Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2016

Lao động Việt đi làm việc ở nước ngoài đạt mức kỷ lục

Tổng số lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài đã lên trên 500.000 người...

Lao động Việt đi làm việc ở nước ngoài đạt mức kỷ lục
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyển trình bày tham luận ở Đại hội Đảng lần thứ 12.
NGUYỄN LÊ
Năm 2015, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt mức kỷ lục, 115 nghìn người, đưa tổng số lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài lên trên 500.000 người.

Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết tại tham luận ở Đại hội Đảng lần thứ 12, sáng 23/1.

Thất nghiệp ở mức thấp
 
Bộ trưởng khái quát, năm 2015, cả nước có 52,9 triệu người có việc làm. Chuyển dịch cơ cấu việc làm theo ngành kinh tế có chuyển biến tích cực, tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp giảm, năm 2015 còn 44,3% (giảm 4,4% so với năm 2010).

Đến cuối năm 2014, cả nước có trên 19 triệu lao động làm công ăn lương, chiếm trên 36% tổng số việc làm.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động vẫn luôn duy trì ở mức thấp, năm 2015 là 2,31%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,29%.

Cùng thời điểm cuối năm 2015, cả nước có trên 12,07 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm trên 23% lực lượng lao động. 

Trong đó, tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên 11,85 triệu người, tăng trên 2,25 triệu người so với cuối năm 2010; tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên 223 nghìn người, tăng trên 148 nghìn người so với cuối năm 2010.

Nhiều con số khác cũng được Bộ trưởng đề cập, như cả nước hiện có gần 2,6 triệu người đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội. Có trên 9,9 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 3,6 triệu người so với cuối năm 2010.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy tác dụng trong bối cảnh kinh tế khó khăn vừa qua: từ tháng 1/2011 đến cuối năm 2015 có trên 2,07 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp; trên 1,7 triệu lượt người tư vấn, giới thiệu việc làm; trên 122 nghìn lượt người được hỗ trợ học nghề..., Bộ trưởng khái quát.

Chất lượng lao động thấp
Bên cạnh kết quả, Bộ trưỡng cũng nhìn nhận một số thách thức của việc đảm bảo an sinh xã hội hiện nay.

Đó là, chất lượng việc làm còn thấp, trong khi khả năng tạo việc làm của nền kinh tế trong giai đoạn suy giảm tăng trưởng kinh tế không cao đã ảnh hưởng đến kết quả giải quyết việc làm cho người lao động.

Hay, đa số lao động phi chính thức chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp.

Bộ trưởng cũng đánh giá, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chậm, lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao, năm 2015 là 44,3%. 

Chất lượng lao động thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo chung 51,6%, trong đó qua đào tạo từ 3 tháng trở (có bằng cấp chứng chỉ) mới đạt khoảng 21,9%.

Không có nhận xét nào: