Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Bộ Luật Hình sự sửa đổi: Những sai sót đã được báo trước...

GS TS Luật Nguyễn Vân Nam

  • 8 giờ trước
Image copyrightISTOCK
Image captionLuật pháp thể hiện trí tuệ của dân tộc
Nói chung, một bộ luật không được phép có sai sót. Vì ngoài những ý nghĩa và mục đích quan trọng mà nó theo đuổi, một bộ luật còn là sản phẩm thể hiện một cách cô đọng nhất trí tuệ của một dân tộc.
Bộ Luật Hình sự 2015 có tới 90 sai sót chắc chắn là điều không thể chấp nhận, nhưng không bất ngờ.
Bất ngờ là, lẽ ra, nếu có sai sót thì phải là ở các bộ luật khác, chứ không thể là chính bộ Luật Hình sự 2015. Cho đến trước 1975, ở miền Bắc, khi nói đến ra Tòa, nói đến luật pháp, người ta hầu như nghĩ ngay đến tội hình sự, luật hình sự. Có thể nói, Luật Hình sự cũng là một trong số rất ít bộ luật quen thuộc và được áp dụng thành thạo trong thực tế ở Việt Nam.
Ngày nay, bộ luật này vẫn ảnh hưởng rất quan trọng đến cách xây dựng các bộ luật; đến thủ tục tố tụng cho các bộ luật khác (Trong tố tụng dân sự chẳng hạn, đã có đơn khởi kiện mà nhất định vẫn phải làm tờ khai, v…v.) ; thậm chí đến cả thái độ của thẩm phán đối với luật sư, với nguyên đơn, bị đơn trong vụ kiện dân sự, hành chính, cũng bị ảnh hưởng nặng bởi thái độ của thẩm phán đối với bị cáo trong vụ hình sự.

Thêm vào đó, Luật Hình sự không phải là một bộ luật mang tính khái quát, trừu tượng cao và vì vậy đòi hỏi phải lý giải áp dụng, mà là một bộ luật có thể hiểu trực tiếp để áp dụng.

Liệu các luật khác có sai?

Nhưng, do Luật Hình sự phải dễ hiểu, không trừu tượng, nên ai cũng có thể dễ dàng phát hiện ra những sai sót của bộ luật này. Vì thế, câu hỏi quan trọng hơn sẽ là, liệu các sai sót của Luật Hình sự 2015 chỉ là đặc thù của Luật hình sự, hay cũng có thể là của các bộ luật khác?
Về cơ bản, những sai sót đang được phát hiện của Luật Hình sự 2015 nằm trong các nhóm các sơ sót thường thấy và dễ thấy nhất của một bộ luật là: a) Sử dụng ngôn ngữ chưa chuẩn xác; b) Chưa có sự thống nhất, nhất quán cả về hình thức lẫn nội dung, giữa các điều luật; và c) Chưa có sự liên kết chặt chẽ và chính xác với các bộ luật khác để là một bộ luật trong một hệ thống các bộ luật quốc gia thống nhất.
Tất nhiên, một bộ luật bất kỳ nào cũng còn phải được đánh giá theo những chuẩn mực khác cao hơn, quan trọng hơn (chẳng hạn, các qui định của nó có hiệu quả để đạt được mục đích mà các nhà làm luật kỳ vọng hay không?). Thêm vào đó, trong thời đại Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, một bộ luật quốc gia còn phải được đánh giá theo mức độ phù hợp với những chuẩn mực quốc tế mà nó bắt buộc phải tuân thủ.
Nhìn dưới một góc độ như vậy, có thể tìm thấy những sơ sót tương tự như sơ sót hiện nay của Luật Hình sự 2015 ở rất nhiều các bộ luật hiện hành khác, đặc biệt là ở các bộ luật cho các lĩnh vực mà Việt nam chưa có kinh nghiệm như: Luật Sở hữu Trí tuệ, Luật Cạnh tranh, Luật quảng cáo, Luật bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp, Luật Vệ sinh An toàn thực phẩm; Luật Bảo hiểm xã hội.
Chẳng hạn: Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, là thành viên Công ước Berne bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật. Nhưng Luật Sở hữu Trí tuệ 2005 hiện hành vẫn định nghĩa „ tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học…“, trong khi theo chuẩn mực của Công ước Berne thì „Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo tinh thần trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học…“
Có vẻ nghịch lý khi nói rằng, các sai sót đó là không thể tránh khỏi. Nhưng, quả đúng vậy. Người ta không thể giỏi chỉ sau một đêm. Không thể hy vọng một lập trình viên máy tính có thể nhanh chóng lập đúng, viết tốt một qui trình trồng lúa.

Xây dựng chuẩn mực

Image copyrightAFP
Về khách quan, Việt Nam cũng chỉ mới bắt đầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, mới chỉ bắt đầu làm quen với việc xây dựng luật theo các chuẩn mực quốc tế vẫn còn khá mới mẻ với ta. Ngoài các chuẩn mực phổ cập quốc tế tối thiểu cho việc xây dựng và thực thi các bộ luật quốc gia, hiện nay cũng có không ít các quốc gia là mẫu mực cho việc xây dựng các bộ luật. Nhưng, do hoàn cảnh lịch sử, Việt Nam vẫn còn thiếu các chuyên gia luật học đủ khả năng đánh giá đâu là mẫu mực tốt nhất có thể áp dụng cho Việt Nam.
Dù gặp hoàn cảnh khách quan khó khăn, ta vẫn có thể nhanh chóng vượt qua và trưởng thành nhanh hơn, nếu cương quyết tự thay đổi nhận thức và các thói quen cũ. Nguyên nhân gây ra những sai sót trong các bộ luật hiện nay, về cơ bản là do các nguyên nhân chủ quan, chẳng hạn như:
- Chưa thật sự thấy và coi trọng vai trò đặc biệt quan trọng của các bộ luật trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng một xã hội văn minh, ổn định và phát triển. Chính tư tưởng này dẫn đến những qui định qui trình và các biện pháp xây dựng luật không thích hợp và có khả năng dẫn đến sai sót, sơ suất rất cao.
- Quan niệm phải có Nghị định hướng dẫn thi hành luật - bên cạnh rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác - cũng góp phần khiến người soạn thảo luật, cũng như các đại biểu Quốc hội chủ quan, vì vẫn hy vọng Nghị định có thể sửa lại cho đúng một số sai sót của bộ luật đã được thông qua.
- Qui trình xây dựng luật của Việt Nam ngược với qui trình tại các nước phát triển, cũng là qui trình được WTO khuyến nghị thực hiện. Có thể do quan niệm Quốc hội là cơ quan lập pháp, làm luật, nên Quốc hội cũng là người làm (soạn thảo) các bộ luật. Vì vậy, Quốc hội giao nhiệm vụ cho các cơ quan nhà nước, chính phủ soạn thảo luật sau đó lấy ý kiến chuyên gia, ý kiến nhân dân trước khi đại biểu quốc hội thảo luận và bỏ phiếu thông qua. Ngược lại, theo WTO, cơ quan lập pháp, chính phủ hay từng nghị sĩ quốc hội giao cho (ký hợp đồng) với các nhóm Giáo sư luật học giỏi nhất trong lĩnh vực luật mà họ quan tâm, để nhóm này soạn thảo luật.
Với qui trình xây dựng luật hiện nay, người soạn thảo luật là cơ quan công quyền, ý kiến của các chuyên gia luật (nếu có) chỉ mang tính tham khảo. Các bộ, liên bộ được giao soạn thảo thường có xu hướng viết điều luật sao cho nó thuận tiện khi mình áp dụng và bảo vệ quyền lợi của mình.
Trường hợp do liên bộ soạn thảo thì điều này trước hết sẽ là sự thỏa hiệp quyền lợi giữa họ và trong không ít trường hợp, sự thỏa hiệp này đi trệch với mục đích ban đầu của cơ quan lập pháp. Cuối cùng, các điều luật không do một mà nhiều cơ quan công quyền khác nhau soạn thảo, cũng dẫn đến tình trạng một điều luật do bộ này đề xuất không kết hợp được một cách hữu cơ với các điều luật liên quan đến nó, nhưng do các bộ khác đề nghị. Đây cũng là một trong các nguyên nhân chính gây ra tình trạng mà chúng ta thường nói một cách rất lịch sự là: tính không đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam.

Hạn chế sai sót

Ngăn ngừa hay hạn chế sai sót, sơ suất của một bộ luật là một quá trình dài và phải thay đổi hàng loạt điều kiện. Tuy nhiên, có thể bắt đầu ngay bằng cách loại bỏ các nguyên nhân chính gây ra tình trạng này:
Image copyrightHOANG DINH NAM AFP
Image captionQuốc hội cần cân nhắc kỹ các vấn đề về luật
- Qui trình xây dựng luật có thể như sau: (1) Việc soạn thảo luật nên giao cho các nhóm giáo sư luật học giỏi nhất thực hiện; (2) Quốc hội, Chính phủ hay các cơ quan nhà nước không phải là người chủ biên, mà sẽ là người kiểm tra, thẩm định một sản phẩm dịch vụ xem nó có đạt yêu cầu để tiếp nhận hay chưa mà thôi; (3) Sau khi được tiếp nhận, dự thảo luật sẽ được đưa ra thảo luận rộng rãi, kể cả lấy ý kiến người dân nếu cần thiết; (4) Dự thảo luật được đưa ra thảo luật tại Quốc hội, các ý kiến của đại biểu quốc hội được chuyển đến nhóm giáo sư viết dự thảo; (5) Nhóm giáo sư viết dự thảo viết báo cáo chi tiết về các ý kiến đóng góp cho dự thảo và nêu ý kiến kết luận của mình gửi quốc hội; (6) Báo cáo của nhóm giáo sư được gửi cho từng đại biểu quốc hội, họ có thể gửi ý kiến của mình đến nhóm giáo sư soạn thảo: (7) Nếu không còn đại biểu quốc hội nào có ý kiến thêm, Quốc hội sẽ cho thảo luận công khai và bỏ phiếu thông qua dự thảo luật.
- Từ bỏ quan niệm phải có Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành thì một bộ luật mới được áp dụng trong thực tiễn. Từ bỏ quan niệm Quốc hội làm luật cũng là soạn thảo luật. Thẩm quyền lập pháp của Quốc hội là ở chỗ làm cho một dự thảo luật trở thành bộ luật có hiệu lực bắt buộc phải thi hành, chứ không phải là viết dự thảo luật.
Cuối cùng, dù các vị đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Luật Hình sự 2015 có tới ít nhất 90 sơ suất, thì họ cũng không đáng trách lắm đâu.
Đại biểu Quốc hội không nhất thiết phải là những chuyên gia luật học giỏi để có thể nắm vững và đánh giá đúng đắn từng dự thảo luật mà họ sẽ biểu quyết. Cũng không thể có một vị đại biểu nào nắm vững tất cả các vấn đề mà Quốc hội thảo luận. Nhưng, tất nhiên mỗi vị đại biểu phải có ý thức trách nhiệm với lá phiếu của mình tại Quốc hội. Muốn vậy, họ phải có nghĩa vụ tìm hiểu kỹ lưỡng về từng vấn đề mà mình phải quyết định.
Nhiệm vụ của Quốc hội là tạo điều kiện cho mỗi một đại biểu có điều kiện tốt nhất để tiếp cận thông tin cần thiết, có được các chuyên gia tư vấn giỏi trong từng lĩnh vực đang được Quốc hội thảo luận. Chỉ khi đã được tạo đủ điều kiện mà vị đại biểu Quốc hội nào vẫn không sử dụng, thì lúc đó họ mới đáng trách.
Bài phản ánh văn phong và quan điểm của người viết, tiến sỹ luật hiện đang sống và làm việc tại Việt Nam.

Không có nhận xét nào: