Hải Võ |
Ngay trước khi Đối thoại Shangri-La mở màn, thông tin Hải quân Trung Quốc tham gia diễn tập RIMPAC 2016 được báo chí nước này gọi là "tín hiệu thỏa hiệp" giữa Mỹ-Trung.
Trung Quốc tung tin tập trận RIMPAC, đe dọa ASEAN
Người phát ngôn Hải quân Trung Quốc Lương Dương ngày 2/6 cho biết, Hải quân nước này sẽ điều chiến hạm tham gia cuộc diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC). Đây là lần thứ hai Trung Quốc tham gia hoạt động cho Mỹ đứng đầu này.
Theo thỏa thuận Mỹ-Trung đạt được, đại diện quân đội Trung Quốc sẽ tham gia các hạng mục diễn tập như bắn pháo, tiếp tế trên biển, chống hải tặc, máy bay-tàu chiến phối hợp tấn công, tìm kiếm cứu nạn,...
Chuyên gia Trương Quân Xã thuộc Sở nghiên cứu học thuật quân sự Hải quân (Trung Quốc) bình luận trên tờ Thời báo Hoàn Cầu rằng quy mô và số lượng hạng mục Trung, Mỹ tham gia trongRIMPAC 2016 chứng minh "hải quân hai nước đang làm sâu sắc hơn xu thế hợp tác giao lưu".
"Những hạng mục như phối hợp tàu chiến-máy bay đòi hỏi quân đội hai bên hợp tác ở mức độ cao. Các hoạt động như vậy có lợi cho nỗ lực gia tăng hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa Mỹ-Trung," ông Trương nói.
Theo ông này, việc Hải quân Mỹ, Trung gần như đồng thời tuyên bố thông tin đại diện Trung Quốc tham gia RIMPAC 2016 cho thấy quân đội hai nước "đều mong muốn củng cố giao lưu và kiểm soát mâu thuẫn".
"Điều này có ý nghĩa tích cực đối với sự ổn định và phù hợp với nguyện vọng của hầu hết quốc gia trong khu vực. Các nước đều không hy vọng Mỹ và Trung Quốc đối đầu dẫn đến xung đột ở biển Đông, đồng thời không muốn phải 'chọn phe' giữa hai cường quốc."
Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu nhận xét giả thiết Mỹ-Trung "thỏa hiệp" không phải điều gì khó tưởng tượng. Tờ này đe dọa, nếu điều đó trở thành hiện thực, "một số nước sẽ phải hối hận".
Hoàn Cầu: Đối thoại Shangri-La không phải "Hồng môn yến"
Thông tin Trung Quốc tham gia RIMPAC được thông báo chỉ 1 ngày trước khi diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 khai mạc tại Singapore vào hôm nay, 3/6.
Cũng trong cuộc "tâm lý chiến" trước thềm hội nghị quan trọng này, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin Trung Quốc "đã sẵn sàng" tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không(ADIZ) trên biển Đông.
Bộ quốc phòng Trung Quốc thì ngang ngược gọi đây là "quyền lợi của Trung Quốc".
Tại Đối thoại Shangri-La 2016, người dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc là Thượng tướng Hải quân, Phó tham mưu trưởng Bộ tham mưu liên hợp quân ủy trung ương Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc.
Ông Tôn cũng tham dự Đối thoại Shangri-La năm ngoái.
Năm nay, màn "tái đấu" giữa Tôn Kiến Quốc và Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter được dư luận quốc tế hết sức quan tâm, trong bối cảnh Đối thoại Shangri-La được xem là sự kiện đa phương lớn cuối cùng trước khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) đưa ra phán quyết về vụ kiện biển Đông.
Hãng tin Reuters bình luận diễn đàn này "là cơ hội cuối cùng để Mỹ và Trung Quốc vận động hành lang nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của xã hội quốc tế".
Một quan chức giấu tên trong đoàn đại biểu Trung Quốc tiết lộ với Hoàn Cầu rằng ông Tôn Kiến Quốc sẽ "kể câu chuyện của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc".
Bắc Kinh đã chuẩn bị các tài liệu, đĩa CD và ảnh màu bằng hai ngôn ngữ Trung, Anh để tuyên truyền về vấn đề biển Đông.
Tờ Stars and Stripes (Mỹ) thì đánh giá "câu chuyện" của Bắc Kinh trong tình hình biển Đôngcăng thẳng đang cho thấy những nhân tố bất ổn.
Trong bài xã luận đăng tải sáng nay, Hoàn Cầu chỉ trích "Đối thoại Shangri-La chưa mở màn, Mỹ đã 'say' rồi", nhằm ám chỉ tuyên bố gần đây của ông Ashton Carter mà Bắc Kinh gọi là "tư duy Chiến tranh Lạnh".
"Trung Quốc không sợ Mỹ đe dọa dù là về quân sự hay dư luận. Dù Đối thoại Shangri-La chịu ảnh hưởng lớn của Mỹ thì cũng không tạo thành 'Hồng môn yến thế kỷ 21' (với Bắc Kinh) được," Hoàn Cầu cảnh báo.
Theo lịch trình của Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Carter sẽ phát biểu vào ngày mai, 4/6. Bài "đáp lễ" của Đô đốc Tôn Kiến Quốc sẽ diễn ra vào ngày mùng 5.
theo Thế giới trẻ
Đối thoại Shangri-La là gì và tại sao nó quan trọng?
Đối thoại Shangri-La năm nay sẽ từ ngày 3-5/6. Cuộc đối thoại này thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Vậy Đối thoại Shangri-La là gì và tại sao nó lại quan trọng như vậy?
Đối thoại Shangri-La là gì?
Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á hay Đối thoại Shangri-La (SLD) là một diễn đàn an ninh liên chính phủ được tổ chức hàng năm bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) của Anh và chính phủ Singapore. Cuộc họp đầu tiên diễn ra vào năm 2002.
Cuộc đối thoại này là cơ hội gặp gỡ của các bộ trưởng, lãnh đạo quốc phòng, quân sự từ 28 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương để thảo luận về an ninh trong khu vực.
Shangri-La là tên khách sạn diễn ra cuộc đối thoại.
Khách sạn nơi diễn ra Đối thoại Shangri-La ở Singapore. |
Tại sao Đối thoại Shangri-La quan trọng?
Đối thoại Shangri-La cũng là nơi tập hợp các lãnh đạo quân sự từ một số quốc gia hùng mạnh nhất thế giới để thảo luận về các vấn đề quốc phòng, an ninh cấp bách, quan trọng.
Nhiều cuộc gặp song phương cũng được tổ chức bên lề cuộc đối thoại.
Nhiều chuyên gia khoa học, các nhà báo, các đại biểu doanh nghiệp, các nghị sĩ từ khắp nơi trên thế giới cũng tham dự hội nghị. Do vậy, nó có ảnh hưởng đối với việc phát triển các chính sách quốc phòng và an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ai sẽ tham dự?
Các quốc gia và tổ chức sau đây sẽ cử các lãnh đạo quân sự tới tham dự:
Đoàn Việt Nam tới Đối thoại Shangri-La sẽ do thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu. |
Việt Nam, Australia, Bahrain, Bangladesh, Brunei, Campuchia, Canada, Chile, Trung Quốc, Colombia, Liên minh châu Âu, Phần Lan, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Mexico, Mông Cổ, Myanmar, New Zealand, Na Uy, Pakistan , Papua New Guinea, Philippines, Hàn Quốc, Nga, Ả Rập Saudi, Singapore, Tây Ban Nha, Sri Lanka, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Thái Lan, Timor-Leste, Tonga, United Arab Emirates, Anh, Mỹ.
Trong đó, đoàn Việt Nam do thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu. Đoàn Mỹ, Pháp đều do Bộ trưởng Quốc phòng dẫn đầu.
Chương trình nghị sự Đối thoại Shangri-La 2016 có gì?
Các chủ đề chính: chương trình hạt nhân của Triều Tiên, các tranh chấp ở Biển Đông, các vấn đề di cư, an ninh mạng, chống khủng bố và cạnh tranh quân sự.
Chương trình ngày 3/6:
Các Bộ trưởng Quốc phòng và các quan chức sẽ có một loạt các cuộc gặp song phương.
Thủ tướng Thái Lan phát biểu khai mạc vào tối ngày 3/6.
Chương trình ngày 4/6:
Buổi sáng bàn về: “Những thách thức an ninh phức tạp của châu Á”, “quản lý cạnh tranh quân sự ở châu Á" và "Cách thức lập chính sách quốc phòng trong thời kỳ bất ổn".
Buổi chiều bàn về: "Các mối đe dọa từ Triều Tiên", "Phát triển khả quân sự: công nghệ mới, ngân sách hạn chế và những lựa chọn khó khăn", "Những thách thức an ninh của tình trạng di cư bất hợp pháp".
Ngoài ra còn các chủ đề khác như: "Tăng cường hợp tác chống khủng bố ở châu Á", "Quản lý căng thẳng Biển Đông" và "Xác định lợi ích an ninh mạng chung".
Chương trình ngày 5/6:
Bàn về "Những thách thức trong việc giải quyết xung đột" và "Theo đuổi các mục tiêu an ninh mạng chung".
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), tờ báo tiếng Anh đầu tiên của Hong Kong. Ấn bản đầu tiên của tờ báo này được phát hành vào ngày 6/11/1903.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét