Thứ Năm, 12 tháng 4, 2018

Luke Hunt: 'Phạm Xuân Ẩn đưa tin giả và không yêu người Mỹ'

Tina Hà Giang

Ẩn 'thiết lập các cuộc phỏng vấn giả' vào nửa đêm, với những nhân vật cao cấp Cộng sản giả mạo, rồi đưa tin như tin thật.
Image captionẨn 'thiết lập các cuộc phỏng vấn giả' vào nửa đêm, với những nhân vật cao cấp Cộng sản giả mạo, rồi đưa tin như tin thật.
Trả lời BBC, tác giả Luke Hunt nói ông Phạm Xuân Ẩn 'có thể đã thích rất nhiều điều về nước Mỹ,' nhưng 'không hề yêu chúng ta.'
Nói chuyện với Tina Hà Giang của BBC Tiếng Việt hôm 22/02/2018, ông Hunt còn khẳng định là Phạm Xuân Ẩn ''từng đưa tin giả'' để giúp Bắc Việt thắng trận. Điều này trái ngược với nhận định của tác giả Thomas Bass, cũng viết về người điệp viên nổi tiếng này, rằng ông Ẩn 'không đưa tin giả.'
BBC: Được biết ông vừa xuất bản cuốn sách ''Punji Trap: Phạm Xuân An: The Spy Who Did not Love Us''. Tại sao thế giới lại cần thêm một cuốn sách nữa về Phạm Xuân Ẩn vào thời điểm này?
Luke Hunt: Chúng ta có thể có thêm một trăm cuốn sách về Phạm Xuân Ẩn. Ông ta là một gián điệp huyền thoại. Những gì ông ấy đã làm trong chiến tranh Việt Nam chúng ta không bao giờ được đánh giá thấp. Vả lại vẫn còn rất nhiều điều chúng ta không biết về cuộc đời của ông Ẩn. Tôi có nhận định khác với tất cả những người khác. Cuốn ''Punji Trap: Phạm Xuân An: The Spy Who Did not Love Us'' khác với những cuốn sách còn lại ở chỗ tôi tập trung vào nguồn tin từ các nhà báo biết ông Ẩn và làm việc với ông ấy.

BBC: Tựa cuốn sách ''The Punji Trap: Pham Xuan An, The Spy Who Didn't Love Us" có vẻ như trực tiếp không đồng ý với quan điểm "The Spy Who Loved Us" của tác giả Thomas Bass. Đó có phải là điều cố tình?
Luke Hunt: Vâng, có vẻ như thế đấy nhỉ. Tựa đề này thực sự đã "bật" ra tại một buổi họp khi tôi và đại diện của nhà xuất bản thảo luận về tên gọi của cuốn sách, vì họ không thích cái tựa do tôi đặt ra. Rồi ai đó nói theo một bài báo trên tờ The New Yorker lâu lắm rồi thì hình như nhân vật này yêu người Mỹ lắm. Nghe đến đó tôi quả quyết, không, không, Phạm Xuân Ẩn nhất định không yêu chúng ta, ông ấy thực sự không yêu chúng ta tí nào cả, và thế là cái tựa The Spy Who Did not Love Us ra đời. Không ai trong chúng tôi cố tình phản bác tác giả Thomas Bass với cái tựa ấy.
'Ông Ẩn có thể thích ̣đã rất nhiều điều về nước Mỹ, nhưng 'không hề yêu chúng ta.'Bản quyền hình ảnhLUKE HUNT
Image caption'Ông Ẩn có thể thích ̣đã rất nhiều điều về nước Mỹ, nhưng 'không hề yêu chúng ta.'
BBC: Ông có quen biết Phạm Xuân Ẩn, hay làm việc cùng với ông ta trong thời chiến?
Luke Hunt: Tôi hồi ấy còn quá trẻ để có thể chiến đấu trong cuộc chiến Việt Nam mặc dù chắc chắn tôi nhớ khi còn bé, tôi biết những người tị nạn Việt Nam ở Úc, và chúng tôi đã được học về cuộc chiến ấy ở trường.
Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1992. Nhiều người khác đã viết về câu chuyện của ông Phạm Xuân Ẩn, trong đó có ông Phạm Ngọc Đính, một phóng viên khác của Reuters, người quen biết ông Ẩn trong nhiều thập niên. Tôi làm việc chung với ông Đính ở Úc và ông Đính giúp tôi thu xếp cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với ông Ẩn năm 1992. Lần đó tôi ở Việt Nam 4 ngày, và cuộc họp mặt có cả ông Phạm Ngọc Đính. Sau đó tôi về Việt Nam bốn, năm lần nữa, mỗi lần vài ngày để làm việc với Ẩn, phỏng vấn ông ta, chuyện trò, trao đổi tin tức, chuyện này chuyện nọ, uống cà phê, đại khái như vậy.
BBC: Có phải sách của ông đưa ra những tin gì mới về Phạm Xuân Ẩn mà từ trước đến giờ chưa ai từng biết?
Luke Hunt: Vâng tôi đã nghiên cứu về Phạm Xuân Ẩn từ những năm 1980 khi vẫn còn là một sinh viên đại học. Và tôi muốn tìm tòi những tin từ trước đến giờ chưa được công khai. Tôi đã được nghe nhiều người kể chuyện nhưng phải hứa giữ kín không được tiết lộ cho đến khi họ chết. Kể từ đó nhiều cuốn sách khác về Phạm Xuân Ẩn cũng được phát hành. Mỗi tác giả có nhận định khác nhau. Sách của tôi tập trung rất nhiều vào mối quan hệ của ông Ẩn với các nhà báo khác, và những người ông ấy quen biết thân thiết nhất, ngay cả với mạng lưới gián điệp của phe cộng sản mà ông Ẩn làm việc. Trong mạng lưới thì thật khó để quyết đoán họ thân thiết như thế nào, vì người nào cũng bí mật và họ giữ cả bí mật với nhau. Nhưng với các nhà báo mà ông Ẩn kết bạn, và quen biết, có thể trong một thời gian ngắn, đôi khi một hoặc hai năm, và đôi khi suốt cuộc đời, thì họ có rất nhiều thông tin về Phạm Xuân Ẩn, và tôi nghĩ rằng những câu chuyện họ kể thực sự quan trọng, và cũng cần được kể lại như chuyện của ông Ẩn.
BBC: Những người quen biết ông Ẩn có những quan sát tương tự và khác biệt ra sao về nhân vật rất đặc biệt này?
Luke Hunt: Câu chuyện xảy ra cách đây lâu rồi, và cái nhìn của tôi khác mọi người vì tôi không ở đó. Hầu hết những nhà báo khác đều nói rằng ông Ẩn là người rất thu hút, thông minh, rằng ông là một nhà báo giỏi và chắc chắn ông biết luật chơi. Đó là những điều không ai tranh cãi.
Sự khác biệt rõ ràng là nằm ở quan điểm chính trị cá nhân. Cuộc chiến Việt Nam được tường trình bởi rất nhiều nhà báo hoặc khuynh tả hoặc khuynh hữu. Những người phe tả cho rằng Phạm Xuân Ẩn là một anh hùng dân tộc. Những người khuynh hữu thì cho rằng Phạm Xuân Ẩn là một kẻ phản bội. Cũng có một số nhà báo đứng ở giữa có quan điểm độc lập và khách quan. Những người này có cái nhìn hỗn hợp, một số hiểu những gì ông Ẩn làm, và số khác cảm thấy bất mãn về những gì ông ấy đã làm. Họ thấy họ đã tin tưởng và chân thành với ông ta, nhưng ông ấy đã dùng họ và sử dụng thông tin mà họ cho để phục vụ mục đích của mình, và kết quả là rất nhiều người đã chết, trong khi đó quy tắc đầu tiên của báo chí nên là 'không làm hại ai' [do no harm.]
Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về ông Phạm Xuân Ẩn ở Sài Gòn trước 1975
Image captionHiện vẫn còn nhiều tranh cãi về ông Phạm Xuân Ẩn ở Sài Gòn trước 1975
BBC: Có ý kiến cho rằng, các tác giả ngoại quốc có khuynh hướng đánh giá quá cao vai trò của Phạm Xuân Ẩn trong Chiến tranh Việt Nam. Tựa đề như 'Điệp Viên Hoàn Hảo', 'người Điệp Viên xoay chuyển tình thế cuộc chiến Việt Nam' có thể nghe rất 'kêu', nhưng có phải là hơi quá lời không?
Luke Hunt: Tôi nghĩ rằng tác giả Larry Berman đã viết một cuốn sách rất quan trọng về Phạm Xuân Ẩn. Ông đã làm cho mọi người một ân huệ bởi đã mang bí mật của một cuộc đời, bạch hóa nhiều điều về đời ông Ẩn trước đó từng bị giấu kín. Ông ta đã bật một công tắc về vai trò của Phạm Xuân Ẩn.
Vai trò đó như thế nào? Khi phe cộng sản bị thua trận hồi Tết Mậu Thân ngay giữa lúc họ đang tìm cách cố đàm phán về Hiệp Định Paris, họ nhận ra rằng mặc dù họ đã thua trận, nhưng dư luận Mỹ lại đang phản đối một cuộc chiến mà họ nghĩ là người Mỹ đang thua. Đó là lúc phe cộng sản thấy phải thuyết phục sao cho thế giới tin rằng việc Mỹ đang thua là sự thật. Và nhờ Phạm Xuân Ẩn họ đã thành công trong việc này. Họ đã thuyết phục dư luận rất tốt. Bạn không bao giờ có thể nói rằng một mình Phạm Xuân Ẩn đã tạo ra chiến thắng, nhưng nếu bỏ ông ta ra khỏi phương trình thì đó có thể là một câu chuyện khác, và một trong những câu chuyện có thể là, nếu Nixon không bị vụ bê bối Watergate, không phải từ chức, ông có thể sẽ tiếp tục dội bom miền Bắc, nếu điều đó xảy ra, phe cộng sản có thể đã không xâm chiếm Nam Việt Nam ngay, mà cuộc chiến Việt Nam có thể kéo dài thêm một hai năm nữa, thế giới có thể bây giờ rất khác. Điểm mấu chốt là, chúng ta không bao giờ nên đánh giá thấp việc không biết bao nhiêu người [Mỹ ] đã chết vì Phạm Xuân Ẩn.
BBC:Với nhiệm vụ phải thuyết phục như vậy thì theo ông, với tư cách là một nhà báo, Phạm Xuân Ẩn có đưa tin trung thực hay không?
Luke Hunt: Lúc đầu thì Phạm Xuân Ẩn luôn lo ngại rằng nếu đưa tin giả thì sẽ bị lộ tẩy, và người ta sẽ biết ông ấy là điệp viên, nhưng, sau cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân, ông Ẩn bắt đầu đưa tin sai trái, ngày nay chúng ta gọi là 'fake news'. Sau Tết Mậu Thân, Phạm Xuân Ẩn tường trình với thế giới rằng sức mạnh của quân đội cộng sản ở miền Nam rất vững chắc, trong khi thực tế thì hoàn toàn không phải như vậy. Như tôi đã nói, việc đưa tin giả này hết sức quan trọng trong thời điểm Hà Nội cần mặc cả với Washington về cuộc đàm phán hòa bình sắp tới. Hà Nội, nhận thấy đa số người Mỹ không còn ủng hộ cuộc chiến nữa, lại càng muốn cho họ thấy rằng viễn ảnh Mỹ thắng trận rất khó. Và muốn đạt được điều đó thì không thể để cho thực trạng về sự yếu kém của quân sự Bắc Việt ở miền Nam bị lộ ra. Sự hiểu biết tuyệt đối của Ẩn về cách các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế làm việc, chính là chìa khóa giúp ông ấy dẫn dắt dư luận quần chúng về hướng mình muốn.
BBC: Tác giả Thomas Bass cho rằng bí quyết để không bị lộ diện của ông Ẩn là ''không bao giờ nói dối'', ông lại nói rằng ông Ẩn đưa tin giả để giúp Bắc Việt chiến thắng. Vậy sự thật ra sao?
Luke Hunt: Theo nguyên tắc thì Phạm Xuân Ẩn không bao giờ nói dối. Ông ấy phải làm thế để tự bảo vệ, vì nếu không vai trò điệp viên của ông sẽ bị đổ bể và ông ta có thể bị giết chết bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, dù được qua Mỹ học ngành báo chí, rồi trở thành một nhà báo giỏi, ông Ẩn làm báo với mục đích tối thượng là săn tin và đưa tin để giúp Bắc Việt thắng trận. Thí dụ cụ thể nhất về việc đưa tin giả, như tôi đã nói, là sau trận chiến Tết Mậu Thân, trong lúc phe cộng sản đã thua trận và bị tổn thất nặng nề thì Phạm Xuân Ẩn, qua những tường trình của mình vẽ lên một hình ảnh hùng mạnh của quân đội Bắc Việt tại miền Nam Việt Nam. Một cựu biên tập viên của báo Time, và nhiều đồng nghiệp khác của Ẩn từ tờ báo này nói với tôi là sau này họ mới biết Ẩn 'thiết lập các cuộc phỏng vấn giả' vào nửa đêm, với những nhân vật cao cấp cộng sản giả mạo, rồi đưa tin như thể là tin thật. Kết quả là Phạm Xuân Ẩn đã giúp Bắc Việt thắng trận Tết Mậu Thân về mặt tâm lý, dù về mặt quân sự họ đã thất bại nặng nề. Tết Mậu Thân không phải là lần duy nhất Ẩn đã đưa tin có lợi hay tuyên truyền cho Bắc Việt. Trước đó, Nick Turner, trưởng văn phòng của Reuters tại Việt Nam, có lẽ là người duy nhất thời ấy, nghi rằng Ẩn là một điệp viên phe cộng sản. Nick Turner đã cho Ẩn nghỉ việc sau khi thấy nhiều bài tường trình của ông ta 'nghe giống như bài của Radio Hanoi,' đó là nguyên văn lời Nick Turner nói với tôi. Sau khi bị Reuters cho nghỉ việc ông Ẩn mới qua làm việc với báo Time. Nói tóm lại, Phạm Xuân Ẩn, trong vai trò của mình, đã từng đưa tin giả. Nhưng ông ấy làm thế bao nhiêu lần, và đưa tin giả tới đâu thì không ai biết được một cách chính xác.
'Phạm Xuân Ẩn đã ba lần tìm cách trốn khỏi Việt Nam'Bản quyền hình ảnhAFP
Image caption'Phạm Xuân Ẩn đã ba lần tìm cách trốn khỏi Việt Nam'
BBC: Khi ông tiếp xúc với Phạm Xuân Ẩn, ông ấy có đón nhận câu hỏi, và có mong được kể lại câu chuyện của mình không?
Luke Hunt: Cũng không hào hứng lắm. Thoạt đầu ông ấy e ngại, rất ít lời. Nhưng tôi nghĩ dần dà tôi đã lấy được lòng tin của ông ấy, và chúng tôi trò chuyện cởi mở hơn. Ông Ẩn từng gặp rắc rối khi nói chuyện với nhiều người khác với yêu cầu họ giữ kín (off the record), nhưng khi lập lại thì họ lại nói là được quyền tiết lộ. Rất nhiều kinh nghiệm như thế. Vả lại, lần đầu tiên tôi gặp ông ấy, ông không khỏe lắm, và nghĩ rằng mình không còn sống được bao lâu nữa. Ông Ẩn có tiền sử mắc bệnh lao, sốt rét, và các loại bệnh nhiệt đới, rồi lại còn hút 40 điếu thuốc một ngày. Vài năm sau khi tôi trở lại, sức khoẻ của ông hồi phục đáng kể, trông mạnh mẽ hơn và ông sống thêm được 10 năm nữa.
BBC: Qua những lần giao tiếp, ông có thấy mình có thiện cảm với Phạm Xuân Ẩn?
Luke Hunt: Như một cá nhân thì tôi có. Bạn không thể không thích ông Ẩn. Ông ấy vui vẻ, nói chuyện hấp dẫn và rất thông minh. Ông gia nhập Việt Minh ở lúc tuổi rất trẻ, rất dễ bị gây ấn tượng, và ông tiếp tục miệt mài với tổ chức đó. Tôi nghĩ ông ấy luôn tin tưởng rằng chế độ cộng sản là một chủ nghĩa dân tộc hay một ý thức chủ nghĩa dân tộc, hơn là những gì ông nghe là chế độ cộng sản rất khắc nghiệt. Sau 75, khi nhìn thấy cách hành xử của Bắc Việt, ông đã rất tức giận. Ông Ẩn cũng đã khá thẳng thắn về suy nghĩ của mình, nhưng ông không muốn gặp rắc rối gì nữa, không muốn làm cho gia đình gặp khó khăn thêm. Đó là những mối quan tâm chính của ông.
BBC: Ông có nghĩ ông Phạm Xuân Ẩn rất cay đắng sau năm 1975, khi ông không được phép theo gia đình sang Mỹ, mà bị cải tạo và dường như không được chính quyền cộng sản tin tưởng?
Luke Hunt: Tôi không chắc lắm về điều này. Ông ấy nói rằng đã đưa gia đình đến Mỹ nhưng theo tôi hiểu thì về sau gia đình ông ấy đã quay trở lại Việt Nam. Ông không có ý định rời Việt Nam vào năm 1975, mà đến mãi sau mới có ý định đó. Nhưng ông rất tức giận về những điều đã xảy ra sau năm 1975.
BBC: Ông có thể nêu một vài ví dụ cụ thể về những gì khiến Phạm Xuân Ẩn tức giận sau năm 1975?
Luke Hunt: Vấn đề chính của ông ấy, theo tôi, là với Trần Bạch Đằng, một lãnh đạo Trung ương Cục. Trần Bạch Đằng rất cứng rắn và là một thành viên cộng sản kiên định. Ông Phạm Xuân Ẩn được bổ nhiệm làm người đứng đầu tổ chức báo chí nước ngoài sau năm 1975. Một ngày nọ ông Ẩn được yêu cầu phát biểu về những gì chính quyền kỳ vọng vào báo giới. Dĩ nhiên điều mà ông Trần Bạch Đằng mong đợi là ông Ẩn phải nói những điều đúng chính sách nhà nước. Nhưng ông Ẩn không làm vậy. Ông chỉ đơn giản nói rằng các nhà báo dành phần lớn cuộc đời của họ làm việc nuôi gia đình bằng cách nói sự thật, và những người nói lên sự thật không nên bị trừng phạt. Kết quả là, giữa Trần Bạch Đằng và Phạm Xuân Ẩn đã có một xung đột lớn ngay tại thời điểm đó. Câu chuyện này thật thú vị, bởi vì tôi cũng đã phỏng vấn bác sĩ Trần Kim Tuyến, và khi ráp những câu chuyện lại với nhau thì cuối cùng chúng ta có được những hình ảnh khá rõ nét.
BBC: Sau năm 1975, có phải Phạm Xuân Ẩn đã thất vọng lắm và thất vọng về điều gì?
Luke Hunt: ''Vâng, ông ấy đã rất thất vọng. Tôi nghĩ rằng có những kỳ vọng về những gì sẽ xảy ra khi chiến tranh kết thúc, và khi những kỳ vọng này không được đáp ứng, mọi người bắt đầu tự hỏi họ đã đấu tranh cho cái gì. Có phải đó là một cuộc chiến giành độc lập hay là một cuộc chiến cho chủ nghĩa cộng sản? Và tôi nghĩ không bao giờ có câu trả lời cho câu hỏi đó. Còn thất vọng đến đâu? Bác sĩ Trần Kim Tuyến và ông Phạm Ngọc Đình, một nhân viên của Reuters tại Sài Gòn cho tôi biết rằng Phạm Xuân Ẩn đã ba lần tìm cách trốn khỏi Việt Nam, giống như ông Bùi Tín, người đã trốn qua Paris năm 1992. Phạm Xuân Ẩn muốn theo bước chân ông ấy.
BBC: Theo ông thì Phạm Xuân Ẩn có là gián điệp nhị trùng, hay thậm chí là gián điệp tứ trùng như tác giả Thomas Bass đã tuyên bố? Ông Ẩn đã làm việc với CIA, thông qua ông Edward Lansdale?
Luke Hunt: Không, tôi không tin ông ấy làm việc cho ai khác. Chắc chắn là một nhà báo, ông ấy sẽ chia sẻ và cung cấp thông tin cho mọi phía, nhưng ưu tiên hàng đầu của ông ấy là Hà Nội. Phạm Xuân Ẩn không phải là người phản bội hay có thể bị mua chuộc. Ông không bao giờ có nhiều tiền, bởi vì ông không phải là một người tham lam. Ông tin vào Hồ Chí Minh và tận tụy với niềm tin của mình. Tôi có bằng chứng cụ thể rằng ông là một nhà báo vĩ đại. Tôi không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy ông Ẩn làm việc cho bất cứ ai khác. Người ta nói thế, nhưng tôi không tin. Tôi muốn được thấy bằng chứng rằng Phạm Xuân Ẩn là một gián điệp đôi, hoặc tứ trùng gì đó, bởi vì tôi chưa thấy bằng chứng đó. Đúng vậy, ông Ẩn đã làm việc với CIA,nhưng trong thời gian đó, ông Ẩn làm việc với bác sĩ Trần Kim Tuyến, và dù có làm việc với CIA chăng nữa, điều đó không làm cho ông ta trở thành một nhân viên CIA.
BBC: Ông đánh giá tình bạn của Phạm Xuân Ẩn với Đại Tá Phạm Ngọc Thảo và ông Trần Kim Tuyến như thế nào?
Luke Hunt: Tôi nghĩ tình bạn của họ rất chân thực. Bác sĩ Trần Kim Tuyến và Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng họ không biết ông Phạm Ngọc Thảo là gián điệp. Với cách họ hoạt động trong từng chi bộ của mạng lưới, mối quan hệ của từng chi bộ gián điệp với nhau, điều đó không làm tôi ngạc nhiên. Giữa những gián điệp có những bức tường lớn, thiết lập sao cho họ không biết nhau. Không ai thực sự biết những điệp viên khác là ai, đang làm việc gì hay làm việc cho ai. Tôi không nghĩ đó là điều bất thường.
BBC: Trở lại với tựa đề của cuốn sách 'The Spy Who Did not Love Us. Ông có thể nói thêm về việc ông Ẩn không yêu người Mỹ?
Luke Hunt: Tôi đã nói về điều này ở cuối cuốn sách. Trận Ấp Bắc, năm 1962, là trận chiến mà phe cộng sản đã thắng Miền Nam và các cố vấn Mỹ lớn nhất. Đó là một trận đánh lớn. Hà Nội sau đó đã ban hai huân chương dũng cảm. Một huân chương cho người chỉ huy chiến trường, huân chương còn lại cho Phạm Xuân Ẩn, một phóng viên. Tôi nghĩ chúng ta không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của ông Ẩn trong cuộc chiến. Ông Ẩn có thể thích nhiều điều về nước Mỹ, nhưng ông ấy không hề yêu chúng ta. Trong suốt cuộc chiến, trước 1975, không ai có thể đặt dấu hỏi về sự trung thành của Ẩn với phía miền Bắc, với mục đích đánh bại quân đội Mỹ. Như tôi đã nói, ông Ẩn đưa tin giả mạo để giúp Bắc Việt thắng trận. Sau năm 1975, không phải là ông Ẩn không trung thành nữa, mà ông thất vọng và không thích sự nặng tay của Cộng sản với nhiều thành phần và nhiều vấn đề trong xã hội.
Tác giảLuke Hunt ra cuốn 'The Punji Trap: Pham Xuan An - The Spy Who Didn't Love Us', đầu tháng 2/2018, gọi Phạm Xuân Ẩn là 'Điệp viên không hề yêu quý chúng ta', như để bác bỏ cách nhìn của Thomas Bass.
Chúng tôi sẽ giới thiệu phỏng vấn của Tina Hà Giang với tác giả Larry Bermanngười viết cuốn 'Perfect Spy: The Incredible Double Life of Pham Xuan An, Time Magazine Reporter and Vietnamese Communist Agent' (2008). Bản tiếng Việt của sách đã bị kiểm duyệt nhiều đoạn ở Việt Nam.
Xem thêm về Cuộc chiến Việt Nam:

Không có nhận xét nào: