Ngôi chùa Sùng Bảo (xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) với tuổi đời hơn 1.500 năm chứa đựng biết bao nhiêu những ký ức của lịch sử dân tộc. Cũng trong ngôi chùa ấy còn cất giữ một báu vật, gắn liền với truyền thuyết “tượng đất hóa tượng vàng” đã được kể lại hàng nghìn năm nay ở mảnh đất phố Hiến này. Báu vật ấy là tượng Đức Phật Bà Đồng Quân.
Trước ngôi chùa Sùng Bảo, nơi gắn liền với tích “tượng đất hóa tượng vàng”.
Từ bức tượng đất của lũ trẻ chăn trâu…
Theo lời bà Sật- một tín đồ Phật tử kể lại, xưa các mục đồng đi chăn trâu ở Xuân Dục thường dùng đất ở bãi chăn thả trâu để nhào nặn thành các pho tượng. Các mục đồng dùng lá chuối khô hoặc rơm rạ dựng thành những túp lều nhỏ để chơi đồ hàng.
Thời điểm ấy, cánh đồng Quân có một bụi dứa rất to. Trẻ con chăn trâu ở đội tuổi khoảng 11-12 thường quanh quẩn ở đó. Chơi chán những trò trẻ con vẫn chơi như chọi cỏ gà, ê a học bài, rồi đuổi bắt, chúng nhìn bụi dứa to chợt nghĩ đến chuyện làm nhà quanh đó. Thế là chúng lấy những cây lau làm cột nhà, lấy lá dứa cuốn quanh làm mái. Ngày ấy bà con đã truyền khẩu câu thơ “Bụi lau lá dứa dựng lên làm chùa”.
Sau đó chúng lấy đất nặn một pho tượng, đặt trong ngôi nhà lau. Hàng ngày, chúng lấy cơm gạo tẻ đóng thành oản, mang ra ngôi nhà lau cúng Bụt rồi mới chia nhau ăn. Thời ấy chưa ai biết đến Phật pháp, bọn trẻ con chăn trâu chỉ nhớ hình tượng Bụt trong chuyện cổ tích nên đặt tên Bụt cho bức tượng và thành tâm lễ cúng Bụt. Chúng lấy bát ở nhà mang ra, treo dưới những lá dứa để làm chuông, lấy giẻ làm khánh, rồi cũng gõ vào chuông để tạo không khí trang nghiêm mỗi lần cúng lễ.
Ngay trước ngôi chùa của bọn trẻ có một con kênh nho nhỏ, bên phải có chiếc giếng làng lúc nào cũng đục ngầu và sôi sùng sục. Theo lời bà Sật, dân làng đã tìm cách lấp nhiều lần nhưng không được vì lần nào cũng xảy ra chuyện. Người thì ngã gẫy chân, người thì ốm nặng ngay trong ngày khuân đá lấp giếng. Dân làng lo sợ cũng đã làm lễ cúng nhưng người thầy cúng cho rằng giếng thiêng, không thể lấp được nên mọi người không ai dám nghĩ đến chuyện lấp giếng nữa. Đến bây giờ nước trong giếng ấy vẫn còn sủi tăm.
Bọn trẻ chăn trâu tuy nghịch ngợm nhưng cũng biết chuyện giếng thiêng, không dám phạm. Chúng chỉ chí thú vào việc cúng lễ cho ông Bụt mà chúng nặn lên. Cho tới một buổi tối ngay trước ngày rằm tháng 2 âm lịch, giông gió bất chợt nổi lên từ tứ phía, cây cối đổ ngổn ngang. Cả xã như biến thành hoang tàn chỉ sau một đêm. Điều kỳ lạ là, tại ngôi chùa lá, nơi bọn trẻ con đặt tượng đất lại hiển hiện lên một pho tượng màu vàng vàng. Trẻ con thấy lạ quá vội về gọi người làng. Dân làng chạy ra ngạc nhiên khi thấy tượng đất tỏa hào quang, toàn thân là màu vàng, hương tỏa thơm ngát.
… đến tượng vàng linh thiêng trong lễ rước cầu Đảo
Bà Sật kể: “Tôi vẫn nhớ như in những lời người già truyền lại về tích “tượng đất hóa tượng vàng” lạ lùng này. Ai nấy đều ngạc nhiên và trầm trồ trước sự lạ. Các cụ đều nói rằng “Ngài ngồi giữa quán, điềm nhiên sau trận bão lớn, toàn thân màu vàng, tỏa hào quang. Trông Ngài đẹp lắm”.
Khi người làng kéo nhau ra xem sự lạ, các cụ cao niên trong làng thấy vậy cho là điềm lạ, sự thiêng liền quỳ lạy và bàn nhau rước Ngài vào một cung trong chùa nhưng rước đi mà không được Ngài đồng ý. Ngay lập tức có người đề nghị cứ để Ngài ở ngoài nhưng hầu hết mọi người đều cho rằng: nếu để Ngài ở ngoài thì không an toàn vì toàn thân ngài hóa vàng thật. Sau đó mọi người bàn nhau xây một quán nhỏ để thờ Ngài tại nơi Ngài hóa. Nhưng chưa kịp xây thì Ngài về báo mộng cho các cao niên đưa Ngài vào chùa. Lúc ấy mới rước được Ngài vào một cung trong chùa và đặt tên pho tượng là Đức Phật Bà Đồng Quân.
Bà Sật kể, cách đây khoảng 20-30 năm, có một người trong làng không tin vào tích “tượng đất hóa tượng vàng” của Đức Phật Bà Đồng Quan đã dám vạch tượng ra để “xem” Ngài. Ngay khi lễ rước tượng hoàn thành, về đến cổng chùa Sùng Bảo, chưa kịp hạ kiệu để rước Phật Bà vào chùa thì một trung niên trong làng vạch kiệu ra xem. Ngay lập tức người này gần như bị đột tử ngay tại cổng chùa, hộc máu tươi.
Người làng sợ quá, tất cả quỳ xuống cầu nguyện, xin sám hối, xin xá tội, phải đến 30 phút sau người đàn ông này mới tỉnh lại. Bà Sật còn cho biết thêm, rằm tháng 2, cứ 5 năm một lần, dân làng làm lễ rước Phật Bà phải làm lễ xin phép Ngài để được chiêm bái và tắm rửa cho Ngài. “Tôi cũng được một lần nhìn tận mắt Ngài. Ngài đẹp lắm dù chỉ bé bằng nửa cánh tay mình thôi” - bà Sật nói giọng vẫn còn xúc động.
Bà Sật cũng kể, bà được nghe các cụ cao niên kể lại về sự việc tượng vàng Phật Bà Đồng Quân bị kẻ gian đánh cắp vài lần. Một lần Ngài bị đánh cắp, bọn trộm đưa Ngài sang sông. Mấy ngày sau Đức Phật về báo mộng cho các già đến chiếc giếng bên sông để đón Ngài về. Sáng hôm ấy các già vẫn giả vờ làm việc bình thường, mang theo đôi quang gánh, đến bên sông thì đã thấy Ngài ngồi sẵn ở đấy để đợi.
Cũng có lần Ngài bị đánh cắp, đưa lên tận Hà Nội nhưng Ngài cũng tìm cách báo mộng cho các già lên đón về. Các già cũng lại phải sửa soạn đi Hà Nội một chuyến nhưng vẫn phải giấu kín người lạ bởi sợ mất thiêng, không đón Ngài về được. Đến nay câu chuyện về sự tích “tượng đất hóa tượng vàng” vẫn được người dân xã Xuân Dục kể cho con cháu nghe và cùng giữ gìn để nối tiếp truyền thống văn hóa của các thôn, làng từ bao đời nay và cùng thờ Đức Phật Bà Đồng Quân với một mong muốn “mùa màng sẽ tươi tốt, bội thu”.
Theo Nhật Thu
Pháp luật Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét