Tấn kịch Mỹ-Trung đối đầu trên Biển Đông rực nóng sau khi hải quân Mỹ đưa đội tàu gồm tàu sân bay hạt nhân John C.Stennis với hơn 7.000 thủy thủ, tàu tuần dương Mobile Bay và 2 tàu khu trục Stockdale, USS Chung-Hoon đến Biển Đông nhằm phô diễn lực lượng từ ngày 1.3.
Hải quân Mỹ nói đội tàu này thuộc Hạm đội 7 thực hiện chuyến tuần tra định kỳ và thực hiện các kiểm tra, diễn tập kiểm soát tổn thất.

Hải quân Mỹ cũng cho biết tàu sân bay Antietam cũng đang tuần tra tại Biển Đông. Hai tàu khu trục McCambell và tàu đổ bộ Ashland của Mỹ cũng có chuyến tuần tra tương tự.
Hải quân Mỹ còn đưa tàu chiến vào vùng 12 hải lý quanh bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bãi này đã bị Trung Quốc chiếm và xây trái phép cơ sở quân sự, đường băng.  
Mỹ cũng đưa tàu chiến đến gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị TQ chiếm từ năm 1974. Ngay lập tức, TQ thị uy với Mỹ bằng cách dàn tên lửa HQ-9 và chiến đấu cơ đến đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa.
Hải quân Mỹ triển khai các tàu sân bay, sau khi Philippines tố cáo TQ chiếm bãi Hải Sâm thuộc Trường Sa.
Ngày 5.2, bà Phó Oánh, người phát ngôn của TQ nói việc Mỹ phô trương lực lượng làm “nhân dân TQ ghê tởm” và hành động của Mỹ nhằm khiêu khích căng thẳng.
Mỹ đang nỗ lực bảo vệ các đồng minh và đối tác vốn lo ngại âm mưu độc chiếm 90% Biển Đông của Bắc Kinh. Hồi tháng trước, Mỹ cáo buộc TQ quân sự hóa Biển Đông bằng cách dàn tên lửa phòng không, radar và chiến đấu cơ ở đảo Phú Lâm. Bộ Ngoại giao TQ phản ứng lại, nói Bắc Kinh có quyền duy trì hệ thống phòng thủ trên “lãnh thổ” của họ.
TQ trông cậy sự ủng hộ của Nga
Trong một bài viết trên báo độc lập Svobodnaya (Nga) nhà bình luận Andrei Ivanov viết rằng trong vụ căng thẳng Mỹ-Trung này có một điều rõ ràng: “Sự bất đồng giữa hai siêu cường này không chỉ về các đảo. TQ đang ráng đòi quyền độc bá thế giới, điều mà Mỹ, được coi là quyền lực tối thượng của thế giới,  sẽ không cho phép TQ dễ dàng có được”.
Ông Ivanov cũng lưu ý việc bà Phó Oánh có những lời “ấm nồng” dành cho Nga. Tại cuộc họp báo chỉ trích Mỹ, bà Phó Oánh nhấn mạnh: “Quan hệ Trung-Nga đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử, phát triển mạnh khi nó đáp ứng những lợi ích song phương”.
Bà nói thêm rằng Bắc Kinh-Moscow không có tranh chấp lớn nào, không gây sức ép với nhau và có thể “hoàn toàn tập trung vào việc đàm phán hợp tác, trao đổi các ý tưởng”.
Nhà phân tích Ivanov nói lời lẽ của bà Phó Oánh cho thấy “có thể TQ đang thúc đẩy một chính sách hung hăng hơn ở Thái Bình Dương, chính xác vì TQ trông cậy vào sự ủng hộ của nước Nga”.
Quy luật địa-chính trị
Khi được hỏi về tình hình Biển Đông, ông Mikhail Alexandrov, chuyên gia hàng đầu ở Trung tâm Nghiên cứu chính trị-quân sự (thuộc Viện Quốc gia quan hệ quốc tế, Nga) nói với báo Svobodnaya Pressa rằng tình hình khu vực này đang diễn ra đúng theo các quy luật địa-chính trị: “Sự tái tổ chức các thế lực đang diễn ra khắp thế giới. Sức mạnh của các trung tâm quyền lực độc lập khỏi phương Tây, trong đó có Nga, TQ, Iran, Ấn Độ và Brazil, đang tăng lên. Và Mỹ không còn có thể kiểm soát toàn thế giới. Một khi họ dính líu vào một dạng đối đầu với bất kỳ trung tâm quyền lực nào, các nước khác sẽ tranh thủ cơ hội để phát triển tầm ảnh hưởng”.
Ông Alexandrov lưu ý: “TQ tận dụng tối đa sự xung đột giữa Nga với phương Tây. Các nguồn lực của Mỹ đang hướng qua châu Âu, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine, thậm chí còn có khả năng chiến tranh ở châu Âu, vì Mỹ gây căng thẳng quanh vùng biển Baltic. Nhưng Mỹ quên mất hậu quả là TQ có thể nhờ đó tăng sức mạnh”.
Từ quan điểm chiến lược này, nhà bình luận Alexandrov lưu ý: “Các hành động của TQ tuyệt đối chính xác. Bắc Kinh đã thấy các nguồn lực Mỹ được tập trung vào các nơi khác, nên họ đưa tên lửa phòng không và chiến đấu cơ đến Biển Đông. Mỹ nhận ra điều này quá muộn, nay tập trung sửa chữa tình hình thì sẽ rất khó cho Mỹ”.
Mỹ khó “đá" TQ khỏi Biển Đông
Ông Alexandrov nói: “Mỹ có thể làm gì, khiêu khích một cuộc xung đột? Bất kỳ sự xung đột nào với TQ đều không dễ đối với Mỹ. TQ nay đủ mạnh để đẩy lùi cuộc tấn công của hai hoặc ba nhóm tàu sân bay Mỹ. Nga có thể cung cấp tên lửa hành trình phóng từ trên biển cho TQ. Vì thế, không thể bảo đảm Mỹ giành được chiến thắng trong một cuộc hải chiến. Và nếu Mỹ thua hoặc thậm chí hòa, việc Mỹ làm bá chủ thế giới có thể bị sụp đổ như những lá bài. Vì thế, Washington đang chuốc lấy một sự liều lĩnh nghiêm trọng và họ biết rõ điều này”.
Theo Alexandrov, “TQ chưa thể ngang bằng với Mỹ về quân sự, nhưng TQ có thể thắng trên vùng biển của họ. Hơn nữa, quân đội TQ có tàu ngầm, máy bay mới, tên lửa đạn đạo tầm trung bình để tấn công các nhóm tàu sân bay Mỹ. Nói cách khác, TQ được trang bị vũ khí kỹ cho dạng chiến tranh trên biển này”.  
Ông Alexandrov nói thêm: TQ lo ngại các hành động của Mỹ gồm nỗ lực kiểm soát hoạt động hàng hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như để không cho TQ thu hồi Đài Loan. Vì thế, “nhiệm vụ của TQ là phô trương sức mạnh để Mỹ sẽ không thể can thiệp vào khu vực, và Bắc Kinh đang kiên quyết thực hiện điều này”.
Nhà bình luận Alexandrov gợi ý: “Mỹ sẽ cần khởi động một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, cùng lúc ở châu Âu và vùng Vịnh. Tôi không tin Mỹ hoặc thậm chí toàn châu Âu sẽ có thể làm được điều này, khi điều kiện kinh tế không quá thuận lợi”.
Vũ khí Mỹ chưa tương xứng với tham vọng
Khi được hỏi trước tình hình như thế, Mỹ có nên lặng lẽ rút khỏi châu Á-Thái Bình Dương để không bị xấu mặt, ông Alexandrov nói sẽ không có chuyện Mỹ rút lui: “Chúng ta từng đề nghị Mỹ để không gian thời hậu Liên Xô yên thì chúng ta sẽ không làm phiền Mỹ ở khắp thế giới. Nhưng Washington không chịu, vì họ muốn hiện diện ở toàn thế giới. Vấn đề là súng đạn Mỹ không tương xứng với tham vọng của họ”.
Ông Alexandrov khẳng định: “Về nguyên tắc, Mỹ sẽ không bao giờ rút lui. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga từng sai lầm suốt một thời gian dài rằng sẽ hòa nhập với phương Tây. Nhưng Mỹ luôn lãnh lấy vai trò thủ lĩnh bất khả thách thức, từ đó có ảo tưởng nắm quyền lực tuyệt đối cho đến nay. Ảo tưởng này rất nguy hiểm vì Mỹ có thể khơi ra mối đe dọa một cuộc chiến tranh lớn. Mà để giải thích sự nguy hiểm này cho người Mỹ, thì phải dùng đến các biện pháp kinh tế, chính trị và quân sự. Washington cần phải hiểu họ không hoàn toàn là quyền lực mạnh nhất”.
Khi được gợi ý rằng TQ lệ thuộc Mỹ bởi là đối tác thương mại chủ yếu, Alexandrov bác bỏ: “Chưa biết ai lệ thuộc ai… Nếu TQ có thể phá sập quan hệ thương mại với Mỹ, như Mỹ đã làm với Nga, thì sẽ có thể hình thành một hệ thống tài chính thay thế mà không có sự tham gia của phương Tây, với khả năng sản xuất rất lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
“Một chiến thắng hoàn toàn trước TQ là một lẽ, nhưng làm hỏng các mối quan hệ với TQ thì không phải là điều Mỹ sẽ làm, và Mỹ sẽ không có biện pháp cấm vận TQ. Nay chúng ta sẽ thấy sự chuyển động của quyền lực. TQ sẽ tiếp tục tăng cường vai trò trong khu vực. Mỹ sẽ cần chứng minh họ vẫn là bá chủ hàng hải. Cuộc chạy đua vũ trang sẽ tiếp tục cho đến khi có một bên hết hơi, và đó sẽ là Mỹ. Họ đang bị thâm thủng ngân sách nặng nề, bị nợ công khủng khiếp, và Mỹ sẽ không thể chịu được gánh nặng nếu họ nhảy vào chạy đua vũ trang với cả Nga”, ông nói.  
Tìm cách lật đổ vai trò bá chủ của Mỹ
Khi được hỏi về vai trò của Nga nếu Nga phải nhảy vào vở kịch Mỹ-Trung này, ông Alexandrov nhấn mạnh: TQ đã nhận sự ủng hộ của Nga, vì “Nga là quốc gia duy nhất bán công nghệ vũ khí hiện đại cho TQ. Nếu không có sự hỗ trợ này, TQ sẽ thua kém rất xa tên lửa hành trình và chiến đấu cơ của phương Tây”.
Ông nhắc lại việc Nga-Trung có một thỏa thuận hữu nghị,hợp tác, trong đó có điều khoản hai bên tham khảo ý kiến của nhau, nếu một trong hai bên bị đe doa: ”Và nếu có xung đột với Mỹ, Nga sẽ giúp TQ, thỏa thuận cho phép như vậy”.
Ông Alexandrov nhấn mạnh: “Trên hết, mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một hệ thống đa trung tâm, nhằm đánh bật Mỹ khỏi vị trí bá chủ thế giới. Ngày nay, Mỹ có thể phán này phán nọ, trừng phạt nước này nước kia. Trong một thế giới đa cực, có thể hình thành những liên minh chiến lược để chống lại các tay chơi khác. Chúng ta đang nói đến sự quảng bá cân bằng quyền lực, nhằm không cho phép bất kỳ cường quốc nào nắm quyền kiểm soát các vấn đề của thế giới. Khi hệ thống đa trung tâm được hình thành, chúng ta sẽ có thể xem xét sự hợp tác tiếp diễn với TQ có lợi cho Nga hay không.  Hiện tại, mối hợp tác này đang  có lợi”.
Vĩnh Thụy (theo Sputniknews)