Che dấu thông tin là căn bệnh của các chế độ toàn trị mặc dù chính sách chống tham nhũng hay tội phạm môi trường luôn được chính quyền đề cao với những nghị quyết mạnh mẽ và quyết liệt.
Vụ trưởng Thanh tra Nguyễn Minh Mẫn. |
Quan liêu và xem thường pháp luật
Một audio clip lan truyền trên mạng hồi gần đây ghi lại âm thanh cuộc họp với cán bộ trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu của Vụ trưởng Thanh tra Nguyễn Minh Mẫn đã làm cho dư luận dậy sóng vì tính cách quan liêu và xem thường pháp luật của ông ấy.
Khi nói về vấn đề thanh tra, trong tư cách Vụ trưởng Thanh tra ông Nguyễn Minh Mẫn khẳng định nhân viên dưới quyền không được hé lộ bất cứ thông tin xấu nào vì xấu xa thì phải che đậy lại, ông Mẫn nói:
“Hôm nay tôi nói rõ cho các đồng chí biết bất kỳ đoàn viên đoàn thanh tra nào, kể cả từ trưởng đoàn thanh tra trở xuống mà tiết lộ cái công trình này bị thiếu kém hoặc là ăn bớt vật tư ra ngoài cho báo chí biết thì đồng chí đó chịu trách nhiệm, hôm nay tôi nói rõ luôn. Tại vì xấu xa thì ta đậy lại không dại gì vạch áo cho người xem lưng.”
Ông này nói theo kiểu điếc không sợ súng mà dân gian người ta nói “cả vú lấp miệng em”, dùng quyền lực để mà che giấu. Ông ta nói thế là bất chấp luật pháp, bất chấp cả thời thế.
-Nhà văn Phạm Viết Đào
Nhà báo, nhà văn Phạm Viết Đào, nguyên Trưởng phòng Thanh tra-Phòng chống Tham nhũng thuộc Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch cho biết ý kiến của ông về phát biểu của ông Vụ trưởng Thanh tra Nguyễn Minh Mẫn:
“Ông này nói theo kiểu điếc không sợ súng mà dân gian người ta nói “cả vú lấp miệng em”, dùng quyền lực để mà che giấu. Ông ta nói thế là bất chấp luật pháp, bất chấp cả thời thế. Ngay trong luật chống tham nhũng thì một trong những bí quyết, át chủ bài phòng chống tham nhũng của Tổng thanh tra là phải minh bạch hóa nó cũng là một trong những quả đấm là phải minh bạch hóa trong cách chống tham nhũng mà bây giờ ông ấy bịt lại thì đã đi ngược điều đó rồi.
Ông này không hiểu gì về luật pháp và ông cưỡi lên đầu người ta, muốn làm gì thì làm. Thanh tra mà ông lại không hiểu pháp luật, đây là một thất thố ngay trong thanh tra mà không coi luật pháp ra cái gì cả. Ở ngay trong luật thanh tra người ta đòi hỏi sự minh bạch. Luật báo chí chuyên ngành cũng vậy ngay trong thanh tra mà ông chống lại thì ông tồn tại kiểu gì, ông làm ăn kiểu gì vậy?”
Ông Vụ trưởng Thanh tra Nguyễn Minh Mẫn còn vi phạm nguyên tắc báo chí một cách công khai và sự vi phạm này được xem như tuyên chiến với cả nền báo chí Xã hội chủ nghĩa khi ông tuyên bố giữa cuộc họp như sau:
“Về báo chí tôi nói thật với các anh lãnh đạo báo chí lúc này nó nhiều quá, 20 nghìn nhà báo nhất là thành phố Hồ Chí Minh này gần 15 triệu người, kể cả những người vô gia cư, báo chí tập trung ở đây nhiều nhất. Tập trung vào nên không có lịch mà tiếp đâu nên tôi đề nghị là tất cả các thông tin báo chí kể cả trong quá trình đoàn thanh tra làm việc thì các đồng chí không tiếp khách, trừ báo Đảng, tuyên truyền cho các đồng chí trong dịp tết, viết bài như báo Nhân Dân thì các đồng chí biết rồi còn tất cả tôi đề nghị các đồng chí không tiếp, không ai làm gì được đâu.
Tôi nói rõ là bất kỳ nhà báo nào quấy nhiễu các đồng chí thì các đồng chí cứ việc nêu trực tiếp với tôi. Tôi nói thật nhiều đồng chí Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, nhiều Bộ trưởng tôi kết hợp tôi đuổi các nhà báo đấy tôi chẳng ngại đâu. Bởi vì trong quá trình mà báo chí nó nhiễu thì rất là nhục, báo cáo các đồng chí thế. Các đồng chí cố gắng khắc phục ngay từ đầu không tiếp nhà báo.”
Che dấu vì có chia sẻ lợi nhuận?
Thanh tra Chính phủ cố tình che lấp thông tin để che đậy cái xấu cho chế độ là điều có thể hiểu được còn công an muốn che dấu thông tin của tội phạm môi trường lại là một câu chuyện bức xúc khác không thể giải thích ngoại trừ bản thân người che dấu thông tin có chia sẻ lợi nhuận từ hành vi xả thải bất hợp pháp.
Câu chuyện của anh Nguyễn Đức Hùng một cư dân của Thôn Hưng Yên xã Kỳ Lợi huyện Kỳ Anh Tỉnh Hà Tĩnh là một ví dụ về thái độ che dấu thông tin tội phạm môi trường của công an Hà Tĩnh.
Sau khi phát hiện một tàu chở chất thải đổ xuống vùng biển trong vịnh Sơn Dương anh Nguyễn Đức Hùng đã quay clip video và post lên trang Facebook cá nhân của mình nhưng sau đó bị công an Hà Tĩnh hăm dọa, buộc anh phải gỡ bỏ clip này xuống. Nói với chúng tôi anh Hùng bức xúc:
“Sau một ngày đăng tải lên thì bị áp lực rất nhiều phía nhất là công an Hà Tĩnh và công an Kỳ Anh. Có hai anh công an tới hỏi thì em viết trên trang Facebook thế nào thì em trả lời như vậy. Sau cuộc gặp thì hai anh nói là bên công an sẽ xác nhận nếu như đúng thì sẽ xử lý theo luật pháp còn nếu sai, không chính xác thì em phải coi lại suy nghĩ của em khi đem lên Facebook.
Chiều hôm ấy có gặp ông Đại tá Đặng Hoài Sơn là trưởng công an Kỳ Anh có gọi phone cho anh của tôi bảo là phải gỡ bỏ cái video clip đó xuống nhưng tôi không gỡ và nói là tôi thấy đúng sự thật thì đem lên chứ chẳng làm gì mà chống phá ai hết. Ông ta nói hình ảnh video mà tôi để trên Facebook mà không lấy xuống thì tôi là một người phản động, Kích động người này người khác để chống phá nhà nước. Ông ta nói phải gỡ xuống còn không nghe thì ông sẽ bắt giam theo cách của ông, và ông sẽ tìm mọi cách để bắt tôi.”
Những vụ che dấu thông tin tương tự vẫn xảy ra hàng ngày trong nhiều lĩnh vực mà chính quyền không thể biết hết vì cán bộ trách nhiệm cũng là người chủ trương che dấu thông tin. Người dân cho rằng người được hưởng lợi từ sự che dấu này hiển nhiên là tội phạm môi trường, kinh tế cũng như những con sâu trong chính quyền, ngược lại, người chịu thiệt hại trực tiếp vẫn là nạn nhân của các vụ xả thải làm bẩn môi trường sống, và kế đó là cả hệ thống chính trị Việt Nam nhiễm độc thói quen che chắn qua cách áp dụng câu “tốt khoe xấu che” một cách sai lầm.
Dư luận lẫn báo chí góp ý chủ trương phòng chống tham nhũng không bao giờ thành công nếu vẫn dung dưỡng tư tưởng che đậy thông tin xấu trong hệ thống cầm quyền. Những người giữ chức vụ cao nhưng khiếm khuyết như ông Vụ trưởng Thanh tra Nguyễn Minh Mẫn và đại tá công an Đặng Hoài Sơn không phải là ít, nó lan tỏa âm thầm trong nội bộ chính quyền bởi sự làm ngơ của cấp cao hơn khi những sai trái này được báo chí hay dân chúng phanh phui.
Mặc Lâm
(RFA)
Kỳ Duyên - Chứng “tự sướng” và phát ngôn bất nhất của ông Q. Vụ trưởng
Liệu những yếu kém của công trình, sự ăn bớt vật tư ra ngoài có phải là vấn đề an ninh, bảo mật QG không? Hay chỉ là “bảo mật” cho một số kẻ vi phạm? Điều lạ, là người cần làm sáng tỏ vụ việc lại tìm cách “bịt” lại.
Cứ tưởng thời đại công nghệ thông tin và sự phát triển của các loại điện thoại di động, thì “tự sướng” (chụp ảnh) chỉ là hội chứng của giới trẻ. Hóa ra, tự sướng là hội chứng lây lan rất nhanh. Người có tính cách nông nổi mà thể hiện cụ thể hội chứng “tự sướng” (phát ngôn), trong khi lẽ ra phải chín chắn và tỉnh táo lẫn khiêm nhường đúng chỗ, ở đây là ông Nguyễn Minh Mẫn- Quyền Vụ trưởng Vụ III (Thanh tra Chính phủ), khiến báo chí, các trang mạng XH lại được dịp ồn ào.
Nhất, nhất, nhất…
Sau những phát ngôn cho phép mình quyền “đuổi nhà báo ngay”, quyền bịt miệng báo chí, bày cho cơ sở cách bưng bít thông tin, ở đây là ĐH Quốc gia t/p Hồ Chí Minh, tại buổi công bố thanh tra ở ĐH này, ngày 28/9, hiếm có một quan chức nào lại tự sướng đến thế về chính mình, một điều tối kỵ về văn hóa ứng xử trước truyền thông.
Xin hãy nghe:
-Tôi là người chống tham nhũng mạnh nhất của ngành thanh tra, liêm khiết nhất của ngành thanh tra, chưa nhận cái kim sợi chỉ nào của ai. …Từ năm 2011 đến nay, tôi là người trong sạch, liêm khiết và có cống hiến nhiều nhất nên các lãnh đạo TTCP đã giao tôi làm Q. Vụ trưởng Vụ III…. Tôi là cán bộ thanh tra cao cấp đầu tiên chưa động đến cây kim sợi chỉ của ai. Tôi là một trong những cán bộ làm nhiều việc lớn cho ngành thanh tra. Tôi là người duy nhất kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện tha hóa khác, vv và vv...(Plo.vn, ngày 26/11).
Ở bất cứ câu trả lời nào với báo chí, cũng thấy ông sử dụng từ “nhất”: Liêm khiết nhất, có cống hiến nhiều nhất, cán bộ thanh tra cao cấp đầu tiên chưa động đến cây kim sợi chỉ, người duynhất kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện tha hóa khác…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Việc ông Mẫn có những phát ngôn vừa qua là không đúng, cần lên án. Ảnh: VietNamNet |
Đọc hàng loạt từ nhất, nhất, nhất của ông Quyền Vụ trưởng, người viết bài bỗng ngớ người. Cơ quan TTCP là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, và phòng ngừa chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Vậy nếu theo cái cách ông Nguyễn Minh Mẫn tự đánh giá về mình, thì chả hóa ra cả cơ quan ông còn lại là những người … “tha hóa”, không liêm khiết, không kiên quyết chống tham nhũng?
Ông có lý khi vô tình khiến cả xã hội nhớ lại một số những vụ việc ồn ào mà cán bộ thanh tra trở thành “tâm điểm” bàn luận. Khiến với xã hội, như… lạ dần lên trong mắt dân!
Tỷ như vụ việc thanh tra Vinashin tới 11 lần nhưng kết luận cả chừng ấy lần là bình thường, không sai phạm. Để cuối cùng, Vinashin lại là một trong những vụ án kinh tế lớn nhất nước. Hơn chục bị cáo là những quan chức, từ Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Vinashin, đến các giám đốc công ty cổ phần, trưởng phòng kinh doanh…đã bị đưa ra tòa với nhiều tội danh- lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, làm thiệt hại gần 1000 tỷ đồng. Vậy khi các quan chức của Vinashin phải vào bóc lịch, thì những ai ai từng tham gia thanh tra tới 11 lần đó, có… vô can không?
Tỷ như vụ việc ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng TTCP đã chiếm dụng nhiều đất đai, nhà ở, biệt thự tại Bến Tre, t/p Hồ Chí Minh. Rút cục, ông này đã phải trả lại nhà, đất và chịu hình thức kỷ luật… cảnh cáo. Một hình thức kỷ luật mà dư luận xã hội cho rằng nhẹ như lông hồng.
Tỷ như vụ việc ông Huỳnh Phong Tranh, cũng nguyên Tổng TTCP, người kế cận ông Truyền, 06 tháng trước khi nghỉ hưu, đã ký quyết định bổ nhiệm ồ ạt 35 trường hợp cán bộ lên quản lý cấp vụ, cấp phòng. Với vụ việc này, ông Huỳnh Phong Tranh là người góp phần cho thành ngữ thời hiện đại “chữ ký hoàng hôn” ra đời.
Không phải vô lý, cha ông xưa có thành ngữ sâu sắc: Uốn lưỡi bẩy lần trước khi nói.
Và… bất nhất
Thế nhưng, liệu XH có chịu tin cái vị trí “nhất, nhất…” của ông trong TTCP không nếu thấy chính sự… bất nhất của ông kiểu “vẽ đường cho hươu chạy”, khi nói với các thầy cô ở ĐH Quốc gia t/p HCM: …Tôi nói rõ bất kỳ đoàn viên đoàn thanh tra nào tiết lộ công trình này bị yếu kém hoặc là ăn bớt vật tư ra ngoài để báo chí biết thì người đó chịu trách nhiệm trước pháp luật… Đây toàn là các thầy, các cô đại diện cho các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM… xấu xa thì ta phải đậy lại. Không có dại gì chúng ta đi vạch áo cho người xem lưng…(Pháp luật t/p HCM, ngày 25/11)
Thì XH và dư luận báo chí rất bất bình. Mà bất bình là phải.
Đúng là trong làng báo chí, có những nhà báo mà phẩm cách “làm tiền” chuyên “gây sự cố gặt hợp đồng” với các doanh nghiệp, các địa phương (Tuần Việt Nam, ngày 25/11), đã làm mang tiếng cho cả làng báo, nhưng người viết bài đoan chắc không phải tất cả… “bọn báo chí”. Sự lẫn lộn giữa “truyền thông bất lương”, với những nhà báo phải thực thi bổn phận, đã gây không ít khó khăn cho họ khi làm nghề. Nếu là thanh tra chính trực, lẽ ra ông phải có sự “đồng cảm” với những nhà báo khi họ buộc phải làm nhiệm vụ.
Ảnh minh họa |
Nếu không thì thế nào là thanh tra? Thanh tra xong, xấu xa ta đậy lại. Nếu thanh tra tiết lộ công trình này bị yếu kém hoặc là ăn bớt vật tư ra ngoài để báo chí biết thì người đó chịu trách nhiệm trước pháp luật? Trong bối cảnh XH đầy tham nhũng, hối lộ, ăn hối lộ, thì phát ngôn này của ông Nguyễn Minh Mẫn nên hiểu thế nào? Cho dù, người viết bài biết rằng, có những vấn đề nếu thuộc an ninh, bảo mật QG, báo chí không được phép đăng. Nhưng liệu những yếu kém của công trình, sự ăn bớt vật tư ra ngoài ở ĐHQG t/p HCM có phải là vấn đề an ninh, bảo mật QG không? Hay chỉ là “bảo mật” cho một số kẻ vi phạm? Điều lạ, thanh tra, là người cần làm sáng tỏ vụ việc lại tìm cách “bịt” lại. Vì sao nhỉ?
Với phát ngôn bất nhất này của ông Q. Vụ trưởng, người dân thêm… hoài nghi.
Đó là người viết chưa bàn đến phẩm cách của ông, đến thông tin 9/10 người đồng sự không đồng ý cắt Q (quyền vụ trưởng) để ông thành Vụ trưởng. Thông tin Phó Tổng TTCP yêu cầu ông kiểm điểm, vì việc tố cáo một Phó Vụ trưởng Vụ III là không đúng, không có cơ sở. Có cả kết quả đánh giá chất lượng đảng viên năm 2012 của chi bộ Vụ III về cá nhân ông không lấy gì làm… "khôi nguyên”:
Thời gian ông Mẫn đứng đầu Vụ, về năng lực chuyên môn, năng lực quản lý điều hành yếu kém, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm 19 điều đảng viên không được làm, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; không hoàn thành nhiệm vụ được giao…(Nông nghiệp VN, ngày 24/11) .
Vì đây là những vấn đề nội bộ của TTCP. Nhưng chỉ cần lẩy ra hai vụ việc nội bộ, đủ hiểu ông không thể “nhất, nhất…”.
Được biết, mới đây, tại cuộc họp báo thường kỳ của CP, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng CP cho biết sẽ tiếp nhận ý kiến và chuyển đến Tổng TTCP việc ông Q.Vụ trưởng có những phát ngôn không đúng để rút kinh nghiệm và kiểm điểm sâu sắc.
Mà nếu chưa nhất trí nổi, hãy cứ để bạn đọc bỏ phiếu bầu ông Nguyễn Minh Mẫn có “nhất” không, trong cả phát ngôn lẫn phẩm cách.
Kỳ Duyên
(Tuần Việt Nam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét