28/02/2018
Gần 73% phụ nữ nước ngoài kết hôn với nam giới Hàn Quốc là người Việt Nam và có độ tuổi trẻ hơn nhiều năm so với tuổi trung bình kết hôn của các cô gái Hàn Quốc, Korea Times trích thống kê từ năm 2014-2016 của nước này cho biết hôm 28/4.
Theo số liệu của Bộ Bình đẳng giới và Gia Đình của Hàn Quốc, độ tuổi trung bình của các chú rể Hàn Quốc tại thời điểm kết hôn với các cô dâu ngoại là 43,6, cao hơn gần hơn 11 năm so với độ tuổi trung bình kết hôn lần đầu của đàn ông nước này năm 2017 (32,8 tuổi).
Ngược lại, tuổi trung bình của các cô dâu ngoại là 25,2, trẻ hơn 5 tuổi so với độ tuổi kết hôn trung bình của các cô gái Hàn Quốc (30,1).
Về trình độ học vấn, chỉ có 6,1% các ông chồng Hàn Quốc lấy vợ ngoại có bằng đại học, 54,8% tốt nghiệp trung học, và 6,1% chỉ mới phổ thông cơ sở.
Trong khi đó, 17,8% các cô dâu ngoại có bằng đại học, 52,4% tốt nghiệp trung học và 29,8% hoàn tất chương trình phổ thông cơ sở.
Ngoài ra, thống kê của Hàn Quốc cũng cho biết thu nhập trung bình của 41,1% chú rể Hàn Quốc là từ 2 triệu – 3 triệu won (khoảng 1.850 – 2.760 USD)/tháng. Khoảng 15,8% có thu nhập dưới mức 2 triệu won. Con số này cho thấy đa phần các ông chồng Hàn Quốc lấy vợ ngoại thuộc vào nhóm thu nhập thấp, vì mức thu nhập trung bình của nước này là 3,29 triệu won.
Thống kê cho biết thêm “khó khăn về giao tiếp” là nguyên nhân số một dẫn đến xung đột trong các gia đình đa quốc này.
Hàn Quốc là điểm đến hàng đầu của các cô gái Việt có giấc mơ đổi đời bằng cách lấy chồng ngoại. Đa số các cô gái lấy chồng Hàn đến từ các khu vực thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Thống kê cho biết có khoảng 40.000 cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc. Rất nhiều trong số này đã trở về Việt Nam sau khi ly dị với chồng vì những khác biệt và bất đồng về văn hóa, tuổi tác và các lý do khác. Thậm chí, một số trường hợp dẫn đến bạo lực gia đình và tử vong.
Theo thống kê mới của Hàn Quốc, Campuchia là nước có số lượng cô dâu ở Hàn Quốc đứng thứ 2 với 8,8%, tiếp theo là cô dâu Trung Quốc với 7,6% và cô dâu Philippines với 3,7%.
Các nữ nhân viên tại ngân hàng HDBank ở Sài Gòn. Trong tương lai, số phụ nữ ở Việt Nam sẽ ngày càng ít hơn nam giới.Reuters
Nguy cơ trai thừa gái thiếu ở Việt Nam
Chủ yếu do tâm lý « trọng nam khinh nữ » vẫn còn nặng nề, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã không giảm mà còn tăng với một tốc độ khó kiểm soát được và điều này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho dân số Việt Nam, nhất là gây ra tình trạng trai thừa gái thiếu.
Tỷ số giới tính khi sinh được xác dịnh dựa trên số bé trai được sinh so với 100 bé gái. Theo điều tra biến động dân số 2016 thì tỷ lệ này giảm chút ít so với năm trước, nhưng cũng còn ở mức cao là 112,2/100, có những nơi lên đến 120/100. Các chuyên gia dân số ước tính, nếu không làm giảm bớt tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đến 2050 Việt Nam sẽ dư ra 2,3 - 4 triệu nam giới, nói nôm na là sẽ có 2,3 đến 4 triệu đàn ông không lấy được vợ !
Đây dĩ nhiên là vấn đề được tổ chức Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam ( UNFPA Vietnam) quan tâm và nghiên cứu từ nhiều năm nay để qua đó đề xuất cho chính phủ Việt Nam những giải pháp.
Trong phần tạp chí hôm nay, chúng tôi xin mời quý vị nghe phần phỏng vấn với bác sĩ Phan Thu Hiền, chuyên gia về giới của UNFPA Vietnam :
BS Phan Thu Hiền : Tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam hiện nay 112,2 bé trai /100 bé gái. Bình thường khoảng 102 đến 106 bé trai/100 bé gái sinh ra được xem là mức bình thường. Nhưng nếu tỷ số này cao hơn mức 106/100 thì gọi là mất cân bằng giới tính khi sinh. Hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh này diễn ra ở châu Á từ thập niên 1980 và bắt đầu sớm nhất là ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, sau đó lan sang Việt Nam vào những năm 2000.
Cho đến năm 2004, thì tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam gần như không có gì thay đổi. Nhưng đến 2004 thì tỷ lệ này tăng nhanh và đến 2009 thì lên đến 110 bé trai/100 bé gái và đến hiện tại thì trên 112,2/100. Thậm chí có những khu vực như đồng bằng Bắc Bộ và phía bắc là lên tới 120/100.
RFI :Dân Việt Nam từ xưa đến nay vẫn có tâm lý trọng nam khinh nữ. Vì sao cho đến năm 2004 thì tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam mới gia tăng như vậy ?
BS Phan Thu Hiền : Tất nhiên vấn đề trọng nam khinh nữ và bất bình đẳng giới là vấn đề cốt lõi, thế nhưng nếu không có áp lực của việc giảm sinh, nhu cầu có mô hình gia đình nhỏ, gia đình chỉ có một hoặc hai con, thì đã không có tình trạng này.
Ngày xưa người ta cứ đẻ cho đến khi nào có được con trai, có trai có gái, có nếp, có tẻ, thì thôi. Còn bây giờ vì chỉ có hai con, mà lại muốn có con trai, thì bắt buộc người ta phải lựa chọn. Cái việc lựa chọn ấy không thể thực hiện được nếu không có sự ra đời của công nghệ tiên tiến.
Chúng ta cũng không thể nói rằng sự ra đời của khoa học công nghệ dẫn đến hiện tượng này, nhưng các công nghệ này giúp người ta xác định giới tính thai nhi trước khi sinh. Ở Việt Nam, tỷ lệ đi siêu âm khi có thai để biết con trai, con gái lên đến 90%. Khi biết như vậy, thì người ta dùng các phương pháp khác nhau như là sàng lọc và chọn phôi thai nam, hoặc dùng thụ tinh trong ống nghiệm và các phương pháp khác.
Việc chọn giới tính thai nhi diễn ra ngay cả trước khi mang thai, trong khi mang thai và có những nước thậm chí sau khi sinh, tức là người ta giết hoặc bỏ em bé. Ở Việt Nam, việc (sàng lọc) này không xảy ra, mà chỉ xảy ra trước khi sinh. Một nghiên cứu gần đây cũng cho thấy là việc lựa chọn giới tính thai nhi xảy ra chủ yếu ở những gia đình có thu nhập cao hơn và có giáo dục cao hơn, bởi vì nhu cầu có con trai của họ rất là lớn. Việc áp dụng công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi rất là đắt, cho nên chỉ có những gia đình có thu nhập cao thì mới có điều kiện để lựa chọn giới tính thai nhi. Những gia đình khác thì cũng mong muốn nhưng họ không có điều kiện để làm chăng ?
Mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh khi bắt đầu xảy ra ở Việt Nam thì nó chỉ khu trú ở 4 hoặc 5 tỉnh, nhưng bây giờ xảy ra trên gần như là cả nước. Có một hiện tượng mà chúng tôi quan sát được là nó không xảy ra ở các vùng đồng bằng dân tộc thiểu số, mà chủ yếu là ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, và tập trung vào những gia đình có giáo dục cao và có thu nhập cao.
RFI : Thưa bác sĩ Phan Thu Hiền, tình trạng mất cân bằng khi sinh chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng trai thừa gái thiếu. Hậu quả về mặt xã hội của nó sẽ là như thế nào ?
BS Phan Thu Hiền : Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính phủ Việt Nam không nên kiểm soát mức sinh, bởi vì mức sinh của Việt Nam đã đạt mức thay thế. Trước đây mức sinh của Việt Nam cao hơn nhiều, nhưng bây giờ nó ở mức thấp, tức là 1,9, có nghĩa là mỗi gia đình trung bình có hai đứa con, nhưng bây giờ mức sinh đã dưới mức sinh thay thế rồi. Nếu Việt Nam tiếp tục kiểm soát mức sinh như thế này thì trong tương lai, mỗi cặp vợ chồng sẽ có ít hơn 2 con.
Hiện nay Việt Nam đang trong giai đoạn dân số « vàng », nhưng trong tương lai, việc già hóa dân số sẽ diễn ra rất nhanh và nếu Việt Nam tiếp tục kiểm soát mức sinh, thì sẽ giống như những nước khác như Nhật và các nước châu Âu, chúng ta sẽ phải làm việc ngược lại, tức là khuyến khích sinh đẻ, nếu không thì lực lượng lao động trẻ sẽ phải gánh cho lực lượng lao động già, vì hiện tượng già hóa dân số sẽ xảy ra ở Việt Nam trong một tương lai rất là gần.
Sau khi Việt Nam tuyên truyền kiểm soát mức sinh trong 50 năm, thì bây giờ việc chỉ có một hoặc hai con trở thành một thói quen mới. Mọi người không thích có nhiều con nữa. Không thích có nhiều con mà lại thích có con trai, thì đương nhiên người ta lựa chọn giới tính thai nhi. Trong tương lai, nếu cứ tiếp tục như thế này thì nó sẽ phá vỡ cấu trúc dân số của Việt Nam và dẫn đến hiện tượng thừa nam thiếu nữ. Trong vòng 20 đến 25 năm tới, những em bé được sinh ra vào năm 2004 sẽ đến tuổi trưởng thành và đến tuổi kết hôn, lúc ấy hầu hết đàn ông sẽ không kiếm được vợ, vì thiếu phụ nữ, giống như Trung Quốc hay Hàn Quốc.
Hàn Quốc thì đã giải quyết được vấn đề. Sau 20 năm họ đã trở lại mức sinh bình thường. Trung Quốc thì hiện nay vẫn mất cân bằng cao hơn Việt Nam. Hiện nay đàn ông Trung Quốc thiếu phụ nữ để kết hôn. Sự dư thừa nam giới lên tới 60%. Hiện tượng thừa nam thiếu nữ đó dẫn đến sức ép về nhu cầu kết hôn : kết hôn muộn ở nam giới, tăng tỷ lệ sống độc thân, cô đơn khi về già. Tương lai của Việt Nam sẽ đi đến đó, nếu chúng ta không có những hành động thiết thực.
Điều đó sẽ làm trầm trọng hơn vấn đề bất bình đẳng giới. Khi người phụ nữ vẫn còn bị đối xử thấp kém hơn đàn ông, nạn buôn bán phụ nữ, mãi dâm, dẫn đến HIV và các vấn đề mất trật tự xã hội.
RFI:Thưa bác sĩ Phan Thu Hiền, vậy thì theo UNFPA Vietnam, phải có những giải pháp nào để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam?
BS Phan Thu Hiền: Thứ nhất là không nên kiểm soát mức sinh, vì nó đã ở mức thay thế rồi và ý thức của người dân đã cao rồi, không phải cũng có nhu cầu sinh đông con. Thứ hai, phải thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị thế và tăng giá trị của phụ nữ và bé gái lên. Mọi người vẫn nghĩ rằng chỉ có con trai mới phụng dưỡng được cha mẹ và nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên. Thế thì vì sao phụ nữ lại không làm được như vậy? Khi người phụ nữ kết hôn thì về sống gia đình nhà chồng. Gia đình nào cũng muốn có con trai vì nghĩ rằng con gái là con của người ta !
Một điểm nữa, đó là hệ thống an sinh xã hội cho người già của Việt Nam còn chưa tốt. Hầu hết những người già ở Việt Nam nếu không có lương hưu thì phải sống dựa vào con cái. Hầu hết bố mẹ sống với con trai. Cho nên, việc sinh ra một đứa con trai là một cái bảo hiểm, bảo đảm trong tương lai khi về già sẽ có người chăm sóc, nuôi dưỡng, chứ không ai trông chờ vào phúc lợi xã hội.
Bên cạnh việc kiểm soát mạnh các biện pháp lựa chọn giới tính thai nhi bằng công nghệ hoặc là siêu âm, chúng ta phải giảm cái cung. Ở đây có 3 yếu tố: Một là sức ép của quy mô gia đình nhỏ và chỉ có 2 con. Hai là tâm lý trọng nam khinh nữ. Ba là công cụ để lựa chọn giới tính thai nhi.
Phải thay đổi nhận thức của mọi người rằng con gái cũng có giá trị như con trai, cũng làm được những gì như con trai làm nếu được tạo điều kiện ngang bằng với con trai. Thứ hai là phải cải thiện hệ thống an sinh xã hội cho người già, để họ không cảm thấy bất an khi không có con trai, không cần sinh con trai để dựa dẫm vào. Nếu giải quyết được 3 yếu tố đó thì cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam sẽ trở lại mức bình thường trong tương lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét