Thứ Năm, 8 tháng 12, 2016

Hồi ký Lê Phú Khải – Bản đầy đủ (kỳ 44)


  Báo chí



Lời Ai Điếu

Nguyễn Khắc Viện Như Tôi Biết
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện có một cuộc đời rất kỳ diệu. Lúc ba mươi hai tuổi ông bị bệnh nặng ở Pháp, tưởng đã cầm chắc cái chết. Bác sĩ Tây đã dự kiến ông “không sống quá vài năm”! Bạn ông là Phạm Quang Lễ –  tức Trần Đại Nghĩa – trước lúc theo Cụ Hồ về nước đã đến thăm ông và rất bùi ngùi!
Nhưng Nguyễn Khắc Viện đã đọc sách triết học Trung Hoa, Ấn Độ ngay tại bệnh viện ông đang nằm và tìm ra phương pháp tự chữa bệnh cho mình bằng thuật yoga của Ấn Độ, khí công nhu quyền Trung Hoa, sau này ông kết hợp hai thuật trên với khoa sinh lý học hiện đại, hình thành thuật dưỡng sinh nổi tiếng.
Một buổi chiều cuối tháng Tư năm 1988 tại thành phố Mỹ Tho êm ả bên bờ sông Tiền, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cởi áo cho tôi coi tấm lưng bị bằm nát vì bảy lần phẩu thuật phổi của ông (cắt một lá phổi và một phần ba lá thứ hai)! Tôi thật sự kinh ngạc khi thấy tấm lưng của ông Viện chằng chịt như cái bản đồ sông rạch đồng bằng sông Cửu Long của tôi đang treo trên tường! Một ông già thân hình gầy guộc với đầy những thương tích bên ngoài như thế, bên trong chỉ còn không đầy một lá phổi, vậy mà còn múa võ, đá cầu, lên diễn đàn diễn thuyết, đi Đông đi Tây, vào Nam ra Bắc, mỗi năm in một cuốn sách. Vợ tôi thấy vậy lạ quá, nhưng không dám hỏi! Ông già Viện hóm hỉnh từ tốn kể cho vợ tôi nghe về cuộc chiến thầm lặng của ông nửa thế kỷ qua với định mệnh.
Chiều tối hôm đó, vợ và hai con nhỏ của tôi đã ngồi nghe bác sĩ Nguyễn Khắc Viện kể về “con đường sống” của mình như nghe một ông già kể chuyện cổ tích. Vợ tôi đã nghẹn ngào hỏi tôi: “Sao lại có người yêu nước thương dân thế hở anh”.
Đó là lần thứ hai bác sĩ xuống thăm bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long và tá túc tại nhà tôi. Bác xách cái túi bang (một loại cỏ hoang giống như cói), đội nón lá, xuống xe đò tìm đến nhà tôi. Vì lâu ngày quên ngõ nên ông phải hỏi thăm và được một bà lão tốt bụng dẫn đường, và bà lão tưởng rằng ông già hỏi thăm đường là một sĩ quan chế độ cũ đi tù mới về! Chính bà ta hỏi bác Viện điều đó và bác đã gật đại! Ở chơi ít ngày, bác Viện luôn hỏi thăm vợ chồng tôi về công việc đồng áng của bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long, nên vợ tôi xem bác là một người yêu nước kỳ lạ! Tôi phải giải thích cho bả: Nhờ luôn luôn luyện thở, ăn uống điều độ, ung dung tự tại và lạc quan yêu đời nên bác Viện mới sống được đến ngày hôm nay để đi thăm bà con nông dân đồng bằng.
Chính cái đêm hôm đó, tôi thao thức không ngủ được. Và rồi xúc cảm làm một bài thơ con cóc, ghi lại tâm trạng mình. Bài thơ tôi đặt tên là “Vô đề”:
Đãi ông một bữa cơm nghèo
Trải giường ông nghỉ lòng nhiều xót thương
Lưng già ít thịt nhiều xương
Sáu, năm vết mổ sẹo còn đầy vai
Con đường dân chủ công khai
Ông như lão tướng một đời xông pha
Bọn quan kiêu – lũ gian tà
Kính ông ngoài mặt, bỉ dè sau lưng
Núi sông được mấy anh hùng
Thế gian được mấy cõi lòng trinh trung?
Mỹ Tho 1988
Kể từ buổi chiều được tận mắt nhìn thấy tấm lưng “có một không hai” của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, tôi mới hiểu thế nào là sức sống ở một con người có ý chí, sống có mục đích cao đẹp.
Chính bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cũng nói rằng, khi Cách Mạng Tháng Tám thành công, cái chết của mình đã được người ta báo trước, nhưng Cách Mạng Tháng Tám đã mang đến cho người trí thức như ông một lẽ sống, và nhờ xác định được lẽ sống, ông mới tìm ra phương pháp để cứu sống mình. Sau này tôi mới hiểu vì sao, rất nhiều người, trong đó có tôi, khi mới gặp ông lần đầu, đều có nhận xét rằng ông Viện nói rất khẽ (nhỏ) và rất khó nghe(!) Thì ra ông phải “tiết kiệm hơi sức”. Tiết kiệm suốt một đời (từ lúc ba mươi tuổi đến lúc tám mươi lăm tuổi) để sống. Thì ra không phải trời cho anh sức khỏe là anh có thể sống lâu hơn người. Có sức mà không biết tiết kiệm sức thì chưa chắc ai đã hơn ai. Cuộc đời bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cho tôi một bài học. Tiết kiệm sức để sống có ích.
Bình sinh bác sĩ Nguyễn Khắc Viện nói với mọi người: “Hơi sức tôi không đủ mạnh để thổi tắt một ngọn đèn dầu!”
Mà đúng thế thật, khi phải tắt một ngọn đèn dầu, bác Viện lấy hai bàn tay vỗ vào nhau để tắt đèn! Như vậy chẳng phải là bác Viện đã tiết kiệm cả từ một hơi thở để sống và làm việc có ích cho nhà cho nước hay sao. Sự việc này cũng đáng ghi vào sổ vàng tiết kiệm!
Sự thông thái Nguyễn Khắc Viện khiến giới trí thức phương Tây phải kinh ngạc. Hơn một chục đầu sách viết bằng tiếng Pháp của ông, trong đó có những trước tác rất giá trị như “Le Sud Vietnam après Điện Biên Phủ” (Editions Maspero 1963), “Histoire du Vietnam” (Editions Sociales), rất đồ sộ như “Anthologie de la litérature Vietnamienne”, “Vietnam – une longue histoire”, truyện Kiều dịch ra tiếng Pháp…
Có điều lạ là, bác sĩ Nguyễn Khác Viện “múa bút” trên nhiều lĩnh vực: văn học, sử học, triết học, tâm lý học, du lịch, thể thao, y tế… nhưng ở lĩnh vực nào ông cũng tỏ ra sắc sảo, thâm thúy mà tiếp cận được những tư tưởng tiên tiến của thời đại, có đóng góp cho nền khoa học của nước nhà. Tôi giật mình khi thấy một Việt Kiều đã làm một việc độc đáo là trích từ các bài báo, thư, kiến nghị và sách của ông các khái niệm xếp theo vần ABC thành một cái như là từ điển xã hội học, mà vị này gọi là “Sổ tay tư tưởng Nguyễn Khắc Viện”. Trong cuốn “Sổ tay” đó, hàng loạt khái niệm lâu nay bị xơ cứng, giáo điều hóa nay được “định nghĩa” lại, mới mẻ, tràn đầy sinh khí. Có thể dẫn ra đây vài khái niệm đã đuộc vị này đưa vào “từ điển Nguyễn Khắc Viện”. Ví dụ như ở vần D, từ Dân chủ: “Dân chủ: bốn khâu. Quá trình dân chủ hóa thể hiện qua mấy khâu: – Đầu tiên là nhận thức của số đông là mỗi người đều có quyền công dân, có quyền suy nghĩ, nói lên ý nghĩ của mình, không ai được xâm phạm những quyền cơ bản mà hiến pháp và pháp luật đã qui định – Báo chí trở thành công cụ sắc bén của dư luận – Các cơ quan dân cử như quốc hội, các đoàn thể làm tròn nhiệm vụ là thay mặt cho dân, chứ không làm “cây cảnh” nữa – các cơ quan tư pháp giữ tính độc lập, xử theo pháp luật, không chấp nhận một sức ép nào bất kể từ đâu. Bốn khâu này cần hoạt động đồng bộ, khâu này hỗ trợ khâu kia. Và dân chủ ở thành phố phải hỗ trợ dân chủ ở nông thôn” (Câu chuyện cũ mới – Văn Nghệ 7/87). Từ Dư luận được trích dẫn như sau: “Dư luận tức ý kiến và nguyện vọng của quần chúng lại là nguồn tư liệu để các bộ phận khoa học nghiên cứu, đặt thành vấn đề, tìm ra những phương pháp vượt qua sự đánh giá chủ quan của cảm tính” (Bàn về quan liêu). Từ dưỡng sinh: “Có sức khỏe tốt, tức có thể có khả năng tự điều chỉnh bất kỳ trong hoàn cảnh, tình huống nào”, “Chủ động giúp cơ thể điều chỉnh hoạt động, đó là mục tiêu của khoa dưỡng sinh”.
Bao nhiêu lĩnh vực khác nhau như thế mà lĩnh vực nào Nguyễn Khắc Viện cũng am tường, hiểu đến nơi đến chốn, đưa ra những ý kiến sắc sảo, mới mẻ… Làm một “nhà” đã khó, nhưng với sự thông thái của Nguyễn Khắc Viện thì gọi ông là “nhà” gì cũng xứng đáng! Có lẽ vì thế trong cuốn “bảng vàng năm 1992” của Viện Hàn lâm Pháp – năm trao giải thưởng lớn Pháp văn cho Nguyễn Khắc Viện – tên ông đứng ở đầu bảng (kế đó là nhà văn Thụy Sĩ Maurice Métral) với những dòng kèm theo: nhà thơ, nhà viết tùy bút, sử gia, dịch giả… Còn chúng ta sau khi không biết nên gôi ông là gì thì “kêu” ông là “nhà văn hóa” là “tiện” nhất(!). Vì văn hóa bao gồm tất cả(!)
Trong lịch sử nước ta, hình ảnh các sĩ phu thường in đậm trên mỗi trang sách, nhất là vào lúc đất nước, nhất là vào lúc đất nước gian nguy. Ở thời đại chúng ta, còn có cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Ngô Đức Kế, cụ Bùi Bằng Đoàn… và những người cuối cùng, phảng phất bóng dáng người xưa, có lẽ là các nhà trí thức Tây học như Nguyễn Văn Hưởng, giáo sư Trần Đại Nghĩa, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện…
Bình sinh ông thường nói đùa: “Tôi thực hiện khẩu hiệu ‘Nóng không quạt, ngứa không gãi, chọc không tức’.” Mà ông sống như thế thật. Căn phòng của ông ở số 8 ngõ Nguyễn Chế Nghĩa Hà Nội chỉ chừng gần ba chục mét vuông, kê hai cái giường cá nhân nối đuôi nhau cho hai vợ chồng ông, một cái bàn nhỏ dùng làm bàn làm việc và chỗ tiếp khách, ngoài ra chỉ toàn là sách. Vậy mà trí thức cả nước, Việt kiều từ năm châu bốn biển đều tới lui “yết kiến” ông. Người thì nhờ ông góp ý cho một luận văn, người thì xin ông “bắt mạch” thời vận của nước nhà để cùng ông chung lo những điều mà bất cứ công dân yêu nước nào cũng quan tâm ở một thời kỳ đầy biến động của đất nước.
Những lần gặp bác sĩ Nguyễn Khắc Viện mà “nóng không quạt, ngứa không gãi…” như thế, tôi học được nhiều thứ lắm. Nhất là được mở mang đầu óc, có thêm thông tin, thêm hiểu biết về thế giới. Nhưng lâu dần tôi mới hay, chẳng cứ tôi có nhu cầu gặp bác Viện mà chính bác cũng có “nhu cầu” gặp tôi. Chẳng thế mà cứ mỗi lần vô miền Nam để trú đông, xuống khỏi sân bay là bác Viện đã ném một cái thư ngắn vài dòng vào bưu điện, nhắn tôi lên thành phố Hồ Chí Minh gặp bác. Bác Viện muốn thông qua tôi để tìm hiểu thêm về đời sống và công việc làm ăn của nông dân đồng bằng sông Cửu Long mà vì tuổi già sức yếu, bác không có điều kiện trực tiếp tìm hiểu. Theo bác thì đừng có bao giờ hỏi một ông tiến sĩ Việt kiều về tình hình đất nước, muốn tìm hiểu tình hình đất nước, tốt nhất phải hỏi cán bộ phường, phải hỏi trực tiếp nông dân.
Nhớ lại một bữa cơm đãi khách Việt kiều tại Mỹ Tho, tôi lại thấy vui vui! Vì yếu không đi được, bác Viện nhờ tôi đưa khách đi chơi. Sau khi cùng khách du ngoạn trên sông Tiền về, tôi thấy hai thằng con của tôi hằng ngày ngỗ ngược là thế mà hôm ấy ngồi ngay ngắn nghe bác Viện kể chuyện. Trông bác Viện ngồi với hai đứa trẻ ấm cúng như một người ông hiền từ kể chuyện cổ tích cho đàn cháu! Lúc ăn cơm, mọi người phải xếp chân bằng tròn ngồi cả dưới nền nhà. Duy chỉ có bà vợ đầm của ông khách Việt kiều tên là Linh vì quá to mập lại không quen ngồi dưới nền như thế bao giờ nên phải xếp cho bà một suất ngồi trên ghế xa-lông (gỗ) để ăn. Bác Viện lại nói đùa: “Ông Linh này “dạy” vợ kém lắm, mấy chục năm bà ấy chỉ nói được có một từ tiếng Việt: Cá gỗ! Không biết ai dạy bà ấy?” Thấy bác Viện nói đến tiếng “cá gỗ”, bà vợ ông Linh kêu lên mấy tiếng “Cá gỗ! Cá gỗ! Cá gỗ!” khiến mọi người lăn ra cười(!) vì cả bác Viện lẫn ông Linh đều là dân xứ Nghệ “Cá gỗ!”)
Nhà tôi lúc đó cũng không có được một chiếc quạt máy. Cơm canh chua cá lóc (chứ không phải cá gỗ!). Nóng quá, bác Viện phải cầm cái quạt nan phe phẩy cho mọi người. Thấy thế, vợ tôi đỡ cái quạt nan trên tay bác Viện, quạt. Tay thì quạt, miệng nói đỡ. “Nhà em anh ấy không nóng nên không sắm quạt!” Bác Viện dịch câu đó cho bà đầm nghe. Nghe xong, bà nói: “Khi nào nhà báo có tiền là thấy nóng liền!” bây giờ, đôi lúc bật quạt, vợ tôi lại nhắc đến câu nói đó của bà đầm vợ ông Linh để nhớ đến một thời gian khó!
 Tôi muốn kể một câu chuyện nhỏ nữa về bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Một lần bác xuống nhà tôi ở Mỹ Tho chơi. Vợ tôi làm cơm đã khách. Mâm cơm chỉ có một đĩa thịt bò xào, một đĩa rau muống xào và một tô rau muống luộc vắt chanh với mấy quả cà! Đó là mâm cơm đãi khách không dễ gì có được vào thời điểm khó khăn nhất của thời bao cấp với một phóng viên nghèo như tôi. Nhưng than ôi! Khi tôi gắp miếng thịt bò đưa vô miệng nhai thì dai như chão rách! Nuốt vô thì tội mà nhả ra thì bất tiện(!). Tôi liếc mắt thấy vợ tôi rất lúng túng. Bỗng bác Viện nói: “Dai thì để đĩa thịt bò này lại, chỉ ăn rau muống xào thôi, chiều nay băm thịt bò thật nhỏ rồi đúc với trứng mà làm bữa chiều” bác Viện đã “giải thoát” cho vợ chồng tôi! Chiều hôm đó, theo chỉ đạo của bác Viện, vợ tôi băm thật nhỏ món thịt bò đã xào, rồi đúc trứng (chiên với hột vịt), quả thật chúng tôi đã có một bữa chiều ngon miệng cùng khách quý!
Bác Viện có những cách ứng xử chủ động, thông minh lạ lùng và đầy tình thương như thế. Bác cũng là người đầu tiên lên tiếng không nên dùng từ “con buôn” trong các hội nghị nhà nước và báo chí để goọi những người làm nghề buôn bán trong xã hội. Bác còn viết bài phân biệt hai từ “nhà buôn” và “con buôn”! Theo bác thì từ “con buôn” dùng để chỉ những người không ngay thẳng trốn lậu thuế mà thôi, còn người buôn bán đàng hoàng phải được cư xử bình đẳng nagy cả trong cách xưng hô khi nói đến họ.
Nếu tôi không nhầm thì bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là một trong những người Việt Nam có quan hệ bạn, đồng chí, đồng nghiệp phương Tây nhiều nhất. Những lần bất chợt được gặp bác sĩ Viện với khách nước ngoài, bao giờ tôi cũng thấy họ xem bác như bậc thầy. Họ tìm đến Hà Nội (hay thành phố Hồ Chí Minh) gặp bác sĩ Nguyễn Khắc Viện như tìm đến một nhà hiền triết phương Đông. Chủ yếu họ hỏi, họ xin ý kiến bác Viện về những vấn đề của Việt Nam, của châu Á. Thậm chí cả những vấn đề của phương Tây nữa. Vì chính con người “mình thông vóc hạc”, cốt cách một nho sĩ phương Đông này đã hiểu thấu phương Tây sau hơn một phần tư thế kỷ “giẫm nát” các nẻo đường nước Pháp và châu Âu. Trong cuốn “bàn về đạo Nho” (1993), ông viết: “Ba trăn năm phát triển tư bản đã làm con người phương Tậy năng động, tự lập, tự chủ nhưng cũng khá cô đơn”. Ngắn gọn thế thôi nhưng vô cùng chính xác và đầy đủ về con người phương Tây.
Công bằng mà nói, chưa có nhà xã hội học, nhà nghiên cứu lịch sử, triết học nào ở nước ta dám đưa ra luận điểm: Nước ta chưa có truyền thống dân chủ. Xưa nay, chúng ta quen nghe người khác ca ngợi mình, hoặc mình tự hào về dân tộc mình, điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng “tự hào” đến mức nhà thơ Nguyễn Duy đã phải viết: “Ngộ độc ngợi ca, bội thực tự hào” thì những ý kiến thẳng thắn dũng cảm của Nguyễn Khắc Viện là cần thiết để chúng ta bình tĩnh nhìn nhận lại những gì mình đã có và chưa có. Chúng ta chẳng từng ca ngợi Lỗ Tấn hết lời khi ông chỉ ra bệnh “thắng lợi tinh thần” của anh chàng AQ điển hình cho “quốc dân tính” của người Trung Hoa cho đến Cách mạng Tân Hợi (1911) là gì? Những ông quan cách mạng quen bệnh giáo điều gia trưởng đã kinh hoàng khi nghe thấy có người nêu ra ý kiến phải “tập sống dân chủ” ở mọi nơi, mọi cấp(!).
Suốt đời, Nguyễn Khắc Viện phải “trả giá” cho sự quyết liệt của mình. Với kẻ thù của dân tộc là đế quốc Pháp, ông bị chúng truy lùng, trục xuất. Ông đã phải sống chui lủi nhiều năm trên đất Pháp. Trong nội bộ Đảng, trong hàng ngũ của mình, nhiều năm ông đã bị một số người bảo thủ, cơ hội nghi kỵ, đả kích khi ông có những chính kiến mạnh mẽ, trái với quan điểm của họ.
Cũng lạ, chưa có ai nhiều kiến nghị như Nguyễn Khắc Viện, khi thì kiến nghị lên Quốc hội, khi thì kiến nghị lên đồng chí Tổng bí thư (Trường Chinh), ngay cả trước lúc ra đi ông cũng kiến nghị trước với các đồng nghiệp ngành y tế của mình là đừng can thiệp vào cái chết của ông, để ông được ra đi nhẹ nhàng.
Nguyễn Khắc Viện là con quan, là sinh viên đi Pháp du học và đậu bác sĩ cao cấp tại Paris rồi ở Pháp liền hai mươi bảy năm. Vậy mà sau hai mươi bảy năm liền sống “bên Tây” trở về nước, người ta vẫn thấy ông bình dị như một nho sĩ chân quê, một ông đồ xứ Nghệ! Suốt mấy chục năm làm một người học trò, một người bạn vong niên của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, tôi không thấy ông đệm một chữ Tây nào trong lời nói. Ngay cả đến cái thư ông viết cho tôi, cuối thư, thay cho chữ telephone mà nhiều người thích dùng, ông cũng dùng chữ Việt: “Dây nói”…
Nhưng đừng có ai lầm tưởng Nguyễn Khắc Viện là một nhà Nho (tôi muốn nói về thế giới quan – tư tưởng). Ông phê phán tư tưởng Nho giáo một cách triệt để:
Vì trên phương diện chính trị, Nho giáo chủ yếu là bảo thủ. Nó bỏ qua vấn đề luật pháp và thiết chế, từ chối mọi cải cách. Đạo lý về chính trị chủ yếu là bảo thủ, hướng tư tưởng vào việc tu thân nhằm mục đích cải thiện xã hội mà không muốn đặt vấn đề thiết chế là đặc trưng của những kẻ sợ những biến động xã hội. Ta hiểu tại sao Camus bị hấp dẫn bởi Nho giáo.
Tuy nhiên trong Nho giáo còn có một số ý niệm cơ bản: Là vua và sĩ đại phu – tức là những người chịu trách nhiệm về chính trị – phải là những kẻ gương mẫu về đạo đức. Trong xã hội Nho giáo, sự vô luân thất đức của chính quyền đã tạo nên những lý do tốt nhất cho những người làm cách mạng.
Trên thực tế, Nho giáo còn hơn cả sự bảo thủ, nó quay hoàn toàn về quá khứ. Bảo vệ lễ nghi của các triều đại xưa là mối quan tâm lớn của Khổng tử. Trong chữ Lễ, vương triều Trung Hoa cũng như Việt Nam đã tìm thấy biện pháp tốt nhất để duy trì sự ổn định của ngai vàng” (Bàn về đạo Nho – nguyên văn tiếng Pháp đăng trên tạp chí La Pensée với tựa đềConfucianisme et le Marxisme au Vietnam, bản dịch tiếng Việt in trong BVĐN 1993).
Các nho sĩ Việt Nam đã gạn chắt lấy phần “gương mẫu về đạo đức” của đấng minh quân trong Nho giáo để xử thế. Về tư tưởng, họ “đem đại nghĩa để thắng hung tàn”. Lúc hiểm nguy, họ “tự phá chông gai, tay trừ cường bạo. Lấy giáp trụ làm chăn áo, lấy đồng cỏ làm nhà cửa. Xéo đạp hiểm nghèo, xông pha gươm giáo” (Chiếu răn bảo Thái tử – Nguyễn Trãi thay lời Lê Lợi). Lúc bình an, họ sống giản dị, lấy cỏ cây làm bằng hữu, gần gũi với dân lành. Ví thế, trong mắt nhân dân, nho sĩ Việt Nam được mến mộ về đạo đức và lối sống. Họ đã góp phần tạo nên bản sắc Việt Nam trong quá khứ. Nguyễn Khắc Viện là một trí thức Tây học, thấm nhuần tư tưởng “tự do – bình đẳng – bác ái” của cách mạng Pháp. Ông chỉ “giống” các nhà Nho ở phần lối sống giản dị, xem thường vật chất, coi trọng đạo làm người mà ngày nay chúng ta gọi nó là “đậm đà bản sắc dân tộc”.
Vì thế, bài học đầu tiên Nguyễn Khắc Viện để lại cho chúng ta là bài học văn hóa Việt Nam trong lối sống. Không ồn ào bắt chước bất kỳ ai! Nếu tôi không nhầm thì Nguyễn Khắc Viện là một trong những người Việt Nam được nhiều người phương tây yêu thích nhất.
(Còn tiếp)

Đọc tất cả những bài đã đăng ở tại trang: Lời Ai Điếu

Không có nhận xét nào: