Thảm cảnh bắt đầu từ vụ Buôn Mê Thuột thất thủ, tiếp đến là quyết định của Tổng thống Thiệu bỏ ngỏ Cao nguyên cho cộng quân, di tản chiến thuật. Thế là quân dân các vùng di tản bị rơi vào tình cảnh tán lọan. Nhiều quân nhân bỏ ngũ chạy về lo cho gia đình di tản. Những người dân thường cũng rời bỏ cửa nhà, ruộng vườn, tài sản tháo chạy về phía tự do như dòng thác đổ.
Người ta ghi nhận “có đến nửa triệu quân dân Cao nguyên di tản về Nha Trang, một tỉnh ven biển Miền Trung của Việt Nam Cộng Hòa, phòng tuyến cuối cùng của Quân Đòan II, Quân Khu II, mà sau quyết định của ông Thiệu, Quân Đòan II tan vỡ nhanh như một giấc chiêm bao, mới đầu hôm sớm mai mà Quân Đòan đã bị tiêu hủy trong nháy mắt. Hành lang phía tây Sài Gòn bị đe dọa trầm trọng…”(27).
Trong khi đó ở Huế, quân dân rút về Đà Nẵng, rồi tranh nhau tìm đường ra biển. Một số khác theo đường bộ tháo chạy về phía nam như một “Đại lộ kinh hoàng”. Vì trên đại lộ ấy, nhiều cảnh đau lòng đã diễn ra. Người ta đã phải chứng kiến cảnh tranh sống, sát hại nhau, nạn thổ phỉ cướp bóc, hãm hiếp công khai giữa thanh thiên bạch nhật. Mọi giá trị nhân bản, đạo đức bị chà đạp; tình huynh đệ chi binh, nghĩa đồng bào trở thành xa lạ trong cuộc “rút lui chiến thuật” đầy hỗn lọan này. Thảm cảnh này cũng diễn ra tương tự ở nhiều tuyến “Rút lui chiến thuật” khác trên các nẻo đường đất nước. Mọi người tháo chạy về phía tự do, vì lúc ấy có lời đồn đãi rằng “Đã có thương lượng cho Cộng Sản Bắc Việt một nửa lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa mà không chống cự…”
Quả thực đến đầu Tháng 4 năm 1975, một nửa lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa đã bỏ ngỏ cho Cộng quân đến tiếp quản. Tốc độ rút quân quá nhanh đến độ đối phương không kịp tiếp thu, không đủ người và thực ra cũng không cần đủ người để giữ đất. Trong vòng vài tuần, 150.000 binh sĩ VNCH đã tự hủy và mất khả năng chiến đấu. Thế quân bình chiến lược hoàn toàn bị đảo ngược. Chế độ VNCH ở miền Nam Việt Nam lâm nguy! Mặc dầu thực tế diễn ra đúng với ý muốn của Hoa Kỳ, nhưng Tổng thống Gerald Ford lúc đó vẫn làm ra vẻ quan tâm đến việc cứu vớt số phận đã được an bài của VNCH. Ông Ford đã đề nghị ngân khoản viện trợ quân sự bổ sung 700 triệu Mỹ kim trang bị và lập cầu không vận khẩn cấp chuyển đồ tiếp tế cho Quân Lực VNCH. Hành động này của Tổng thống Ford chẳng khác chi hành động của một nhà đạo đức giả, một bác sĩ vô lương tâm, biết rằng con bệnh sắp chết và cái chết ấy có một phần trách nhiệm do mình gây ra, nhưng bề ngoài vẫn tỏ ra hết lòng muốn cứu sống con bệnh. Dẫu sao, đó cũng chỉ là những lời tuyên bố để che đậy một ý đồ cũng chẳng thay đổi được thực tế.
Thực tế lúc đó là, ông Bùi Diễm, Đại sứ VNCH tại Mỹ, đã từ Washington trở về tuyên bố một cách tuyệt vọng, rằng “Không còn hy vọng gì về phía Mỹ nữa, chúng ta phải tính đến các điều kiện thực tế…”. Thực tế là một nửa nước đã mất, người ta chỉ còn trông chờ vào một cứu tinh. Nhưng nào còn ai dám làm cứu tinh, khi người Mỹ đã bỏ cuộc. Vậy chỉ còn trông chờ một phép lạ, mà phép lạ thì siêu hình khó xẩy ra. Vậy chỉ còn cách chấp nhận thực tế mà tờ New York Time số ra ngày 1-4-1975 đã phản ánh tổng quát “Quân Bắc Việt đã tràn lên khắp đất nước và chỉ gặp vài kháng cự lẻ tẻ, lãnh thổ bị chiếm là do bỏ cuộc thực sự…”.
Theo sự đánh giá của một nhân viên cao cấp CIA có mặt vào những giờ phút hấp hối của chế độ VNCH thì “Lúc này, để bảo vệ Sài gòn, quân Nam Việt đang tơi tả, chỉ còn tương đương sáu sư đòan, đương đầu với 18 sư đòan quân Bắc Việt, một đa số áp đảo. Điều mà Nam Việt Nam hy vọng thực hiện là lập một phòng tuyến án ngự cuối cùng chạy từ một phần đất Cao nguyên xuống tới bờ biển miền Trung, xuyên ngang thị trấn Xuân Lộc…” (28).
Thế nhưng tình hình thực tế ngày càng nguy kịch. Trong lúc lâm nguy người ta lại nói nhiều đến giải pháp được Mỹ khuyến khích từ lâu, là thương lượng với CS để thành lập một chính phủ liên hiệp ba thành phần. Đây cũng là giải pháp tương tự từng được qui định trong Hiệp Định Genève 1954, nhưng đã không được các bên thực hiện. Đó cũng là giải pháp bị bác bỏ năm 1965 vì đường lối chiến tranh đã được lựa chọn. Nay một lần nữa giải pháp được chọn lựa trong Hiệp Định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình cho Việt Nam năm 1973. Thực ra, đây là một giải pháp chỉ có giá trị pháp lý trên văn bản có tính nguyên tắc, thực tế thâm tâm người Mỹ không muốn nó được thực hiện, vì họ không còn muốn dính líu thêm nữa mà chỉ muốn cắt bỏ chế độ VNCH càng sớm càng tốt. Vì rằng, để cho chế độ này tồn tại dưới bất cứ hình thức nào đều làm cản trở tiến trình đi vào thế chiến lược quốc tế mới của Mỹ. Điều này cũng phù hợp với tham vọng của CSBV, không muốn thương lượng trong điều kiện hiện lại quá thuận lợi, mà chỉ cần ông Thiệu bị lật đổ bằng chính người của ông ta. Họ muốn chế độ VNCH sụp đổ trước khi họ đến tiếp quản mà không phải tàn phá giết chóc nhiều. Họ muốn một sự sụp đổ từ từ để còn cho họ nguyên vẹn những chiến lợi phẩm, đúng ra là mọi tài sản của chế độ bị sụp đổ không do sức mạnh chiến đấu của họ.
Đúng như lòng mong muốn của CS Hà Nội, ông Thiệu đã phải từ chức trước áp lực quần chúng và các phe phái tranh giành quyền lực dưới sự đạo diễn cùa CIA. Ngày 21-4-1975, bằng một bài diễn văn gay gắt ông Thiệu đã tố cáo sự phản bội của Mỹ, được truyền đi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, phương tiện mà truớc đó người Mỹ đã thiết lập cho chế độ VNCH làm công việc tuyên truyền lôi kéo những con tim, khối óc và cả mạng sống của nhân dân Miền Nam Việt Nam đi vào chiến lược chống cộng bảo vệ chế độ và phần đất tự do miền Nam VN như một “ tiền đồn thế giới tự do” ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản quốc tế của Mỹ! Đây là những lời tố cáo muộn màng của ông Thiệu:
“Họ bỏ rơi chúng tôi. Họ bán rẻ chúng tôi. Họ đâm sau lưng chúng tôi. Một nước đồng minh lớn đã không làm tròn lời hứa với với một nước đồng minh nhỏ…” (29). Đây lại một lầm lẫn lớn, cho đến lúc này ông Thiệu vẫn chưa nhận ra thực trạng này: Chưa bao giờ VNCH được Mỹ đối xử như một đồng minh. Rồi ông Thiệu hằn học oán trách người Mỹ: “Các ông bỏ chạy để mặc chúng tôi làm cái việc mà các ông làm không xong. Chúng tôi không có gì hết mà các ông lại muốn chúng tôi hoàn thành điều mà các ông không làm nổi... Khi ký Hiệp định hòa bình, Mỹ đã thỏa thuận sẽ thay thế vũ khí trên căn bản một đổi một. Nhưng Mỹ không giữ lời. Ngày nay còn ai có thể tin vào lời hứa hẹn của Mỹ nữa hay không?...” (30)
Ngày 26 tháng 4 năm 1975, nghĩa là năm ngày sau khi Tổng thống Thiệu từ chức, Quốc Hội Sài Gòn đã khởi đầu bằng một thông báo, theo đó người được Tổng thống Thiệu chỉ định nắm quyền tổng thống VNCH (theo Hiến Pháp) là Phó Tổng thống Trần Văn Hương, nay được Quốc hội ủy nhiệm quyền tuyển chọn một người thay thế ông trong chức vụ Tổng thống VNCH. Trên căn bản thông báo này, quyền Tổng thống Trần Văn Hương đã chỉ định Đại tướng Dương Văn Minh làm Tổng thống VNCH (ngoài dự liệu của Hiến Pháp). Ngày 28-4-1975, Tướng Minh nhậm chức, cử giáo sư Vũ Văn Mẫu vào chức vụ thủ tướng chính phủ, đứng ra thành lập nội các hòa giải, thay thế chính phủ chống cộng cuối cùng của ông Nguyễn Bá Cẩn mới được thành lập trước đó một tuần.
Như vậy là Tướng Dương Văn Minh, người hùng của cuộc đảo chánh năm 1963, đưa đến sự cáo chung nền Đệ nhất VNCH, nay lại được Mỹ tuyển chọn đúng ý Việt cộng làm nhiệm vụ khai tử nền Đệ nhị VNCH mà chính ông đã góp phần tạo dựng.
Mặc dầu hai ông Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đã cố gắng đơn phương giương cao ngọn cờ “Hoà giải và hòa hợp dân tộc”, với một số động tác mời chào giả tạo, như ra thông cáo giả vờ đuổi hết người Mỹ, rằng trong vòng 48 giờ đồng hồ, người Mỹ cuối cùng phải rời khỏi Việt Nam; ra quyết định thả hết các tù chính trị (tức tù Việt cộng)… Nhưng tất cả đã muộn rồi, CSBV đã cảm thấy đang ở thế thượng phong, chẳng cần “hòa giải hòa hợp” với ai nữa. Vì “hòa giải hòa hợp dân tộc” vốn chỉ là chiến thuật thường được CS sử dụng khi chưa đủ sức thanh toán đối phương, giành thắng lợi tối hậu mà thôi.
Sau đây là một đọan tường thuật của một nhà văn Việt Cộng về những giây phút cuối cùng của cái “Chính phủ hòa giải hòa hợp” vào giờ thứ 25 của cuộc chiến:
“… 11 giờ 30 ngày 30 tháng 4 năm 1975
Chiếc xe tăng tiến vào xô đổ cánh cửa sắt của Dinh Độc Lập. Từ trên xe nhẩy xuống, một tổ chiến sĩ Quân Giải phóng trẻ măng mặc đồng phục lá cây, cầm lá cờ mầu đỏ xanh có ngôi sao vàng, lao nhanh về phía dinh.
Những thành viên của chính phủ Dương Văn Minh mới nhận chức ngày hôm trước về tề tựu tại phòng chính của dinh Độc Lập, đứng dậy khi những người cán bộ của Quân đòan II, mặt sạm khói súng và bụi đường xa bước vào. Họ đã tiến quân qua nhiều thành phố suốt dọc bờ biển miền Trung tới đây.
Dương Văn Minh nói:
Toàn thể chính phủ VNCH đều có mặt đợi các ngài đến để bàn giao chính quyền.
Một cán bộ nói:
Các ông còn gì nữa để bàn giao! Các ông phải đầu hàng vô điều kiện!” (31).
Khi đọc những lời tường thuật trên đây, người bàng quan không khỏi cảm thấy tội nghiệp cho Tướng Dương Văn Minh, khi thấy lịch sử dường như đã luôn chọn ông làm công việc “Khai sơn phá thạch”, nôm na là làm công việc lót đường để cho kẻ khác gặt hái thành quả.
Trong khi đó một phóng viên của hãng thông tấn AP ở lại Sà igòn đến phút chót đã kể lại:
“Không có một tiếng súng nào, hàng trăm người Sài gòn cũng như tôi đứng há miệng nhìn đoàn xe tăng ngày càng nhiều của cộng sản tiến vào thành phố. Đến trưa, mọi chuyện đều xong. Trong suốt 13 năm viết về chiến tranh Việt Nam, tôi không bao giờ tưởng đến chuyện nó kết thúc theo lối này. Tôi hình dung phải có một cuộc mặc cả về chính trị tương tự như đã xẩy ra ở Lào mười năm về trước. Hoặc là một trận đánh theo kiểu Armageddon ở Châu Âu trong Thế Chiến Hai, mà kết cuộc là thành phố bị tan nát. Chuyện đầu hàng là điều hoàn toàn tôi không ngờ tới...” (32)
Một viên chức CIA đã rời Việt Nam trong toán CIA cuối cùng vào ngày 30-4-1975, thì đã ghi lại những hình ảnh cuối cùng của cuộc chiến như sau:
“Chiếc máy bay trực thăng đã bắt đầu rời khỏi Tòa Đại Sứ. Người xạ thủ ở đuôi máy bay đang cúi rạp người trên súng của mình. Máy bay vòng trên thành phố. Trong khỏanh khắc tôi có thể nhìn thấy bóng dáng của một trong những cửa sổ tiệm rượu Mini Bar, một tiệm nổi tiếng vào bậc nhất ở Sàigòn, nơi biết bao chàng lính Mỹ đã mất sạch cả cơ nghiệp cùng với sự ngây thơ của mình. Và rồi chiếc máy bay ngoặt lại, hướng về phía Nam, bay qua Biên Hòa, thấy toán xe Bắc Việt đèn sáng trưng đang uốn mình trên con đường vào Biên Hòa… Trong phút chốc, kiến trúc khổng lồ mầu xám của một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ đã bao lấy chúng tôi như một cái kén khổng lồ bằng kim khí…” (33)
Một ngày trước khi Sài gòn rơi vào tay Hà Nội (29-4-1975), Đại sứ Mỹ cuối cùng Martin đã bình tĩnh ngồi ở bàn làm việc trong tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài gòn đợi lệnh từ Hoa Thịnh Đốn trả lời yêu cầu của ông xin gia hạn di tản. Nhưng từ Tòa Bạch Ốc đã ban ra lệnh cuối cùng:“ Tổng thống Hoa Kỳ lệnh cho Đại sứ Martin phải rời đi bằng chiếc máy bay này”. Đó là chiếc máy bay CH-46 được gởi đến đón Martin mang tên “Lady Ace 09” (32 bis).
Như vậy là cuộc chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt với thái độ phủi tay không thương tiếc của Hoa Kỳ, người khởi đầu và cũng là người kết thúc sinh mạng một chế độ công cụ của mình. Micheal Maclear, một nhà báo Mỹ trong cuốn “Việt Nam, cuộc chiến tranh mười nghìn ngày” đã ghi lại cảm tưởng của Martin đối với cuộc chiến kết thúc là “thấy nhẹ cả người”. Đó là cuộc chiến tranh chưa bao giờ được chính thức gọi là chiến tranh, dù nó là cuộc chiến tranh dài nhất của Mỹ đã chấm dứt. Nó là “một cuộc xung đột”, “một sự dính líu”, “một kinh nghiệm” và thất bại của nó sẽ được các sử gia có thể phán xét, không còn là mối bận tâm của nhân dân Hoa Kỳ. Rất đơn giản, họ nghĩ là họ đã chiến đấu, hoặc người của họ đã chiến đấu, thế là đủ. Từ hai năm về trước (1973-1975), họ đã thực hiện được một nền hòa bình cho họ tại Việt Nam. Hầu hết người Mỹ đã cảm thấy “một nền hòa bình trong danh dự” đã đạt được như người ta bảo. Giờ đây, họ đang nhìn với vẻ bàng quan chán ngắt, có đôi chút sửng sốt, song sự thật không phải hoàn toàn bị bất ngờ. Tám năm chiến đấu của Mỹ, chỉ trong nhiều tuần đã trở thành vô nghĩa. . .
Vô nghĩa ư? - Thực ra, cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc như thế đã chỉ có thể là vô nghĩa và vô ích với nhân dân Mỹ, khi mà họ đã phải gánh chịu mọi chi phí cho cuộc chiến, với cái giá máu xương của 58.000 binh sĩ con em của họ phải bỏ mạng tại Việt Nam, mà vẫn không thực hiện được mục đích cao cả là giúp nhân dân Việt Nam bảo vệ được chế độ dân chủ và phần đất tự do ở Miền Nam Việt Nam. Nhưng nó vẫn có ý nghĩa và lợi ích đối với chính quyền Mỹ, khi sự kết thúc chiến tranh đến vào lúc mà các mục tiêu chiến lược của họ đã đạt được qua cuộc chiến tranh này, mở ra một thời kỳ đầy triển vọng sau chiến tranh cho công cuộc làm ăn mới của giới tư bản Mỹ ở vùng này, trong khung cảnh một thế chiến lược toàn cầu mới.
Riêng đối với nhân dân Việt Nam, cuộc chiến tranh kéo dài trên 20 năm (1954-1975) kết thúc như thế thì quả là vô nghĩa và tàn hại. Và sự chấm dứt cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn này, vừa là nỗi đau, vừa là niềm vui chung cho cả dân tộc Việt Nam. Là nỗi đau cho nhân dân Miền Bắc vì đã từng phải sống khổ cực, hy sinh chiến đấu cho một chiêu bài giả hiệu “Độc lập dân tộc, chống đế quốc, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc…”. Cũng là nỗi đau của nhân dân yêu chuộng tự do dân chủ ở Miền Nam Việt Nam, vì đã ngay tình và nhiệt thành lao vào một cuộc chiến “bảo vệ chế độ tự do dân chủ”. Từ nỗi đau chung này, nhân dân hai miền Bắc-Nam Việt Nam cùng có chung một mối hận đối với những kẻ cầm quyền trên cả hai miền Nam-Bắc, từng là công cụ đắc lực một thời cho ngọai bang, đã xô đẩy nhân dân hai miền vào một cuộc chiến tàn hại và vô nghĩa. Người dân tự hỏi: Tại sao cũng trong gọng kềm của của cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu, Bắc Hàn và Nam Hàn đã có thể cùng tồn tại để chờ cơ may thống nhất một cách hòa bình. Trong khi Việt Nam thì đi đến thống nhất bằng một cuộc chiến cốt nhục tương tàn, anh em một nhà tàn sát lẫn nhau và tàn phá tan hoang đất nuớc?
Công tội của các tập đoàn lãnh đạo công cụ tay sai ngoại bang trong quá khứ cũng như hiện tại, mai này sẽ được lịch sử phán xét công minh. Dẫu sao, cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn chấm dứt cũng nên coi là một niềm vui chung của cả dân tộc. Vì đây là cơ may mới cho đất nước vươn lên trong thời kỳ các nước giầu tỏ ra thực tâm muốn giúp các nước nghèo đi vào thế ổn định để phát triển, trong nỗ lực thiết lập một nền trật tự thế giới mới hay là một hệ thống kinh tế quốc tế mới. Đó là chiến lược “Toàn cầu hóa của các cường quốc”: Toàn cầu hóa về chính trị bằng một chế độ dân chủ và toàn cầu hóa về kinh tế với một nền kinh tế thị trường. Trong khung cảnh ấy, các quốc gia lớn nhỏ cạnh tranh, cùng tồn tại hòa bình và các bên đều cùng có lợi (ít hay nhiều).
Thiện Ý
Houston, tháng 4 năm 2018
*Ghi chú: Trích từ “Việt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc Tế Mới” của Thiện Ý.
- Từ (27) đến (33 bis): Theo “The Ten Thousand Days War” của Michael Maclear, nhà báo Mỹ được giải thưởng Pulitzer nhờ những bài viết về chiến tranh Việt Nam.
- Xin vào: luatkhoavietnam.com , mục “Diễn Đàn”, tiểu mục “Tác giả & Tác phẩm” để đọc thêm trong tài liệu nghiên cứu lý luận “Việt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc Tế Mới”, tiểu mục “Phỏng vấn & Hội luận” để nghe Đài VOA phỏng vấn tác giả Thiện Ý năm 1995 về tác phẩm này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét