Nguồn: Yun Sun, “China’s perspective on the US-Vietnam rapprochement”, PacNet No. 48A, 06/06/2016.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam vào tháng trước và việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí là một bước ngoặt quan trọng, mang tính lịch sử trong quan hệ Mỹ – Việt. Mặc cho giới truyền thông và các nhà quan sát nhìn chung đều đã giải thích sự xích lại này giữa hai nước là nhằm hướng đến Trung Quốc, nhận thức và đánh giá của Bắc Kinh về sự phát triển quan hệ Mỹ-Việt hầu như không được đề cập. Một phân tích về quan điểm của Trung Quốc sẽ hữu ích khi dự đoán phản ứng của nước này. Quan trọng hơn, nó sẽ cho thấy những thông tin cốt lõi về nỗ lực của Việt Nam nhằm cân bằng chính sách đối nội với mục tiêu chính sách đối ngoại của mình, đồng thời tiết lộ những sự thật ít được biết về quan hệ Việt – Trung.
Về mặt chính thức, phản ứng của Trung Quốc trước chuyến thăm và việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí là khá bình thản. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra phát biểu: “Là một nước láng giềng với Việt Nam, Trung Quốc rất vui khi thấy Việt Nam phát triển quan hệ bình thường với tất cả các nước, trong đó có Mỹ. Và chúng tôi hy vọng điều này sẽ có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.” Phản ứng, hay đúng ra là phản ứng mà như không phản ứng này, dường như đã khiến một số nhà quan sát và phân tích thất vọng.
Hiểu rằng việc công khai bày tỏ sự không hài lòng sẽ chẳng thay đổi được bất cứ điều gì mà chỉ làm họ trở nên nhỏ mọn, Bắc Kinh đã cố gắng để thể hiện mình vô cảm. Tuy nhiên, cộng đồng các nhà nghiên cứu chính sách của Trung Quốc đã lên tiếng về chuyến viếng thăm và những tác động của nó đối với cân bằng quyền lực trong khu vực. Họ thừa nhận rằng một nước Mỹ quan ngại trước sự quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực và một Việt Nam lo ngại về an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ sẽ (giúp hai nước) có nhiều điểm chung. Bên cạnh mối quan ngại truyền thống về chiến lược ngăn chặn (containment) của Mỹ, việc Việt Nam là một nước xã hội chủ nghĩa, là một “người em”, một “đồng chí” về mặt tư tưởng của Trung Quốc đặc biệt gây bất an.
Nhưng lo ngại của Trung Quốc cần phải được chứng minh. Nhìn chung, Bắc Kinh lo lắng về sự suy giảm trong quan hệ với các nước Đông Nam Á, và họ xem chiến lược tái cân bằng của Mỹ chính là yếu tố cơ bản phá hoại các mối quan hệ này. Tuy nhiên, đối với trường hợp Việt Nam, đánh giá của Trung Quốc sẽ phức tạp hơn. Một mặt, Trung Quốc có những lý do thực sự để lo lắng về sự phát triển của quan hệ Mỹ-Việt. Mặt khác, họ cũng thấy được một số hạn chế trong việc hợp tác giữa Washington và Hà Nội.
Ví dụ, sự kiện quan trọng nhất trong chuyến đi của ông Obama là việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, vốn được xem là trở ngại cuối cùng để bình thường hóa hoàn toàn quan hệ hai nước. Mặc dù thông báo bỏ cấm vận vũ khí thực sự có tính chất quyết liệt và đã cho thấy sự chuyển hướng trong chính sách, phía Trung Quốc vẫn chỉ coi nó mang tính biểu tượng hơn là đe dọa về quân sự. Nga lâu nay vẫn là nước bán vũ khí lớn nhất cho Việt Nam. Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ phải mất nhiều năm để làm quen với thiết bị và hệ thống của Mỹ. Và điều này là dựa trên giả định rằng Việt Nam thực sự có khả năng chi trả cho những thiết bị đắt tiền từ Mỹ, điều ngân sách quốc phòng hiện nay của Hà Nội có thể không cho phép. Hơn nữa, xét đến mối quan hệ của Việt Nam với Nga và Trung Quốc, người Trung Quốc không thể không tự hỏi liệu Washington có sẵn sàng bán các thiết bị tối tân cho Việt Nam hay không, nếu chẳng may cuối cùng Việt Nam lại nghiêng về phía Nga hoặc Trung Quốc?
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có lẽ mới là mối quan ngại lớn hơn đối với Trung Quốc. Trung Quốc xem TPP như một công cụ chính sách của Mỹ nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, thúc đẩy kinh tế thị trường, đa dạng xã hội, và nhiều khả năng là tự do hóa chính trị tại Việt Nam. Họ cũng công nhận rằng Việt Nam rất muốn gia nhập TPP để thúc đẩy tăng trưởng trong nước và giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Tuy nhiên, việc gia nhập TPP có làm thay đổi vai trò quan trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế Việt Nam hay không thì vẫn chưa có câu trả lời. Trung Quốc vẫn có lợi thế trên thực tế, vì thương mại Trung-Việt lớn gấp đôi thương mại Mỹ-Việt. Dù không phải là một nhà đầu tư hàng đầu xét về tổng đầu tư lũy kế tại Việt Nam, FDI của Trung Quốc vẫn đang tăng lên một cách nhanh chóng. Trong giai đoạn 2012 – 2014, FDI của Trung Quốc đã tăng từ 312 triệu USD (2012) lên 7,9 tỷ USD (2014). Cộng đồng chính sách của Trung Quốc cho rằng các tranh chấp hàng hải là trở ngại chính trong việc đầu tư nhiều hơn, mặc dù điều đó có thể sẽ được giảm nhẹ nhờ vào động lực từ sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” (OBOR) của Trung Quốc tại Đông Nam Á lục địa.
Trung Quốc cũng tin rằng Hà Nội sẽ thực dụng và theo đuổi một chính sách ngoại giao cân bằng chứ không phải liên minh với một cường quốc nào đó. Theo quan điểm của Trung Quốc, lịch sử gần đây của chính sách đối ngoại Việt Nam cho thấy rằng mục tiêu quan trọng nhất của Hà Nội là duy trì nền độc lập và tối đa hóa tính linh hoạt. Vì thế, Việt Nam đã không do dự trong việc thay đổi chính sách với Trung Quốc và Mỹ. Do đó, Việt Nam có thể tạm thời nghiêng về Mỹ, nhưng liệu họ có quay sang chống lại Trung Quốc hay không, đặc biệt là vượt ra ngoài vấn đề Biển Đông, thì vẫn còn để ngỏ.
Hoài nghi này đã không đề cập đến yếu tố quan trọng nhất trong việc đánh giá các mối quan hệ của Hà Nội với cả Bắc Kinh và Washington: đó là tình hình chính trị trong nước của Việt Nam. Trung Quốc tin rằng Việt Nam là một quốc gia xã hội chủ nghĩa nên sẽ phải đối mặt với những hạn chế cơ bản trong việc phát triển quan hệ với Mỹ, vốn là nước không chỉ phê phán vấn đề nhân quyền của Việt Nam, mà còn có ý định thay đổi hệ thống chính trị Việt Nam thông qua “diễn biến hòa bình.” Theo Trung Quốc quan sát, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ không có ý định tự do hóa chế độ độc đảng tại Việt Nam trong tương lai gần, và do đó, việc tăng cường quan hệ với Mỹ sẽ bị hạn chế. Đồng thời, quan hệ của Washington với một nước xã hội chủ nghĩa/chuyên chế như Việt Nam về cơ bản cũng sẽ bị hạn chế bởi cử tri trong nước, đặc biệt là Quốc hội và cộng đồng nhân quyền.
Trung Quốc tin rằng miễn là Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn duy lý – mà theo “từ điển” của Trung Quốc nghĩa là họ sẽ không “tự tử chính trị” giống như Liên Xô dưới thời Gorbachev – thì quan hệ Việt- Trung sẽ không bị “trật đường ray.” Trung Quốc cho rằng không cần thiết phải thúc đẩy tự do hóa chính trị ở Việt Nam. Nhưng với Mỹ thì khác. Thật vậy, Trung Quốc cực kỳ xem trọng tình đoàn kết giữa hai Đảng Cộng sản và tin tưởng rằng “mỏ neo” ý thức hệ này cuối cùng sẽ giúp Trung Quốc và Việt Nam giải quyết các vấn đề song phương.
Người Mỹ sẽ thấy rằng sự gần gũi giữa hai Đảng Cộng sản là không nhất quán với câu chuyện của một Việt Nam đang cố gắng thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc. Trong thực tế, hồ sơ các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Việt Nam cho thấy mâu thuẫn lớn đối với mong muốn của Việt Nam nhằm chuyển từ Trung Quốc sang gắn kết với Mỹ. Chuyến thăm Washington của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 7/2015 vốn được nhiều người xem là bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, người ta lại quên không đề cập rằng ông đã có một chuyến thăm tương tự đến Bắc Kinh ba tháng trước khi ông đến Mỹ. Và sáu tháng trước khi Hà Nội đón Tổng thống Obama, họ cũng đã tiếp đón một chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong năm 2015, ba trong số bốn nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội – đã đến thăm Bắc Kinh. Các chuyến đi của họ đã được đáp lại bằng chuyến thăm của hai thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc: Chủ tịch Tập và Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ. Tháng 1/2016, ông Tập là nguyên thủ đầu tiên cử đặc phái viên đến chúc mừng ông Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội Đảng lần thứ 12. Và đặc phái viên của vị Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là khách mời nước ngoài đầu tiên ông Tập tiếp đón sau Tết Nguyên đán.
Xét đến sự gần gũi ở cấp cao nhất này, cộng đồng chính sách của Trung Quốc nhận định rằng tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam tuy khó khăn, nhưng sự hiểu biết và việc quản lý vấn đề này ở cấp cao nhất đã được cải thiện đáng kể. Bắc Kinh hiểu rằng Việt Nam ít có khả năng sẽ chấp nhận các yêu sách của mình và sẽ tìm cách cân bằng sức mạnh với Trung Quốc thông qua Mỹ. Nhưng mối quan hệ song phương vẫn còn quản lý được. Trung Quốc cũng tin rằng Hà Nội đã trở nên cẩn thận hơn trong việc kích động chủ nghĩa dân tộc trong nước và sẽ không để lặp lại các cuộc biểu tình chống Trung Quốc như hồi năm 2014. Điều này không nhất thiết là vì lợi ích của quan hệ Trung-Việt, mà là vì an ninh chế độ của Hà Nội, bởi một số các cuộc biểu tình đã chuyển sang nhắm vào chế độ xã hội chủ nghĩa và chính quyền cộng sản Việt Nam, cả hai đều liên quan chặt chẽ với Trung Quốc.
Nếu đánh giá của Trung Quốc là chính xác, Việt Nam sẽ còn phải cân nhắc và đưa ra rất nhiều quyết định khó khăn trước khi xác định được mục tiêu quan trọng nhất và lựa chọn đồng minh tốt nhất cho mình. Cuối cùng thì, trong trường hợp này, chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam sẽ phải đối mặt với những mâu thuẫn nội bộ chủ chốt.
Yun Sun (ysun@stimson.org) là một nghiên cứu viên của Chương trình Đông Á tại Trung tâm Stimson. Chuyên môn của bà là Chính sách đối ngoại Trung Quốc, quan hệ Mỹ-Trung, và quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng và các chế độ chuyên chế.
TQ bình luận việc TBT Nguyễn Phú Trọng
tái
đắc cử
Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Sáng 28/1/2016 (giờ Bắc Kinh), Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) phát đi bài xã luận dưới đầu đề “Nguyễn Phú Trọng tái nhiệm là tín hiệu tích cực nhưng không tuyệt đối”. Nguyên văn như sau:
Hội nghị toàn thể Trung ương khóa XII Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) họp ngày 27/1 đã bầu ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư Trung ương Đảng khóa mới. Sự tái nhiệm của ông trên chức vụ này được dư luận phổ biến cho là tín hiệu quan trọng thể hiện ĐCSVN muốn duy trì đường lối chính trị ổn định.
Đại hội XII ĐCSVN được dư luận phương Tây chú ý cao độ, họ tiến hành sự phân tích thổi phồng vấn đề “bè phái” trong nội bộ ĐCSVN, gọi Tổng Bí thư Trung ương khóa XI Nguyễn Phú Trọng là “phái Bảo thủ” và “phái thân Trung Quốc”, gọi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là “phái Cải cách” và “phái thân Mỹ”. Truyền thông phương Tây luôn suy đoán Nguyễn Tấn Dũng, người “dốc sức thúc đẩy đưa Việt Nam gia nhập TPP” rất có thể trở thành tân Tổng Bí thư ĐCSVN, tuyên truyền ông sẽ mở ra “kỷ nguyên mới” trong công cuộc cải cách ở Việt Nam.
Khi sắp tới thời điểm cuối cùng trước ngày khai mạc ĐH XII, đã xuất hiện sự thay đổi tin tức. Các tin tiếp theo chứng thực tình hình chắc chắn là Nguyễn Tấn Dũng từ bỏ cuộc chạy đua làm người lãnh đạo ĐCSVN, ông không vào Ban Chấp hành Trung ương mới, Nguyễn Phú Trọng tái giữ chức Tổng Bí thư Đảng. Thế là một số dư luận phương Tây cho rằng “phái Bảo thủ” và “thế lực thân Trung Quốc” chiếm ưu thế.
Nhưng sự phân tích của dư luận phương Tây về nội tình ĐCSVN là quá nông cạn, đây là căn bệnh cũ của phương Tây khi phân tích về các nước cộng sản. Dư luận phương Tây đặc biệt thích dùng “phái Cải cách” và “phái Bảo thủ” để phân chia tầng lớp lãnh đạo cấp cao của ĐCSVN, và dán nhãn mác “thân Mỹ” hoặc “thân Trung Quốc” cho hai phái này. Thực ra, dù cho ai nắm quyền lãnh đạo, hiển nhiên người đó sẽ đặt lợi ích của Đảng và Nhà nước Việt Nam lên hàng đầu, sự khác biệt về nhận thức của họ chưa chắc là không thể điều hòa được; đặc biệt, việc các nhân vật khác nhau được bầu làm Tổng Bí thư lại không có nhiều khả năng dẫn đến hậu quả khiến cho đường lối của nhà nước đi ngược với mục đích đã xác định.
Công cuộc cải cách của Việt Nam được dư luận rộng rãi cho là thành công. Không gian chính trị để nó đi chệch con đường hiện nay và bước mạnh theo mô hình “cải cách” của phương Tây là rất nhỏ. Cùng với việc Việt Nam mở cửa, sự thâm nhập chính trị của phương Tây đã xộc vào nước này. Các hậu duệ người Việt ở Mỹ có ý nguyện mạnh mẽ muốn lật đổ chế độ chính trị Việt Nam. Những điều đó tất nhiên sẽ làm ĐCSVN tăng cường cảnh giác, khiến họ quan tâm tới vấn đề phương hướng cải cách.
Việc xử lý tốt quan hệ với hai nước lớn Trung Quốc và Mỹ được rất nhiều nước Đông Á coi là “mạch sống” về ngoại giao, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Việt Nam coi Trung Quốc và Mỹ đều rất quan trọng, nhưng họ cũng có tâm lý đề phòng hai nước lớn này.
Trung Quốc là hàng xóm “lớn và có thật [nguyên văn chân thực]” của Việt Nam, Việt Nam gia nhập TPP nhưng việc Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của họ thì không thể thay thế. Điều càng quan trọng hơn là Trung Quốc, Việt Nam đều là nước xã hội chủ nghĩa, con đường cải cách của Việt Nam từ cải cách kinh tế đến xây dựng đảng rồi đến ngăn ngừa sự thâm nhập của phương Tây, đều hấp thu nhiều kinh nghiệm từ Trung Quốc. Vấn đề giữa Trung Quốc với Việt Nam là tranh chấp lãnh thổ, nhưng tranh đi tranh lại bao năm nay, hai nước đều bắt đầu hướng tới bình tĩnh, nghiêm túc suy nghĩ nên đặt việc tranh chấp lãnh thổ ở vào vị trí nó nên ở, không thể để nó trở thành toàn bộ mối quan hệ Trung-Việt.
Mỹ là anh cả của phương Tây, tự nhiên là mục tiêu trọng điểm trong chính sách đối ngoại mở cửa của Việt Nam. Ngoài ra, Hà Nội còn chịu sự quyến rũ mê hoặc của việc “lôi kéo Mỹ khống chế Trung Quốc” trong tranh chấp lãnh thổ. Việc phát triển mối quan hệ Việt-Mỹ cũng là chiều hướng tình thế chung. Song le vấn đề ở phía Mỹ là đồng thời với việc hợp tác, họ còn gieo rắc vào Việt Nam hạt giống “cách mạng màu”. Việt Nam khác Trung Quốc, nhiệm vụ chống đỡ sự lật đổ từ bên ngoài của họ nặng nề hơn, tình thế cũng nghiêm trọng hơn.
Việt Nam phải xây dựng chính sách phát triển đất nước trong một loạt nhân tố mâu thuẫn lẫn nhau, kiềm chế lẫn nhau. Họ cần có năng lực biết phân biệt thật giả và biết phân chia nặng nhẹ, cấp thiết và chưa cấp thiết. Họ càng đi về phía trước lại càng phát hiện không thể tấn công một điểm này mà bỏ qua các điểm khác, họ không thể nghe theo sự xúi giục của một khẩu hiệu nào đó, không thể bị quyến rũ bởi một cái tốt đơn độc nào đó, họ sẽ tự nhủ nên trù tính đầy đủ các mặt quốc sách, lấy ổn định để mà tiến xa.
Trong tình hình đó, Việt Nam rất khó triệt để “thân Trung Quốc” hoặc “thân Mỹ”, e rằng họ cần nhất là “thân ổn định vững bền”, “thân cân bằng lợi ích”.
Nguyễn Phú Trọng tái nhiệm và Nguyễn Tấn Dũng mất quyền tranh đua có lẽ làm cho dư luận phương Tây có chút chán nản thất vọng, nhưng người Trung Quốc hoàn toàn không có lý do sa đà vào logic phân tích của phương Tây, cho rằng mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam từ nay “ổn thỏa rồi”. Cuộc tranh chấp Nam Hải giữa Việt Nam với Trung Quốc có lẽ sẽ được quản lý, kiểm soát như tình hình mới đây đã hình thành, song [tranh chấp] sẽ không ngừng lại. Sự hợp tác Việt Nam-Mỹ cũng sẽ không vì Nguyễn Tấn Dũng ra đi mà xuống dốc.
Nhưng dù nói thế nào đi nữa thì việc Nguyễn Phú Trọng đắc cử là tín hiệu tích cực đối với sự phát triển mối quan hệ bạn bè hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam. Thể chế của ĐCSVN có đặc sắc “nhiều đầu não” [nguyên văn: đa đầu] nhưng Tổng Bí thư ĐCSVN có sức ảnh hưởng lớn nhất với đường lối của Nhà nước. Công chúng Trung Quốc nên chúc mừng vị lão đảng viên 72 tuổi này của ĐCSVN, chúng ta cũng hy vọng ông có thể dẫn dắt Việt Nam làm bạn tốt của Trung Quốc, để cho kế sách lớn phát triển của hai nước thích ứng với nhau, khiến cho các vấn đề giữa hai nước có thể được giải quyết thông qua hiệp thương.
Nguồn: huanqiu.com 社评:阮富仲连任是积极但非绝对的信号 2016-01-28 00:59:00
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét