Thứ Hai, 2 tháng 4, 2018

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà có liên quan dự án sân golf Tân Sơn Nhất?


Rất có thể, nếu như những gì mà ông Trần Văn Tĩnh, người nắm giữ 48,5% cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư Long Biên (Lobico) và hiện giữ chức phó chủ tịch HĐQT Lobico - “ông chủ” của sân golf Tân Sơn Nhất (TP.HCM), trả lời với báo Tuổi Trẻ.

Hình minh họa
Ý tưởng thời tướng Trà, thực hiện thời tướng Thanh?

Trên báo Tuổi Trẻ điện tử ngày 28/08/2017 [https://goo.gl/voSf5U], có bài phỏng vấn với tựa đề 'Sẵn sàng bàn giao sân golf Tân Sơn Nhất, nhưng phải bồi thường'. Với câu hỏi: “Dư luận nghi ngờ có lợi ích nhóm trong việc đầu tư sân golf Tân Sơn Nhất, thưa ông?”, ông Trần Văn Tĩnh cho biết: “Chắc chắn là không có lợi ích nhóm. Chúng tôi không xin xỏ hay lo lót gì cả. Vào năm 2005, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đi công tác nước ngoài thấy bên cạnh các sân bay tại Singapore, Thái Lan, Ấn Độ... đều có sân golf, thu hút rất nhiều khách du lịch.

Trong khi đó, đất dự trữ quốc phòng cạnh sân bay Tân Sơn Nhất bị bỏ hoang, nên lãnh đạo Bộ Quốc phòng có chủ trương tận dụng để làm sân golf, vừa giữ đất vừa có thêm kinh phí và thu hút khách du lịch nước ngoài.

Dự án do một doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng là Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển Trường An làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do nguồn vốn của doanh nghiệp này hạn chế nên Bộ Quốc phòng cho phép doanh nghiệp kêu gọi sự tham gia góp vốn của nhiều cổ đông” (hết trích).

Câu hỏi đặt ra: lãnh đạo Bộ Quốc phòng khi ấy là ai mà có đủ sức mạnh để quyết định cho lập sân golf bên trong phần đất thuộc quân đội quản lý ở sân bay Tân Sơn Nhất?

Cựu bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đại tướng Phạm Văn Trà là cái tên đầu tiên trong danh sách “lãnh đạo Bộ Quốc phòng đi công tác nước ngoài thấy bên cạnh các sân bay tại Singapore, Thái Lan, Ấn Độ... đều có sân golf, thu hút rất nhiều khách du lịch” như lời thuật lại của ông Trần Văn Tĩnh. Thứ tự tiếp theo trong danh sách này là các thứ trưởng: Nguyễn Huy Hiệu, Nguyễn Văn Rinh, Nguyễn Văn Được, Phan Trung Kiên.

Ông Phùng Quang Thanh, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, kế nhiệm ông Phạm Văn Trà làm Bộ trưởng Quốc phòng từ ngày 28- 06-2006 đến ngày 8-4-2016.

Như vậy, nếu đúng như lời của ông Trần Văn Tĩnh, thì việc mở sân golf ở sân bay Tân Sơn Nhất được khởi đầu từ ý tưởng thời Bộ trưởng Phạm Văn Trà, và thành hình bằng những ký kết cụ thể từ thời Bộ trưởng Phùng Quang Thanh.

Theo một phân tích của chuyên gia tin học Phạm Hồng Phước, nếu bài báo phỏng vấn nói trên là đúng lời của ông Trần Văn Tĩnh, thì chắc chắn rằng đã có sự “nhìn lầm” của các vị lãnh đạo Bộ Quốc phòng. “Chỉ cần gõ bàn phím máy tính có kết nối mạng internet, Google Search sẽ cho biết rõ ràng rằng các sân golf của người ta là chỉ nằm gần sân bay và hoàn toàn trên đất tư nhân, không có liên quan chi tới sân bay. “Ở gần” khác với “ở trong”, “bên cạnh” khác “của”. Còn ở ta... à mà thôi!”. Ông Phạm Hồng Phước bỏ lửng câu nhận xét.

Bạn đọc của VNTB có thể coi hình ảnh được cập nhật năm 2018 trên Google Maps. Đó là khu sân golf Thana City Country Club bên cạnh sân bay Suvarnabhumi Airport (Bangkok, Thái Lan - ảnh 1); sân golf Tanah Merah Country Club Tampines Course bên cạnh sân bay Changi Airport (Singapore - ảnh 2) và sân golf Tân Sơn Nhất (ảnh 3).

Vậy thì ở đây nếu lãnh đạo thời tướng Trà nhầm lẫn, thì tại sao đến thời tướng Thanh lại không nhận ra điều đó? Hơn nữa đã gọi là đất quốc phòng thì tại sao lại mang ra để kinh doanh du lịch?

Nếu không có những ông tướng ‘chống lưng’ thì làm sao đúng luật cho được?

Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Tĩnh khẳng định: “Chúng tôi đầu tư đúng luật. Dự án có đầy đủ hồ sơ pháp lý, được Chính phủ và các bộ, ngành phê duyệt trước khi thực hiện. Do đó, nếu dự án bị thu hồi, chắc chắn doanh nghiệp sẽ được bồi thường xứng đáng”.

Hồ sơ pháp lý như lời của ông Tĩnh, nếu căn cứ vào Luật Đất đai, thì khó thể có chuyện đất quốc phòng được mang ra giao kết làm ăn đến 49 hay 50 năm như vụ sân golf cùng loạt biệt thự, cao ốc nằm chung trong dự án sân golf này.

Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng chưa được quy định cụ thể trong Luật Đất đai đầu tiên năm 1987. Tiếp theo trong Luật Đất đai 1993, Khoản 1 Điều 65 quy định cụ thể về sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh bao gồm đất để đóng quân; đất làm căn cứ quân sự; đất xây dựng các công trình quân sự, an ninh; đất làm sân bay, ga, cảng quân sự; đất làm kho tàng cho các lực lượng vũ trang; đất làm trường bắn, thao trường, bãi thử vũ khí; đất xây dựng nhà trường, bệnh viện, nhà an dưỡng của lực lượng vũ trang và đất sử dụng làm các công trình công nghiệp, khoa học, kỹ thuật phục vụ quốc phòng, quốc phòng kết hợp làm kinh tế.

Tuy nhiên, mục đích cuối cùng có nội dung “phục vụ quốc phòng kết hợp làm kinh tế” lại không được thống nhất nhìn nhận.

Khoản 1 Điều 89 của Luật Đất đai 2003 đưa ra quy định về đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh với hai điều chỉnh so với Luật Đất đai 1993. Thứ nhất, bổ sung mục đích sử dụng đất làm nhà công vụ của lực lượng vũ trang và đất làm trại giam giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý. Thứ hai, bỏ cụm từ “quốc phòng kết hợp làm kinh tế” trong mục đích sử dụng “đất làm các công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp cho quốc phòng, an ninh”.

Như vậy, Luật Đất đai 2003 “khắt khe” hơn với đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh. Luật Đất đai 2013 vẫn giữ nguyên quy định về đất quốc phòng, an ninh như Luật Đất đai 2003 và được quy định tại Điều 61 và Điều 148.

Đất quốc phòng thuộc loại đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, không được tham gia thị trường bất động sản. Việc chuyển đất quốc phòng sang sử dụng vào mục đích khác phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Theo quy định tại 36 và Điều 37 Luật Đất đai 2003, việc chuyển đất quốc phòng sang sử dụng vào mục đích kinh tế phải được phép của UBND cấp tỉnh, thành phố. Điều 109 Luật Đất đai 2003, các tổ chức sử dụng đất quốc phòng không được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với đất đang sử dụng cho người khác.

Việc chuyển quyền sử dụng đất phải được thông qua cơ chế Nhà nước thu hồi đất quốc phòng và giao đất cho người khác sử dụng, phù hợp với quy định có thu tiền hoặc không thu tiền sử dụng đất.

Như vậy, người viết tin rằng nếu thực sự Luật Đất đai được tôn trọng, thì rõ ràng không thể có chuyện công ty tư nhân được quyền kinh doanh sân golf cùng những cụm biệt thự, cao ốc trong sân bay Tân Sơn Nhất như bấy lâu.

Thế thì vì sao ông Trần Văn Tĩnh đủ tự tin là nếu đến năm 2025 mới thu hồi đi nữa như tham vấn của Công ty tư vấn độc lập Pháp ADP-I (ADPi Engineering), chắc chắn phải đền bù kiểu tiền trao cháo múc? Rất có khả năng là ông Tĩnh vững bụng vào những bút phê của các tướng lãnh vào hồ sơ xin duyệt dự án sân golf bên trong sân bay Tân Sơn Nhất.

Bứt dây thì sẽ động rừng. Đơn giản vậy thôi!.

* Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn riêng của tác giả về vấn đề được nêu, trên cơ sở "tự do quan điểm và tự do biểu đạt | Điều 19 ICCPR".

Thảo Vy 

(VNTB) 

Không có nhận xét nào: