Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2016

Nguyễn Quang A: Chính quyền thông minh sẽ biết là chúng tôi chỉ muốn đối thoại

T.S Nguyễn Quang A và những người ủng hộ ông. Ông A đã bị ngăn cản khi đến gặp tổng thống Obama. Nguồn: NYT
T.S Nguyễn Quang A và những người ủng hộ ông. Ông A đã bị ngăn cản khi đến gặp Tổng thống Obama. Ảnh: New York Times/Hoang Dinh Nam/Agence France-Presse — Getty Images
Khi ông Nguyễn Quang A đang sửa soạn áo quần cho cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama tuần trước, ông khá tin tưởng rằng ông sẽ không bao giờ đến được buổi gặp mặt. Tổng thống Obama, người ngay trước đó vừa đưa ra một quyết định gây tranh cãi cho phép bãi bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương với Việt Nam, đã muốn gặp mặt và nói chuyện với các nhà vận động dân chủ hàng đầu của Việt Nam bao gồm ông Quang A.
Ông A vẫn quyết định sẽ đi gặp ông Obama. Ông chọn bộ áo vest đẹp nhất mà ông có và một chiếc áo sơ mi mới. Ông tự chụp một tấm hình trong bộ cánh bảnh bao này và đăng hình này lên trang Facebook của ông. Rồi ông bước từ nhà ra một con phố chật hẹp của thủ đô Hà Nội.

“Tôi bước ra khỏi nhà lúc 6:22 sáng. 6:25 tôi bị bắt,” ông kể. Một đội nhân viên an ninh nhà nước nhét ông vào một chiếc xe và đóng rầm cửa lại. Ông Quang A bị cô lập bên trong xe với hai sĩ quan cảnh sát mặc thường phục và một tài xế. Cửa sổ xe có kính màu đen và biển số thì bị che lại. Chiếc xe là một “nhà tù di động”, ông Quang A nói.
Họ chở ông A trên xe đi suốt bảy tiếng đồng hồ sau đó, đầu tiên tới Hưng Yên, một thành phố với các ngôi đền chùa cổ kính phía Đông thủ đô (bài gốc viết là phía Tây – ND), và sau đó về lại nhà ông, vừa kịp lúc máy bay của Tổng thống Obama vừa cất cánh để đến địa điểm tiếp theo trong lịch trình.
“Tôi bảo với họ: ‘Tôi không trách các anh. Tôi trách mấy ông sếp các anh.’” Ông Quang A kể lại cuộc đối thoại giữa ông và những cai tù tạm thời của mình. Hai nhà bất đồng chính kiến khác cũng bị chính phủ Việt Nam ngăn chặn theo cách tương tự. Họ không đến được buổi gặp mặt do Sứ quán Hoa Kỳ tổ chức.
Ông Quang A, 69 tuổi, một nhà khoa học điện toán và là một cựu doanh nhân, đã dành cả thập kỷ từ khi ông về hưu để làm nhiệm vụ một nhà phê bình chính quyền Cộng sản Việt Nam. Ông có một tầm nhìn lâu dài về việc mở cửa hệ thống chính trị đầy áp bức của Việt Nam. Các nhà hoạt động nhân quyền Mỹ đã phê phán ông Obama về việc ông đồng ý bán vũ khí sát thương cho Việt Nam trong khi không giành được bất kỳ nhượng bộ đổi lại nào, đặc biệt là việc thả các tù nhân chính trị. Nhưng ông Quang A nói rằng ông tin vị tổng thống đã hành động đúng.
“Nếu phải biến con người thành món hàng để mặc cả thì tôi chống việc đó,” Ông Quang A nói. Ông đã đưa ra luận điểm này khi ông gặp Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ ông Tom Malinowski ít lâu trước khi ông Obama đến Việt Nam. (Ông A đến buổi gặp ông Malinowski muộn vì công an đã phong tỏa khu vực quanh nhà ông trong nhiều tiếng đồng hồ trước đó.)
Ông A nói rằng việc đó cũng giống như khi thương lượng với những kẻ bắt cóc con tin. “Người ta chỉ tạo thêm động lực cho nhà chức trách Việt Nam càng bắt giữ thêm nhiều người nữa để tạo điều kiện cho các cuộc mặc cả trong tương lai.”
AQUANG
Ông Nguyễn Quang A (thứ ba từ phải sang) gặp gỡ với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Tom Malinowski (thứ ba từ trái sang) cùng một số nhà hoạt động Việt Nam khác và quan chức Hoa Kỳ đầu năm 2016. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Ông nói rằng việc làm cho chính quyền Việt Nam tuân theo các công ước quốc tế mà họ đã chấp thuận là việc quan trọng hơn. Ví dụ, Việt Nam vừa ký và thông qua Công ước chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc và thế nên họ phải được thúc đẩy trong việc tuân thủ các nghĩa vụ trong công ước này.
“Tôi ủng hộ cách tiếp cận vấn đề như thế hơn là việc mua bán tù nhân, vì việc mua bán này chả thay đổi tình hình được.”
Ông Quang A không phải là một ‘kẻ ngoại đạo’ thường thấy. Ông từng là một đảng viên đảng Cộng Sản cho dù chưa bao giờ làm quan chức. Ông rời đảng này 23 năm trước.
Ông A có kinh nghiệm học về viễn thông tại Hungary trong giai đoạn trước khi chính quyền Cộng sản tại nước này bắt đầu trở nên mềm dẻo hơn từ cuối những năm 70 và đầu những năm 80. Sau đó ông làm Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam trong những năm 90 và sau nữa là một doanh nhân làm ăn với chính quyền Việt Nam. Những kinh nghiệm đó cho ông một sự hiểu biết gần như là bẩm sinh về cách mà các công chức của đảng tư duy. Thỉnh thoảng họ cần dỗ dành, nhưng những lúc khác thì cần phải va chạm với họ.
Năm 2013, khi chính quyền đưa ra nghị định 72/2013/NĐ-CP giới hạn những gì mà công dân có thể đăng trên mạng, ông A và một nhóm bạn có chung tư tưởng đã thành lập Diễn đàn Xã hội Dân sự.
Một số thành viên diễn đàn cho dù là những trí thức, nhà văn và học giả, vẫn giữ các mối quan hệ với chính quyền để có thể nắm bắt được những gì đang diễn ra bên trong. Diễn đàn này từ khi ấy đã có những mối quan tâm rộng khắp hơn như tổ chức biểu tình chống lại phá hoại môi trường và vận động tranh cử quốc hội cho các ứng cử viên độc lâp.
“Trong số thành viên của chúng tôi có 60% là Đảng viên,” ông nói. “Họ vẫn giữ các mối liên hệ trong Đảng và quen biết nhiều người trong hệ thống cầm quyền. Chúng tôi tận dụng các kênh thông tin đó.”
Ông A bình luận rằng, theo một số cách, môi trường chính trị tại Việt Nam ngày nay có nhiều áp bức hơn là mười năm trước. Tình hình có vẻ là như thế khi bây giờ Myanmar, một nước từng bị cai trị dưới bàn tay sắt của quân đội, đang ngày càng được khai mở, với việc tranh luận trong quốc hội và một nền báo chí truyền thông tự do hơn trước đây. Năm 2014, tổ chức Freedom House xếp nền báo chí truyền thông Việt Nam vào hạng kém tự do nhất Đông Nam Á, xếp sau nước Lào bé xíu vốn cũng có chính quyền Cộng sản.
Chương về Việt Nam trong báo cáo về nhân quyền năm ngoái của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có đầy các tường trình về việc các lực lượng an ninh tấn công và đe dọa giới phóng viên. Vào tháng Ba, một người bạn của ông Quang A, Nguyễn Hữu Vinh, con trai của một quan chức ngành công an, bị tuyên án tù năm năm vì đã cho đăng các bài viết chống chính quyền trên Internet. “Trang web của anh Vinh gần giống như tạp chí Reader’s Digest. Anh ta chịu án năm năm chỉ vì quản lý một trang web,” ông A nói với giọng đầy ngờ vực.
Các tiếp cận mới để đem lại thay đổi của ông A gần đây là vận động sự phẫn nộ trong quần chúng với việc cá bị chết hàng loạt trên biển miền Trung Việt Nam. Có dấu hiệu cho thấy cá bị giết vì các chất thải không thông qua xử lý của một nhà máy thép mới do một công ty Đài Loan sở hữu. “Chúng tôi xem vụ khủng hoảng cá này là một cơ hội,” ông nói khi ngồi trong một quán cà phê gần nhà, cách một doanh trại quân đội không xa lắm.
Các lực lượng an ninh đã và đang đàn áp dã man các cuộc biểu tình chống lại nhà máy thép, họ đánh đập một số người biểu tình và tống giam một số người khác. Trong hai buổi Chủ nhật liên tiếp trong tháng qua, công an bên ngoài nhà ông A đã ngăn không cho ông xuất hiện tại các buổi biểu tình hàng tuần.
Ông Nguyễn Quang A tham gia cuộc biểu tình bảo vệ môi trường ngày 1/5/2016 ở Hà Nội. Ảnh: RFI.
“Nếu ai có ảnh hưởng gì, họ sẽ đàn áp người đó.” Ông nói. “Nhưng nếu như nhà chức trách mà khôn ngoan hơn, họ sẽ biết rằng những người biểu tình không muốn lật đổ họ. Những người biểu tình chỉ muốn thương lượng để thay đổi chính sách.”
Bằng việc đi du học tại Hungary vào cuối những năm 60 và đầu những năm 70, ông Quang A, một con người có tính cách thân thiện và thường có thể liên lạc được dễ dàng bất cứ giờ nào qua email, điện thoại hay trang Facebook nổi tiếng của ông, đã không phải tham gia cuộc chiến Việt Nam. Khi ông quay về nước, ông được cử vào làm trong một viện nghiên cứu quân đội, làm việc liên quan đến điện toán, và trở thành một sĩ quan quân đội.
Ông A quay về Budapest năm 1982 trong vai trò một nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm Khoa học Hungary. Trong chuyến bay về lại Hà Nội năm 1987, ông tình cờ gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị thủ lãnh huyền thoại của quân đội Việt Nam và là một người bạn lâu năm của ông A.
Cuộc gặp tình cờ này dẫn đến một thay đổi lớn. “Đại tướng Giáp giúp tôi thoát khỏi quân đội,” Ông A kể. Ông được bổ nhiệm vào một chức vụ dân sự trong ngành kỹ thuật tin học của chính phủ. Ông A chỉ làm chức vụ này trong một thời gian ngắn.
Đất nước đang trong giai đoạn dần dần mở cửa nền kinh tế, và ông Quang A đã mở một doanh nghiệp liên doanh bán máy tính do Việt Nam lắp ráp cho Nga. Chính kinh nghiệm làm ăn với chính quyền trong vai trò một doanh nhân đã làm cho ông A cảm thấy hết ảo tưởng với đảng Cộng sản và ông quyết định phải cố gắng ngăn chặn quyền lực của đảng này.
Khi mới trở thành một nhà hoạt động, ông A ban đầu dịch sách của nhà kinh tế Hungary Janos Kornai và của nhà triết học Áo Karl Popper, cả hai trí thức này đều là các nhà phê bình thể chế Cộng sản.
Khi về hưu năm 2005, ông A bắt đầu tập trung nghiên cứu những nền chính trị đã có những chuyển biến thể chế thành công: Hàn Quốc, Nam Phi, và ngay cả cuộc chuyển biến năm 1989 của đất nước ông từng ở là Hungary.
Ông A đã dùng vấn đề Trung Quốc, người hàng xóm to lớn của Việt Nam và một cựu thù nghìn năm, như một hướng phát triển tư duy mới cho lớp trẻ. Trong một tranh chấp biên giới gần đây với Trung Quốc, ông A tuyên truyền phổ biến một khẩu hiệu – “Nói Không Với Đường Lưỡi Bò, Nói Có Với UNCLOS”. Khẩu hiệu này được in trên áo phông và được các đội bóng đá mang trên áo. Một khẩu hiệu trong có vẻ là chữ tượng hình với những người nước ngoài thì trong mắt người Việt Nam lại là một lời phê bình dành cho chính sách dùng đường lưỡi bò xâm chiếm biển Đông của Trung Quốc, và thể hiện sự ủng hộ dành cho Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Trong vấn đề quan hệ với Trung Quốc, ông Quang A có một sự cảm thông nhất định với chính quyền Việt Nam. “Họ đang ở trong một thế rất khó. Ngay cả tôi cũng không muốn ngồi trong thế đó,” ông nói. “Chúng tôi phải là một người láng giềng tốt với Trung Quốc, nhưng chúng tôi không thể là một người bạn tốt”.

Không có nhận xét nào: