Trong cuộc phỏng vấn với báo Guardian (Anh) ngày 15/11, Thủ tướng trẻ tuổi Canada, Justin Trudeau, bày tỏ đồng quan điểm với ông Trump: Toàn cầu hóa không mang lại lợi ích cho người dân thường.  
Theo Thủ tướng Trudeau, người dân thường trên thế giới thất vọng với toàn cầu hóa. Điều này lý giải cho một năm đầy sóng gió với cuộc tranh cử tổng thống của Donald Trump, cuộc bỏ phiếu Brexit và sự trỗi dậy của các đảng phái phản chính thống và chủ nghĩa dân tộc trên khắp thế giới.
Ông nói: “Chúng ta đang phải đối mặt với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, sự chia rẽ và sợ hãi trên toàn thế giới, vì thực tế toàn cầu hóa dường như không mang lại lợi ích cho tầng lớp trung lưu, cho những người lao động bình thường”.
Ông Trudeau nói: “Chúng tôi đã nhận thấy vấn đề này từ rất lâu và đã xây dựng một chương trình toàn diện để xử lý”.
Thủ tướng Trudeau và ông Trump có quan điểm khác biệt về nhiều vấn đề như nữ quyền, thương mại quốc tế và khủng hoàng người tị nạn Syria. Tuy nhiên họ đã tìm thấy điểm chung, đó là tầng lớp trung lưu ở cả Mỹ và Canada đều “lo lắng thực sự” về toàn cầu hóa và thương mại.
Lãnh đạo của 2 nước đều mong muốn đề ra giải pháp giải quyết vấn đề này. Ông Trudeau cho biết: “Các chính sách có thể khác biệt, nhưng đều bảo đảm cung cấp việc làm tốt cho tầng lớp trung lưu. Đây là điều khiến chính phủ hai bên có thể tìm thấy tiếng nói chung và hợp tác với nhau”.
Khi thảo luận về nền kinh tế Canada mà trong đó nguồn tài nguyên dầu chiếm tỷ trọng lớn, Thủ tướng Trudeau cũng cam kết giảm lượng khí thải và tiêu thụ nhiên liệu tự nhiên, tương tự như lập trường của Trump. Ông Trudeau nói: “Bạn không còn quyền lựa chọn giữa lợi ích môi trường và lợi ích nền kinh tế”.
Ông Trudeau cho rằng các nhà lãnh đạo phải giải quyết được “sự lo lắng của giới trung lưu” kết hợp với giải pháp đổi mới và bảo vệ môi trường.
justin-trudeau (1)
Thủ tướng trẻ tuổi Canada Justin Trudeau. (Ảnh: Wiki)
Thủ tướng Trudeau cũng cho biết Canada đang có ưu thế dẫn đầu về nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu nếu tổng thống Trump quyết định rút khỏi các thỏa thuận quốc tế về khí hậu, như hiệp định Paris. Ông Trudeau lưu ý rằng một trong những nhiệm vụ cơ bản của chính phủ của ông là có được nguồn nguyên liệu cho thị trường một cách bền vững.
Nhắc đến quan hệ đặc thù với Mỹ, rất ít quốc gia có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều như Canada. Năm 2015, thị trường Mỹ chiếm gần 3/4 giá trị xuất khẩu của Canada, và một ngày có khoảng 400.000 người dân đi qua lại giữa biên giới 2 nước.
Sự hợp tác đầu tiên của ông Trudeau và ông Trump có thể là dự án đường ống dẫn cung cấp dầu của Canada sang thị trường Mỹ. Năm 2015, Tổng thống Obama đã bác bỏ kế hoạch xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL của Canada. Nhưng khi thủ tướng Trudeau gọi điện chúc mừng ông Trump thắng cử, ông Trump nói sẽ ủng hộ khởi động lại dự án.
Theo ông Trudeau, phương pháp truyền thống vận chuyển dầu thô bằng đường sắt “đắt hơn, hao phí lớn và nguy hiểm hơn cho cộng đồng,” so với đường ống. Và ông Trudeau mong đợi ông Trump thực hiện lời nói của mình.
Trong một chuyến thăm gần đây đến thủ đô Canada, Phó Tổng thống Mỹ, Joe Biden phát biểu rằng sau cuộc bầu cử của Trump và sự gia tăng các đảng phái chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu, thế giới cần sự lãnh đạo của ông Trudeau.
Thủ tướng Trudeau thừa nhận điều này trong cuộc phỏng vấn với báo The Guardian, nói rằng Canada có thể đóng vai trò tích cực nhằm xây dựng các giải pháp hiệu quả và thúc đẩy liên kết với phần còn lại của thế giới. “Chúng ta có thể hợp tác trên quan điểm toàn cầu và tăng trưởng, điều này có lợi cho tất cả mọi người trên thế giới”, ông nói.
Ông Trudeau cho rằng: “Nếu tăng trưởng thực sự mang lại lợi ích cho tầng lớp trung lưu, thì tâm lý giận dữ, bất an và chủ nghĩa dân túy đang được khuếch tán như hiện nay sẽ lắng xuống”.
 Diệu Linh
Xem thêm: