Trước sức ép chính trị và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc khả năng sẽ đưa ra lệnh trừng phạt thương mại đối với Trung Quốc vào cuối tháng 2.
Hôm 11/1, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương Daniel Russel phát biểu tại Hong Kong rằng, Tổng thống Trump phải sớm có hành động vì các áp lực chính trị, đặc biệt khi cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đã không còn là đồng minh của Bắc Kinh trong cuộc chiến chống lại các phương thức bảo hộ.
Đây được xem là nỗ lực của Nhà Trắng nhằm ngăn đà thâm hụt thương mại đã lên tới 344 tỉ USD trong 11 tháng đầu năm 2017. Thâm hụt thương mại cả năm 2016 là 350 tỷ USD. Tuy nhiên, các nhà quan sát trong và ngoài nước Mỹ đã bày tỏ lo ngại, quyết định này của chính quyền Tổng thống Trump có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động giao thương giữa Mỹ và các đối tác, đồng thời châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
South China Morning Post cho biết, ông Trump đã đắc cử bằng hàng loạt các lời hứa bảo vệ kinh tế Mỹ, trong đó có việc đề xuất hàng rào thuế quan đến 45% cho hàng hóa từ Trung Quốc. Nhưng kể từ khi nhậm chức, ông chủ Nhà Trắng chưa từng đưa ra bất kỳ một quyết sách cụ thể nào về vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc, bất chấp việc đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của nhà lãnh đạo Mỹ.
Tuy nhiên, sau 1 năm trên cương vị Tổng thống và trên đà thuận lợi từ dự luật cải cách thuế do ông đề xuất được Thượng viện Mỹ thông qua, 2018 kỳ vọng sẽ là năm hành động của chính quyền Washington.
Trước mắt, Tổng thống Trump dự kiến sẽ sớm công bố các biện pháp phòng hộ cho sản phẩm tấm pin năng lượng Mặt Trời. Hiện Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC) nhận định các công ty trong nước đang vấp phải sự cạnh tranh thiếu công bằng đến từ các sản phẩm nhập khẩu. Theo đó, USITC đề xuất áp đặt mức thuế 35% cho mặt hàng này.
Trung Quốc hiện đang giữ thị phần hàng đầu thế giới về các sản phẩm pin Mặt Trời. Trong nỗ lực nhằm cạnh tranh giành thị phần, nhà chức trách Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá và trợ cấp đối với các sản phẩm đến từ nước này. Song xem ra nỗ lực trên đã không đạt được hiệu quả như kỳ vọng, khi các công ty Trung Quốc di dời xưởng sản xuất sang khu vực Đông Nam Á nhằm tránh lệnh trừng phạt.
Với những ràng buộc về thương mại quốc tế, Mỹ chỉ có thể vận dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khi đáp ứng được những điều kiện đặc thù, nhưng đây sẽ là biện pháp hữu hiệu đối phó với những sản phẩm nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau. Lần gần đây nhất, Mỹ áp dụng các biện pháp tương tự là vào năm 2002, khi USITC công bố mức thuế nhập khẩu lên tới 30% đánh vào các sản phẩm thép.
Bên cạnh đó, Washington cũng đang cân nhắc khả năng sẽ giới hạn hoạt động nhập khẩu các sản phẩm từ nhôm và thép với lý do an ninh quốc gia. Vào tháng 4/2017, Bộ Thương mại Mỹ đã tiến hành một cuộc điều tra nhằm đánh giá tác động của các sản phẩm thép nhập khẩu trong việc sản xuất các thiết bị an ninh quốc phòng. Trên cơ sở đó, Tổng thống Trump sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này dựa trên kết quả cuộc điều tra.
Theo các chuyên gia, việc Mỹ áp dụng quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc, thông qua biện pháp phòng vệ thương mại, sẽ không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động nhập khẩu từ Trung Quốc mà còn từ các quốc gia đồng minh của Mỹ, như Canada, Hàn Quốc và Nhật Bản. Điều này đã khiến một số quan chức trong Bộ Quốc phòng Mỹ đề xuất việc đưa các quốc gia kể trên vào danh sách miễn trừ trừng phạt thương mại của Mỹ, trong khi Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh báo sẽ có hành động trả đũa về kinh tế, nếu phải đối mặt với lệnh trừng phạt từ Washington.
Tú Văn (t/h)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét