Giáo sư Hoàng Chí Bảo- nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV.VN về Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo. |
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã đến mức nghiêm trọng
PV: Ông đánh giá như thế nào về lần đầu tiên Trung ương đưa ra một cách có hệ thống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống, đặc biệt nhấn mạnh đến biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ?
GS Hoàng Chí Bảo: Hội nghị Trung ương 4 khóa XII có một vị trí đặc biệt quan trọng, có thể nói đó là một sự tiếp nối rất hợp logic với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về cùng chủ đề là giải quyết những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng, mà nổi lên hàng đầu đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Đáng kể nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả cấp cao.
Lần này, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII còn đặc biệt nhấn mạnh vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đây cũng là vấn đề quan hệ chặt chẽ với suy thoái, đồng thời là sự suy thoái, là hệ quả của chính sự suy thoái đó. Cái mới của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII không chỉ kiểm điểm, đánh giá tình hình mà còn nhận diện những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Những biểu hiện Trung ương nêu lên rất toàn diện. Một là nhìn nhận những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, bắt đầu từ ý thức, nhận thức chính trị kể cả những biểu hiện ngại học tập, lười học tập, coi thường các vấn đề lý luận; mơ hồ về quan điểm, nhận thức lệch lạc, không hiểu biết thấu đáo về Chủ nghĩa Mac-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ hai về đạo đức, lúc sinh thời, Bác đã dạy chúng ta: Trong Đảng phải thực hiện đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, sâu xa hơn là có đủ dũng khí đánh bại chủ nghĩa cá nhân, phải có dũng khí đứng ngoài vòng danh lợi. Những biểu hiện về suy thoái đạo đức từ chỗ tự tư, tự lợi, vụ lợi, vị kỷ, chỉ lo vun vén lợi ích cho mình, cho gia đình, dòng họ mình mà không nghĩ đến sự nghiệp chung của nhân dân.
PV: Ông nhìn nhận như thế nào về những biểu hiện cũng như mức độ của tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay?
GS Hoàng Chí Bảo: “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay có thể nói đã đến mức nghiêm trọng, không còn là cá biệt.
Tự diễn biến tức là sự yếu kém của mỗi người không có khả năng để tự bảo vệ chân lý, lẽ phải, những vấn đề lý luận quan trọng nằm trong ý thức hệ của dân tộc, của Đảng. Nói cụ thể hơn là bảo vệ chủ nghĩa Mac-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng như thế nào trong công cuộc đổi mới, hay giao động về lập trường tư tưởng, vào hùa một cách vô ý thức, thậm chí có những suy tính cá nhân, cơ hội, vụ lợi. Vô hình chung tiếp tay cho kẻ thù, các thế lực chống đối để chúng tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, tấn công vào sự nghiệp đổi mới của chúng ta hiện nay. Nguy hại hơn là làm mất đoàn kết, gây nên tình trạng không thống nhất về tư tưởng, quan điểm, dẫn đến không thống nhất về hành động, làm suy yếu Đảng từ tư tưởng đến tổ chức.
Tự diễn biến có cả vấn đề về nhận thức, trong hành vi, phát ngôn, trong thái độ phê bình và tự phê bình, trong thái độ đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không phê phán. Là đảng viên của Đảng thấy kẻ thù bôi nhọ Đảng mình mà vẫn dửng dưng, thậm chí vào hùa, hoặc có thể bằng việc này, việc khác, vô hình chung tiếp tay cho kẻ thù phá hoại nền tảng của Đảng. Điều đó rất đáng lên án, phê phán. Đó cũng là mối lo trong công tác giáo dục tư tưởng chính trị trong Đảng, trong việc giữ gìn, thống nhất, đoàn kết, hành động trong Đảng.
Tự chuyển hóa là tự từ bỏ vị trí, chỗ đứng của mình là một người cách mạng, người đảng viên cộng sản để trở thành kẻ đồng lõa với kẻ xấu, cái ác trong xã hội. Sự chuyển hóa này làm cho họ đánh mất phẩm chất, nhân cách, đánh mất ý thức chính trị và bản lĩnh chính trị của mình, dần dần làm cho Đảng mất đi sức chiến đấu. Nếu trong toàn Đảng không vững mạnh thì điều này là nguy cơ thách thức sinh lực của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Tự chuyển hóa làm cho đảng viên đánh mất lý tưởng và mục tiêu, chệch khỏi con đường xã hội chủ nghĩa hoặc tán thành tự giác hoặc không tự giác với âm mưu thủ đoạn phá hoại của kẻ địch.
Lần này, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII vạch ra 27 biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. 27 biểu hiện này gắn kết với nhau như quan hệ nhân – quả. Phải vượt qua được 27 biểu hiện này thì Đảng mới trong sạch, vững mạnh và có sức chiến đấu. Muốn như vậy phải giáo dục, thống nhất nhận thức ý chí hành động, đồng thời phải kiểm soát được tình hình. Vì vậy, Đảng phải rất chú trọng kỷ cương, tổ chức kỷ luật, thực hiện nghiêm chỉnh những quy chế, điều lệ Đảng từ phát ngôn đến hành động.
Báo chí, công cụ tuyên truyền cũng phải siết chặt, vừa đảm bảo dân chủ thực chất, vừa tôn trọng tính tập trung, giữ cho được kỷ cương, nề nếp bằng cách thực hiện đúng luật pháp. Khi xảy ra tình hình trái với quy định phải xử lý nghiêm minh, xuất phát từ lợi ích chung của dân tộc, của nhân dân, của Đảng.
Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu
PV: Nghị quyết thẳng thắn chỉ rõ tình hình vừa qua do nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Vì sao nguyên nhân chủ quan lại chậm được khắc phục, thưa ông?
GS Hoàng Chí Bảo: Nguyên nhân của tình hình đã nêu có cả khách quan và chủ quan. Nghị quyết cũng đã nêu rất rõ về nguyên nhân khách quan, nhưng mặt khách quan này không hề che lấp mặt chủ quan, mà chủ quan là chủ yếu.
Mặt chủ quan đã được vạch ra rất rõ từ trình độ nhận thức non kém, lãnh đạo chỉ đạo không đến nơi đến chốn, kể cả trong Nghị quyết, chính sách nhiều khi không sát thực tế; bệnh cả nể, nể nang trong Đảng kéo dài trầm trọng bấy lâu nay thành vấn đề nan giải, phức tạp, càng như vậy càng mất uy tín, càng làm suy giảm niềm tin của dân đối với Đảng.
Nguyên nhân chủ quan được Đảng ta nhiều lần nhấn mạnh là nguyên nhân chính, trực tiếp và chủ yếu nên phải quyết tâm sửa chữa bằng được. Song, thực tế việc sửa chữa những khuyết điểm, yếu kém còn chậm chạp, kém hiệu quả.
Có nhiều lý do, trước hết là yếu kém về trách nhiệm, chưa gắn liền quyền lợi với trách nhiệm, lợi ích với nghĩa vụ và bổn phận. Bác từng nói, quyền lợi càng hưởng nhiều, đảm trách lớn thì trách nhiệm càng nặng nề, lợi ích hưởng càng nhiều thì bổn phận, nghĩa vụ càng lớn. Tách rời quyền với nghĩa vụ, lợi ích với bổn phận trách nhiệm thì đó cũng là dấu hiệu của sự sộc sệch về tổ chức, làm mất uy tín của cơ quan lãnh đạo và quản lý. Những người đứng đầu, người có chức vụ, trọng trách nhiều khi cũng yếu kém về trách nhiệm, trong khi ta lại không có cơ chế xử lý yếu kém về trách nhiệm.
Tại sao vẫn tồn tại tình trạng thành tựu thì ai cũng nhận về mình, nhưng khuyết điểm lại là khuyết điểm chung, không ai nhận lỗi. Căn bệnh này rất nan giải. Nếu không làm rõ vấn đề này thì sẽ không sửa được nguyên nhân chủ quan. Vì vậy cần minh bạch hóa thông tin, đề cao trách nhiệm nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, không chỉ trách nhiệm cá nhân mà còn phải xử lý trách nhiệm tập thể, tổ chức. Người đứng đầu phải chịu mọi vấn đề xảy ra ở lĩnh vực của mình, đơn vị, địa phương, công việc mình phụ trách.
Tự ý thức, tự phê bình của từng người cũng chưa đạt được yêu cầu đề ra. Nhiều khi phê bình và tự phê bình rất chiếu lệ và hình thức; bệnh nể nang trong Đảng cũng rất nặng và phổ biến.
Tại sao lại nể nang, sâu xa hơn vì tư lợi, vì cá nhân muốn cho mình được yên ổn, không đụng chạm đến ai để giữ chức, giữ quyền, giữ ghế… mà không có trách nhiệm xây dựng, giáo dục để đồng chí mình tốt lên.
Tình trạng mất đoàn kết cũng đáng lo ngại. Mất đoàn kết dẫn đến biến tướng động cơ phê bình và tự phê bình. Nhiều khi lợi dụng tự phê bình để đánh bóng tên tuổi, uy tín của mình; lợi dụng phê bình để tâng bốc nhau làm cho cái xấu, cái ác vẫn tiềm ẩn. Phải khắc phục được những biểu hiện đạo đức giả, thậm chí giả khoa học, giả chính trị… làm cho nguyên nhân chủ quan trở nên trầm trọng. Để chữa được căn bệnh này cần phải quyết liệt giải quyết đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là đề cao trách nhiệm của các cơ quan lãnh đạo. Mỗi người, mỗi tập thể, toàn Đảng có sửa được lỗi lầm này thì thì Đảng mới trong sạch, vững mạnh được.
Trong chủ quan có cả những bất cập, yếu kém của chính sách. Chính sách lạc hậu, lỗi thời, không đáp ứng được thực tiễn cuộc sống cũng làm cho nguyên nhân chủ quan chậm được sửa chữa. Vì vậy, cần phải sửa chính sách, đi liền với sửa cơ chế, coi đây là khâu đột phá trong việc đổi mới thể chế thì mới có đủ sức mạnh để sửa chữa những nguyên nhân chủ quan.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Kim Anh (thực hiện)
(VOV)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét