Lời bàn của Blog Phạm Viết Đào:
Trong tình hình đất nước, nội bộ đảng đang be bét do sự chi phối của các băng nhóm lợi ích; Chức năng, nhiệm vụ cấp bách của ngành tòa án phải đăt tiêu chí nghiêm minh của pháp luật, " thiết diện vô tư" lên hàng đầu; Hơn lúc nào kết, Tòa là cơ quan phải thượng tôn luật pháp... vì Tòa án khác với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các hội đoàn thể...
Phải chăng Chủ tịch Trần Đại Quang yêu cầu xây dựng hình ảnh Tòa án giống với cơ quan mặt trận ứng xử dĩ hòa vi quý với các tầng lớp, các nhóm lợi ích đang xâu xé tài nguyên, tài lực của đất nước ?
Nếu ngành Tòa án muốn thân thiện với dân thì phải nghiêm khắc, hà khắc với quan tham; ngược lại nếu Tòa lại thân thiện với đám quan tham thì "thôi rồi Lượm ơi"...dân chỉ còn cách "cạp đất" mà ăn?
Chủ tịch nước yêu cầu xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện
VOV.VN - Chủ tịch nước yêu cầu ngành Tòa án xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện, là chỗ dựa của nhân dân và là nơi bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người.
Sáng 9/1, tại Hà Nội, Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác tòa án năm 2018. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Năm 2017, tình hình tội phạm tuy được kiềm chế nhưng vẫn diễn biến phức tạp, các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính có xu hướng gia tăng, làm cho số lượng các loại vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng hơn nhiều so với năm 2016, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp.
Từ ngày 01/10/2016 đến ngày 30/9/2017, các Tòa án đã giải quyết được 438.625 vụ việc trong tổng số 491.384 vụ việc đã thụ lý đạt tỷ lệ 89,3%. Các Tòa án đã tăng cường tổ chức các phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp. Theo đó, tại phiên tòa không hạn chế thời gian tranh tụng; bắt tạm giam bị cáo hoặc thay đổi biện pháp ngăn chặn khi thấy cần thiết; khởi tố hoặc yêu cầu khởi tố khi có dấu hiệu lọt người, lọt tội; trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung khi thiếu chứng cứ; kiến nghị để khắc phục các sai sót cả về tố tụng và trong hoạt động quản lý kinh tế, quản lý cán bộ...
Việc xét xử các vụ án hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các vụ án lớn, trọng điểm, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng đều được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.
Đồng thời Tòa án nhân dân tối cáo đã tham gia xây dựng nhiều Dự án luật quan trọng trình Quốc hội thông qua như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015; Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng...
Tòa án Nhân dân tối cao đã xây dựng Quy chế kiểm tra trong Tòa án Nhân dân, Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án Nhân dân; tổ chức 08 đoàn kiểm tra về hoạt động công vụ, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí tại một số Tòa án Nhân dân cấp tỉnh, tập trung kiểm tra những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, như: việc chấp hành pháp luật về tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái cán bộ, công chức; việc công khai minh bạch tài chính; tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức.
Thông qua công tác kiểm tra, đã kịp thời phát hiện, rút kinh nghiệm đối với những hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; nắm bắt những khó khăn vướng mắc trong hoạt động của các Tòa án để tìm giải pháp tháo gỡ, khắc phục, đồng thời xử lý nghiêm các cán bộ, công chức có sai phạm trong thực thi công vụ.
Năm 2018, ngành tòa án tập trung hoàn thành các dự án luật, pháp lệnh được phân công chủ trì soạn thảo đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng; tích cực tham gia xây dựng các đạo luật khác theo thẩm quyền; Làm tốt công tác đào tạo nghiệp vụ xét xử, đào tạo nâng ngạch Thẩm phán và đào tạo các chức danh tư pháp; Tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, luân chuyển để đào tạo đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo Tòa án nhân dân các cấp. Đồng thời rà soát tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Ông Lê Hồng Quang, Phó Chánh án Tòa án tối cao cho biết: “Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, đảm bảo các phán quyết của Toà án phải đúng pháp luật, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân. Chú trọng làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự và công tác đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính. Khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn xét xử do lỗi chủ quan của Tòa án; phấn đấu không để xảy ra việc xét xừ oan hoặc bỏ lọt tội phạm. Tổng kết việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động để báo cáo ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc có hay không coi đây là chỉ tiêu bắt buộc đối với các Tòa án trong tỉnh hình hiện nay”.
Cùng với đó, Chủ tịch nước đề nghị ngành cần chú trọng công tác cải cách hành chính, nhất là công tác đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp trong các hoạt động của Tòa án, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác Tòa án nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
Chủ tịch nước yêu cầu ngành Tòa án cần xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện, “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, là chỗ dựa của nhân dân và là nơi bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đồng thời ngành cần chủ động sắp xếp, kiện toàn tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân các cấp; rà soát chức năng, nhiệm vụ của các Tòa án để phân cấp mạnh mẽ, hợp lý hơn; phân định nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án các cấp trong quản lý hành chính và trong hoạt động tố tụng để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tòa án./.
“Tòa án phải đi thuê nhà dân để xét xử là không chấp nhận được”
VOV.VN - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc để 35 trụ sở tòa án cấp huyện phải đi thuê để xét xử là không chấp nhận được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét