Trịnh Xuân Thanh khai gì tại phiên xử Đinh La Thăng - ảnh 1
Bị cáo Vũ Đức Thuận bị cách ly trước khi toà xét hỏi Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: Mạnh Thắng.
Ngày 9/1, phiên toà xét xử ông Đinh La Thăng và 21 đồng phạm bước sang ngày làm việc thứ hai. Trước khi HĐXX xét hỏi bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch PVC, hai thuộc cấp của ông Thanh là Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC và Nguyễn Mạnh Tiến, nguyên Phó tổng giám đốc PVC được cảnh sát đưa sang phòng cách ly.
Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT PVC khai, chọn PVC thi công Dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vì lúc đó ở Việt Nam may ra chỉ có PVC hoặc Lilama làm được. Dù chọn PVC và các nhà thầu nước ngoài thì PVC vẫn làm chính. Về tình hình tài chính, ông Thanh cho biết: Khi mất cân đối của PVC thì kế hoạch năm 2012 sẽ tăng vốn và khi đơn vị xây lắp nhận dự án như vậy thì rất tốt, có việc làm và cứ có thầu là có lợi nhuận. Dù PVC năng lực chưa đủ đáp ứng nhưng rất mừng khi được làm tổng thầu.
Trịnh Xuân Thanh khai gì tại phiên xử Đinh La Thăng - ảnh 2Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (áo khoác xanh, hàng đầu tiên)
Thua lỗ vì mua đắt bán rẻ
Thẩm phán Trương Việt Toàn đặt câu hỏi: “PVC đang khó khăn tài chính lại được PVN giao những công trình thua lỗ, giờ thêm tổng thầu dự án vậy có khó khăn hơn hay không?”
Trịnh Xuân Thanh đáp: “Những công trình PVN giao cho PVC đều rất cẩn thận, phải có tiền, kế hoạch rõ ràng mới giao. Các dự án dầu khí thanh toán rất tốt, có tạm ứng trước nên bị cáo và lãnh đạo PVC hy vọng nhận thầu sẽ vượt qua khó khăn. Những Cty thua lỗ PVC được giao, họ thua lỗ vì năm 2009 – 2010 họ đầu tư vào bất động sản, khi kinh tế suy sụp thì họ lỗ nặng. Họ mua ở Nghệ An 20 – 30 triệu/m nhưng lúc bán 10 triệu/m...”.
Chủ tịch PVC... không đọc hợp đồng
Về tránh nhiệm việc ứng tiền từ dự án Thái Bình 2, ông Thanh trình bày: “Tại PVC, theo phân cấp, việc triển khai, kỹ thuật, tài chính thuộc trách nhiệm của ban GĐ. Khi bị cáo được PVN giao dự án thì giao lại cho ban GĐ hoàn thiện thủ tục ký hợp đồng EPC số 33”.
Bị cáo trình bày thêm, PVN yêu cầu khởi công Thái Bình 2 trong quý 1/2011, Ban giám đốc có báo cáo lên Trịnh Xuân Thanh hồ sơ thiếu nhưng do thời gian ngắn nên không thể kịp hoàn thiện đặc biệt là hồ sơ đề xuất. “Bị cáo họp với PVN, lãnh đạo PVN vẫn quyết định khởi công đúng kế hoạch, hồ sơ chưa chuẩn bị được thì để sau…
Với tinh thần đó, PVC đề xuất nhanh nhất tháng 4 – 5/2011 mới xong nhưng PVN không trả lời. Hợp đồng 33 vẫn thiếu phần phụ lục. Lúc đó, bị cáo có khuyết điểm là Ban giám đốc trình lên nội dung chính của hợp đồng thể hiện tiền 1,2 tỷ USD, bị cáo chỉ đọc nội dung chính, không đọc hợp đồng 33. Nếu bị cáo đọc sẽ không thiếu những điều quan trọng” – ông Thanh trả lời HĐXX.
Trịnh Xuân Thanh nói thêm, về việc tạm ứng tiền là trách nhiệm của Ban giám đốc, tất cả công văn xin tạm ứng không cần báo cáo, thông qua HĐQT theo điều lệ của PVC. Bị cáo không có chỉ đạo nào về xin tạm ứng, trong các cuộc họp thì chỉ hỏi.
Về việc chi sai tiền tạm ứng, ông Thanh phủ nhận trách nhiệm: “Khoảng tháng 9/2011, bị cáo phát hiện ra chi sai tiền tạm ứng, bị cáo đã báo cáo Tập đoàn vào cuối 2011 hoặc đầu 2012. Việc này do Ban giám đốc chi tiêu. Trong việc góp vốn vào các dự án khác bắt buộc phải có nghị quyết của HĐQT, trong nghị quyết ghi rõ góp bằng cách nào. Bị cáo đều ghi trong nghị quyết là góp bằng tiền vay hoặc nguồn khác theo đúng quy định của pháp luật”. Tuy vậy, ông Thanh thừa nhận trách nhiệm của mình khi không đọc kỹ hợp đồng EPC số 33.
Bắt đầu xét hỏi ông Đinh La Thăng
Sau đó, tòa yêu cầu cách ly Trịnh Xuân Thanh, đưa ông Đinh La Thăng lên bục khai báo. Ông Đinh La Thăng là Chủ tịch HĐTV từ 2006 đến 2011, có nhiệm vụ chỉ đạo HĐTV xây dựng chiến lược, quy hoạch trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước tại tập đoàn… Trong dự án Thái Bình 2, việc chỉ định PVC làm tổng thầu xuất phát từ chủ trương của Bộ Chính trị về phát triển PVN đến năm 2025 để PVN thành tập đoàn mạnh, kinh doanh ngoài ngành; Thực hiện chủ trương của Chính phủ về phát huy nội lực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô… Chính phủ cũng cho phép PVN thực hiện chỉ định các đơn vị thành viên thực hiện các dự án của tập đoàn.
Vì vậy, PVN mở một số công ty con gồm PVC để xây dựng thành một đơn vị xây lắp dầu khí mạnh của tập đoàn. Từ đó, PVN giao PVC làm tổng thầu dự án. Sau đó, PVN có nghị quyết giao PVC là tổng thầu, giao người đại diện vốn của PVN tại PVC thực hiện. HĐTV cũng phê duyệt nguyên tắc thành lập liên doanh tổng thầu. Khi tập đoàn chỉ định 2 đơn vị gồm PVC là tổng thầu của Thái Bình 2 nhưng đây là dự án cấp bách được Thủ tướng chỉ đạo phải khởi công sớm. Như vậy, nếu thực hiện liên danh tổng thầu, chọn đối tác nước ngoài sẽ mất thời gian, nếu thực hiện tổng thầu là nhà thầu trong nước rồi chọn đối tác nước ngoài sau thì sẽ thực hiện được sớm.