Ông Đinh La Thăng.
Lên
đến đỉnh cao, rồi ngay lập tức bị vùi xuống vực sâu, ở chính trường nước Việt,
có lẽ hiếm thấy số phận nào bi thảm như ông Đinh La Thăng.
Hôm
nay, ngày 8-1-2018, ông Đinh La Thăng hầu toà, bắt đầu phải trả giá cho những
việc làm trong quá khứ đang bị cáo buộc là có nhiều tội lỗi.
Nhiều
người hỏi tôi có theo dõi phiên toà không. Tôi nói không xem quá kĩ. Bởi vì,
tôi biết nhà giam đã mở cửa chờ ông từ rất lâu rồi. Bao nhiêu năm tù thực ra
tôi không chú ý lắm. Bởi vì, đứng giữa trời đất này, cái quan trọng nhất đối
với một con người là danh dự. Bây giờ, cuộc đời ông Thăng chỉ còn là những con
số âm lạnh lẽo.
Nhiều
người đòi hỏi tôi viết về ông Thăng và những sai phạm của ông ấy. Tôi vẫn hay
trả lời rằng, ông Thăng là người có công và có tội. Tội của ông ấy, báo chí đã
bới ra be bét rồi, nhiều cây viết khác đã kiên trì, bền bỉ kết án rồi, tôi góp
thêm làm gì nữa? Suy cho cùng, công - tội, lịch sử luôn công bằng và nhân dân
sẽ phán xét.
Có
một dạo, không hiểu vì sao một nhà báo quá đỗi tầm thường như tôi lại dám hỏi
một Uỷ viên Bộ Chính trị rằng: “Bây giờ, anh có muốn làm thực chất không? Anh
muốn làm, hay muốn kiếm tiền ạ?”.
Ông
Thăng không cười câu hỏi ấy của tôi. “Anh muốn làm. Anh còn muốn làm nhiều nữa,
nhưng không phải muốn là làm được. Ở đây càng khó. Nhiều việc, anh phải chỉ đạo
nhiều lần nhưng cấp dưới lờ đi, trì hoãn, không thực hiện”. Ông Thăng nói với
vẻ bất lực, sự bất lực mà hiếm người nào đang ở thế được tung hô thể hiện cho
người khác thấy.
Khi
ấy ông là Bí thư thành uỷ TP.HCM. Ông Thăng không muốn vị trí đó. Ông biết đó
là nơi sẽ gặp nhiều trở ngại.
Nhiều
người nói ông Thăng làm truyền thông, làm hình ảnh. Cũng đúng, vì thực ra quan
chức ai cũng cần một hình ảnh đẹp đẽ, hoặc bớt xấu xí trong mắt người dân. Tất
nhiên, cái gì quá cũng không tốt. Nhiều lúc ông Thăng quá đà, tôi không phủ
nhận điều này.
Tôi
làm việc với quan chức trong chính quyền nhiều. Trong số đó, ông Thăng là người
hiếm hoi chịu khó lắng nghe và hành động lập tức nếu có thể.
Tôi
than phiền về chợ Kim Biên, ông Thăng giải thích là đã có dự án và đang chờ đấu
thầu. Tuy nhiên, ngay lập tức ông bấm điện thoại cho cấp dưới hỏi tình hình,
xem vướng mắc ở đâu, cần làm gì tiếp và công khai cho dân biết như đề nghị của
tôi.
Tôi
nói về một đề án thu phí vào trung tâm TP.HCM. Ông Thăng lắng nghe và cũng lập
tức gọi điện thoại cho ông Cường, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, chỉ
đạo xem xét và tổ chức họp với người viết đề án để có hướng xử lý.
Tôi
nói về vấn đề dẹp vỉa hè ở TP.HCM, nếu không kiểm soát thì sẽ tái diễn ngay sau
dọn dẹp. Ông Thăng cũng ngay lập tức gọi điện cho người nào đó ở văn phòng, chỉ
đạo cuối tuần họp để tìm giải pháp tránh tình trạng dẹp xong đâu lại vào đấy...
Tôi
biết ông Thăng cũng nuối tiếc nhiều điều. Khi đưa ra kiểm điểm, ông Thăng khóc
và nói hơn 30 năm qua ông làm việc hầu như không có cuối tuần, không ngày lễ
tết. Con ông bị bệnh, bố ông cũng bệnh, tất cả đều đặt lên vai người vợ ở nhà,
còn vai ông dành để gánh những nặng nề khác.
Đi
sai đường thì phải trả giá. Ông Thăng đang phải trả giá cho những điều ấy. Nhưng,
tôi không phải là người lao vào đạp khi ai đó ngã ngựa. Ít giờ trước khi ông
Thăng bị bắt tạm giam vào hôm công bố khởi tố, tôi vẫn nhắn tin “Bình an Anh
nhé”. Đó là lần đầu tiên tôi liên lạc với ông ấy mà không nhận được phản
hồi.
——-
P/S: Tôi không ngại nếu ai đó cố tình chụp mũ, vu khống tôi là bồi bút cho ông Đinh La Thăng. Bởi ở đời, người ta phù thịnh, chứ ngu gì lại phù suy? Bởi vì, đến giờ này, tôi vẫn viết về ông Thăng một cách nhất quán, dù ông ấy chẳng còn gì nữa để ai đó có thể vu vạ rằng tôi đang cố bám víu vào.
——-
P/S: Tôi không ngại nếu ai đó cố tình chụp mũ, vu khống tôi là bồi bút cho ông Đinh La Thăng. Bởi ở đời, người ta phù thịnh, chứ ngu gì lại phù suy? Bởi vì, đến giờ này, tôi vẫn viết về ông Thăng một cách nhất quán, dù ông ấy chẳng còn gì nữa để ai đó có thể vu vạ rằng tôi đang cố bám víu vào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét