1 vạn ca sĩ tham gia hợp xướng “Khải hoàn ca” (Ode to joy) của Beethoven: Ca khúc với sứ mệnh nâng đỡ tinh thần nhân loại
Giao hưởng số 9, tác phẩm cuối cùng của Beethoven, đặc biệt chương cuối “Ode to joy” được đánh giá là đỉnh cao của văn minh nhân loại và chọn làm thông điệp hòa bình và thân ái mà loài người gửi vào vũ trụ.
Bản giao hưởng số 9 cung Rê thứ, opus 125 là tác phẩm giao hưởng trọn vẹn cuối cùng do Ludwig van Beethoven biên soạn. Hoàn thành vào năm 1824, nó sử dụng một phần nội dung của bài thơ Ode an die Freude (tiếng Đức của tác phẩm) của Friedrich Schiller làm lời ca cho những người đơn ca và đồng ca thể hiện trong chương cuối.
Đây là thử nghiệm đầu tiên mà nhà soạn nhạc vĩ đại sử dụng giọng hát con người ở cùng cấp độ với các nhạc cụ trong một bản giao hưởng.
Bản giao hưởng này có lẽ là tác phẩm được biết đến nhiều nhất trong tất cả các tác phẩm của âm nhạc cổ điển châu Âu, và được xem là một trong những kiệt tác của Beethoven, được soạn khi ông điếc hoàn toàn.
Có thể nói nó đóng một vai trò văn hóa nổi bật trong xã hội hiện đại. Đặc biệt, âm nhạc trong chương thứ tư (bỏ phần lời) được dùng làm bài ca chính thức của Liên minh Châu Âu.
Tác phẩm “Ode to joy” khí nhạc thuần túy giọng Rê thứ:
Giao hưởng số 9 giọng Rê thứ, Op. 125 bắt nguồn từ hai tác phẩm riêng biệt – một bản giao hưởng với chương kết có hợp xướng và một tác phẩm khí nhạc thuần túy giọng Rê thứ. Beethoven đã làm việc với chúng trong gần 10 năm trước khi quyết định kết hợp hai ý tưởng lại thành một bản giao hưởng với lời thơ An die Freude (Tụng ca niềm vui) của Schiller như là chương kết.
Đây là một tác phẩm quy mô và có tầm nhìn xa trông rộng, là biểu trưng cho tột đỉnh của độ khó kỹ thuật vào thời đó. Tác phẩm có các đoạn, nhất là đoạn solo kèn co trong chương chậm, dường như không thể chơi được trên các nhạc cụ đồng không có van truyền thống vào thời của Beethoven.
Nhà âm nhạc học Dennis Matthews nhận xét về Giao hưởng số 9 giọng Rê thứ của Beethoven: “Như với các tác phẩm thời kỳ cuối, có các chỗ mà không gian phải rung lên dưới sức nặng của tư tưởng và tình cảm, nơi mà nhà soạn nhạc khiếm thính dường như chiến đấu chống lại hoặc vươn ra ngoài các giới hạn của nhạc cụ và giọng ca”.
Giao hưởng số 9 giọng Rê thứ cũng là hiện thân của tính nhị nguyên trong âm nhạc đã trở thành cuộc xung đột ở thế kỉ XIX giữa chủ nghĩa cổ điển và chủ nghĩa lãng mạn, giữa cái cũ và cái mới. Các phong cách hoàn toàn khác nhau, như phong cách của Brahms và của Liszt, đều tìm thấy các tiền lệ của chúng trong tác phẩm này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét