web, chế tác thủ công...
>> Cấp tiểu học sẽ không còn môn Lịch sử riêng biệt
>> Những điểm mới môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Môn Ngữ Văn THPT: Chỉ còn 6 tác phẩm bắt buộc
Trao đổi với PV Dân trí, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình (CT) giáo dục phổ thông tổng thể, cho biết trong CT THPT chỉ còn 6 tác phẩm văn học bắt buộc gồm: bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn độc lập.
Điểm khác biệt nhất so với các CT trước đây là môn Ngữ Văn lần này được xây dựng xuất phát từ các phẩm chất và năng lực cần có của người học, để lựa chọn nội dung dạy học.
Các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp tập trung vào 4 kỹ năng lớn: đọc, viết, nói và nghe.
Ngoài các yêu cầu cần đạt và nội dung dạy cơ bản, cốt lõi, thống nhất bắt buộc đối với học sinh toàn quốc cấp trung học phổ thông, chương trình còn nêu lên nội dung một số chuyên đề tự chọn (35 tiết/lớp/năm) nhằm đáp ứng yêu cầu cho những học sinh có thiên hướng khoa học xã hội và nhân văn...
Không phải học thuộc lòng Sử
Một số môn học, đã có những thay đổi mạnh mẽ và hợp lý hơn. Ví dụ, môn Lịch sử ở tiểu học sẽ chủ yếu dạy những câu chuyện, có chủ đề gần gũi cuộc sống. Đây cũng là hướng thiết kế các môn tự nhiên & xã hội và lịch sử & địa lý ở bậc tiểu học.
Đến bậc THCS, phân môn Lịch sử sẽ dạy thông sử theo tiến trình lịch sử. Nhưng điểm khác biệt so với trước là lịch sử VN sẽ được đặt trong lịch sử thế giới ở từng giai đoạn chứ không tách riêng.
Bậc THPT, môn Lịch sử sẽ dạy theo các chuyên đề sâu. Việc ghi nhớ, học thuộc lòng số liệu, sự kiện sẽ giảm bớt đáng kể, chỉ chú trọng các bài học, ý nghĩa lịch sử.
Học sinh sẽ được học thiết kế thời trang, đồ họa
Môn nghệ thuật hiện nay gồm âm nhạc, mỹ thuật, thủ công nhưng tới đây sẽ mở rộng hơn theo định hướng nghệ thuật ứng dụng. Đặc biệt, ở THPT sẽ chia nhánh dạy thiết kế thời trang, đồ họa, thiết kế trang web, chế tác thủ công...
Các môn khoa học tự nhiên sẽ được thiết kế theo hướng ứng dụng, gắn với thực tiễn cuộc sống và bám sát bản chất môn học. Các kiến thức quá khó, hàn lâm sẽ được lược bỏ.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trước đây hoạt động trải nghiệm thiết kế bị cứng, chia ra 9 chủ đề cho 9 tháng gắn với các sự kiện, ngày lễ diễn ra trong tháng, nhưng hiện đã được điều chỉnh linh hoạt hơn với 4 nội dung: hoạt động phát triển cá nhân; hoạt động lao động; hoạt động xã hội, thiện nguyện; hoạt động hướng nghiệp. Thời gian dành cho hoạt động trải nghiệm ngoài các tiết chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp, sẽ có các tiết học theo chuyên đề, hoạt động ngoài giờ lên lớp (8 tiết/tháng).
Môn đạo đức, giáo dục công dân cũng được điều chỉnh mạnh mẽ. Ở bậc tiểu học, môn đạo đức hướng tới giáo dục hành vi, kỹ năng. Bậc THCS chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm công dân, giáo dục pháp luật, bậc THPT chú trọng giáo dục pháp luật và kinh tế.
Dự kiến trong tháng 1, dự thảo các chương trình môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được Bộ GD&ĐT xin ý kiến góp ý rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.
Mỹ Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét