Mảnh vỡ rúm ró, và biến dạng của chiếc máy bay tuần thám CASA 212 8983 của cảnh sát biển Việt Nam. |
Hiện có các giả thuyết về việc máy bay gặp nạn của Việt Nam chịu “va đập”, “tác động bên ngoài”, hay “chế áp điện tử”, nhưng các chuyên gia hàng không cho rằng mọi phỏng đoán đều “không chắc chắn”.
Một tuần sau khi hai chiếc máy bay của lực lượng không quân và cảnh sát biển Việt Nam gặp nạn liên tiếp, công tác tìm kiếm vẫn tiếp tục, và đang gây ra nhiều đồn đoán trên mạng.
Về hai vụ việc đang tốn nhiều giấy mực của báo chí trong nước này, Trung tướng Phạm Tuân, nguyên Phó tư lệnh Quân chủng không quân Việt Nam, nói với VOA Việt Ngữ:
“Mình cũng như bất cứ người dân Việt Nam nào thôi. Tai nạn lớn như thế thì ai cũng phải đau xót, suy nghĩ rất nhiều. Đây là mất mát rất lớn, đặc biệt trong điều kiện cụ thể hiện nay, chúng ta đang bảo vệ biển đảo của chúng ta mà thì rõ ràng chúng ta có tổn thất to lớn. Ai cũng đau lòng trong vụ việc này”.
Đến nay, chưa có kết luận nào chính thức cả. Tất cả mới chỉ là phỏng đoán thôi, chứ nó không chắc chắn lắm. Kết luận chính thức của nhà chức trách hàng không, thì phải chờ người ta có được những dữ liệu xác thực, chính xác, thì người ta mới dám công bố nó bị vì nguyên nhân gì. Cái đó phải chờ lấy được hộp đen của máy bay. - Ông Nguyễn Thành Trung, nguyên Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, nói.
Chiếc máy bay tuần thám CASA 8983 của cảnh sát biển, chở 9 người, “mất liên lạc” trưa 16/6 khi đang đi tìm kiếm một phi công lái máy bay chiến đấu Su-30 MK2 mất tích trước đó.
Báo chí trong nước sau đó cho đăng tải hình ảnh một mảnh vỡ của chiếc CASA rúm ró, và biến dạng.
Khi được hỏi về khả năng chiếc máy bay hiện đại của lực lượng gìn giữ chủ quyền lãnh hải Việt Nam “chịu va đập”, hay “chịu tác động từ bên ngoài”, ông Tuân từ chối trả lời.
Tuy nhiên, trao đổi với truyền thông địa phương, người từng lái máy bay chiến đấu này nói rằng “chúng ta không nên bị chi phối bởi thông tin không có căn cứ khoa học”, và “nên chờ kết luận từ cơ quan chức năng có thẩm quyền”.
Còn về thông tin đồn đoán rằng máy bay bị chế áp điện tử, ông Nguyễn Thành Trung, nguyên là Phó tổng giám đốc hãng hàng không Vietnam Airlines, nhận định rằng nếu điều đó xảy ra, việc làm đó “chỉ làm nhiễu động hệ thống điện tử của máy bay thôi, chứ không ảnh hưởng tới hệ thống khác, như hệ thống điều khiển”.
Phi công kỳ cựu này cho rằng “không có lý do gì để dùng chế áp điện tử phá hoại máy bay” và “cũng không thể phá hoại được”.
Cùng chung quan điểm với ông Tuân, ông Trung cho rằng cần phải tìm thấy hộp đen mới có thể công bố được nguyên nhân của vụ rớt máy bay. Ông nói thêm:
“Đến nay, chưa có kết luận nào chính thức cả. Tất cả mới chỉ là phỏng đoán thôi, chứ nó không chắc chắn lắm. Kết luận chính thức của nhà chức trách hàng không, thì phải chờ người ta có được những dữ liệu xác thực, chính xác, thì người ta mới dám công bố nó bị vì nguyên nhân gì. Cái đó phải chờ lấy được hộp đen của máy bay. Cái máy bay Ai Cập đấy [rơi xuống Địa Trung Hải hồi tháng Năm], cả tháng rồi, người ta có xác định được đâu, nên đâu có dám công bố nó bị cái gì”.
Mình cũng như bất cứ người dân Việt Nam nào thôi. Tai nạn lớn như thế thì ai cũng phải đau xót, suy nghĩ rất nhiều. Đây là mất mát rất lớn, đặc biệt trong điều kiện cụ thể hiện nay, chúng ta đang bảo vệ biển đảo của chúng ta mà thì rõ ràng chúng ta có tổn thất to lớn. Ai cũng đau lòng trong vụ việc này. - Trung tướng Phạm Tuân nói.
Về câu trả lời máy bay CASA 8983 “chịu tác động bên ngoài” trước đó, ông Trung giải thích rằng “bên ngoài đây là do thời tiết thay đổi đột ngột, chứ không phải do một tác động cơ khí gì bên ngoài”.
Ông nói thêm: “Người ta hỏi có tác động gì từ bên ngoài, ví dụ như vật gì bắn lên, hoặc là cái gì đấy tác động làm máy bay rơi, tôi nói tôi không nghĩ có yếu tố đấy”.
Tin mới nhất cho biết, Việt Nam vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay của hai chiếc phi cơ gặp nạn.
Nước láng giềng Trung Quốc cũng đã đáp lại đề nghị của Việt Nam, điều nhiều tàu tới vùng Vịnh Bắc Bộ để giúp công tác tìm kiếm.
(VOA)
Trung Quốc và ‘kịch bản’ đáp trả phán quyết biển Đông
Máy bay chiến đấu SU-27 của Trung Quốc bay ngang qua biển Hoa Đông giữa năm 2014.
Dư luận ở Mỹ lo ngại Bắc Kinh sẽ đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở biển Đông, nếu vấp phải phán quyết bất lợi từ vụ kiện của Philippines, trong khi Hoa Kỳ phô trương sức mạnh nhằm trấn an đồng minh.
Giả thuyết này được nêu ra hôm 20/6 trong cuộc thảo luận tại một trung tâm nghiên cứu có tiếng ở thủ đô Washington, nơi nhiều lãnh đạo của Việt Nam từng phát biểu, về các bước đi của mọi bên, nhất là Trung Quốc và Mỹ, sau quyết định sắp tới của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc.
Tòa đặt tại La Haye, Hà Lan, dự kiến sẽ ra phán quyết vào ngày 7/7 về vụ kiện “đường 9 đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông do Philippines khởi xướng.
Bà Amy Searight, Cố vấn cấp cao kiêm Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng bất luận phán quyết như thế nào, biển Đông sẽ “dậy sóng”.
Điều quan trọng cần phải nhấn mạnh rằng trong ngắn hạn, cho dù tòa án ra phán quyết như thế nào đi chăng nữa, nó sẽ làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông, thay vì giúp hạ giảm.
Bà Amy Searight của CSIS nói.
Chuyên gia về an ninh châu Á này nói thêm: “Điều quan trọng cần phải nhấn mạnh rằng trong ngắn hạn, cho dù tòa án ra phán quyết như thế nào đi chăng nữa, nó sẽ làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông, thay vì giúp hạ giảm. Trung Quốc đã nói rõ sẽ không chấp nhận và tuân thủ phán quyết này. Trung Quốc cũng đã khai mào cuộc chiến ngoại giao, thu hút sự ủng hộ của một số nước như Afghanistan, Gambia, Niger…”
Bà Searight nhận định tiếp rằng Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ lên tiếng nhấn mạnh về tính cưỡng hành về mặt pháp lý của phán quyết đó đối với cả Philippines lẫn Trung Quốc, đồng thời Washington sẽ phối hợp với các bên cùng quan điểm như Nhật Bản, Liên hiệp châu Âu hay Ấn Độ để củng cố tuyên bố đó.
Nhưng nhà nghiên cứu này cho rằng điểm mấu chốt vẫn là ASEAN, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, và đây là sẽ “phép thử đối với sức mạnh và sự đoàn kết” của khối này.
Mới đây, ASEAN rút lại một tuyên bố cứng rắn về biển Đông sau khi vấp phải điều các nhà quan sát nói là “áp lực ngoại giao” từ Trung Quốc sau cuộc đối thoại với Bắc Kinh ở tỉnh Vân Nam.
Thi hành tuyên bố ADIZ
Lính hải quân Trung Quốc trên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh khi tàu sân bay này trên Biển Hoa Đông.
Những người tổ chức hội thảo ở CSIS cũng tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến của người tham dự về 5 khả năng Trung Quốc có thể thực hiện ở biển Đông trong vòng một năm tới, như xây dựng trên bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh chiếm từ Philippines; triển khai chiến đấu cơ tới Trường Sa, hoặc lập Vùng Nhận dạng Phòng không trên biển Đông.
Hơn 53% số người tham dự nghiêng về khả năng Trung Quốc sẽ lập vùng ADIZ ở biển Đông.
Về điều này, ông Gregory B. Poling, Giám đốc dự án Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của CSIS, nhận định thêm: “Năm 2013, Trung Quốc đã áp đặt Vùng Nhận dạng Phòng không ở biển Hoa Đông [nơi Bắc Kinh tranh chấp với Nhật Bản về quần đảo Senkaku, hay còn gọi là Điếu Ngư, theo tiếng Hoa]. Mọi tuyên bố chính thức của Trung Quốc từ đó tới nay đều nói rằng họ có quyền làm điều tương tự ở biển Đông. Tôi nghĩ điều này nhiều khả năng sẽ xảy ra".
Chuyên gia này nói tiếp: "Câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Kinh có thể buộc các nước phải tuân thủ điều này không. Trung Quốc gần như hoàn tất đường băng họ xây dựng ở Trường Sa. Có sự khác biệt giữa việc một số máy bay có thể đáp xuống đó với chuyện thi hành tuyên bố ADIZ, nhất là với Mỹ, Nhật, và Ấn Độ”.
Ông Poling còn nói thêm rằng Trung Quốc sẽ có hành động cả trên đất liền lẫn trên biển nhằm chứng tỏ không tuân thủ phán quyết đồng thời nhằm trừng phạt Philippines vì đã đâm đơn kiện.
Cuộc chiến ngoại giao
Hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis hôm 18/6 đã tới tham gia tập trận trên Biển Philippines.
Bắc Kinh thời gian qua tăng cường mưu tìm hậu thuẫn của nhiều nước trong vụ kiện “đường lưỡi bò”.
Hồi tháng Tư, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ủng hộ lập trường của Trung Quốc về việc giải quyết song phương tranh chấp biển Đông.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cũng kêu gọi “các quốc gia ngoài cuộc ngừng can thiệp vào các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng sau đó hoan nghênh phát biểu của nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, nói thêm rằng “bất cứ ai quan tâm đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông nên hỗ trợ Trung Quốc và các nước liên quan trực tiếp giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán và tham vấn phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình sau đó nhấn mạnh rằng đối với những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước, Việt Nam theo đuổi biện pháp giải quyết song phương.
Ông Bình nói rằng còn đối với những vấn đề liên quan đến các nước và các bên khác, ví dụ như quần đảo Trường Sa, thì không thể chỉ giải quyết song phương mà cần có sự tham gia của các bên liên quan.
Trong một động thái nhằm trấn an các đồng minh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trước khi Tòa trọng tài ra phán quyết, hải quân Mỹ hôm 18/6 đã triển khai hai hàng không mẫu hạm cùng nhiều tàu chiến tới tham gia tập trận trên Biển Philippines.
Hai nhóm tàu sân bay USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan bao gồm hơn 12 nghìn thủy thủ, 140 máy bay và sáu tàu chiến khác.
Mỹ nhiều lần tuyên bố rằng chiến lược xoay trục sang châu Á cũng như việc tăng cường các hoạt động tự do hàng hải ở biển Đông không nhằm “khống chế” sự trỗi dậy của Trung Quốc.
(VOA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét