Thứ Tư, 4 tháng 4, 2018

Cựu tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á bị cáo buộc gây thiệt hại 3.500 tỷ đồng; Ông Trần Phương Bình và cú “sẩy chân” cùng “mafia” kinh tế; Vì sao ông Trần Phương Bình phải chi 13,4 triệu đô cho Vũ 'Nhôm'?

04/04/2018 14:14 GMT+7

TTO - Ông Trần Phương Bình đã chỉ đạo cấp dưới xuất chi 12 khoản tiền mua 13,9 triệu USD, trong đó có 13,4 triệu USD là "mua giùm" và cho Phan Văn Anh Vũ vay, đến nay chưa trả.

Vì sao ông Trần Phương Bình phải chi 13,4 triệu đô cho Vũ Nhôm? - Ảnh 1.
Không chỉ liên quan đến khoản tiền nộp khống vào Ngân hàng Đông Á (DAB) rồi chi khống đúng số tiền ấy để Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) mua cổ phần của chính DAB, cơ quan điều tra kết luận nguyên tổng giám đốc Trần Phương Bình còn chỉ đạo nhân viên lấy tiền mặt của ngân hàng mua đô la Mỹ đưa cho Vũ.
5 tờ giấy tay kê hàng trăm tỉ ngoài sổ sách
Trong quá trình điều tra vụ việc sai phạm của ông Trần Phương Bình và những bị can khác tại ADB, cơ quan điều tra đã thu giữ 5 tờ giấy viết tay của ông Đỗ Thanh Hùng (nguyên thủ quỹ Hội sở DAB).

Nội dung trên các tờ giấy ghi chép lại những khoản chi sai nguyên tắc gây thiệt hại cho chính ngân hàng này. Cụ thể, Đỗ Thanh Hùng đã xuất chi 12 khoản với tổng số tiền 294,6 tỉ đồng để mua đô la Mỹ cho ông Trần Phương Bình.
Qua xác minh tại DAB cho thấy, nhân viên phòng kinh doanh chi nhánh Hà Nội đã mua hơn 13,415 triệu USD nhưng chỉ nhập quỹ gần 3,4 triệu USD. Số tiền còn lại để ngoài sổ sách là hơn 10 triệu USD. 
Đến nay, các nhân viên của ông Trần Phương Bình không nhớ được khoản tiền để ngoài sổ sách này được sử dụng vào việc gì.
Theo lời khai của ông Trần Phương Bình, trong thời gian từ giữa tháng 10-2012 đến giữa tháng 3-2015 ông đã chỉ đạo cấp dưới xuất chi 12 khoản tiền để mua 13,9 triệu USD.
Trong đó, ông Bình mua giùm Vũ nhôm (chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79) số tiền 13,4 triệu USD, tương đương 284 tỉ đồng. Số tiền 0,5 triệu USD còn lại, ông Bình khai dùng cho việc tìm kiếm đối tác mua hoặc đầu tư vào DAB.
Sau khi mua được số đô la mà Phan Văn Anh Vũ nhờ, ông Bình nhờ nhân viên DAB hoặc mình trực tiếp bàn giao cho ông Vũ. Ông Bình nói không biết Vũ nhờ mua đô la để làm gì, và ông Bình cũng không giải thích lý do mua số đô la trên giúp cho Vũ. 
Cần đô la, Vũ "Nhôm" lại gọi ông Bình!
Khai với cơ quan điều tra, Phan Văn Anh Vũ thừa nhận có nhờ ông Trần Phương Bình mua giúp đô la Mỹ hai lần với tổng số tiền là 3,2 triệu USD. Đồng thời ông Vũ vay của ông Bình bảy lần với tổng số tiền là 10,2 triệu USD.
Tất cả số tiền này, ông Vũ khai đến nay vẫn chưa trả cho ông Bình đồng nào.
Vì sao ông Trần Phương Bình phải chi 13,4 triệu đô cho Vũ Nhôm? - Ảnh 2.
Chân dung ông Phan Văn Anh Vũ trên báo Singapore khi bị phát hiện dùng hộ chiếu giả tại nước này
Tại cơ quan điều tra, ông Vũ còn khai rằng khi cần tiền để sử dụng thì gọi điện thoại cho ông Trần Phương Bình hoặc nhờ ông Bình mua đô la giúp. Trường hợp ông Vũ nhờ mua hộ thì ông Bình sẽ chỉ đạo cấp dưới mua giúp.
Phan Văn Anh Vũ khai đã nhận từ các nhân viên của ông Bình số tiền 1 triệu USD. Số tiền còn lại do ông Bình giao trực tiếp cho Vũ , gồm 8 lần, tại phòng làm việc của ông Bình trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, TP.HCM. 
Toàn bộ số ngoại tệ trên ông Vũ khai đã sử dụng vào việc cá nhân nhưng chưa nhớ ra cụ thể dùng vào việc gì.
Cơ quan điều tra cho rằng, Phan Văn Anh Vũ là người đã nhận số tiền 13,4 triệu USD từ ông Trần Phương Bình và không biết ông Bình sử dụng nguồn tiền nào để mua số đô la Mỹ này. 
Do đó, cơ quan điều tra cho rằng không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với Phan Văn Anh Vũ. Nhưng ông Vũ phải có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ số đô la Mỹ đã nhận cho ông Trần Phương Bình.
Cơ quan điều tra kết luận, hành vi của ông Trần Phương Bình là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho DAB số tiền là 294,6 tỉ đồng. Đây là số tiền nhỏ trong tổng số nhiều khoản tiền khác mà cơ quan điều tra kết luận ông Bình đã chiếm đoạt.
Đằng sau hợp tác của Đằng sau hợp tác của 'Vũ nhôm' và Trần Phương Bình trong vụ Đông Á
TTO - Phan Văn Anh Vũ thừa nhận trong 600 tỉ nộp vào DAB có 400 tỉ là tiền vay, thế chấp lô đất tại Đà Nẵng còn 200 tỉ chỉ ký khống theo thỏa thuận với tổng giám đốc Trần Phương Bình.
HOÀNG ĐIỆP

Ông Trần Phương Bình và cú “sẩy chân” cùng “mafia” kinh tế

Dân trí Như chính ông Bình từng tuyên bố, trong nghiệp vụ ngân hàng “không có yếu tố thân quen mà phải xem xét yếu tố con người”, và việc “bắt tay” với một nhân vật được đánh giá là “mafia kinh tế” như Vũ “nhôm” nhẽ ra không bao giờ nên xảy ra.
 >> Vũ "nhôm" và Trần Phương Bình “bắt tay” rút tiền của ngân hàng Đông Á
 >> Đề nghị truy tố nguyên Tổng giám đốc ngân hàng Đông Á

2 thập kỷ gắn bó và sai lầm nghiêm trọng
Cách đây hơn 3 tháng, ngay sau khi Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) bị phát lệnh truy nã thì Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) phát thông cáo, ông Phan Văn Anh Vũ và Công ty xây dựng Bắc Nam 79 vẫn còn sở hữu tài sản trị giá 637 tỷ đồng tại DongA Bank.
Trong số này, Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 do Vũ “nhôm” đại diện, sở hữu 50 triệu cổ phần, tương ứng 10% vốn điều lệ của DongA Bank (giá trị theo mệnh giá là 500 tỷ đồng). Bản thân Vũ “nhôm” cũng sở hữu 2,73% vốn điều lệ, tương đương với gần 137 tỷ đồng (theo mệnh giá) vốn góp tại ngân hàng này.
Thời điểm đó, ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DongA Bank cùng 4 bị can khác đã bị bắt giữ tròn 1 năm do vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động tiền tệ ngân hàng.
Ông Trần Phương Bình đã dẫn dắt DongA Bank từ những ngày đầu, nhưng cũng chính những sai lầm của ông đã khiến ngân hàng đứng trước những thiệt hại lớn
Ông Trần Phương Bình đã dẫn dắt DongA Bank từ những ngày đầu, nhưng cũng chính những sai lầm của ông đã khiến ngân hàng đứng trước những thiệt hại lớn
Đến đầu tháng 1/2018, chạy trốn mới được vài ngày thì Phan Văn Anh Vũ bị bắt. Tại cơ quan điều tra, Vũ “nhôm” thừa nhận trong 600 tỷ đồng nộp vào DongA Bank thì có 400 tỷ đồng là tiền vay, thế chấp lô đất tại Đà Nẵng còn 200 tỷ đồng chỉ ký khống theo thoả thuận với ông Trần Phương Bình.
Năm 2014, sau khi ngân hàng tăng vốn điều lệ không thành, ông Trần Phương Bình chỉ đạo DongA Bank chuyển trả lại 609 tỷ đồng cả tiền nộp mua cổ phần kèm theo lãi cho Công ty CP Bắc Nam 79. Số tiền này được Vũ “nhôm” dùng 500 tỷ đồng mua lại 50 triệu cổ phần của Đông Á còn 100 tỷ đồng thì tiêu xài hết, đến nay DongA Bank không thu hồi được.
Phan Văn Anh Vũ sau đó có thay đổi lời khai, từ “bàn bạc và hợp tác” cùng với ông Bình thành việc ký khống chứng từ và chi 500 tỷ đồng mua cổ phần ngân hàng là “do ông Bình chỉ đạo”. Dù trong trường hợp nào, những sai phạm của ông Trần Phương Bình tại chính ngân hàng mà ông gắn bó từ những ngày đầu thành lập đều khiến người khác cảm thấy sốc.
Xuất thân là một nhà giáo, ông Trần Phương Bình đã bước từ bục giảng sang thương trường, trở thành một lãnh đạo ngân hàng từ những năm 1990, khi DongA Bank vừa thành lập.
Ông Bình từng phát biểu trên báo chí: “Tôi xem DongA Bank như đứa con của mình nên sẵn sàng dành hết cuộc đời, tâm sức, thậm chí chấp nhận khó khăn, thách thức để làm sao cho đứa con ấy phát triển, khỏe mạnh. Và khi đã yêu thương, tâm huyết thì mọi trở ngại đều có thể vượt qua”.
Dưới sự điều hành và dẫn dắt của ông Trần Phương Bình, DongA Bank từ một ngân hàng nhỏ chỉ với 20 tỷ đồng vốn điều lệ đã trở thành ngân hàng vốn 5.000 tỷ đồng, đứng đầu mảng dịch vụ thẻ với gần 8,4 triệu khách hàng sử dụng và là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam tự chế tạo được máy ATM bán vàng tự động.
Bạc tóc vì DongA Bank…
Ông Bình nói, ngành ngân hàng có rất nhiều tổn thất trong đó, vấn đề cá nhân là tuổi tác và trí tuệ. “Không ai làm ngân hàng mà tóc không bạc, không phải riêng tôi mà rất nhiều đồng nghiệp khác cũng vậy”, ông Bình chia sẻ như vậy, “suốt ngày phải suy nghĩ về nó, kể cả khi ngủ”.
DongA Bank không chỉ là tâm huyết của ông Trần Phương Bình mà còn là nơi mà ông và các thành viên trong gia đình có quyền lợi lớn.
Tại DongA Bank, gia đình cựu “thuyền trưởng” ngân hàng này sở hữu tới 22,72% cổ phần. Trong đó, ông Bình và vợ là bà Cao Thị Ngọc Dung cùng 3 con gái sở hữu tổng cộng 9,62% cổ phần, tương ứng với lượng cổ phiếu có mệnh giá 480 tỷ đồng.
Cũng chính vì lẽ đó, việc ông Trần Phương Bình vướng vòng lao lý khiến không ít người bất ngờ.
Ngày 4/4, ông Trần Phương Bình cùng 19 đồng phạm khác đã bị truy tố về tội “cố ý làm trái…” và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng Đông Á.
Trong sai phạm của ông Trần Phương Bình có việc ông Bình đã xuất quỹ sai nguyên tắc, chi 200 tỷ đồng cho Phan Văn Anh Vũ để Vũ mua cổ phần của ngân hàng Đông Á.
Cơ quan điều tra xác định hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của ông Bình là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DongA Bank tại thời điểm 31/12/2015 lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.
Ông Bình từng nói: “Càng gặp nhiều thất bại đau đớn, mang lại hậu quả thì người làm ngân hàng càng học được nhiều bài học kinh nghiệm thực tế quý báu để tránh sa lầy mà không phải ai cũng có”. Thế nhưng, cú “sa lầy” với hậu quả quá lớn lần này của người thuyền trưởng hơn 60 tuổi thật khó để ông sửa chữa, mà trở thành bài học cho người khác.
Như chính ông Bình từng tuyên bố, trong nghiệp vụ ngân hàng “không có yếu tố thân quen mà phải xem xét yếu tố con người”. Và việc “bắt tay” với một nhân vật được đánh giá là “mafia kinh tế” như Vũ “nhôm” lại là điều càng không bao giờ nên xảy ra.
Bích Diệp

Cựu tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á bị cáo buộc gây thiệt hại 3.500 tỷ đồng

Cơ quan điều tra xác định cựu tổng giám đốc Trần Phương Bình thỏa thuận ngầm với ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm"), làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DAB), đề nghị truy tố ông Trần Phương Bình (cựu tổng giám đốc, kiêm phó chủ tịch HĐQT DAB) cùng 21 đồng phạm.
Theo hồ sơ, năm 2013 Đông Á làm ăn thua lỗ trong khi muốn tăng vốn điều lệ từ 5.000 lên 6.000 tỷ đồng. Bàn vớiông Phan Văn Anh Vũ (lúc này là đại diện Công ty Xây dựng Bắc Nam 79), ông Bình đạt được thỏa thuận: Bắc Nam 79 mua 60 triệu cổ phần của Đông Á với giá 600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Vũ không có tiền mặt nên thế chấp lô đất 220ha ở Đà Nẵng để vay 400 tỷ đồng của Đông Á. Ông Bình đồng ý với phương án này. 200 tỷ đồng còn lại, ông Bình chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa bằng chứng từ thu khống. 
Khi mục đích tăng vốn bất thành, ông Bình bị cáo buộc có quyết định bất ngờ là chỉ đạo cấp dưới chuyển trả 600 tỷ đồng cho Công ty Bắc Nam 79 và còn tính thêm cả lãi.
Ông Vũ sau đó dùng chính tiền này mua 50 triệu cổ phần của Đông Á, giữ lại 100 tỷ đồng. Số tiền này, Đông Á không thu hồi được.
Cơ quan điều tra cho hay, lúc đầu, ông Vũ không nhận những hành vi trên song sau đó thay đổi lời khai, chứng thực nội dung điều tra là đúng. Ông còn cho rằng mọi việc làm theo chỉ đạo của ông Bình.
Cơ quan điều tra kết luận ông Vũ vì vụ lợi đã gây thiệt hại cho Đông Á 200 tỷ đồng và phải có trách nhiệm hoàn trả. Hành vi của ông Vũ có đủ dấu hiệu cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản song do hết thời hạn điều tra, cơ quan điều tra sẽ cùng VKSND Tối cao làm rõ sau.
Ông Trần Phương Bình viết thư xin lỗi khách hàng, cổ đông vào năm 2015, vài ngày sau khi bị đình chỉ chức vụ.
Ông Trần Phương Bình viết thư xin lỗi khách hàng, cổ đông vào năm 2015, vài ngày sau khi bị đình chỉ chức vụ.
Với sai phạm của ông Trần Phương Bình, nhà chức trách xác định ông đã chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi sai nguyên tắc 1.200 tỷ đồng để mua 74 triệu cổ phần của Đông Á, chi 295 tỷ đồng mua gần 14 triệu USD, 309 tỷ đồng để sử dụng cá nhân. Đây là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (điều 140 Bộ luật Hình sự 1999), tổng số tiền gần 1.800 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, ông Bình còn chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi sai nguyên tắc hơn 460 tỷ đồng để chi lãi suất ngoài, chi gần 86 tỷ đồng để tất toán một khoản khoản vay Nguyễn Hồng Anh (cựu cán bộ Công an TP HCM), xuất khẩu vàng trái phép gây thiệt hại hơn 600 tỷ đồng, kinh doanh ngoại hối trái phép gây thiệt hại 385 tỷ đồng và sử dụng gần 50 tỷ đồng cho mục đích khác. Tổng cộng, ông bị cáo buộc gây thiệt hại 1.650 tỷ đồng cho Đông Á, có dấu hiệu phạm tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (theo điều 165 Bộ luật Hình sự 1999).
Liên quan vụ án còn có 21 người khác song cơ quan điều tra cho rằng "bị can Bình phải chịu trách nhiệm chính về toàn bộ thiệt hại gần 3.500 tỷ đồng trong vụ án này".
Ông Phan Văn Anh Vũ (43 tuổi, trú tại Đà Nẵng) là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79; nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79 (nay là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Chấn Phong).
Ông đang bị bắt, điều tra trong vụ án khác về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015) và Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước.
Huy Nhiên

Không có nhận xét nào: