Bất đồng với phía Trung Quốc, Ngoại trưởng Singapore không chủ trì cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Trung Quốc ngày 14.6.2016 tại Vân Nam /// AFP


Bất đồng với phía Trung Quốc, Ngoại trưởng Singapore không chủ trì cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Trung Quốc ngày 14.6.2016 tại Vân NamAFP



Báo The Straits Times ngày 16.6 trích lời một quan chức ASEAN nói rằng Trung Quốc “đặc biệt thô lỗ và ngạo mạn” tại cuộc họp với các Ngoại trưởng ASEAN ở Vân Nam (từ 13-14.6).
Tờ báo tiếng Anh lớn nhất Singapore và có uy tín của Đông Nam Á hôm nay 16.6 đăng trên trang nhất bản tin “Bản đồng thuận” của Trung Quốc gây chia rẽ ASEAN giữa lúc dư luận, một lần nữa, thất vọng trước việc ASEAN không đưa ra được bản tuyên bố chung về tình hình Biển Đông sau cuộc họp đặc biệt với Trung Quốc hôm 14.6.


Lào, Campuchia không đồng ý thông qua tuyên bố chung

Cuộc họp đặc biệt tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc này nhằm chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN -  Trung Quốc sẽ diễn ra vào tháng 9 tại Lào và bàn các ưu tiên hợp tác trong tương lai, nhưng vấn đề Biển Đông đã trở thành nội dung chiếm lĩnh nghị trường.
Bản tin cho biết vào giờ cuối của cuộc họp, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra một “bản đồng thuận 10 điểm” và đề nghị các Ngoại trưởng ASEAN cân nhắc thông qua.
Theo The Straits Times, “ASEAN không thể chấp nhận” bản đồng thuận như vậy.
Ngược lại, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan, trong vai trò đồng chủ tọa cuộc họp, đưa ra một bản thảo tuyên bố chung của các Ngoại trưởng ASEAN về vấn đề Biển Đông, dự trù sẽ được đọc tại cuộc họp báo kết thúc mà ông cùng người đồng cấp Vương Nghị sẽ chủ trì.


Bản thảo tuyên bố chung đề cập sự “lo ngại nghiêm trọng” mà các Ngoại trưởng ASEAN thể hiện trong cuộc họp  “thẳng thắn” và được biết là rất căng thẳng, kéo dài hơn dự định với người đồng cấp Trung Quốc.
Do bất đồng với “bản đồng thuận 10 điểm” của Bắc Kinh, các Ngoại trưởng ASEAN đi đến quyết định Ngoại trưởng Singapore không tham gia đồng chủ trì cuộc họp báo chung với ông Vương Nghị vì “thể hiện sự bất đồng với Trung Quốc trước báo chí sẽ là hành động thô thiển”.
Đồng thời, các Ngoại trưởng ASEAN cũng quyết định không đưa ra bản tuyên bố chung, lý do là Lào và Campuchia - hai quốc gia nhận nhiều đầu tư từ Trung Quốc - không đồng ý thông qua. Thay vào đó, mỗi quốc gia thành viên ASEAN có thể tự đưa ra thông cáo của riêng mình.
Trong khi Singapore, Indonesia và Việt Nam đưa ra thông cáo riêng tóm lược nội dung cuộc họp ở Vân Nam, phát biểu của ngoại trưởng nước mình, đồng thời đề cập đến những quan ngại về tình hình Biển Đông, Malaysia đã quyết định tung bản tuyên bố cho báo chí tối 14.6.
Tuy nhiên, sau khi hãng AFP đưa tin về bản tuyên bố, Bộ Ngoại giao Malaysia đã thông báo “rút lại” do có “những điều chỉnh khẩn cấp”.

Thô lỗ và ngạo mạn

Phát biểu với báo chí hôm qua 15.6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Armanatha Nasir nói rằng bản thông cáo mà Malaysia cung cấp cho AFP không phải là tuyên bố chung, mà chỉ là một bản “hướng dẫn thông tin báo chí”, và ASEAN chưa thống nhất về nó nên hành động của Malaysia là có phần “vội vàng”.
Đáp trả, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Malaysia khẳng định: “Một tuyên bố của ASEAN không thể được phát ra nếu không có sự đồng thuận. Bất cứ thứ gì đã được công bố đều là tuyên bố của ASEAN. Bằng không, đó sẽ là một sự phá vỡ uy tín và sẽ không có sự đồng thuận trong khối”.
Bình luận về hành động của Malaysia, một nhà ngoại ASEAN không muốn nêu tên nói với The Straits Times: “Việc Malaysia quyết định công khai bản tuyên bố là sự thể hiện nỗi thất vọng cực kỳ của 5 quốc gia thành viên sáng lập ASEAN và Việt Nam trước sự thô lỗ và ngạo mạn đặc biệt của phía Trung Quốc”.
Thục Minh 
(Văn phòng Singapore)


Toàn văn Tuyên bố báo chí của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN

(TTXVN/VIETNAM+) BẢN IN

Quang cảnh Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

Ngày 14/6, các Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tụ họp tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc để tham dự Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc.

Tại Hội nghị, các nước ASEAN đã đồng thuận nhất trí về nội dung Tuyên bố báo chí của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN.

TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố báo chí:

Tuyên bố báo chí của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN

Chúng tôi, các Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tụ họp tại Côn Minh, Tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ngày 14/6 để tham dự Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc.

Hội nghị được tổ chức trong không khí thẳng thắn và thân thiện.

Chúng tôi ghi nhận năm 2016 là dấu mốc quan trọng trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc, đánh dấu 25 năm thiết lập Quan hệ Đối thoại.

Chúng tôi mong muốn sẽ phối hợp cùng Trung Quốc đưa hợp tác hai bên lên tầm cao mới.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng không thể bỏ qua những gì đang xảy ra ở Biển Đông vì đây là một vấn đề quan trọng trong quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc.

Đó cũng chính là mục đích của việc tổ chức Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc ngày hôm nay.

Chúng tôi thảo luận công tác chuẩn bị cho Cấp cao Kỷ niệm ASEAN-Trung Quốc sẽ được tổ chức ngày 7/9 tại Vi​entiane, Lào.

Chúng tôi khẳng định quan hệ ASEAN-Trung Quốc sẽ tiếp tục được thúc đẩy phù hợp với các nguyên tắc được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, Năm Nguyên tắc về cùng chung sống hòa bình, Mười Nguyên tắc của Hội nghị Á-Phi Ban Đung, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, và các hiệp ước, luật lệ và quy định quốc tế khác.

Hợp tác ASEAN-Trung Quốc sẽ nằm trong khuôn khổ triển khai Kế hoạch Hành động ASEAN-Trung Quốc 2016-2020 và văn kiện ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước.

Chúng tôi nhất trí tăng cường hợp tác ASEAN-Trung Quốc dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và chia sẻ trách nhiệm hướng tới sự thịnh vượng của từng quốc gia và của cả khu vực trong thế kỷ 21.

Chúng tôi cam kết tuân thủ chặt chẽ trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật lệ, ủng hộ và bảo vệ các quyền và ưu đãi của tất cả các quốc gia.

Chúng tôi ghi nhận tình hình triển khai các hoạt động kỷ niệm giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm kỷ niệm 25 năm thiết lập Quan hệ Đối thoại.

Chúng tôi hoan nghênh tiến độ thực hiện như sau:

i. Trao đổi điện mừng giữa Lãnh đạo của Trung Quốc và Lào, nước Chủ tịch ASEAN 2016, và giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và Tổng Thư ký ASEAN.

ii. Tổ chức tiếp tân tại Bắc Kinh và Jakarta.

iii. Tổ chức Chương trình biểu diễn văn hóa chung ASEAN-Trung Quốc.

iv. Tổ chức Chương trình trao đổi thanh niên ASEAN-Trung Quốc lần thứ 2.

v. Tổ chức Diễn đàn doanh nhân trẻ ASEAN-Trung Quốc.

vi. Ra Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc về hợp tác nâng cao năng lực sản xuất.

vii. Triển khai các hoạt động trong Năm trao đổi giáo dục ASEAN-Trung Quốc.

Về Biển Đông, chúng tôi đã trao đổi thẳng thắn với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị về những diễn biến gần đây trên thực địa.

Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.

Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông phù hợp với các quy định được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ướ​c Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Chúng tôi nhấn mạnh nhu cầu tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, tự kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình hoặc làm leo thang căng thẳng, và tìm kiếm giải pháp giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế.

Chúng tôi khẳng định cam kết của ASEAN nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, dựa trên các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS và Hiến chương Liên hợp quốc.

Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong việc triển khai tất cả các hoạt động, kể cả việc bồi đắp, có thể làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.

Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và ghi nhận tiến trình và các bước tham vấn mới nhằm thúc đẩy sớm thông qua một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), bao gồm thông qua các cuộc họp thường xuyên cấp Quan chức Cao cấp (SOM) và Nhóm Công tác (JWG) ASEAN-Trung Quốc về thực hiện DOC.

Chúng tôi nêu bật nhu cầu tăng cường nỗ lực nhằm đạt được các tiến triển tích cực hơn trong việc triển khai DOC và sớm hình thành COC.

Trong bối cảnh đó, với mục tiêu bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định, chúng tôi tiếp tục triển khai đây đủ và hiệu quả DOC và sớm hình thành một bộ COC hiệu quả, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc thiết lập đường dây nóng giữa các Bộ Ngoại giao để xử lý các tình huống khẩn cấp ở Biển Đông.

Tương tự như vậy, chúng tôi đã xem xét đề xuất một Bộ quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển ở Biển Đông (CUES). Cả hai văn bản được xem là kết quả của Cấp cao Kỷ niệm ASEAN-Trung Quốc.

Chúng tôi cho rằng đây là các biện pháp thực tế nhằm giảm căng thẳng và các nguy cơ về tai nạn, hiểu nhầm và tính toán sai.

Cùng với việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm hình thành COC, chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin và triển khai các biện pháp phòng ngừa nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy giữa các bên./.

Eo biển Tokara: "Mồi lửa mới" châm ngòi xung đột Trung-Nhật

Hải Võ | 
Eo biển Tokara: "Mồi lửa mới" châm ngòi xung đột Trung-Nhật
Nếu mở cuộc chiến pháp lý chống lại Trung Quốc về vấn đề eo biển Tokara, Nhật sẽ làm ảnh hưởng đến Mỹ? (Ảnh: US Navy)

Trung Quốc dường như đã tìm ra một vị trí "hiểm" trên biển Hoa Đông để chống lại Nhật Bản và khiến Tokyo "tiến thoái lưỡng nan" trong nỗ lực phản ứng.

Tờ Nihon Keizai Shimbun (Nikkei) ngày 21/6 đưa tin, cuộc tranh cãi leo thang giữa Tokyo và Bắc Kinh về vụ tàu trinh sát Trung Quốc đi qua vùng biển đảo Kuchinoerabu (tỉnh Okinawa) ở eo biển Tokara hôm 15/6 có thể trở thành "mồi lửa mới" thổi bùng căng thẳng Trung-Nhật.
Trong khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố eo biển trên là tuyến hàng hải quốc tế và tàu chiến nước này đi qua là phù hợp quyền tự do hàng hải theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982, phía Nhật Bản thẳng thừng đáp trả rằng điều này "không thể chấp nhận".
Chính phủ Nhật Bản cho rằng việc thừa nhận chủ trương của Trung Quốc đồng nghĩa với khả năng bị hiểu là Tokyo thừa nhận tàu ngầm lưu thông qua khu vực này đúng với luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 20/6 nói:
"Căn cứ quy định của UNCLOS và tình hình thực tế quốc tế liên quan, trong eo biển lãnh hải có chức năng hàng hải quốc tế, tất cả tàu thuyền đều có quyền thông hành quá cảnh, không cần trình báo với quốc gia duyên hải."
Đáp lại, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani tuyên bố Tokyo "chưa từng có nhận thức như những gì Trung Quốc chủ trương".
Các quan chức Chính phủ Nhật chỉ ra "eo biển Tokara từ trước đến nay không hề được nhìn nhận như một eo biển quốc tế".
Eo biển Tokara: Mồi lửa mới châm ngòi xung đột Trung-Nhật - Ảnh 1.
Bà Hoa Xuân Oánh tại cuộc họp báo của Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm 20/6. (Ảnh: BNGTQ)
Làm giống Mỹ, Trung Quốc khởi động "cuộc chiến tự do hàng hải" với Nhật
Theo định nghĩa của UNCLOS, eo biển quốc tếlà tuyến đường biển tự nhiên nối các biển, các đại dương với nhau và được sử dụng cho giao thông hàng hải quốc tế.
Eo biển có thể nối liền các vùng biển có chế độ pháp lý khác nhau như biển cả, vùng đặc quyền kinh tế hay lãnh hải với biển cả hoặc vùng đặc quyền kinh tế khác.
Giáo sư Đại học Osaka Akira Mayama nhận định, Trung Quốc đã bắt đầu "cuộc chiến tự do hàng hải" chống lại Tokyo, trong đó nhân tố quan trọng nhất là cách lý giải của Bắc Kinh đối với khái niệm "eo biển quốc tế".
Theo Nikkei, xác định một "eo biển quốc tế" theo luật quốc tế cần thỏa mãn các điều kiện thực tế về lưu thông quốc tế và tiêu chuẩn địa lý.
Đây cũng là nội dung chính trong xung đột lập trường giữa Trung-Nhật. Tokyo khẳng định "lượng tàu thuyền lưu thông qua eo biển Tokara ít", còn Bắc Kinh nói ngược lại.
Theo các chuyên gia về luật quốc tế, hiện chưa tồn tại tiêu chuẩn đánh giá lượng tàu thuyền lưu thông bao nhiêu là đủ để xác định "eo biển quốc tế".
Theo quy định của UNCLOS, "quyền thông hành" khi lưu thông qua loại eo biển này có mức độ hoạt động tự do hơn so với "quyền thông hành vô hại" khi đi qua lãnh hải một nước.
Nikkei cho hay, UNCLOS quy định rõ ràng về "quyền thông hành vô hại", trong đó cấm tàu thuyền đi qua triển khai hoạt động thu thập tình báo hoặc các thông tin liên quan về an ninh, quốc phòng của quốc gia duyên hải.
Trong khi đó, "quyền thông hành" bình thường không bị áp đặt quy định trên, cho phép tàu nước ngoài "có cơ sở giải thích" nếu tiến hành thu thập thông tin khi đi qua vùng biển gần một nước khác.
Giáo sư Mayama cho hay, định nghĩa của UNCLOS về eo biển quốc tế rất có lợi cho hành động của hải quân các nước và chính quân đội Mỹ cũng có phạm vi giải thích rộng đối với vấn đề này.
Eo biển Tokara: Mồi lửa mới châm ngòi xung đột Trung-Nhật - Ảnh 3.
Tàu trinh sát Trung Quốc bị Nhật Bản phát hiện "xâm nhập lãnh hải" hôm 15/6.
Nhật muốn đối đầu Trung Quốc nhưng "vướng" Mỹ?
Ông Mayama nói: "Lần này Trung Quốc đã đưa ra cách lý giải giống với Mỹ. Trung Quốc cho rằng, eo biển Tokara đáp ứng đủ điều kiện của một eo biển quốc tế. Có thể thấy Bắc Kinh đã 'ngắm chuẩn' địa điểm thích hợp này và sẽ tập trung máy bay, tàu ngầm đến đây trong tương lai."
Akira Mayama nhận định, Nhật Bản bắt buộc phải đẩy mạnh các biện pháp phòng vệ khi Bắc Kinh xem Tokara như một eo biển quốc tế, nhưng điều này đồng thời tạo ra rào cản ảnh hưởng đến hoạt động của hải quân Mỹ.
Học giả người Nhật bình luận:
"Nhiều khả năng sau này Trung Quốc sẽ đưa ra chủ trương hoạt động quân sự tự do trong vùng đặc quyền kinh tế giống như Mỹ.
Nước Nhật, vốn phụ thuộc vào sự bảo hộ an ninh của quân đội Mỹ, sẽ phải chống lại nước tấn công về pháp lý của Bắc Kinh như thế nào, là một diễn biến rất đáng quan tâm."
Nói cách khác, Nhật Bản không thể tuyên bố chống lại lập trường của Trung Quốc hoặc đưa vấn đề ra các cơ quan trọng tài quốc tế để giải quyết về pháp lý mà không gây ra những hệ quả tiêu cực nhất định đối với Mỹ, bởi Bắc Kinh từ trước đến nay luôn cáo buộc Mỹ/đồng minh áp đặt "tiêu chuẩn kép" trong ứng xử với họ.
Theo Kyodo News, căng thẳng Trung-Nhật đã leo thang trong vài tuần qua kể từ lần đầu tiên tàu chiến Trung Quốc đi vào Vùng tiếp giáp lãnh hải Nhật Bản, gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, và vấp phải phản ứng gay gắt.
Tokyo cứng rắn tuyên bố sẽ ngăn cản các chiến hạm Trung Quốc tiến vào lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, gọi đây là "giới hạn cuối cùng không được phép vượt qua".
Có thể hiểu Chính phủ Nhật Bản cảnh cáo sẽ ra mệnh lệnh "hành động cảnh bị trên biển" và điều động Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (MSDF).
Kyodo cho hay, việc các tàu Trung Quốc tiến xa hơn trong việc mang vũ khí đến gần các khu vực nhạy cảm trên biển Hoa Đông có thể diễn biến thành xung đột vũ lực giữa hai nước.
theo Trí Thức Trẻ