Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

TT Nguyễn Xuân Phúc: “Cả nước chỉ có 13 tỉnh thành đóng góp, ngân sách sao chịu nổi?”; CT Trần Đại Quang: Xem xét trách nhiệm người để xảy ra thua lỗ nghìn tỷ

“Cả nước chỉ có 13 tỉnh thành đóng góp, ngân sách sao chịu nổi?”

"Tôi từng nói với nhiều tỉnh rằng không thể để ngân sách Trung ương trợ cấp mãi được. Cả nước chỉ có 13 tỉnh, thành phố đóng góp cho ngân sách Trung ương thì làm sao ngân sách chịu nổi”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Nam tại trụ sở Chính phủ, sáng 28/9.
Tại cuộc họp, Thủ tướng biểu dương Quảng Nam từ một tỉnh nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương đến 75% thì nay đã tự cân đối và từ năm 2017, bắt đầu điều tiết, đóng góp cho ngân sách Trung ương.
“Các đồng chí phải thấy rằng đóng góp cho ngân sách Trung ương là niềm tự hào đối với Quảng Nam. Tôi từng nói với nhiều tỉnh rằng không thể để ngân sách Trung ương trợ cấp mãi được.
Cả nước chỉ có 13 tỉnh, thành phố đóng góp cho ngân sách Trung ương thì làm sao ngân sách chịu nổi”, Thủ tướng bày tỏ và mong muốn các tỉnh, trong đó có Quảng Nam phải nỗ lực hơn nữa trong lĩnh vực này.
Gợi mở các giải pháp cụ thể cho Quảng Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, bộ máy lãnh đạo các cấp, nhất là cấp tỉnh, thành phố phải trách nhiệm, quyết liệt, dám nghĩ dám làm và làm việc ngày đêm vì nhân dân, vì tỉnh nhà.
“Phải loại bỏ cán bộ làm việc cầm chừng, vô trách nhiệm”, Thủ tướng quán triệt tinh thần này đối với tỉnh Quảng Nam.
Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực. Định hướng quy hoạch, bảo vệ quy hoạch để không xung đột nhau, nhất là sản xuất công nghiệp và du lịch, bảo vệ môi trường. Phải có chương trình phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ, gấp 2 - 3 lần số doanh nghiệp hiện nay.
Tỉnh phải lấp đầy các khu kinh tế, cụm, khu công nghiệp. Yêu cầu tỉnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng quan trọng như cảng, sân bay, tuyến đường bộ, Thủ tướng giao Quảng Nam phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và một số bộ, ngành liên quan tổ chức hội nghị chuyên đề để bàn về hệ thống hạ tầng này, coi đây là một nút thắt đối với sự phát triển của Quảng Nam.
“Phát triển công nghiệp thì là công nghiệp gì? Công nghiệp mà ảnh hưởng đến môi trường thì chúng ta phải từ chối thôi, mà trước đây chúng ta đã từ chối một số dự án, rất đáng hoan nghênh. Nếu muốn phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn thì vấn đề bảo vệ môi trường càng cần phải đặt ra”, Thủ tướng nói.
Nhất trí với nhận định du lịch là lĩnh vực mũi nhọn đối với sự phát triển của Quảng Nam, Thủ tướng nêu rõ “không thể để tình trạng du lịch là mũi nhọn mà chỉ đóng góp có 7-8% vào GDP mà phải đẩy lên hơn 10% GDP mới gọi là mũi nhọn”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Quảng Nam phải tính toán, xây dựng quy trình vận hành hồ chứa để phục vụ chống hạn, nhiễm mặn, lũ lụt một cách chặt chẽ hơn; tiếp tục quan tâm chăm lo công tác an sinh xã hội, thực hiện tốt chính sách đối với người có công với cách mạng.
Nhận trợ cấp từ ngân sách 2.230 tỷ đồng năm 2016
Theo báo cáo do ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trình bày, 9 tháng qua, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 12%. Thu ngân sách đạt 100% kế hoạch, với gần 12.460 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ và đã đạt 90% dự toán.
Hoạt động du lịch tăng khá, tổng lượt khách tham quan và lưu trú đạt 3,4 triệu lượt, tăng gần 17% so với cùng kỳ.
Theo ông Đinh Văn Thu, trong thời kỳ ổn định ngân sách năm 2011 - 2016, Quảng Nam là địa phương nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương, riêng năm 2016 được nhận trợ cấp 2.230 tỷ đồng. Năm 2017, năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách mới 2017 - 2020, theo số kiểm tra của Bộ Tài chính và thu - chi ngân sách thì Quảng Nam sẽ vào nhóm các tỉnh có thể điều tiết, đóng góp cho ngân sách Trung ương.
Quảng Nam có nguồn thu từ Nhà máy ô tô Chu Lai - Trường Hải, chiếm trên 60% thu nội địa. Năm 2017, xu hướng số lượng xe tiêu thụ tăng lên nhưng chủ yếu là nhập khẩu, trong khi địa bàn Quảng Nam rộng và phân tán (toàn tỉnh có 9 huyện miền núi, 6 huyện đang hưởng chính sách 30a, 30b), cơ sở hạ tầng kinh tế, an sinh xã hội còn yếu, tỷ lệ hộ nghèo cao, đối tượng chính sách, người có công với cách mạng rất nhiều, do đó nhu cầu về nguồn lực đầu tư và chi trả các lĩnh vực trên rất lớn nên tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc điều hành cân đối ngân sách không chỉ năm 2017 mà cả những năm tiếp theo.
Theo Mạnh Nguyễn
Bizlive

Xem xét trách nhiệm người để xảy ra thua lỗ nghìn tỷ

Tiếp xúc với Chủ tịch nước, cử tri TP.HCM đề nghị phải truy tới cùng việc thẩm định, phê duyệt các dự án nghìn tỷ đắp chiếu như gang thép Thái Nguyên, xơ sợi Hải Phòng.
Ngày 11/12, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp xúc cử tri lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố.
Đại tá Nguyễn Văn Trung, Phó tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh TP.HCM, cho rằng quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và các kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương liên quan đến quốc phòng phải có sự tham gia của Bộ Quốc phòng, Quân khu, Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh thành trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời, các dự án của bộ, ngành cũng phải tham khảo ý kiến của chính quyền địa phương.
Xem xet trach nhiem nguoi de xay ra thua lo nghin ty - Anh 1
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định sẽ xem xét trách nhiệm của những người có liên quan dẫn đến nhiều dự án thua lỗ. Ảnh: T.H.
Nhắc đến dự án sân golf ở sân bay Tân Sơn Nhất, đại tá Nguyễn Văn Trung đề nghị phải có ý kiến của chính quyền địa phương và có sự đồng thuận trước khi triển khai. Đại tá Trung cũng chia sẻ dự án gây bức xúc với người dân, nhất là các vị lão thành cách mạng.
Cùng chủ đề, cử tri Tống Sơn Hải, Hội cựu chiến binh phường 10 (quận 3), nhắc tới nhiều dự án thua lỗ được báo chí đề cập. Nhà máy gang thép Thái Nguyên, nhà máy đạm Ninh Bình, nhà máy xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng)… đắp chiếu, trùm mền, ngưng hoạt động gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng.
“Tôi cho rằng, những dự án này có lợi ích nhóm gây lãng phí nhưng Đảng và Nhà nước chưa đẩy lùi được. Cần rà soát, quy trách nhiệm về quy trình thẩm định, phê duyệt, truy tới cùng. Đó là những lổ hổng cần lấp lại nếu không sẽ để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước”, ông Hải nói.
Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định phải khắc phục kịp thời, rà soát và có biện pháp xử lý dứt điểm, không để thua lỗ kéo dài.
“Đi liền với nó cũng phải xem xét trách nhiệm của những người liên quan để xảy ra thua lỗ, đi ngược lại với chủ trương của Trung ương. Sắp tới, việc này sẽ được làm khẩn trương với tinh thần kiên quyết và triệt để hơn”, Chủ tịch nước cho hay.
Kiến nghị cho phép Bộ Tư lệnh TP.HCM biên chế tương đương Bộ Tư lệnh Thủ đô
Đại tá Nguyễn Văn Trung đề xuất cho phép Bộ Tư lệnh TP.HCM được áp dụng biên chế tương đương với Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
Đại tá Trung cho rằng TP.HCM có vị trí chiến lược, là địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá quyết liệt. Nhưng hiện nay, điều bất cập là tổ chức biên chế của Bộ Tư lệnh thành phố vẫn tương đương với Bộ Chỉ huy quân sự của các tỉnh, thành, dẫn đến khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.
Hà Hương
TỪ KHÓA

Không có nhận xét nào: