Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

Những giọt nước mắt trước tòa

Phạm Nhật Bình – 
Thông thường ở mọi quốc gia có nền tư pháp độc lập, điều còn xa lạ đối với hệ thống tư pháp tại Việt Nam, pháp đình vốn là nơi thực hiện công lý cho mọi công dân mà không dành cho nước mắt. Cho dù đôi khi cũng có những giọt nước mắt trước vành móng ngựa, do nỗi oan sai của bản án mà bị cáo phải gánh chịu nhưng không nói được thành lời.
Qua vụ án Tập Đoàn Dầu Khí, ông Trịnh Xuân Thanh nhất định không nhận tội và cho rằng mình bị oan và tố cáo sai. Khi tự bào chữa, ông Thanh nêu ra một ví dụ về nỗi oan của mình chung quanh Hợp đồng mang số 33. Ông chỉ nhận bản thân đã không đầy đủ trách nhiệm khi đồng ý ra nghị quyết ký hợp đồng 33 mà “không đọc các điều khoản”. Nhưng người ta tin rằng Thanh và ngay cả ông Thăng đều biết rằng hợp đồng 33 sai mà vẫn ký và cấp chuyển tiền cho các công ty con đang điêu đứng vì thiếu tài chánh. Nghe chuyện một tổng giám đốc không đọc qua các điều khoản mà nhắm mắt ký, ai cũng thấy đó là chuyện lấp liếm vụng về.
Trong khi đó, ông Thăng thì nhất mực cho rằng ông chỉ làm theo khuôn khổ chỉ thị và hướng dẫn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhất là Bộ Chính trị mà thôi. Ông Thăng đổ thừa lên Bộ Chính trị không phải không đúng vì việc rầm rộ thành lập Tập đoàn Dầu khí cũng như những tập đoàn kinh tế khác trước đây là “chủ trương lớn” của đảng, không thể không có quyết định của Bộ Chính trị. Điều này thể hiện một cách đáng hãnh diện câu “đảng lãnh đạo toàn diện và triệt để”.
Ông Đinh La Thăng (đứng) và ông Trịnh Xuân Thanh (ngồi phía sau) tại phiên tòa ngày 18-01-2018. Ảnh: TTXVN
Đằng này, hai ông đã nức nở khóc than khi đứng lên tự bào chữa trước tòa. Cả hai không ngần ngại nói lên những mong ước không muốn làm “ma tù” mà là “ma tự do” như Đinh La Thăng, hay như ông Thanh chỉ xin được khoan hồng để trở lại Đức chăm sóc vợ con.Lẽ ra mọi việc nên dừng lại ở đó, để người ta thấy ít ra ông Thăng và ông Thanh là những người đứng đầu có tư cách của kẻ dám làm dám chịu khi bị kết tội chung thân hay án tù từ 10 đến 15 năm đối với trường hợp ông Thăng. Vì những gì họ gây ra đã làm thất thóat hàng ngàn tỉ đồng, làm sụp đổ nội lực tài chính quốc gia, cạn kiệt tài nguyên đất nước. Thật ra họ có tội nặng với người dân Việt, không chỉ tội “cố ý làm trái” đối với đảng của họ và xứng đáng lãnh những bản án nghiêm khắc nhất.
Chưa ai thấy cá sấu khóc nhưng ai cũng biết có “nước mắt cá sấu”. Rõ ràng trước tòa, Thăng và Thanh như hai con cá sấu lên bờ, nhỏ những giọt lệ… khi đối diện với án tù, sau khi cùng những con cá sấu đồng bọn hút dầu từ đáy biển bán lấy tiền bỏ túi. Thăng còn tỏ ra thành khẩn hối hận khi gởi lời xin lỗi Đảng, nhân dân và người lao động của PVN về những vi phạm không cố ý của mình nhưng phủ nhận cáo buộc tham ô. Tạm tin lời ông Thăng nói, ông trong sạch không tơ hào một xu bán dầu, nhưng làm sao ông cùng thuộc cấp thoát tội “gian lận tài chính” có hệ thống?
Thăng xin lỗi đảng của ông ta cũng phải đạo, vì dù sao đảng cũng đã cất nhắc Thăng lên quá nhiều chức vụ quyền thế, tạo cơ hội cho ông thụ hưởng quá nhiều bổng lộc hơn người so với tài cán và tư cách quá tầm thường. Thằng ăn cắp xin lỗi thằng ăn cướp sinh ra mình, được chứ sao không?
Lần đầu tiên Thăng lại nói đến hai chữ “tự do”, ông muốn làm ma tự do nghĩa là nếu có chết thì chết tại dinh cơ của mình, thay vì làm ma tù. Có lẽ Thăng không còn nhớ, cũng vì hai chữ tự do cao quý này mà người dân Sài Gòn bị đánh đập, trấn áp tàn nhẫn trong cuộc biểu tình ngày 8/5/2016 khi Thăng đang ngồi trên chiếc ghế bí thư thành ủy Thành Hồ.
Người dân tham gia biểu tình ôn hòa bị lực lượng chức năng trấn áp, đánh đập dã man sáng ngày 8-5-2016.
Con cá sấu thứ hai, đàn em cật ruột của Thăng cũng nghẹn ngào nước mắt ngắn dài khi “nói về vợ con” và tự trách bản thân “có lỗi với anh Thăng”, với “các anh lãnh đạo”. Khôi hài nhất là Thanh khóc nức nở khi nói “muốn gửi lời xin lỗi bác Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, rất mong bác tha thứ cho cháu cũng như người con, người cháu trong gia đình, tạo điều kiện để cháu được gặp bố mẹ, vợ con”. Con cá sấu này trước đây đã lọt lưới sang nước Đức. Nhưng giống như “con ếch chết vì cái mồm” nó không chịu lặn sâu lại khoa trương mồm mép, ba hoa chích chòe nên bị tóm cổ. Giờ đây có lẽ Thanh nghĩ rằng trước đây mình đã trót dại “không còn tin vào sự lãnh đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nữa” nên đành hạ mình thật thấp.
Rõ ràng là khí khái của con người mang danh lãnh đạo đã không tìm thấy những quan chức đã có thời hét ra lửa. Đó là bản chất của hầu hết cán bộ cộng sản của thời kinh tế thị trường định hướng bằng đồng đô-la Mỹ. Khi ăn trên ngồi trốc thì mạnh bạo như thần thánh, khi đụng trận thì co đầu rụt cổ, chối bỏ trách nhiệm để bảo toàn mạng sống. Không ai có thể nhìn thấy ở họ chút hình ảnh nhỏ bé nào là những lãnh đạo của đảng và chính phủ.
Màn trình diễn vỡ bi hài kịch “nước mắt” không làm ai mủi lòng nhưng người dân có dịp nhìn lại và thấy được bản chất hèn mạt của loại người được đào luyện bởi đảng Cộng Sản Việt Nam để thẳng tay đục khoét đất nước.
Hóa ra, qua vụ xét xử này cũng là dịp để người ta xác định rõ bộ mặt thật của những tên gọi là lãnh đạo CSVN; chúng chỉ là những tên ma cô sợ chết và vô liêm sĩ.
Trong tương lai, một màn khóc tập thể nữa sẽ dành cho ai?

Không có nhận xét nào: