HỒNG THỦY
(GDVN) - Sau những cải thiện quan hệ với Philippines gần đây, Trung Quốc đang đặc biệt chú ý tới Việt Nam và quan hệ Việt - Mỹ.
Cụm tàu sân bay tấn công số 9 Hoa Kỳ tiến vào Biển Đông"Biển Đông sẽ là vũ đài chính của máy bay ném bom Trung Quốc"Trung Quốc sẽ không dừng lại trên Biển Đông, Mỹ đã tính kéo tên lửa đến khu vực
Đa Chiều ngày 4/4 đưa tin, quân đội Trung Quốc thông báo, hải quân nước này sẽ tập trận từ ngày 5/4 đến 11/4 trên vùng biển gần đảo Hải Nam - Trung Quốc và một phần phía Đông quần đảo Hoàng Sa (thuộc Đà Nẵng, Việt Nam; quần đảo này đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp).
Đây là cuộc tập trận thứ 2 liên tiếp trên Biển Đông mà Trung Quốc triển khai, sau cuộc tập trận họ tuyên bố hôm 27/3. Ngày 31/3, Trung Quốc điều động 12 chiếc oanh tạc cơ H-6K "tuần tra" bầu trời Biển Đông.
Đa Chiều cho biết, cuộc tập trận này được tổ chức gần đảo Hải Nam trong bối cảnh có nhiều đồn đoán, ông Tập Cận Bình sẽ đến thị sát các đơn vị của Hạm đội Nam Hải "để cho bên ngoài biết quyết tâm của Trung Quốc" theo đuổi yêu sách(bành trướng, độc chiếm) Biển Đông.
Tờ báo này cũng cho rằng, hoạt động tập trận trên Biển Đông mà Trung Quốc đang tiến hành mang thông điệp "cảnh cáo" các nước ven Biển Đông rằng:
Để đạt được mục tiêu, Trung Quốc có thể dùng các biện pháp cứng rắn, bao gồm dùng kinh tế để giải quyết vấn đề chính trị.
Phạm vi cuộc tập trận Trung Quốc đang triển khai từ 5/4 đến 11/4 theo tọa độ họ công bố, bao gồm 1 phần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: Đa Chiều. |
Đa Chiều bình luận, sau những cải thiện trong quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines về Biển Đông gần đây, thì Việt Nam đang trở thành tâm điểm chú ý của Trung Nam Hải.
Từ đầu 2018, Việt Nam tăng cường hợp tác quân sự với Hoa Kỳ; Ngày 3/5 cụm tàu sân bay USS Carl Vinson thăm Đà Nẵng;
Trước đó từ 3/2 đến 4/2 Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Ấn Độ và nhắc đến "chiến lược Đông Tiến", kêu gọi tăng cường hợp tác song phương trên biển.
Sau đó, Ấn Độ quyết định cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng 600 triệu USD để tăng cường sức mạnh hải quân, không quân.
Do đó theo Đa Chiều, các hoạt động giễu võ giương oai của Trung Quốc trên Biển Đông hiện nay mang thông điệp nhắm tới Việt Nam. [1]
Ngày 3/4, tạp chí The Diplomat bình luận, trước các cuộc tập trận của Trung Quốc trên Biển Đông, Ngoại trưởng Vương Nghị thăm Việt Nam từ 30/3 đến 2/4.
Cùng ngày 30/3, cơ quan quản lý an toàn hàng hải tỉnh Hải Nam công bố lệnh "cấm biển" để hải quân Trung Quốc tập trận từ 5/4 đến 11/4, trong đó phạm vi có một phần quần đảo Hoàng Sa.
Chiến đấu cơ Trung Quốc trên tàu sân bay Liêu Ninh tham gia tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông, ảnh: SCMP. |
Đưa tin về chuyến thăm này, Tân Hoa Xã không nhắc tới Biển Đông, thay vào đó nhấn mạnh "triển vọng quan hệ hợp tác kinh tế thương mại song phương", thúc đẩy kết hợp sáng kiến Vành đai và Con đường với kế hoạch Hai hành lang, một vành đai kinh tế của Việt Nam.
The Diplomat nhận định, đối mặt với các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải của Hoa Kỳ trên Biển Đông, Bắc Kinh đang muốn kéo Việt Nam về phía mình bằng cách cung cấp nhiều cơ hội kinh tế hơn qua chuyến thăm của ông Vương Nghị.
Tuy nhiên, bên cạnh sự quan tâm đến nguồn tài chính từ Trung Quốc, Việt Nam cũng rất hoài nghi về sự thống trị của Bắc Kinh, như những gì Philippines đã lựa chọn. [2]
South China Morning Post ngày 5/4 đưa tin, website của Hải quân Mỹ cho biết Lầu Năm Góc cũng đã phái 3 cụm tàu sân bay đến Biển Đông trong thời gian qua.
Đã có một cuộc tập trận chung giữa 3 cụm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, USS Ronald Reagan và USS Carl Vinson với các đồng minh trong khu vực, trước khi USS Carl Vinson trở về Hoa Kỳ.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng, Bắc Kinh đã tăng cường triển khai hải quân xuống Biển Đông để phản ứng với các hoạt động hợp tác quân sự ngày càng tăng giữa Mỹ với Việt Nam và Philippines.
Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt di chuyển qua eo biển Malacca vào Biển Đông ngày 1/4. Ảnh: Reuters. |
Nhà bình luận quân sự Zhou Chenming từ Bắc Kinh nói với South China Morning Post:
"Hoa Kỳ đang gia tăng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông cho thấy Washington coi Bắc Kinh là một đối thủ nghiêm trọng, không chỉ về kinh tế mà còn về quân sự.
Tuy nhiên Trung Quốc nhận ra rằng, khoảng cách quân sự với Hoa Kỳ còn rất lớn. Do đó tất cả các hoạt động triển khai sức mạnh quân sự xuống Biển Đông về cơ bản là phòng thủ, bao gồm cả tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D."
Trung Quốc được cho là đã triển khai tên lửa DF-21D mệnh danh "kẻ giết người" xuống Biển Đông và ra Hoa Đông đề phòng các cuộc tấn công tiềm năng từ tàu sân bay Mỹ với các thành phố ven biển, trung tâm kinh tế của Trung Quốc. [3]
Hãng tin UPI Hoa Kỳ (United Press International) ngày 5/4 cho biết, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhấn mạnh, Biển Đông là vấn đề ưu tiên hàng đầu của Mỹ hiện nay.
Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Nam Á Patrick Murphy được UPI dẫn lời nói rằng:
"Không một quốc gia nào được phép bắt nạt hay ép buộc các nước khác giải quyết tranh chấp theo cách của họ. Luật pháp quốc tế đã quy định rất chi tiết."
Vấn đề Biển Đông đã được thảo luận trong cuộc đối thoại giữa Hoa Kỳ với ASEAN gần đây tại Kuala Lumpur, Malaysia. [4]
Chúng tôi cho rằng, nếu quả thực cuộc tập trận bất hợp pháp Trung Quốc đang tiến hành trên Biển Đông bao gồm một phần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là để đe dọa láng giềng thì nó chỉ có giá trị duy nhất là chứng minh Trung Quốc vẫn cứ nói một đằng, làm một nẻo.
Nó hoàn toàn không có khả năng gây ảnh hưởng đến các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc phòng an ninh bình thường giữa Việt Nam và các quốc gia độc lập, có chủ quyền khác, bao gồm Hoa Kỳ.
Tài liệu tham khảo:
Hồng Thủ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét