Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

Nóng! Tàu kiểm ngư Việt bị "tàu lạ" đâm nát khi đến gần giàn khoan HD981 23/6/2016; Tàu Trung Quốc hành xử như cướp biển, đâm vỡ tàu Kiểm ngư Việt Nam; Việt Nam bày tỏ quan ngại về Biển Đông tại hội nghị LHQ


13g50 ngày 23-6, khi theo tàu CSB 8003 đến hỗ trợ tàu kiểm ngư 951, phóng viên Tuổi Trẻ nhìn thấy một vật thể tròn to, màu đỏ trôi dập dềnh ở phía xa, về hướng các tàu Trung Quốc.

Tàu Trung Quốc hành xử như cướp biển, đâm vỡ tàu Kiểm ngư Việt Nam
Phần lan can mạn trái tàu kiểm ngư 951 bị đâm sập - Ảnh: My Lăng
Các sĩ quan cho biết đó là phao bè cứu sinh tự thổi của tàu kiểm ngư 951. Đó là hậu quả cú đâm trí mạng của tàu Trung Quốc làm chiếc phao này dù được chằng buộc rất chắc chắn đã bị hất tung xuống biển.

Hai cú đâm tàn độc

14g18. Khi nhìn thấy tàu kiểm ngư 951 bị bẹp dúm toàn bộ phần mạn tàu, đuôi tàu bị biến dạng hoàn toàn, tôi thấy tim mình như bị bóp nghẹt, đau nhói. Nỗi xót xa dâng ngập trong lồng ngực. 12 phút sau, phóng viên đã được tạo điều kiện tiếp cận trực tiếp tàu kiểm ngư 951.

Các kiểm ngư viên kể lại lúc 9g30, khi tàu kiểm ngư 951 đang cách giàn khoan 11,5 hải lý về phía tây bắc thì bị bảy tàu Trung Quốc các loại dàn hàng ngang lao ra vây ép tàu CSB 4033 và tàu kiểm ngư 951.

Với sự áp đảo hẳn về số lượng và kích cỡ, các tàu Trung Quốc đã bao vây và điên cuồng nhắm thẳng đến tàu kiểm ngư 951.

Lợi dụng sự hỗn loạn, tàu Hữu Liên 09 đã lao đến đâm vào mạn phải, khu vực cầu thang tàu kiểm ngư 951. Con tàu kéo hung hãn như trâu điên này đã ghìm chặt không cho tàu kiểm ngư 951 xoay trở để cho tàu khác lao vào đâm.

Chỉ hai phút sau, tàu hải tuần 11 tiếp cận sau lái tàu kiểm ngư 951 sử dụng vòi rồng phun nước với âm mưu tấn công tới tấp nhằm triệt tiêu sức sống của tàu kiểm ngư 951 và uy hiếp đến cùng tinh thần của các kiểm ngư viên Việt Nam.

Tàu kiểm ngư 951 đã vòng tránh thoát khỏi sự tấn công của tàu hải tuần 11 nhưng ngay sau đó tàu kéo Tân Hải 285 to lớn đã chạy tốc độ cao đâm thẳng vào chính giữa mạn trái.

Chỉ trong một phút rưỡi, tàu kiểm ngư Việt Nam 951 bị liên tiếp hai cú đâm cực mạnh của tàu Trung Quốc.

Trước diễn biến quá bất ngờ này, tàu CSB 4033 đã phối hợp với các tàu thực thi pháp luật Việt Nam khác cơ động cắt mũi, cắt lái thành công các tàu Trung Quốc để hỗ trợ giải vây tàu kiểm ngư 951.

Các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư đã dàn đội hình tạo thành bức tường bảo vệ tàu 951 tránh những cú đâm va tiếp của các tàu Trung Quốc. Những con trâu điên của Trung Quốc tiếp tục bám theo nhóm tàu của ta ra xa đến 15 hải lý so với giàn khoan.

Thiệt hại nặng

Tàu kiểm ngư 951 là một trong những tàu Việt Nam có thời gian thực hiện nhiệm vụ ở Hoàng Sa lâu nhất (từ ngày 3-5).

Sau thời gian dài kiên cường bám trụ làm nhiệm vụ, tàu kiểm ngư 951 đã bị các tàu Trung Quốc đâm va, uy hiếp nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên tàu 951 bị thiệt hại nặng nhất. Hậu quả của hai cú đâm hung hãn này làm toàn bộ lan can mạn trái bị sập, biến dạng.

rei2LK4d.jpg
Phần lan can tàu kiểm ngư 951 bị biến dạng - Ảnh: My Lăng
Những mảnh sắt bị gãy cong vênh chĩa ra sắc nhọn. Một phần của xuồng bên mạn trái cũng bị thủng. Tất cả giá xuồng bị hỏng. Một phao bè cứu sinh tự thổi bị văng mất. Từ phần cabin trở về sau lái dài khoảng 10m bị biến dạng hoàn toàn.

Nguy hiểm nhất là cú đâm đã gây ra những lỗ thủng ở ngay khoang máy chính mạn trái khiến nước biển tràn vào. Các kiểm ngư viên phải gấp rút lấy mền, vải và gỗ gia cố, chèn vào những vết nứt để chống chìm. Một nhà vệ sinh bị vỡ gạch ốp và bồn vệ sinh, phần tường bị lõm vào.

Ở bên mạn phải, buồng y tế, một phòng ngủ bị đâm sập, lõm cả vào trong. Ánh sáng tràn vào ngập phòng. Căn phòng tan hoang như vừa bị bão quét qua.

Vây ép liên tục

Trước đó lúc 8g30, các tàu thực thi pháp luật Việt Nam đã tiến vào giàn khoan tiếp tục tuyên truyền. Khi phát hiện các tàu Việt Nam cách giàn khoan 10,5 hải lý, các tàu Trung Quốc đã dàn sẵn đội hình từ xa.

Đến 9g, bảy tàu Trung Quốc các loại đồng loạt lao ra ngăn cản tàu Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Tàu hải cảnh 3210 chạy với vận tốc cao (17 hải lý/giờ) áp sát mạn trái tàu CSB 8003.

Có lúc tàu hải cảnh 3210 chỉ cách tàu CSB 8003 khoảng 270m, còn tàu hải cảnh 2401 chỉ cách 600m. Hai tàu này liên tục dùng tốc độ cao bám theo nhằm áp sát và tạo thế gọng kìm ép chặt tàu CSB 8003.

Tàu hải cảnh 3210 rồi đến tàu hải cảnh 2401 thay nhau liên tục hú còi để uy hiếp tàu Việt Nam. Trong khi đó, ở phía sau luôn luôn là tàu hải cảnh 31 cũng chạy với tốc độ cao theo tàu CSB 8003.

Sau khoảng 20 phút, một nhóm gồm bốn tàu Trung Quốc đã áp sát các tàu kiểm ngư Việt Nam lúc này đang ở bên mạn trái phía xa tàu CSB 8003.

Đặc biệt, tàu hải cảnh 13101 chạy với tốc độ rất nhanh, sóng tung che gần hết tàu, lao hết tốc độ thẳng đến nhóm tàu kiểm ngư Việt Nam. Tàu này có lúc chạy xuyên qua đội hình tàu Trung Quốc.

Tàu hải cảnh 3210 sau nhiều lần tăng tốc, hú còi uy hiếp tàu CSB 8003 đã chuyển hướng và cùng với bốn tàu hải cảnh khác ráo riết cản phá các tàu kiểm ngư của chúng ta.

10g15. Tàu CSB 8003 nhận lệnh đi về hướng tây bắc tiếp cận tàu kiểm ngư 951 vừa bị tàu Trung Quốc đâm. Lúc này, tàu CSB 8003 đang cách tàu kiểm ngư 951 khoảng 12 hải lý.

Khi đang di chuyển ra xa cách giàn khoan 13,5 hải lý thì tàu CSB 8003 phát hiện ở phía sau lái có đến năm tàu Trung Quốc gồm một tàu kéo và bốn tàu hải cảnh tăng tốc bám theo, đồng thời vừa dàn đội hình bao vây tàu CSB 8003 theo thế gọng kìm.

Có lẽ đoán biết được tàu CSB 8003 được lệnh cơ động đến hỗ trợ tàu kiểm ngư 951 nên các tàu Trung Quốc đã điên cuồng chạy theo ngăn cản.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hưng của tàu CSB 8003 đã bình tĩnh và khôn khéo điều khiển tàu cơ động tránh bị nằm trong thế gọng kìm của các tàu Trung Quốc.

Tàu hải cảnh 3210 đã điên cuồng tăng vận tốc lên 21 hải lý/giờ và luôn đổi hướng, chạy zích zắc phía sau tàu CSB 8003.

Ở tốc độ cao như thế này và với việc đổi hướng liên tục như thế, rõ ràng mục đích của tàu hải cảnh 3210 là muốn lấy hướng tiếp cận, tạo ra góc đâm ở vận tốc cao nhằm tạo ra nguy cơ đâm va gây thiệt hại lớn cho tàu CSB 8003. Ý đồ đâm va cực mạnh của tàu Trung Quốc đã lộ quá rõ.

Tuy nhiên, đại úy Nguyễn Văn Hưng đã tìm cách đẩy tất cả tàu Trung Quốc phải cơ động về bên mạn trái tàu CSB 8003.

10g45. Nhận thấy tình hình căng thẳng, chỉ huy đã lệnh cho tàu CSB 8003 không tiếp tục di chuyển về hướng tây bắc nữa mà quay về vị trí cũ cùng với tốp các tàu của Việt Nam ở phía nam tây nam giàn khoan để kéo giãn đội hình tàu Trung Quốc.

Lúc 12g30. Tàu CSB 8003 tiếp tục nhận lệnh cơ động về phía bắc giàn khoan, thực hiện nhiệm vụ tiếp cận tàu kiểm ngư 951. Tàu 8003 phải di chuyển với tốc độ chậm, hướng đi hẹp và khéo léo dịch chuyển nhẹ khi thì qua trái, lúc lại qua phải để tránh tầm quan sát của các tàu Trung Quốc.

Trong quá trình tàu CSB 8003 di chuyển, nhiều tàu Trung Quốc luôn chĩa mũi thẳng hướng về phía tàu CSB 8003.

Quyết bám trụ đến cùng

Sau hai cú đâm va trên, hai kiểm ngư viên đã bị thương nhẹ. Một người bị rách tay trái do mảnh sắt văng vào. Một người bị chảy máu chân. Hai kiểm ngư viên này đã được băng bó, sơ cứu ngay sau đó. Tuy nhiên khi được hỏi, các kiểm ngư viên đều khẳng định xin được ở lại, quyết bám trụ thực hiện nhiệm vụ đến cùng.

MY LĂNG (từ Hoàng Sa, Việt Nam)

(Tuổi Trẻ)

Việt Nam bày tỏ quan ngại về Biển Đông tại hội nghị LHQ


25/06/2016 11:24 GMT+7
TTO - Tại hội nghị về Công ước luật biển tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc (LHQ) mới đây, Việt Nam bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông.
Việt Nam bày tỏ quan ngại về Biển Đông tại hội nghị LHQ
Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc - Ảnh: UN
Việt Nam khẳng định các tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật biển.
Hội nghị lần 26 các quốc gia thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 được tổ chức tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York (Mỹ) từ ngày 20-24 tháng 6 với sự tham dự của 79/168 quốc gia thành viên, các tổ chức quốc tế và 10 nước quan sát viên.
Hội nghị đã xem xét các báo cáo về hoạt động trong năm 2015 của Tòa án quốc tế về luật biển, Cơ quan Quyền lực đáy đại dương và Ủy ban Ranh giới ngoài thềm lục địa cũng như một số vấn đề khác.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại các phiên thảo luận của hội nghị, đoàn Việt Nam đánh giá cao thành quả hoạt động của các cơ quan được thành lập theo Công ước, hoan nghênh Tòa án quốc tế về Luật biển đưa ra các phán quyết và ý kiến tư vấn trong năm 2015, góp phần làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước.
Đoàn Việt Nam cũng hoan nghênh nỗ lực của ủy ban ranh giới ngoài thềm lục địa trong việc xem xét các báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa của các quốc gia thành viên trong năm 2015, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc sửa đổi quy tắc hoạt động để ủy ban có thể ra khuyến nghị đối với các báo cáo bị phản đối, trong đó có các báo cáo của Việt Nam, phù hợp với quy định của Công ước.
Phát biểu tại Hội nghị ngày 23-6, Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc và Trưởng đoàn Việt Nam tham dự hội nghị, khẳng định ý nghĩa quan trọng của Công ước luật biển trong việc tạo khuôn khổ pháp lý điều chỉnh quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên liên quan đến việc sử dụng biển và đại dương một cách hòa bình, công bằng, ổn định và hiệu quả, vì thịnh vượng chung của nhân loại.
Đại sứ hoan nghênh các Nghị quyết do Đại hội đồng Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua trong năm qua về vấn đề biển và đại dương, cụ thể là Nghị quyết về Luật Biển và Đại dương, Nghị quyết về đánh cá bền vững… cũng như kết quả làm việc của Ủy ban trù bị về đa dạng sinh học ngoài vùng tài phán quốc gia.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, đặc biệt là các hoạt động cải tạo và xây dựng quy mô lớn làm thay đổi tính chất tự nhiên của một số cấu trúc ở Biển Đông, các hoạt động quân sự hóa, gây xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực.
Trưởng đoàn Việt Nam kêu gọi các bên liên quan cần chấm dứt ngay các hành động làm thay đổi nguyên trạng, phá hoại môi trường biển và làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.
Đại sứ khẳng định lập trường của Việt Nam, theo đó các tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật biển; các bên liên quan cần thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC). 
Q.TR

Không có nhận xét nào: