Có thể nói sông Mekong (sông Tiền và sông Hậu), trong đó sông Hậu chảy qua tỉnh Hậu Giang là một trong những nguồn nước quan trọng nhất nuôi sống cộng đồng cư dân Việt " từ thuở mang gươm đi mở cõi" và biến đồng bằng Nam bộ thành vựa lúa lớn nhất đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm trên 70% diện tích thủy sản, 40% sản lượng nuôi trồng và 60% sản lượng xuất khẩu của cả nước. Không phải ngẫu nhiên mà Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) hoang mang, lo ngại đã gửi văn bản cầu cứu Quốc hội và Chính phủ về Dự án xây dựng nhà máy giấy của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hongkong – Trung Quốc) sắp đi vào hoạt động ở cặp bờ sông Hậu (hạ nguồn Mekong).
Nhà máy giấyLee & Man Hậu Giang |
Phạm luật và nguy cơ gây ô nhiễm đã được cảnh báo
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp giấy đến năm 2010” thì không có quy hoạch xây dựng nhà máy giấy ở Hậu Giang và theo Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010 - tầm nhìn 2020 cũng không quy hoạch vùng nguyên liệu giấy tại ĐBSCL.
Dự án Lee & Man Việt nam bao gồm 2 hạng mục chính: nhà máy sản xuất bột giấy tẩy trắng công suất 330.000 tấn/năm và nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp công suất 420.000 tấn/năm, đặt tại ấp Phú Thạnh, xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Tổng lượng nước thải của nhà máy bột giấy là 143,478 m3/ngày đêm, nhà máy giấy bao bì là 79.130 m3/ngày đêm. Nhà máy phải cần NaOH trong qui trình xử lý nước thải, ít ra cũng gần 30 tấn/ngày. Để sản xuất ra 330 ngàn tấn bột giấy năm thì phải trồng rừng, qui mô cũng phải trên 600 ha.
Năm 2007 dự án đã lập bản cam kết bảo vệ môi trường (BVMT) và được UBND huyện Châu Thành cấp Giấy xác nhận đăng ký cam kết BVMT cho cả 2 hạng mục (theo quy định của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP của chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BVMT 2005).
Các nhà máy sản xuất giấy, hóa chất, thép vv…được xếp vào loại báo động vì chất xả thải độc hại ra môi trường. Công nghiệp giấy được xếp vào loại gây ô nhiễm còn hơn cả công nghiệp khai khoáng, bởi vì phải khai thác các nguồn selulo tự nhiên (rừng), sử dụng nhiều chất tẩy (độc hại) trong quá trình sản xuất ("xeo") và đặc biệt việc tái chế giấy càng thải ra nhiều chất độc hại và nguy hiểm.
Theo tôi hiểu nhà máy giấy thì tùy theo loại hình sản xuất. Nếu nhà máy có hệ thống nấu sản xuất bột giấy thì ô nhiễm môi trường lớn nhất là dung dịch đen (Black liquor) thải ra môi trường dưới dạng nước thải. Dịch đen chứa nhiều hóa chất độc hại tuy nhiên thường các nhà máy lớn phải có lò hơi đốt dịch đen để thu hồi hóa chất. Cái này, cũng cần kiểm soát kỹ vì nhiều trường hợp nồi hơi trục trặc là nhà máy thải ngay dịch đen ra môi trường vì không có chỗ chứa. Dịch đen có mùi hôi đặc trưng gây ô nhiễm mùi cho môi trường xung quanh còn nếu thải ra nguồn nước thì gây ô nhiễm nước tổn hại đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
Còn quá trình sản xuất giấy thì công đoạn tẩy trắng cũng dùng nhiều hóa chất độc hại cần xử lý trước khi thải ra môi trường nước. Ngoài ra, còn phải kiểm soát thêm môi trường khí thải của lò hơi. Nhà máy lớn thì lò hơi lớn nên ô nhiễm môi trường cũng phải kiểm soát chặt chẽ vv...
Trớ trêu là ngay từ khi thành lập dự án nhà máy giấy Lee & Man đã không làm báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) mà chỉ làm bản cam kết bảo vệ môi trường! Năm 2008, tuân thủ quy định của Nghị định số 21/2008/NĐ-CP về việc bổ sung, sửa đổi một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP dự án nhà máy giấy Lee & Man phải làm báo cáo ĐTM.
Bài học kinh nghiệm
Nhà máy giấy An Hòa ở Tuyên Quang của ông Vũ Văn Tiền (mệnh danh ông Nhiều Tiền), tập đoàn Geleximco, công suất 130.000 đến 140.000 tấn/năm, đầu tư 250 triệu US$, thiết bị sản xuất chủ yếu từ Thụy Điển và Phần Lan. Nhưng từ khi đi vào sản xuất đến nay luôn bị ‘thổi còi” vì xả trộm nước thải, và nguồn nước thải không đạt tiêu chuẩn mặc dù có hệ thống xử lý, mùi hôi thối bay xa tới hơn cây số vẫn ngửi thấy mùi. Bộ TN-MT đã xử phát nhiều lần, nhưng nhà máy giấy cứ tiếp tục xả. Người ta còn nói ông Tiền ‘bức tử sông Lô’ với mức xả 7.500 m3/ngày, nước mầu đỏ sậm.
Còn nhà máy giấy Lee & Man ở Hậu Giang chắc chắn là công nghệ, thiết bị và quản lý của Trung Quốc lạc hậu, kém xa Thụy Điển và Phần Lan.
Với những nhà máy giấy, hoá chất, đáng lo ngại nhất là phát thải dioxin và các chất giống dioxin. Quản lý dioxin và các chất giống dioxin ở VN còn rất yếu kém. Báo cáo ĐTM của những nhà mày này cần phải làm rất cẩn thận. Trong Luật BVMT 2014 đã có những quy định mới về trách nhiệm của Hội đồng thẩm định và người ký duyệt ĐTM.
Giải pháp
Nhà đầu tư Trung Quốc về nhà máy giấy Lee & Man phải báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường theo báo cáo đã được duyệt trước khi vận hành và bắt đầu vận hành. Theo luật BVMT nhà máy đã dừng hoạt động sau 2 năm thì phải làm lại báo cáo ĐTM nhưng đến nay vẫn chưa cập nhật bổ sung ĐTM cho nên Chính phủ có đủ lý do chính đáng để “thồi còi” cho dừng lại dự án “nhậy cảm” này để kiểm tra, rà soát công nghệ xử lý nước thải, và cơ chế giám sát môi trường vv...
Thay cho lời kết
Người dân có quyền đặt câu hỏi với những gì đã được cảnh báo, với những gì đang diễn ra, có cần phải chờ hậu qủa xảy ra rồi mới tiến hành hậu kiểm, như nguời ta đã làm với rất nhiều công trình, dự án làm nghèo đất nước hay không?"
TS. Tô Văn Trường
(Blog Bùi Văn Bồng)
Nhà máy giấy Trung Quốc tỉ đô có 'bức tử' sông Hậu?
Nhà máy giấy của Cty TNHH giấy Lee & Man (Hong Kong - TQ) tại Hậu Giang từng bị VASEP gửi văn bản tới Quốc hội, Thủ tướng bày tỏ lo ngại việc xả thải tác động xấu tới sông Hậu.
Dự án nhà máy giấy Lee & Man chuyên sản xuất, gia công, mua bán các loại giấy, bao bì bột giấy và sản phẩm từ giấy. Dự án được triển khai xây dựng cụm công nghiệp tập trung (nằm cạnh sông Hậu), địa chỉ ở ấp Phú Thạnh, xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành.
Nhà máy có diện tích 80 ha, tổng mức đầu tư khoảng 1,2 tỉ USD, được xem là có quy mô lớn nhất VN và nằm trong số 5 nhà máy giấy lớn nhất thế giới.
Dự kiến tháng 8 tới, Nhà máy giấy Lee&Man sẽ đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, dư luận liên tục bày tỏ lo ngại nhà máy giấy tỉ đô này sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước trên dòng sông Hậu. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng từng có văn bản gửi Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ lo ngại việc xả thải của nhà máy sẽ tác động xấu đến sông Hậu, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản ven lưu vực con sông này.
Nói về vấn đề này trong buổi họp báo ngày 23/6, ông Chung Wai Fu - Tổng giám đốc Lee & Man Việt Nam nói ngay rằng: “Chúng tôi mời họ và các hiệp hội khác đến đây tìm hiểu. Chúng tôi sẽ giải thích để họ yên lòng. Tôi nghĩ đây chỉ là hiểu lầm” - báo Tuổi trẻ đưa tin.
Một trong những công đoạn của hệ thống xả thải tại Nhà máy giấy Lee & Man - Ảnh: Tuổi trẻ
|
Vị Tổng giám đốc này cho biết, hệ thống xử lý chất thải của nhà máy có công nghệ hiện đại, công suất xử lý 20.000 m3/ngày đêm. Chất thải được đưa vào hệ thống xử lý sẽ qua 9 công đoạn để đảm bảo đạt chuẩn môi trường. Khi đưa vào hoạt động, hệ thống xử lý nước thải này sẽ kết nối với hệ thống quan trắc của Sở TN-MT Hậu Giang và một đơn vị quản lý do Bộ TN-MT chỉ định để các đơn vị này giám sát.
Báo Tuổi trẻ cũng dẫn lời ông Chung Wai Fu cam kết nhà máy giấy này sẽ “không sử dụng chất xút (NaOH) gây ô nhiễm môi trường”. Trả lời về việc dùng chất gì để thay thế, ông Chung cho biết: “Do chúng tôi chưa sử dụng thiết bị nên chưa tính toán được sử dụng bao nhiêu hóa chất ở đây, hóa chất sẽ ảnh hưởng môi trường thế nào. Nhưng hóa chất nào cũng phải dùng tiền để mua, nên chúng tôi không thể muốn xả (ra môi trường) thì xả.
Ở Việt Nam không chỉ có Lee & Man sản xuất giấy, mà còn có nhiều nhà máy khác... nên họ sử dụng chất gì thì chúng tôi sử dụng chất ấy”.
Ông Chung Wai Fu cũng thông tin, Lee & Man mới chỉ lập và xin phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho từng hạng mục, doanh nghiệp này đang tiến hành thủ tục để xin phê duyệt ĐTM cho tổng thể nhà máy.
Trong buổi họp báo ngày 23/6 cùng Lee & Man còn có lãnh đạo Sở TNMT, Sở Công thương Hậu Giang và Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang.
Tuy nhiên, theo báo Thanh niên, khi báo chí đặt câu hỏi cho ban ngành địa phương của tỉnh Hậu Giang: Vì sao nhà máy có quy mô lớn như vậy lại không nằm trong quy hoạch vùng nguyên liệu? Sở TN-MT hiện có được trang bị hệ thống tiếp nhận dữ liệu thông tin giám sát, quan trắc tự xử lý nước để theo dõi đơn vị này chưa?... thì hàng ghế đại diện cho các ban ngành địa phương bỗng trống không do những người đại diện cho ban ngành địa phương bỏ ra ngoài.
Cũng theo báo Thanh niên, trước đó, ngày 7/6, ông Trịnh Xuân Thanh, khi còn đương chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã đi kiểm tra tiến độ Nhà máy Giấy Lee & Man VN cũng như tiến độ xây dựng nhà máy xử lý nước thải của công ty này.
Ông Thanh kết luận: “Các sở, ban ngành của tỉnh dự họp đã thấy rõ các các vấn đề chủ đầu tư báo cáo và làm đúng các trình tự, thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật về quy trình xử lý nước thải. Khi trạm xử lý nước thải giai đoạn 1 với công suất 50.000 m3/ngày sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành thử nghiệm vào cuối tháng 7”.
Được biết, trong văn bản gửi Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh việc bày tỏ lo ngại việc xả thải của Lee & Man ảnh hưởng xấu đến môi trường nước sông Hậu, VASEP cũng đã kiến nghị khẩn cấp việc kiểm tra, rà soát công nghệ xử lý nước thải của Nhà máy giấy Lee & Man.
Liên quan đến sự việc này, mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang đã có báo cáo giải trình vụ việc gửi đến Thủ tướng Chính phủ...
Lê Thanh (T/h)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét