Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

Mối thù của nhà Tây Sơn và vua Gia Long: chuyện đời vay trả; Nhìn lại sử liệu viết về Nguyễn Huệ Quang Trung và Gia Long Nguyễn Ánh

This entry was posted on Tháng Mười 2, 2014, in Lịch sử Việt Nam and tagged gia long,nguyễn ánh, nguyễn huệ, quang trung, tây sơn, Võ Hương An. Bookmark the permalink. 83 phản hồi

Hiển Lâm Các
Hiển Lâm Các
Võ Hương An
Lời người viết: Mùa Vu lan năm Canh dần 2010, tự nhiên tôi nhận được nhiều email của thân hữu gởi đến – có ngày nhận hai ba cái — kèm theo truyện ngắn “Một ngày lễ Vu lan sầu thảm” của Tịnh Thuỷ, viết về sự tàn ác và hèn hạ của vua Gia Long trong việc hành hình vợ chồng Trần Quang Diệu & Bùi Thị Xuân — hai dũng tướng của Tây Sơn — và gia đình (mẹ già và con gái). Nội dung của các điện thư hoặc có ý hỏi tôi sự thật có đúng như vậy không, hoặc tỏ ra đồng ý với tác giả, chê trách vua Gia Long tàn ác. Bài viết này xin xem như một câu trả lời, sự thật lịch sử là một kinh nghiệm chung ở đời…


Đôi nét lịch sử

Sau 25 năm chiến đấu kiên trì và gian khổ, ngày mồng 3 tháng 5 năm Tân Dậu (13/6/1801) Nguyễn Vương (vua Gia Long) tái chiếm kinh đô cũ Phú Xuân, đuổi vua tôi Cảnh Thịnh chạy dài ra Bắc. Một năm sau, ngày mồng 2 tháng 5 năm Nhâm Tuất (1/6/1802), tuy chưa chính thức lên ngôi hoàng đế (1) nhưng theo lời đề nghị của bầy tôi,  vua ban hành niên hiệu Gia Long, mở ra một triều đại mới của nhà Nguyễn. Vào đầu thế kỷ XX, vua Khải Định đã chọn ngày này ( mồng 2 tháng Năm âm lịch) làm ngày quốc khánh của nước Đại Nam, đặt tên là ngày Hưng quốc khánh niệm. Những ai ở lứa tuổi trên 70 ở Trung kỳ, từng cắp sách đến trường có thể còn nhớ đôi chút về ngày này, nhất là ở Huế.  Đó là ngày mừng đất nước thống nhất. Niên hiệu Gia Long bao hàm trong ý nghĩa đó — vua muốn nói ông là người đã đi từ Gia Định thành tới Thăng Long thành để thống nhất đất nước. (Võ Hương-An, Thăng Long và Gia Long )
Ngay sau khi chiếm lại Phú Xuân và  trong khi vua Cảnh Thịnh của Tây Sơn đang còn làm chủ ở miền  Bắc thì Nguyễn Vương đã cho « Phá hủy mộ giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ, bổ săng, phơi thây, bêu đầu ở chợ » (Thực lục I, tr.473).
Sau khi chiếm được Bắc hà, bắt được  trọn gói vua tôi, anh em vua Cảnh Thịnh,  hoàn thành cuộc thống nhất đất nước từ Nam chí Bắc, vua Gia Long khải hoàn về kinh. Ngày giáp tuất  tháng 11 năm Gia Long thứ 1 (7 tháng 11 Nhâm Tuất, 1/12/1802) vua đem tù binh ra làm lễ hiến phù ở Thái Miếu. Hiến phù là lễ trình diện tù binh trước bàn thờ tổ tiên, và Thái Miếu là nơi thờ 9 đời chúa Nguyễn. Sau lễ,
 
« Sai Nguyễn Văn Khiêm là Đô thống chế dinh Túc trực, Nguyễn Đăng Hựu là Tham tri Hình bộ áp dẫn Nguyễn Quang Toản [vua Cảnh Thịnh] và em là Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn ra ngoài cửa thành, xử án lăng trì, cho 5 voi xé xác, đem hài cốt của Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ giã nát rồi vất đi, còn xương đầu lâu của Nhạc, Huệ, Toản và mộc chủ [bài vị] của vợ chồng Huệ thì đều giam ở Nhà đồ Ngoại [Ngoại Đồ Gia, cơ quan chế tạo của triều đình, sau gọi là Võ Khố] (năm Minh Mệnh thứ 2 đổi giam vào ngục thất cấm cố mãi mãi). Còn đồ đảng là bọn Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đều xử trị hết phép, bêu đầu cho mọi người biết. Xuống chiếu bố cáo trong ngoài. » (Thực lục I, tr.531)
Trong chiếu bố cáo cho toàn dân được rõ về lễ hiến phù ngày 7 háng 11 Nhâm tuất, có câu mở đầu : « Trẫm nghe, vì chín đời mà trả thù là nghĩa lớn kinh Xuân Thu … » và kết thúc bằng câu « Nhạc Huệ trời đã giết rồi, cũng đem phanh xác tan xương, để trả thù cho Miếu Xã, rửa hận cho thần nhân. » (Thực lục I, tr.532,533)
Theo tài liệu của Bissachère, trước khi nhận lãnh cái chết thảm khốc, anh em vua Cảnh Thịnh còn bị bắt phải chứng kiến cảnh lính tráng tiểu tiện vào sọt đựng hài cốt của cha (Nguyễn Huệ) và bác (Nguyện Nhạc) (theo hồi ký của Bissachère) trước khi hài cốt bị đem « giả nát rồi vất đi ».
 
Phẩm bình của lịch sử       
Tại miền Nam trước 1975, có hai bộ thông sử tiếng Việt thông dụng là Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim và Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn. Viết về vua Gia Long, cả hai bộ sử đều giống nhau ở một điểm: có phê phán sự hẹp lượng của vua Gia Long qua việc giết hại công thần (vụ án Nguyễn Văn Thành và vụ án Đặng Trần Thường), có kể rõ việc hành hình trả thù Tây Sơn nhưng hoàn toàn không bình luận, phê phán gì đến sự “quá tay” trong việc này. Tại sao?
 
Hoa Bằng, tác giả Quang Trung, Anh hùng dân tộc (Nxb Bốn Phương, Saigon, 1953) khi kết luận thiên biên khảo đầu tiên bằng tiếng Việt về đề tài này đã ngậm ngùi viết:
« Vậy mà Nã [Phá Luân, Napoléon I] được gởi nắm xương trong đền Invalides để cho người sau hoài niệm, viếng thăm ; còn Quang Trung : mả phải đào, xương phải tán, dòng dõi bị chu di, sự nghiệp liệt liệt oanh oanh gói tròn trong một chữ ‘Ngụy’ »
Nhà viết sử Trần Gia Phụng trong Nhà Tây Sơn (Nxb Non Nước, Toronto, 2005) cũng đã có lời bình phẩm nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc:
« Cuộc trả thù được vua Gia Long xem là ‘ nghĩa lớn Kinh Xuân Thu’ nhưng hành hạ di cốt địch thủ trước mắt con cái họ trái hẳn với đạo lý cổ truyền của dân tộc. » (tr.240)
Phê bình mạnh tay, mạnh mẽ hơn có Quách Giao :
Nhà Nguyễn đối với nhà Tây Sơn vô cùng khắc nghiệt. Quật mả Vua Thái Ðức, Vua Quang Trung, chém giết dòng họ, tướng tá nhà Tây Sơn đến thế, Nguyễn Phúc Ánh chưa cho là đủ, còn truyền đào mồ mả của cha ông hai nhà anh hùng áo vải và của những người đã theo nhà Tây Sơn và đã chết trước khi non sông đổi chủ.
Còn đối với Nhà Tây Sơn thì Nguyễn Phúc Ánh chém tất cả dòng họ, từ Vua Bửu Hưng [Cảnh Thịnh], cho tới một em bé mới sanh mà đã lọt vào ngục thất. Lại truyền đào mả Vua Thái Ðức và Vua Quang Trung, nghiền xương đổ xuống bể. Còn sọ thì đem xiềng nơi ngục thất trong Hoàng Cung để làm lọ đi tiểu.
Ðể nhổ cỏ cho sạch gốc, Nguyễn Phúc Ánh sức mọi nơi truy tầm những bà con gần xa của họ Nguyễn Tây Sơn, và những Tướng Tá của Tây Sơn còn trốn tránh nơi sơn dã.
Hai người con Vua Thái Ðức là Văn Ðức, Văn Lương và cháu nội, con Nguyễn Bảo, là Văn Ðẩu, nương náu nơi Mộ Ðiểu, Vùng An Khê. Vua tôi Nhà Nguyễn biết nhưng sợ người Thượng, không dám đến bắt. Mãi đến năm Minh Mạng thứ 12 (1832) thấy tình thế đã yên, ba chú cháu mới đem nhau về thăm quê cũ ở Kiên Mỹ. Bọn bất lương đi mật báo. Quân Nhà Nguyễn đến vây bắt giải về Phú Xuân giết chết.
…Ngót 150 năm, Nhà Nguyễn cố làm cho người người quên Nhà Tây Sơn. Những người yêu nước vẫn luôn nhớ đến Nhà Tây Sơn, ngọn bút yêu nước vẫn chép đi chép lại, vẫn tìm tòi trong nơi khuất tịch những tài liệu còn dấu cất, để viết về Nhà Tây Sơn.
Và tiếng Anh hùng Áo Vải, Anh Hùng Dân Tộc mãi còn vang, khi nhẹ nhàng, khi mạnh mẽ, trên đất nước Việt Nam, từ Nam chí Bắc.
Còn Nhà Nguyễn đã làm được gì?
Có người bảo rằng đã thống nhất Bắc Nam.
Ðó là quên rằng chính Nhà Tây Sơn đã thống nhất Bắc Nam, rồi Nguyễn Phúc Ánh đánh chiếm trên tay Ðông Ðịnh Vương và Cảnh Thịnh. Sau bao phen bể nổi dâu chìm Nhà Nguyễn còn để lại tiếng Rước voi, cõng rắn.
Trăm năm bia đá thời mòn
Nghìn năm bia miệng mãi còn trơ trơ.
(http://tuongvangvn.com/index.php?categoryid=50&p2_articleid=418)
 
Trong văn hóa phương Tây, đánh nhau là đánh nhau nhưng không có chuyện trả thù kẻ chiến bại một cách tàn nhẫn, nhất là đối với người đã chết, Do đó, khi bắt gặp hành động “dã man” này của vua Gia Long, Stanley Karnow, tác giả tiếng tăm bộ sử  VietNam, A History (Penguin Book, 1984) đã viết:
 
“Ông ta tỏ ra chẳng khoan dung chút nào đối với kẻ thù đã chiến bại, dù  đã chết hay còn sống. Binh sĩ của ông đã quật xương cốt của một cặp vợ chồng cầm đầu Tây Sơn đã chết [Nguyễn Huệ], tiểu tiện vào xương cốt đó trước sự chứng kiến của con cái họ và những người này sau đó tay chân bị trói vào 4 con voi và xé nát.” (p.65) (He showed no mercy to his beaten adversaries, dead or alive. His soldiers exhumed the bones of a deceased Tayson leader and his wife and urinated on them before the eyes of their son, whose limbs were then bound to four elephants and ripped apart.)
 
Nếu Nhà Tây Sơn không có Quang Trung Nguyễn Huệ với chiến thắng quân Thanh và quân Xiêm vang dội trong lịch sử thì hành động “vì 9 đời mà trả thù” của vua Gia Long chưa chắc đã bị búa rìu dư luận nhiều như đã xảy ra. Ngoài việc ghi chép khá rõ ràng của Quốc Sử Quán Nhà Nguyễn thì hồi ký sống động của giáo sĩ De la Bissachère về việc hành hình trả thù của vua Gia Long đối với anh em và vua tôi Cảnh Thịnh (2), đã gây tác động tâm lý không nhỏ trong giới sử học Đông Tây (Thực ra ông này không chứng kiến cuộc hành hình mà chỉ nghe ai đó kể lại). Thử đi vào mạng lưới toàn cầu, gõ mấy từ khóa như Gia Long, Tây Sơn, Nguyễn Huệ, thì tha hổ đọc công luận phẩm bình, đa số đều chê Gia Long về việc này. Điều này cũng dễ hiễu thôi vì hào quang chiến thắng quân Xiêm và quân Thanh của vua Quang Trung rực rỡ quá, đã che mất sự thật thê thảm ở bên trong. Thêm vào đó, với mấy chục năm lịch sử được viết dưới nhãn quan xã hội chủ nghĩa, triều Nguyễn do Gia Long khai sáng, đã bị miệt thị thậm tệ, đã ảnh hưởng không ít trên sự nhận thức của người đọc, nhất là giới trẻ. Mặc dầu ngày nay gió đã đổi chiều, đã bắt đầu có sự chuyển biến trong nhận thức về sự nghiệp của Nhà Nguyễn (3) nhưng không thiếu chi người vẫn tư duy trong nếp cũ.
 
Câu hỏi đặt ra
Các sách sử Việt Nam viết về hành vi “tàn ác” trả thù Tây Sơn của vua Gia Long đều lấy tài liệu từ các bộ chánh sử của Nhà Nguyễn (Đại Nam Thục lục đệ nhất kỷ, Đại Nam Liệt Truyện ), trước khi biết đến các chi tiết khác do nguồn sử liệu Tây phương cung cấp. Sử thần Nhà Nguyễn trong Quốc Sử Quán đã không giấu diếm gì cả, viết trắng chuyện này ra cho hậu thế cùng biết, người sau chỉ lặp lại, chỉ thêm lời bình phẩm nặng nể mà không có bớt.
Riêng người viết, trong niềm ngưỡng mộ chiến thắng oanh liệt hào hùng của vua Quang Trung trước quân Xiêm và quân Thanh xâm lăng, ban đầu thì cũng đồng ý với những bình phẩm chê trách hành động của vua Gia Long đối với Tây Sơn là thái quá, tàn nhẫn, nhưng sau đó, khi được biết những nguồn tin khác, không khỏi đắn đo tự hỏi và tìm lời giải đáp.
 
Vua Gia Long vốn không phải là con người hiếu sát (4)[1] .Ngay cả việc đối với họ Trịnh, hai bên đánh nhau ròng rã 45 năm trời, vậy mà khi đã lấy được nước (1802), vẫn đối xử tốt với con cháu họ Trịnh chứ đâu đến cạn tàu ráo máng như với Tây Sơn?
Sau khi làm chủ Bắc hà, vua “Sai chọn người dòng dõi họ Trịnh để giữ việc thờ cúng họ Trịnh. Trước là khi đại giá Bắc phạt, người họ Trịnh ai ai cũng sợ bị giết. Vua thấu rõ tâm tình, xuống chiếu dụ rằng: ‘Tiên đế ta với họ Trịnh vốn là nghĩa thông gia. Trung gian Nam Bắc chia đôi, dần nên ngăn cách, đó là việc đã qua của người trước, không nên nói nữa. Ngày nay, trong ngoài một nhà, nghĩ lại mối tình thích thuộc bao đời, thương người còn sống, nhớ người đã mất, nên lấy tình hậu mà đối xử. Vậy nên cùng báo cho nhau, họp chọn lấy một người trưởng họ, giữ việc thờ cúng để giữ tình nghĩa đời đời.” (Thực lục I,tr.508) Vậy là Trịnh Tư được giao lo việc thờ cúng, họ Trịnh được cấp 500 mẫu ruộng để lấy huê lợi cúng tế hàng năm, 247 người họ Trịnh được xét tha thuế dinh và miễn binh dao (đi lính và chịu sưu dịch).
Ai cũng biết La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, được coi như một Gia Cát Lượng của vua Quang Trung, một cố vấn tối cao, được vua quan trên dưới đều kính nể (4 lần vua khẩn khoản mời ra giúp, cuối cùng nhận chức Viện trưởng Viện Sùng Chính năm 1790, giúp vua chấn chỉnh việc giáo dục, văn hóa, giúp vua chọn đất Nghệ An làm Phượng Hoàng trung đô…). Khi  Nguyễn Vương tái chiếm Phú Xuân, ông đang ở Huế giúp vua Cảnh Thịnh nhưng không chạy theo khi vua đào thoát (hay chạy theo không kịp?) và dường như không bị bị bắt mà chỉ quản thúc tại gia, dù phía Nguyễn Vương biết rõ lý lịch, sau đó Nguyễn Vương đã ra lệnh
“Thả xử sĩ ở Nghệ An là Nguyễn Thiếp về. Thiếp là người xã Nguyệt Áo huyện La Sơn, đậu Hương tiến đời Lê, làm quan huyện Thanh Chương, bỏ quan về nhà. Khi nhà Lê mất, theo lời mời của Nguyễn Quang Toản mà ở lại Phú Xuân. Tới nay vào yết kiến, xin trở về làng. Vua [Nguyễn Vương] dụ rằng ‘Khanh là người tuổi tác, đạo đức, rất được người ta trông cậy. Sau khi trở về núi nên khéo léo đào tạo lấy nhiều học trò để ra sức phò giúp thịnh triều, khỏi phụ tấm lòng rất mực mến lão kính hiền của ta.’ [người viết in đậm]. Bèn sai quan quân đưa về (Thực lục I, tr.445)
Lại năm 1803, phái đoàn do vua Cảnh Thịnh phái đi sứ Nhà Thanh (gồm Lê Đức Thận, Nguyễn Đăng Sở và Vũ Duy Nghi) bị trả về nước, bị quan Bắc thành bắt giải về Kinh, vua Gia Long tha hết cho về quê. Lại khi Bộ Hình tâu xin vua định đoạt số phận của người vợ lẻ Nguyễn Nhạc cùng 2 người em họ tên Đại và Vạn bị bắt thì vua nói: “Vợ lẻ Nhạc là một người đàn bà thôi. Bọn Đại tuy là thân đảng của giặc Nhạc mà không dự binh quyền, nay Nhạc chết rồi, giết đi thì có ích gì?” (Thực lục I, tr.544)
Những chứng dẫn nho nhỏ đó cho thấy vua Gia Long là con người phải chăng, tùy theo người, theo trường hợp mà có quyết định tha hay phạt , chứ không phải bạ đâu giết đó, thà giết lầm hơn bỏ sót. Vậy tại sao giết Tây Sơn chưa đủ, phải hành hạ mới hả, kể cả nắm xương khô. Thù chi mà dữ vậy?
 
Sự thật là đây
Về chuyện vua Gia Long trả thù Tây Sơn, nhà viết sử Trần Gia Phụng đã đi xa hơn các học giả đi trước khi lần đầu tiên ông phân tích chính xác rằng:
 
“Không kể cá nhân ông bị quân đội Tây Sơn truy đuổi nhiều lần suýt chết, vua Gia Long thâm thù nhà Tây Sơn vì ba việc chính: thứ nhất, năm 1777 Định Vương Nguyễn Phúc Thuần [chú ruột vua Gia Long], Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương [em chú bác ruột] và Nguyễn Phúc Đồng [anh ruột] bị quân Tây Sơn bắt giết ở Gia Định. Thứ nhì, hai người em [ruột] của Gia Long là Nguyễn Phúc Mân và Nguyễn Phúc Thiển bị chết về tay quân Tây Sơn năm 1783. Thứ ba, vua Quang Trung cho quật mộ của Nguyễn Phúc Côn (phụ thân của Gia Long), đem hài cốt đổ xuống sông năm 1790.” (Việt Sử Đại Cương, Tập 2, tr.445)
 
Chừng đó nợ máu nghe đã nặng (5 người cật ruột), nhất là món nợ thứ 3, nhẹ vật chất mà nặng tâm linh và đạo đức, ít người biết. Nhưng kể vậy cũng chưa đủ.
Khi đọc câu mở đầu của chiếu bố cáo  lễ hiến phù: “ Trẫm nghe, vì chín đời mà trả thù là nghĩa lớn kinh Xuân Thu…” * (Thực lục I, tr.532) tôi không khỏi mỉm cười một mình với ý nghĩ : thiệt mấy ông đời xưa văn chương lớn lối quá, cái chi cũng lôi điển tích với sách vở ra, tô vẻ cho long trọng. Nhưng sau đó, khi đọc kỹ Thực lục mới biết mấy chữ vì 9 đời mà trả thù mang một ý nghĩa rất thực, rất cụ thể, bên cạnh màu sắc điển tích văn chương tô điểm.
* “Xuân Thu, Công Dương truyện: Trang công năm thứ 4 chép: Tề Tướng công giết nước Kỷ, vì ông tổ xa đời là Ai công mà phục thù, đời gọi là mối thù 9 đời.” Chú thích của dịch giả Thực lục I, tr.532.
 
Ngày 13/6/1801, Nguyễn Vương (vua Gia Long) tái chiếm kinh đô Phú Xuân, nơi ông đã vội vã ra đi khi mới 13 tuổi (ta), và ròng rã 27 năm mơ ước được trở về. Tuy đã làm chủ được Phú Xuân  nhưng lực lượng hùng hậu của Tây Sơn Cảnh Thịnh vẫn còn ở bên kia lũy Trường Dục (Quảng Bình), vậy mà đến đầu tháng 8 năm đó đã lo sửa sang lăng mộ tổ tiên và cấp tốc hoàn tất ngay trong tháng. Sao việc này lại làm gấp rút còn hơn cả công tác sửa sang thành trì, xây đồn đắp luỹ để phòng chống Tây Sơn?  Xin đọc kỹ đoạn ghi chép của Thực lục sau đây, có thể thấy được lý do thúc đẩy (những chữ in đậm là do người viết, chữ ghi giữa hai ngoặc đứng [x] là chú giải của người viết):
 
“Tháng 9, ngày Ất hợi [ 9/8/1801], sửa lại sơn lăng.
“Trước kia giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ tham bạo vô lễ, nghe nói chỗ đất phía sau lăng Kim Ngọc (tức lăng Trường Mậu) [lăng của chúa Ninh Nguyễn Phúc Thái] rất tốt, định đem hài cốt vợ táng ở đó. Hôm đào huyệt, bỗng có hai con cọp ở bụi rậm nhảy ra, gầm thét vồ cắn, quân giặc sợ chạy. Huệ ghét, không muốn chôn nữa. Sau Huệ đánh trận hay thua, người ta đều nói các lăng liệt thánh [các chúa Nguyễn] khí tốt nghi ngút, nghiệp đế tất dấy. Huệ bực tức, sai đồ đảng đào các lăng, mở lấy hài cốt quăng xuống vực. Lăng  Hoàng Khảo ở Cư Hóa [lăng Cơ Thánh của Nguyễn Phúc Côn, thân sinh vua Gia Long] Huệ cũng sai Đô đốc Nguyễn Văn Ngũ đào vứt hài cốt xuống vực ở trước lăng. Nhà Ngũ ở xã Kim Long bỗng phát hỏa. Ngũ trông thấy ngọn lửa chạy về. Người xã Cư Hóa là Nguyễn Ngọc Huyên cùng với con là Ngọc Hồ, Ngọc Đoài ban đêm lặn xuống nước lấy vụng hài cốt ấy đem giấu một nơi. Đến nay, Huyên đem việc tâu lên. Vua thương xót vô cùng, thân đến xem chỗ ấy, thì vực đã bồi cát mấy chục trượng. Tức thì sai chọn ngày lành làm lễ cáo và an táng lại. Các lăng đều theo nền cũ mà xây cao lên. Ngày Kỷ hợi [1/11/1801], vua thân đến tế cáo, nghẹn ngào sa lệ, bầy tôi đều khóc cả. Sai đổi xã Cư Hóa làm xã Cư Chính, cho dân miễn dao dịch làm hộ lăng. Cho Huyên làm Cai đội (năm Minh Mệnh thứ 11[1830] phong An Ninh bá, lập đền thờ ở núi Cư Chính) con là Ngọc Hồ, Ngọc Đoài tòng quân ở Bình Định cũng được gọi về hậu thưởng cho.” (Thực lục I, tr.466)
 
Gạt ra ngoài những chi tiết hoa lá cành như hai con cọp trong bụi rậm nhảy ra, đang đào mả thì nhà cháy, v.v., đoạn sử ngắn ngủi do Thực lục ghi lại tiết lộ hai điều quan trọng mà ít người biết đến hoặc biết mà vì một lý do nào đó đã lơ đi hoặc chỉ phớt nhẹ nói qua:
 
-Thứ nhất,  Quang Trung Nguyễn Huệ đã đào hết lăng tẩm của 8 đời chúa Nguyễn tại Thừa Thiên, lấy hài cốt ném xuống sông.
Việc này cọng với việc giết chết vị chúa thứ 9 là Định Vương Nguyễn Phúc Thuần tại Long Xuyên năm 1777 thì quả nhiên vua Gia Long tính sổ 9 đời không sai chậy chút nào. Vì vậy có thể nói được rằng chữ 9 đời có một ý nghĩa rất cụ thể.
Đây là 8 đời chúa Nguyễn:
1.Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1558-1613);
2.Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635);
3.Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635-1648);
4.Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687)
 5.Chúa Ngãi Nguyễn Phúc Thái (1687-1691);
6.Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1691-1725);
7.Chúa Ninh Nguyễn Phúc Thụ (1725-1738);
8.Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765);
Về ông tổ Nguyễn Kim, có lẽ vì không biết đích xác mộ phần nẳm ở đâu trong cái bát ngát của núi Triệu Tường ở Thanh Hóa, nên vua Quang Trung đành phải cho qua mà không tình sổ.
Tám đời chúa Nguyễn này không có hận thù gì với anh em Tây Sơn, đã có công rất lớn đối với dân tộc và đất nước khi kế tục nhau mở nước về phương Nam, đến tận Cà Mau, Châu Đốc, cống hiến cho tổ quốc non một nửa nước, trài dài  từ Phú Yên trở vào Nam, với đất đai trù phú, nguồn lợi dồi dào, rộng hơn lãnh thổ nam tiến của các triều Lý, Trần,  Hồ và Hậu Lê cọng lại. Không có sự nghiệp này thì hậu thế ngày nay lấy chi để khoe  với thế giới rằng “nước ta hình cong như chữ S” với “rừng vàng biển bạc”?!
-Thứ hai: Phần mộ của ông Nguyễn Phúc Côn, thân sinh vua Gia Long cũng bị quật lên và hài cốt ném xuống sông.
Ông Nguyễn Phúc Côn là con thứ hai của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, mất năm 1765, khi con là Nguyễn Phúc Ánh đang còn bé. Khi vua Gia Long lên ngôi Hoàng đế (1806) mới truy tôn cha làm Hưng Tổ Hiếu Khang Hoàng Đế, chứ cho đến khi chết dưới tay quyền thần Trương Phúc Loan, ông chẳng làm vua làm chúa gì. Chỉ vì con ông là Nguyễn Phúc Ánh dám chống lại Tây Sơn mà ông đã không được ngủ yên, lâm vào cảnh con làm cha chịu!
Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả  cho biết thêm một chi tiết khác:
“Theo truyền thuyết, khi Tây Sơn khai quật hài cốt đức Hưng Tổ ném xuống sông thì một hôm Nguyễn Ngọc Huyên bỏ lưới bắt cá, sau ba lần đều thấy cái sọ nằm trong lưới. Huyên cho là sọ của một vị nào anh linh nên kiếm nơi an táng tử tế. Khi vua Gia Long lên ngôi, đi tìm lại hài cốt của thân phụ, nghe người làng tường thuật, ngài cho đòi Ngọc Huyên bảo chỉ chỗ. Khi đào được sọ lên, vua chích huyết ở tay mình cho giọt vào sọ, sọ liền hút những giọt huyết này (lối thử này cho biết mối liên hệ cốt nhục giữa hai người). (tr.193)
Thực lục có nói khi Nguyễn Ngọc Huyên chết thì được lập đền thờ và phong làm An Ninh bá. Ở thượng lưu sông Hương có một ngôi miếu, tục gọi là miếu Ông Chài, chính là miếu ông Huyên vậy.
Trong văn hóa Việt Nam, phận làm con cháu là phải lo gìn giữ mồ mả tiên tổ cha ông. Do đó chúng ta thông cảm với vua Gia Long chỉ trong 2 tháng sau khi tái chiếm Phú Xuân đã vội vã hoàn tất việc tu sửa lăng mộ bởi khi đã biết tình trạng lăng mộ bị phá tanh banh thê thảm như thế thì không một ai có thể chờ đợi được nữa.
 
Trong lịch sử Việt Nam, việc tranh giành quyền lực dẫn đến những hành động giết hại nhau tàn nhẫn không phải là hiếm. Điển hình, để cướp ngôi nhà Lý, Trần Thủ Độ không ngần ngại dồn Lý Huệ Tông vào chỗ chết, với ý đồ nhổ cỏ tận gốc, mặc dù Huệ Tông đã biết thân phận, bỏ ngai vàng, vào tu ở chùa Chân Giáo. Đã thế, Trần Thủ Độ còn bày mưu sập bẫy tôn thất Nhà Lý chôn sống trọn gói (may mà Hoàng tử Lý Long Tường nhanh chân thoát qua tị nạn ở Cao Ly, trở thành thuỷ tổ họ Lý của xứ Đại Hàn ngày nay). Nhưng có lẽ trong cuộc tranh chấp quyền lực chưa có ai trong lịch sử phải trả cái giá 5 mạng người ruột thịt và 9 ngôi mộ cha ông tiên tổ tanh banh với xương cốt không biết đâu tìm như trường hợp vua Gia Long trong khi đối đầu với Tây Sơn để phục hồi cơ nghiệp của ông cha đã tốn công xây dựng.
Ở đời, có vay thì có trả. Nợ nào cũng có tính lãi suất, chỉ có khác là nặng hay nhẹ, không hình thức này cũng hình thức khác. Nếu Quang Trung Nguyễn Huệ không tạo nhân ác thì có thể đã không gặp quả ác.  Hận thù luôn luôn vẫy gọi thù hận là chuyện thường của thế gian, huống chi lại có yếu tố tranh giành quyền lực trong đó, tham lam và sân hận hẳn phải bốc lên ngùn ngụt.
Phải chăng nên thử  tự đặt mình vào địa vị của  vua Gia Long để có nhiều thông cảm và có lời phẩm bình phải chăng hơn.
 
Một vài cảm nghĩ     
Là hậu thế, có lẽ không mấy ai vui khi biết sự thật của tấn thảm kịch Nguyễn Quang Trung và Nguyễn Gia Long. Cả hai, đối với chúng ta, đều có chỗ đáng tôn vinh lẫn chỗ bất cập. Riêng ngưởi viết, từ tấn thảm kịch lịch sử này, học hỏi được một đôi điều, xin gọi là chia sẻ.
 
1/Qua việc điện thư của bạn bè và thân hữu gởi đến tới tấp kèm chuyện “Một ngày lễ Vu lan sầu thảm” của Tịnh Thuỷ,tôi nhận ra rằng té ra loại “lịch sử tiểu thuyết” dễ đi vào lòng người hơn là chính sử khô khan. Đồng ý khi tiểu thuyết hóa lịch sử thì tha hồ cho trí tưởng tượng vẽ vời nhưng cái căn bản của nó xin đừng đổi trắng thay đen. Thực lục ghi rõ vụ hành hình vua tôi anh em Cảnh Thịnh diễn ra ngày giáp tuất tháng 11 năm Gia Long thứ 1 tức ngày 7 tháng 11 Nhâm Tuất, 1/12/1802. Làm chi có ngày Vu Lan trong đó? Có lẽ tác giả muốn gây ấn tượng cho ngưởi đọc về sự tàn ác khó dung tha của vua Gia Long nên mới lựa một ngày như thế. Tội nghiệp cho vua! Vua chỉ dự lễ hiến phù, không dự cuộc hành hình, chỉ sai quan thi hành, nên cuộc đối thoại tay đôi giữa vua và bà Bùi Thị Xuân cũng chỉ là cơ hội bày ra để mạt sát thoải mái. Tội nghiệp.
 
2/Việc cải táng mộ ông Nguyễn Phúc Côn có thể hiểu được, vì tìm được hài cốt và hài cốt này đã được vua Gia Long xác tín rằng đó là di cốt của người đã sinh thành ra ông. Nhưng với 8 chúa thì sao? Sử nói Các lăng đều theo nền cũ mà xây cao lên. Đồng ý là xây lên cao, làm cho to lớn đẹp đẽ hơn xưa, nhưng hài cốt không tìm thấy thì chôn cái gì trong đó? Chẳng lẽ chỉ là một ngôi mộ trống không? Một cái mả gió?
Trong một dịp về thăm Huế sau 7 năm “đi học làm người tốt” (!), tôi được biết sau năm 1975, do đói quá, người ta đã làm bậy. Việc đào trộm mồ mả lăng tẩm giới quyền quí đã xảy ra với ý đồ tìm vàng bạc châu báu tùy táng. Người bạn kể cho nghe (tôi chưa có cơ hội kiểm chứng) khi cụ Vương Hồng Sển, nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng của Miền Nam,  biết được kẻ gian đã kiếm được nữ trang trong lăng Hoàng Thái Hậu Từ Dũ (vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức) và đem bán thì cụ đã kêu trời. Dưới cái nhìn cơm áo của kẻ trộm, đó là vàng, tính theo thời giá của chỉ và lượng. Dưới cái nhìn của cụ Vương, đó là đổ cổ vô giá của quốc gia! Nhưng đó không phải là chi tiết tôi quan tâm, vì bảo vật quốc gia người ta bán ra nước ngoài nhiều rồi. Chi tiết lý thú mà tôi nghe được đã giúp tôi hiểu biết thêm và lý giải thắc mắc nêu trên. Chi tiết đó là, bọn kẻ trộm, khi đào đến quan tài của một ông chúa nào đó đã không thấy hài cốt mà chỉ thấy hình người ta bằng gỗ! Điều này xác nhận giả thiết mà tôi đã nghĩ trong đầu nhưng không biết cách nào để kiểm chứng, ấy là tục chiêu hồn nạp táng.
“Chiêu hồn nạp táng là gì?
“Trong gia phả các họ rất chú trọng mục: Mộ táng ở đâu. Trong mục này có một số trường hợp ghi chú: “Chiêu hồn nạp táng”.
Đó là những ngôi mộ không có tử thi, hài cốt, mộ người chết trận, chết đuối hay do thú dữ vồ… không tìm được tử thi. Thân nhân làm hình nhân và làm lễ an táng theo như lễ an táng thông thường.
Được nghe các cụ kể lại rằng: chất liệu làm hình nhân, có địa phương dùng cây núc nác (còn gọi là sò đo thuyền, mộc hồ điệp, nam hoàng bá, bạch ngọc nhi). Núc nác là loại gỗ mềm và xốp, dễ tạo hình, chôn dưới đất lâu hoai, lại dễ kiếm vì mọc ở nhiều nơi. Có địa phương dùng bùn lấy ở giữa dòng sông, có địa phương dùng mùn đào ở giữa ngã tư đường cái.
Hình nhân được đẽo gọt hoặc nhào nặn thô sơ, có đầu mình chân tay là được (vì đa số không phải là nghệ nhân). Kích thước của hình nhân khoảng 30-40 cm chiều dài. Thi hài tượng trưng đó cũng được khâm liệm, đưa vào áo quan làm bằng gỗ vàng tâm, kích thước nhỏ bé, hoặc đưa vào tiểu sành. Trên hình nhân có phủ lên linh vị viết trên giấy kim tuyến, nội dung giống như linh vị đặt ở bàn thờ. Trước khi làm lễ an táng có mời thầy cúng làm bùa ấn phù phép để vong hồn nhập vào hình nhân.
Lễ an táng và các lễ các lễ khác cũng tiến hành như tang lễ thông thường.
 (http://www.kythu.net/Tang_le/Chieu-hon-nap-tang-la-gi/84.chtml)
2/ Hình như có một nhà tư tưởng nào đó đã nói: “Làm thầy thuốc lầm thì chết một người; làm thầy địa lý lầm thì giết một họ; làm chính trị lầm thì giết một nước, làm làm văn hóa lầm giết cả một đời.”
Dưới ảnh hưởng của môn phong thủy Trung Hoa, người Việt từ vua cho chí dân đều tin rằng âm phần tổ tiên có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh và tương lai của con cháu. Bởi vậy ai cũng mong muốn tìm cho được một huyệt mả tốt để được kết phát, để con cháu được hưởng phước vinh hoa phú quí dài lâu. Bởi vậy, để tận diệt kẻ thù không gì bằng triệt long mạch, phá huyệt mộ, đào mả cha ông nhà người ta lên. Làm thế thì chắc chắn con cháu không thể nào ngóc đầu lên được, lấy gì mà chống trả. Quang Trung Nguyễn Huệ, ngoài việc sử dụng binh lực đánh Nguyễn Vương chạy dài ra biển, trốn qua đến Xiêm La hai lần, vẫn không quên sữ dụng chiêu thức này để hỗ trợ. Và để cho chắc ăn, thà phá lầm hơn bỏ sót, đã không những quật mồ thân sinh vua Gia Long là huyết thống trực hệ mà còn quật mồ cả 8 đời chúa Nguyễn xa lắc. Thật là một sự tính toán chu đáo.
 
Tuy toan tính chu đáo như vậy nhưng Nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ chỉ tồn tại có 14 năm (1788-1802, 1788 là năm vua Quang Trung đăng quang trước khi ra Bắc phá quân Thanh), trong khi Nguyễn Vương, mặc dầu bị đánh trúng tử huyệt (theo quan niệm phong thủy) nhưng sau 25 năm bền bĩ chiến đấu nhọc nhằn, đã thống nhất đất nước, phục hưng được cơ nghiệp tổ tiên, lập ra triều đại mới, tồn tại 143 năm (1802-1945).
Vậy là thế nào? Chẳng lẽ phong thủy hoàn tòan là một thứ tin mê tín dị đoan? Không, không thể vì vậy mà kết luận phong thủy một cách hồ đổ như thế được. Cái nước Mỹ của khoa học kỹ thuật tiến bộ nhất thế giới này cũng đang chạy theo Feng Shui (Phong thủy) của nền văn minh cổ Trung Hoa, có thua chi Việt Nam xưa và nay đâu, có điều họ chú trọng đến dương cơ hơn âm phần. Như vậy phải có một yếu tố gì khác làm cho độc chiêu do vua Quang Trung phát ra đã không có hiệu quả. Tôi chợt nhớ đến chữ Đức trong câu ca dao
Người trồng cây hạnh người chơi,
Ta trồng cây đức để đời về sau
Trong 8 đời chúa Nguyễn, không thấy ông nào làm điều gì thất đức. Ông nào cũng lo làm cho dân giàu nước mạnh. Lịch sử cuộc nam tiến đi từ Phú Yên đến Cà Mau-Châu Đốc chứng minh điều đó. Hậu thế đã được thừa hưởng biết bao phúc lợi từ sự nghiệp nam tiến đó!
Có 3 ông chúa mang danh hiệu khác người: Chúa Sãi, chúa Hiền, chúa Ngãi. Nghe nôm na và thân tình biết mấy. Nếu cai trị mà không được dân thương mến và biết ơn  thì làm chi có những cách gọi kém vương giả nhưng giàu tình cảm như thế?
Có đến 4 ông chúa, ngoài tên và vương hiệu, lại tự xưng là đạo nhân, như Thiên Túng đạo nhân (chúa Minh Nguyễn Phúc Chu), Vân Tuyền đạo nhân (chúa Ninh Nguyễn Phúc Thụ) hay Từ Tế đạo nhân (Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát), Khánh Phủ đạo nhân (Định Vương Nguyễn Phúc Thuần). Đó cũng là một nét đặc biệt.
Nhiều ông chúa xây chùa (chúa Tiên lập chùa Thiên Mụ, Long Hưng, Bảo Châu, Kính Thiên; chúa Hiền lập chùa Túy Vân) hay  trùng tu chùa, đúc chuông, thỉnh sư giảng Pháp (chúa Minh).  
 Có lẽ nhờ biết tu nhân tích đức mà Đức năng thắng số, Số bất cập đức nên  tai qua nạn khỏi, như câu tục ngữ mà ông bà xưa thường nói để dạy khôn cho con cháu: Trời hại mới lo, người hại như phấn nhồi. Đó là nói nôm na, cho có vẻ chính xác và minh triết hơn thì đấy chính là nhân quả nghiệp báo. Theo thiển ý, có lẽ hiểu theo cách này mới giải thích được chỗ bất cập của phong thuỷ.
Chú thích :
(1) Mãi đến mùa hạ năm 1806 (Bính dần) vua mới chánh thức làm lễ lên ngôi Hoàng đế tại điện Thái Hoà.
 
(2) Có thể xem: La Relation sur le Tonkin et la Cochinchine, hồi ký của Bissachère viết năm 1807 do Charles B. Maybon biên tập và xuất bản năm 1920, từ trang 118 đến trang 120 tronghttp://www.archive.org/stream/larelationsurlet00labi#page/n1/mode/2up
 
(3) Ngày 18 và 19/10/2008 tại Thanh Hóa có một cuộc hội thảo « Đánh giá lại chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn » được phóng viên ghi nhận là « một hội thảo lịch sử », có lẽ vì phải chuẩn bị tài liệu đến 20 năm và tỉnh Thanh Hóa đã tài trợ gần một tỉ đồng VN để tổ chức, Có hai nhận xét quan trọng được ghi nhận :
« Theo GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, cần có nhận thức mới về nhà Nguyễn trong lịch sử dân tộc trên tinh thần “công minh lịch sử”.
…………………….
« Tổng kết hội thảo, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: Cuộc hội thảo lần này đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi không chỉ của giới khoa học mà còn của dư luận xã hội, chứng tỏ những nhận thức trước đây về vai trò của chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử dân tộc theo hướng phê phán và phủ định đã không còn thỏa đáng nữa » (http://www.thethaovanhoa.vn/133N20081020034945468T0/danh-gia-lai-chua-nguyen-va-vuong-trieu-nguyen-mot-hoi-thao-lich-su.htm
 
Tài liệu tham khảo :
 
-Quốc Sử Quán , Đại Nam Thực Lục, I, bản dịch của Nguyễn Ngọc Tỉnh, Viện Sử Học, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2002
-Trần Gia Phụng, Nhà Tây Sơn, Nxb Non Nước, Toronto, Canada, 2005
-Stanley Karnow, VietNam, A History, Penguin Book, 1984
-Hoa Bằng, Quang Trung, Anh hùng dân tộc, Bốn Phương, Saigon, 1953
-Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phúc Tộc, Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, Nxb Thuận Hòa, Huế, 1995
-Charls,B. Maybon, La Relation sur le Tonkin et la Cochinchine,http://www.archive.org/stream/larelationsurlet00labi#page/n1/mode/2up.
-Chiêu hồn nạp táng là gì ? http://www.kythu.net/Tang_le/Chieu-hon-nap-tang-la-gi/84.chtml 
(4) Vua Gia Long có một thanh gươm mang tên Qui Y. Sử ghi rằng thanh gươm này có tính ưa giết người (hiếu sát), Tối hôm nào gươm tự động thóat ra khỏi vỏ thì hôm sau thế nào cũng có người phạm tội bị chém bằng thanh gươm đó. Vua Gia Long ghét tính hiếu sát của gươm bèn đem qui y cửa Phật và đặt tên là Qui Y (Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu)
 
[1] Vua Gia Long có một thanh gươm mang tên Qui Y. Sử ghi rằng thanh gươm này có tính ưa giết người (hiếu sát), Tối hôm nào gươm tự động thóat ra khỏi vỏ thì hôm sau thế nào cũng có người phạm tội bị chém bằng thanh gươm đó. Vua Gia Long ghét tính hiếu sát của gươm bèn đem qui y cửa Phật và đặt tên là Qui Y (Quốc Triếu Chánh Biên Toát Yếu)
Nguồn bài đăng

Nhìn lại sử liệu viết về Nguyễn Huệ Quang Trung và Gia Long Nguyễn Ánh


gia long- nguyen hue
Nguyễn Văn Lục
Lịch sử bao giờ cũng ở số nhiều.
Vì thế có thứ lịch sử của kẻ cai trị , kẻ cầm quyền và nhất là thứ sử của kẻ cầm bút mà đôi khi họ chỉ là thứ cung văn . Trong các chế độ tài đảng trị bây gìờ thì nhà sử học bị liệt vào hạng văn nô . Trong khi đó , lịch sử lại chỉ có thể xảy ra duy nhất một lần .
Phần còn lại của lịch sử được viết đi , viết lại nhiều lần tùy theo mỗi người và tuy theo mỗi thời kỳ .
Trong lịch sử Việt Nam có hai nhân vật lịch sử cách đây hơn 200 năm , người này người kia đã làm nên vận mệnh lịch sử Đại Việt là Tây Sơn Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh Gia Long . Vóc dáng và sự nghiệp của họ đã được huyền thoại hóa , được vinh danh hoặc đã bị bôi nhọ và bị người đời nguyền rủa tùy theo ngòi bút của các người viết sử .
Vấn đề ở đây là có một thứ lịch sử của những nhân vật lịch sử hay là thứ lịch sử của những người viết sử ? Muốn nhìn lại chân diện những nhận vật lịch sử này quả thực không dễ . Một phần phải xóa đi những lớp bụi thời gian đã đóng rêu , đóng mốc đến mọc rễ trên họ . Một phần phải bỏ đi những định kiến đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người như một thứ chân lý, sự thật hiển nhiên .
Đó là hai công việc đồng thời phải làm . Chẳng những phải xóa bỏ thần tượng trong sách vở , xóa bỏ những đám mây mù tài liệu và hơn tất cả , xóa bỏ thần tượng trong đầu mỗi người mà công việc ấy gần như thể là một công việc tẩy não .
Và nhiệm vụ của sử học không thể câu nệ chỉ căn cứ vào sự đồng tình ít hay nhiều của người đời rồi cứ thế trôi theo . Bài viết này mong trả lại được công đạo cho sự thật và một cách gián tiếp giải trừ một số huyền thoại về Tây Sơn Nguyễn Huệ và trả lại công đạo cho Nguyễn Ánh dựa trên một số công trình của các nhà nghiên cứu chuyên ngành về sử .
Người viết cùng lắm chỉ làm công việc thông tin qua những kiến thức sử của các vị chuyên ngành viết sử .
1. Có sự chênh lệnh quá đáng về số lượng tài liệu viết về Tây Sơn
Người viết nhận thấy có một sự thuận lợi rõ ràng về số lượng tài liệu viết về Tây Sơn và sự bất lợi vì quá ít tài liệu viết về phía Nguyễn Ánh . Số lượng chênh lệch về tài liệu có một ý nghĩa gì ? Phải chăng những người viết sử chạy theo số đông như về hùa ? Hay viết với nhiều cảm tính ?
Động cơ nào đã thúc đẩy họ viết như thế ?
Hiểu được những động cơ thúc đẩy họ viết là hiểu được một phần sự thật . Chẳng hạn cộng sản Hà Nội trước đây đã hết lời ca tụng Tây Sơn nhằm lợi dụng Tây Sơn . Nhưng phía các nhà viết sử Việt Nam Cộng Hoà trước 1975 thì do động cơ nào ?
Phía tài liệu sử nhà Nguyễn, ngoại trừ một số sách sử của triều Nguyễn viết một cách chính thức như ” Đại Nam chính biên liệt truyện “ , ” Đại Nam Thực lục tiền biên “ và ” Chính Biên “ viết theo lối biên niên . Đây là số lượng tài liệu đồ sộ , nhưng lại không dễ được tiếp cận và nay dù đã dịch từ Hán ra Việt cũng không mấy người có để đọc . Người viết đọc các tập tài liệu này , măc dầu có những khuyết điểm không tránh được như sự rườm rà , quá chi ly từng sự việc , nhưng rõ nét tính chính thống .
Không thể phủ nhận tinh thần công tâm , nhân cách các nhà viết sử biên niên triều Nguyễn .
Nhiều sự kiện lịch sử nay vẫn có giá trị sử học vô giá .
Ngoài thứ chính sử đó ra thì hầu như không có mấy ai “ ở ngoài luồng ” sau này để công sức viết đến nơi đến chốn về 100 năm nhà Nguyễn Gia Long .
Hai mươi Lăm năm Nguyễn Ánh nằm gai nếm mật lao đao . Ông vào sinh ra tử . Và gần 100 năm dòng họ Nguyễn ngồi ở ngôi báu .
Biết bao điều để phải nói , phải viết .
Không lẽ chúng ta lại phải ngồi đợi một nhà sử học ngoại quốc nào đó lò mò để cả đời ra viết hộ chúng ta ?
Triều đại Tây Sơn ngắn ngủi mà đều là những năm bận rộn với chinh chiến . Liệu Tây Sơn đã thực sự làm được gì ? Vậy mà người ta có thể ngồi “ vẽ ra ” nào là về chính tri , ngoại giao , chính sách về tôn giáo , tiền tệ , v…v…. và v…v…. , và ngay cả văn học thời Tây Sơn nữa .
Trong khi nhà Nguyễn phải mất 88 năm mới biên soạn xong bộ Đại Nam Thực Lục mà số người đọc được đếm trên đầu ngón tay ! Vì những sách này lại rất khó đến tay người đọc vì phần đông dân chúng không biết chữ Hán .
Cho nên đối với phần đông dân chúng vì không được đọc chính sử nhà Nguyễn nên chỉ nghe nói về sử hơn là đọc sử . Biết về Nguyễn Ánh phần đông chỉ là nghe lời đồn hơn là đọc sử . Đây là điều bất lợi không nhỏ cho Nguyễn Ánh Gia Long bị bao vây bởi một thứ sử dân gian , truyền miệng . Làm thế nào bịt miệng dân gian ?
Tư liệu viết về Quang Trung đã nhiều lại viết một cách thiên lệch
Hiện tượng tài liệu sử viết về Quang Trung lấn lướt tài liệu viết về Nguyễn Ánh là điều có thực . Có thể nó bắt đầu kể từ khi Trần Trọng Kim , một sử gia Việt Nam dưới thời chính phủ Bảo Đại viết bộ sử Việt Nam Sử lược với một cái nhìn mới về vua Quang Trung .
Nó đã mở đầu cho một trào lưu viết sử về Quang Trung với nhiều hào quang , với nhiều danh xưng tán tụng như ” anh hùng áo vải , anh hùng dân tộc dựng cờ đào , v…v…. ” .
Nói không quá đáng là có sự hình thành một dòng Văn sử học viết về Tây Sơn .
Đồng ý phải nhìn nhận ở một mặt nào đó , đôi khi một dân tộc cũng cần được nuôi dưỡng bằng một số hào quang lịch sử như thế chấp cho sự tầm thường và kém cỏi của đời sống .
Sức quyến rũ về hình ảnh một Quang Trung anh hùng làm nức lòng mọi người , khơi dậy tình tự dân tộc phải chăng cũng là một điều cần và đủ .
Nhưng liệu nó có thể thay thế cho sự trung thực của sử học ?
Nhà văn Duyên Anh đã có lần viết truyện ” Mơ được làm Người Quang Trung “ .
Tài liệu sử viết về Quang Trung nhiều đã đành . Cạnh đó , thơ văn , kịch nghê , sân khấu , tiểu thuyết , sách giáo khoa , tên các địa danh , ngay cả các lễ hội đã dành một chỗ cao cho “ người anh hùng áo vải ”.
Phải chăng có một thứ sử học , văn học và văn hóa Quang Trung thấm đẫm tình tự dân tộc , đất nước , con người theo cái tinh thần chúng ta sống với thời đại của những người anh hùng ?
Và cứ thế tiếp nối sau đó có cả hơn một ngàn tài liệu sách vở viết về Quang Trung . Cuốn sách viết về Tây Sơn được một số nhà viết sử tham khảo rộng rãi là cuốn của Hoa Bằng : ” Quang Trung – Nguyễn Huệ , anh hùng dân tộc 1788-1792 “ , Sàigòn , 1958 .
Tựa đề sách coi Tây Sơn là anh hùng như một khẳng định vị thế của Quang Trung trong lịch sử và nhất là trong lòng người .
Nguyễn Phương với cuốn ” Việt Nam thời bành trướng : Tây Sơn “ , Sài Gòn , Khai Trí , 1967 .
Người ta có thể đồng ý với nhau là tài liệu viết về Quang Trung thì nhiều . Nhưng phải chăng viết giống nhau cũng nhiều .
Trong đó có nên nhìn nhận tính chất viết nhái và thời thượng có phần trổi bật không ?
Người trước viết thế nào thì người sau viết lại như thế . Nó chẳng khác gì khi có phong trào “ thời thượng triết hiện sinh ” sau này .Phải chăng có một phong trào , một sùng bái Tây Sơn ?
Ở miền Nam , tập san Sử Địa là “ ấn tượng và biểu tượng ” nhất của phong trào này cũng đã trôi theo một dòng chảy “ thời thượng ” Tây Sơn . Trong đó Tập san Sử Địa đã dành ba số chủ đề bàn về Tây Sơn .
Ý hướng thiện chí thì có . Nhưng nay đọc lại thấy một số bài tham khảo viết dựa trên những kiến thức “ định sẵn ” , phần biện luận một chiều được chú trọng nhiều hơn phần tài liệu sử .
Đây là tính chất đặc biệt của các cây viết sử Việt Nam Cộng Hoà trước 1975 và có thể cả sau 1975 viết trong tình trạng thiếu tài liệu . Càng thiếu tài liệu thì càng biện giải thay vì trưng dẫn tài liệu .
Đã thế, cách viết , cách chọn tài liệu , nhất là phong cách , ngôn ngữ xử dụng cho người đọc bây giờ có cảm tưởng một số vị ấy tránh những tài liệu xem ra bất lợi về Tây Sơn .
Đó là lối viết sử viết một chiều. Đó cũng là tính chất đặc biệt của một số người viết sử mà đôi vị dù viết rất cảm tình , rất thiên lệch , phong cách viết , ngôn ngữ xử dụng đọc thấy “ tự cao ” ngoài khuôn khổ mà vẫn tự khoác cho mình vai trò sử gia viết trung thực .
Tôi muốn đặc biệt dành những nhận xét ở trên để nói đến trường hợp Vũ Ngự Chiêu , Nguyên Vũ . Đây là cái bệnh “ ngụy tín ” mà J.P. Sartre đã vạch trần trong những luận cứ triết học của ông .
Vì thế nói chung trong các bài tham khảo ấy , hầu như không có mấy bài chú trọng đến tài liệu sử Trung Hoa đời Càn Long . Cũng ít chú trọng đến các tài liệu do phía người Pháp qua những phúc trình và thư từ của các giáo sĩ thừa sai gửi về cho gia đình hoặc tu hội của họ . Những tài liệu này ngoài tính chất quý báu là cái nhìn tại chỗ và không bị chi phối nhiều về phe phái chính trị hẳn là có ưu điểm nói lên một phần sự việc đã xảy ra .
Bà Đăng Phương Nghi người đầu tiên dịch các tài liệu sang tiếng Việt như hai tài liệu : ” Vài tài liệu mới lạ về những cuộc Bắc tiến của Nguyễn Huệ “ , Sử Địa số 9-10 , 1968 , tr94-243 và ” Triều đại vua Quang Trung dưới mắt các nhà truyền giáo Tây Phương “ , Sử địa số 13, Sàigòn 1969, tr.143-180 .
Tài liệu đã hiếm hoi . Nhưng có một số tài liệu “ đầu tay ” cùng thời với sự kiện lịch sử như thế này thì lại úy kỵ không dùng . Riêng người viết bài này thì ngược lại không khỏi ngạc nhiên và thích thú khi đọc sấp tài liệu này .
Vậy mà phần đông người viết sử miền Nam hình như tránh né , ít xử dụng các loại sử liệu của các thừa sai Pháp . Phải chăng vì nó trình bày những “ bất lợi ” cho Tây Sơn .
Xem ra nhiều nhà viết sử dị ứng với kho tài liệu này ? Phải chăng vì nội dung của chúng đi ngược với những kiến thức sử quen thuộc , hay nội dung đụng chạm đến thần tượng Quang Trung mà họ đã trót tô vẽ ?
Có người như Vũ Ngư Chiêu không ngần ngại xếp chúng vào loại tài liệu “ lời đồn ” hay “ nghe kể ” .
Hoặc cho rằng các nhà truyền giáo này không có ý định viết sử . Hoặc họ có lập trường chính thống ngả theo ủng hộ Nguyễn Ánh thay vì “ tiếm vương ” Quang Trung .
Nhưng , theo người viết , chính vì họ không có ý định viết sử, mà điều họ viết chỉ kể lại nên về mặt sử liệu không thể coi nhẹ được .
Vì thế , đấy vẫn là thứ tài liệu đầu nguồn , trực tiếp bằng sự có mặt của họ như một nhân chứng sử .
Sự kiện họ là nhân chứng là điều quan trọng nhất . Cùng lắm , ta dùng chúng với sự thận trọng như bất cứ tài liệu sử nào .
Xin nêu ra ở đây như một bằng chứng là những vấn đề như chiến dịch Tây Sơn đánh ra Bắc cũng như lịch sử nhà Tây Sơn trong hơn 40 số Tập San Sử Địa với rất nhiều giới hạn tài liệu .
 Chủ đề thứ nhất : ” Đặc Khảo về Quang Trung “ . Trong đó có đến 4 bài viết của Tạ Chí Đại Trường như : ” Vai trò của Nguyễn Huệ trong chế độ quân chính của Tây Sơn – Góp thêm về phổ hệ Tây Sơn “ v…v…. Hoàng Xuân Hãn đóng góp với bài : ” Việt Thanh chiến sử theo Ngụy Nguyên “ , một sử gia Trung Quốc đời Thanh . Tạ Quang Phát với bài : ” Vua Quang Trung qua chính sử triều Nguyễn “ . Nhưng một tài liệu không thể bỏ qua được của bà Đặng Phương Nghi trích và dịch ra từ Văn khố Âu Châu bao gồm các thư : ” Lettres Édifiantes et Curieuse “ của Gia Tô Hội .
 Chủ đề thứ hai được thực hiện ngay năm sau , tháng 1-3 , năm 1969 để kỷ niệm : ” Kỷ niệm chiến thắng Xuân Kỷ Dậu , Đống Đa “ . Tạ Chí Đại Trường như thường lệ có bài : ” Đống Đa , mâu thuẫn văn hóa vượt biên giới “ . Hoàng Xuân Hãn với ” Bắc Hành Tùng Kí “ . Nguyễn Nhã với : ” Tài dùng binh của Nguyễn Huệ “ . Đăng Phương Nghi dịch : ” Triều đại Quang Trung dưới mắt các nhà truyền giáo Tây Phương “ .
 Chủ đề thứ ba số tháng 1 – 3 năm 1971 : ” 200 năm Phong Trào Tây Sơn “ với các bài của Hoàng Xuân Hãn : Phe chống đảng Tây Sơn ở Bắc với tập “ Cử Trung Ngân ” . Việc mất đất 6 châu Hưng Hóa của Nguyễn Toại . Những ngày tàn của Tây Sơn dưới mắt giáo sĩ Phương Tây , bản dịch của Nguyễn Ngọc Cư ( tài liệu Nha Văn Khố Pháp do bà Đặng Phương Nghi để lại trước khi bà sang Pháp dạy học ở Đại học Sorbonne ).
Trong cả ba số chủ đề trên , sự đóng góp của Tạ Chí Đại Trường là nhiều và trổi bật . Nhưng sự đóng góp của ông Hoàng Xuân Hãn và bà Đặng Phương Nghi trong cách nhìn mới , tìm tòi nhiều tư liệu là đáng kể hơn cả .
Ít ra hai người đã mở ra một hướng nghiên cứu sử học như mở một cái lối đi trong khu rừng rậm .
Phía các người viết sử miền Bắc
Phần các nhà viết sử miền Bắc xem ra “ đi trước ” các nhà viết sử trong Nam . Họ gán cho Tây Sơn những vai trò “ cách mạng ” đi trước cả Mác-Lênin . Và phải chăng Tây Sơn là ông tổ của cuộc cách mạng Xã Hội Chủ Nghĩa ? Người ta đọc được các bài viết sau đây về Tây Sơn , Nguyễn Huệ :
  Xã hội Việt Nam trong thế kỷ XVIII và những phong trào nông dân khởi nghĩa.
  Đánh giá cuộc cách mạng Tây Sơn và vai trò lịch sử của Nguyễn Huệ.
  Nguyên nhân thành bại của cuộc cách mạng Tây Sơn.
  Cuộc khởi nghĩa của nông dân Tây Sơn qua một ít bức thư của người ngoại quốc đã ở Việt Nam đương thời.
  Giới thiệu văn học Việt Nam thời Tây Sơn
  Một số tài liệu về vấn đề ruộng đất thời Quang Trung
Người ta cũng thừa hiểu rằng tất cả những người viết sử miền Bắc, dựa trên Sử quan duy vật biện chứng đã biến sử học trở thành công cụ cho chế độ ấy. Mặc dầu miền Bắc có một số trí thức đáng nể . Nhưng những vị này cũng tự khuôn mình vào lối viết theo “ lề phải ” như Nguyễn Đổng Chi , Trần Văn Giáp , Đào Duy Anh , Trần Thanh Mại , Trần Văn Giàu , Vũ Ngọc Phan , Trần Đức Thảo .
Có thể gọi chung đó là thứ sử phi sử . Đó cũng là là thứ sử nay phải viết lại hết , viết lại từ đầu vì những điều gì họ viết về nhà Tây Sơn thì đều chỉ có mục đích tuyên truyền .
Họ càng “ tụng ” Tây Sơn , Tây Sơn càng không phải Tây Sơn .
Sự ca tụng Tây Sơn có khác gì bây giờ họ đang “ đánh bóng ” Lý Công Uẩn ?
Với những dụng ý như thế , Tây Sơn Nguyễn Huệ đã được bôi vẽ bằng rất nhiều hình ảnh không thật .
Sau 1975 , Quách Tấn-Quách Giao có cho in Nhà Tây Sơn , xnb Trẻ , TP.HCM , 2000 .
Đặc biệt có cuốn sách của Trần Quỳnh Cư-Trần Viết Quỳnh nhan đề : Mười ba đời nhà Nguyễn đã không thiếu những lời khiếm nhã đối với các vua nhà Nguyễn . Nhưng đặc biệt ở trang 172 có ghi : Hành động cách mạng “ số một ” của vua Bảo Đại , trích hồi ký Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc của Phạm Khắc Hòe cho thấy sự kính trọng của Bảo Đại đối với “ thánh ” Nguyễn Ái Quốc !
Những tài liệu ít ỏi viết về Nguyễn Ánh và khảo hướng viết sử diện mở rộng
Nhưng viết về Nguyễn Ánh , khó khăn và hiếm hoi lắm mới gom được vài bài như : “ Một vài ý kiến về sự nghiệp Gia Long ” , Phạm Việt Tuyền , Đại Học Huế , số 8 tháng 3/1958 . Luận án tiến sĩ của Nguyễn Thế Anh : ” La Monarchie des Nguyên de la mort de Tu Đuc à 1925 “ . Bài viết gần đây như : ” Đánh giá lại một số tài liệu về thời kỳ Tây Sơn “ , số 3, tháng 4-6, 2007, Dòng Sử Việt .
Mới đây nhất, có bài viết khá lý thú của Võ Hương An : ” Bàn về Tây Sơn , Nguyễn Ánh “ . Chuyện đời vay trả giải lý một phần nào những nỗi oan đổ trên đầu Nguyễn Ánh .
Có thể còn có một số bài viết khác mà người viết không thu tập được . Nhưng nói chung nó quá ít ỏi so với số lượng tài liệu viết về Tây Sơn .
Nhưng người viết tin rằng sẽ có những loạt bài khảo cứu nghiêm túc nhìn lại Tây Sơn trong tương lai . Riêng các nhà viết sử có tiếng tăm ở miền Nam trước 1975 , chắc hẳn phải điều chỉnh lại tầm nhìn lịch sử về các chiến thắng cũng như con người Tây Sơn cho thích hợp .
Như nhận xét ở trên, ông Hoàng Xuân Hãn là một trong những người sớm nhận ra tính cách “ một chiều ” trong các bài khảo luận về Quang Trung . Vì thế, ông đã dịch Việt Thanh Chiến , theo Ngụy Nguyên , một sử gia Trung Quốc đời Thanh trong Càn Long chính vũ An-Nam ký , năm Đạo Quang thứ 22 – 1842 , nhằm cân bằng kiến thức lệnh lạc một chiều của một số người viết . Bài viết này về mặt sử liệu nên được coi là một đóng góp quan trọng trong việc tìm hiểu chiến dịch đánh ra Bắc của Tây Sơn Nguyễn Huệ .
Ông Hãn còn viết thêm bài : Phe chống Đảng Tây Sơn ở Bắc với tập “ Cử Trung Ngân ” .
Ông cũng đã chú trọng và giới thiệu đến các bộ sách sử khổng lồ Đại Thanh Thật Lục được xuất bản bên Nhật để độc giả có thêm một cái nhìn “ theo lề trái ” về Quang Trung .
Cái ưu điểm của ông Hoàng Xuân Hãn mà một số sử gia thời đệ nhất và đệ nhị không có được là ông rành chữ Hán , tiếp xúc trực tiếp với tài liệu của Trung Hoa cũng giống như các ông Phan Khoang , Chen Ching Ho ( Trần Kình Hòa ) .
Viết sử Việt Nam trong mối quan hệ với Trung Hoa mà không rành Hán Văn , lại không chú trọng đến các tài liệu phía Trung Quốc phải chăng là một thiếu sót mang danh nghĩa một nhà sử học ?
Cái ưu điểm của học giả Hoàng Xuân Hãn là cái nhìn cao và vượt trên tài liệu chỉ từ một phía . Và theo ông , cần tham khảo sử liệu từ nhiều phía .
Vì thế , viết sử ta mà không đọc được sử Tầu thì mất đi ít nhất một nửa sự thật .
Sau này , các người biên khảo sử như Nguyễn Duy Chính cũng đi theo hướng khảo cứu đó khi tìm hiểu – điều mà ông gọi là Đi tìm một mảnh khuyết sử – thông qua cuốn Khâm Đinh An Nam Kỷ lược . Cuốn sách của triều đình nhà Thanh tổng hợp tất cả những thư từ , chiếu biểu của vua Càn Long liên lạc trao đổi với nước ta .
Cũng theo ông Nguyễn Duy Chính , đó là một văn bản hiếm quý để trong thư viện của vua Gia Khánh ( 1798-1820 ), đóng dấu Ngự Thư Phòng Bảo , được in lại do Cố Cung Bác Vật Viện biên tuyển , ấn hành lần thứ nhất vào tháng 6 năm 2000 .
Vì thế khẳng định rằng viết về sử Việt mà thiếu sự tham khảo tài liệu sử Tàu thì dễ có nguy cơ rơi vào khiếm khuyết sử .
Sử một lần nữa phải viết lại và nhiều bài viết sử thập niên 1960 chỉ có giá trị thư tịch , tồn trữ đối chiếu mà không hé mở cánh cửa vào sự thật .
Cho nên phần đông các tham luận về sử , đặc biệt viết về Quang Trung Nguyễn Huệ đăng trong hơn 40 Tập San sử địa thì hiện nay chỉ có chút ít giá trị tham chiếu . Nếu không nói là phải viết lại toàn bộ .
2. Những ngộ nhận và đánh giá sai lầm về Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ
Từ những thiếu sót về tài liệu cộng với “ trào lưu văn sử học Tây Sơn ” đã đưa tới tình trạng nhiều tác giả viết sử đã có định kiến về Nguyễn Ánh . Người ta có cảm tưởng giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh có một cái trục về điều xấu và một trục về điều tốt. Sự phân biệt chính tà hầu như rõ rệt và phân minh lắm, Cái gì về phía Nguyễn Ánh là phản phúc , tàn độc , là dã man , là phong kiến . Cái gì về phía Quang Trung là anh hùng , hào kiệt , là cách mạng nông dân , là chiến thắng thần thánh, là “ hết lời , hết ý ” .
Tinh thần phân biệt thị phi giữa thiện ác , giữa xấu tốt là một “ bước lầm ” dẫm chân giữa các lãnh vực . Không phân biệt rõ ràng ranh giới và trách nhiệm giữa lãnh vực sử học , lãnh vực chính trị và lãnh vực đạo lý . 
Nhiều nhà sử học thay vì trình bày khách quan sự việc đã nhảy chổm sang lãnh vực đạo lý , đưa ra những lời phê phán đáng nhẽ thuộc thẩm quyền đạo lý .
Việc phê phán sự “ tàn ác ” của Nguyễn Ánh mà bỏ quên bối cảnh lịch sử của thời đại ấy với khung pháp lý , chính trị của thời đại ông ta phải chăng là một thiếu sót ? Chẳng hạn , việc phê phán hình phạt cho voi giầy thật đáng phê phán ở thời đại này , nhưng lại là việc “ thông thường ” trong khuôn khổ chính trị , pháp lý thời trước .
“ Phong trào thần tượng Tây Sơn ” còn lan tỏa ra chung quanh hào quang của ông ấy . Chẳng những Tây Sơn được coi như anh hùng hào kiệt đã đành mà đến tất cả các bộ tướng, các cận thần đến vợ con , đến những quan hệ “ hôn nhân chính trị ” chung quanh ông cũng tắm gội trong cái hào quang ấy .
Hầu như có một thế giới Tây Sơn , một thời đại Tây Sơn – một thời đại vàng son – không ai có thể nói khác đi được .
Các cận thần như La Sơn Phu Tử , Nguyễn Thiếp là những bậc trí giả , đạo đức cao vời . Họ vừa khôn ngoan , vừa đạo hạnh , vừa chính nhân quân tử , vừa nho phong đạo cốt , vừa ứng xử tuyệt vời ban ra những lời nói vàng ngọc đáng ghi khắc .
Cái hay của Huệ là chỗ biết nghe , biết dùng người tài .
Về các tướng tá chung quanh ông như Trần Quang Diệu , Bùi Thị Xuân là những mãnh tướng can trường có đảm lược ngoài trận địa . Chẳng những thế còn có khí tiết cho đến lúc bị voi giầy . Ai ai không xúc động khi được nghe những lời đối đáp can trường giữa mẹ và con gái bà Bùi Thị Xuân .
Chỉ không ai ngạc nhiên hỏi xem ai là người đã được chứng kiến cái cảnh đau lòng đó và có đủ thẩm quyền ghi lại từng câu , từng chữ một cách trung thực ? Để đến nỗi ngày có người đã viết lại cảnh đó trong dịp ngày lễ Vu Lan ?
Tuyệt vời cái scénario này .
Ngọc Hân công Chúa với Ai Tư Vãn đi vào huyền thoại dân gian và sau này thể hiện qua Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác như một bản Tình Ca bất hủ .
Nay thì từ lịch sử đã chuyển sang một công đoạn khác , Văn Học .
Từ lịch sử chuyển sang văn học dĩ nhiên có một đứt đoạn được bù khuyết bằng cái gọi là “ hư cấu ” . Nếu người viết sử ít nhiều còn dè dặt trách nhiệm , băn khoăn về sự đúng sai của sử liệu thì nhà văn tự vịn vai hai chữ “ sáng tác ” để viết gì thì viết .
Nhưng câu hỏi đặt ra là nhà văn có quyền viết tên thật các nhân vật lịch sử đồng thời ” hư cấu ” tùy tiện ? Đó là câu hỏi quan trọng được đặt ra , nhưng không thuộc lãnh vực của bài này .
Đó là chỗ khúc mắc chưa được giải đáp nên mới có câu chuyện nhà văn Trần Vũ nhân đọc Sông Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác thấy các nhân vật Nguyễn Huệ – Ngọc Hân , cô An , ông thày giáo “ tròn quá , toàn bích quá ” . Trần Vũ thấy “ ngứa ngáy , khó chịu ” mới viết truyện Mùa mưa gai sắc như một “ viết ngược ” lại tác giả ” Sông Côn mùa lũ “ ?
Trong ” Mùa mưa gai sắc ” của Trần Vũ , ông đã “ biến tướng ” Ngọc Hân công chúa “ lá ngọc cành vàng ” thành một thiếu phụ “ sẵn sàng tự cởi xiêm y cho mục đích nhằm ” – một kẻ đối đầu với kẻ thù đã ám hại dòng họ nhà Lê – bằng một bút pháp sắc bén như dao, lạnh lùng và tàn bạo . Dưới ngọn bút của Trần Vũ , Huệ không hơn không kém chỉ là một kẻ bạo dâm .
Trần Vũ cũng có cái lý của nhà văn . Lẽ thường tình cho thấy có lý nào Ngọc Hân lại dễ dàng “ dâng hiến ” cái tiết trinh tuổi 16 và quên nỗi nhục cho kẻ đã chiếm đoạt và hạ nhục cả dòng họ Lê ? Có thể nào có một mối tình “ đẹp như tiểu thuyết ” giữa hai kẻ đáng nhẽ phải coi nhau như kẻ thù ?
Ngọc Hân chẳng lẽ không nhớ cái cảnh gia đình tan nát vì “ tiếm quân ” Tây Sơn sau đây :
“ Chẳng những thế Tây Sơn còn cho giết bào đệ vua Chiêu Thống khi đánh nhau với Tây Sơn . và Hơn thế nữa , khi mẹ vợ của ông bị điệu về triều đình , ông đà trách mắng bà thậm tệ vì mối cảm tình của bà đối với Đốc Chiêm . Số vàng do bà cấp cho Đốc Chiêm phải vào tay ông . Cuối cùng ông ra lệnh xử trảm vị tướng này ngày 1 tháng 6 ” .
Trích Những tài liệu mới lạ về những cuộc Bắc tiến của Nguyễn Huệ , Đặng Phương Nghi , TSSĐ số 9-10 , trang 209 .
Chẳng lẽ những truyện “ tàn độc ” của Nguyễn Huệ đối với vua Lê , Ngọc Hân công chúa đều không biết ?
Chỗ nào là sự thật lịch sử và chỗ nào là cái lý lẽ thế nhân thường tình ?
Hãy đọc một trích đoạn lối viết ngược của Trần Vũ cho biết :
“Đêm ở phủ Chúa , Huệ bước chân lên lầu Tử Các , lòng âm ỉ cơn say . Sống với Huệ hơn một tháng , Ngọc Hân đã biết những thói quen chung chạ của Huệ. Thói quen của chứng bệnh thường thấy đi kèm với bệnh cuồng sát . Lẳng lặng , tự nguyện , không đợi Huệ bắt , nàng cởi xiêm áo đến quỳ trước chân giường . Cái liếc mắt của Ngọc Hân ném về phía Huệ sắc đến nổi gai . Huệ lấy roi , không phải dây đai của đêm hợp cẩn , mà là thứ roi gai của quản tượng dùng quất voi khi lâm trận . Ngọc Hân uốn lưng đợi , tóc xõa chảy xuống nền đá , không trang sức , không cả chiếc vòng kiềng cổ truyền của con gái Bắc Hà , chỉ dấu thẹo đỏ do sắt nung ở vai . Vết thẹo đã lên da non nhưng đoán được dấu tỉ ấn của Huệ . Hai ba tấm màn gấm dụ buông quanh chỗ Ngọc Hân quỳ , Huệ tiến tới một bước , hai bước , rồi vung tay quất . Đâu roi vút tiếng rít như rạch tấm màn gấm . Ngọc Hân oằn người bấu cứng lấy trụ giường . Huệ đã say máu , những chấm máu li ti tím bầm nổi trên lưng Ngọc Hân trông như những vết ong đốt , hay những giọt mực son rỏ trên lên vũng sữa . Huệ vung tay tới tấp” .
Đây là truyện ngắn mà người viết bài này đọc đến ngỡ ngàng , thích thú và trân trọng .
Phải chăng cũng một cung cách ấy mà Nam Dao trong tập truyện dài lịch sử lấy bối cảnh triều Tây Sơn trong cuốn Gió Lửa ?
“ Đêm hôm đó , để mặc Huệ dày vò , đánh đá trong một cuộc truy hoan trước khi viễn chinh . Hân vừa rên rỉ vừa thì thào “ nữa đi , nữa đi ” như thách thức , dầu chỉ tưởng đến cái cơ nghiệp nhà Lê để quên nỗi đau của thể xác ” .
Khiếp quá ! Giữa cái “ hư cấu “ của Nguyễn Mộng Giác và cái hư cấu của Nam Dao thì đọc Nam Dao sướng hơn nhiều .
Đây cũng là một tập truyện dài với “ tuyệt hư cấu ” và thay đổi cả “ trục thời gian lịch sử ” viết thật hay . Rất tiếc , phải cần một trình độ thưởng thức văn học nào đó nên cuốn truyện đã không được người đọc lưu tâm đủ .
Và cuối cùng trong Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp , nhà văn cầm bút ở ngoài Bắc với xác chết người đẹp Ngô Thị Vinh Hoa , người tình của Nguyễn Huệ . Câu chuyện trong Phẩm tiết xoay quanh một cái chết mà chỉ nhà văn với giầu óc tưởng tượng mói viết ra được . 
Một số nhà phê bình miền Bắc gọi Nguyễn Huy Thiệp “ xuyên tạc lịch sử ” hay là một thứ “ lịch sử giả ” ?
Nguyễn Huy Thiệp đã trả lời một cách đích đáng : “ Không ai đánh nhau với cái xác chết , người ta chỉ khai thác các xác chết sao có lợi mà thôi ” .
Phải chăng cái xác chết mà nhà văn muốn nói ở đây là sự thật lịch sử về Nguyễn Huệ ?
Giữa Ngọc Hân – Nguyễn Huệ của Nguyễn Mộng Giác và Ngọc Hân – Nguyễn Huệ của Trần Vũ , của Nam Dao có một chặng đường sa mạc không bao giờ tưởng có thể đi tới .
Đó là một sự đánh tráo con người và số phận Ngọc Hân – Nguyễn Huệ mà chỉ có tiểu thuyết mới có quyền năng làm như vậy . Như thế , phải chăng sẽ không có điểm hẹn lịch sử nào giữa một nhà viết sử và một nhà văn ? Thế giới của nhà viết sử và của nhà văn thì không phải là một ?
Cho nên rõ ràng nó không có chỗ cho một sự đối đầu cần thiết giữa các quan điểm lịch sử với quan điểm văn học mà chúng ta mong đợi .
Và vì thế chuyện viết sử và chuyện viết của nhà văn có những đối tượng và mục đích khác nhau . Cùng lắm nhà viết sử đi tìm sự thật còn nhà văn trên cả sự thật đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật .
Trở về lại với khung cảnh sử học Việt Nam , đặc biệt phía những người Quốc Gia người ta nhận thấy từ Trần Trọng Kim tiếp nối Hoa Bằng , Phạm Văn Sơn , Tạ Chí Đại Trường , Vũ Ngự Chiêu và đến người viết mới đây nhất về Tây Sơn , tác giả Trần Gia Phụng thì ít nhiều đều đi theo một một đường thẳng của hình học phẳng mà không bắt gặp bất cứ con đường nào khác .
Tạ Chí Đại Trường
Tạ Chí Đại Trường
Riêng Tạ Chí Đại Trường – ông có thế giá sử học – ông có những cố gắng khám phá , những biện luận thông minh sắc bén và trí thức , nhưng đôi khi cũng lùi bước trước những “ gánh nặng lịch sử ” .
Có thể ông đã không viết khác được .
Tạ Chí Đại Trường càng tỏ ra cái tài tuấn biện luận sử học thì một mặt khác cho thấy sự biện luận ấy là do thiếu tài liệu sử , thiếu thông tin sử học . Giả dụ rằng , ông có trong tay đầy đủ chứng liệu sử học từ nhiều nguồn thì chỉ việc khệ nệ bê ra và khỏi cần đến biện luận ?
Ngày nay đọc lại bài khảo cứu của ông về cuộc hành quân ra Bắc trong chiến dịch Việt – Thanh cho thấy sự khan hiếm tài liệu thật rõ rệt . Các biện luận của ông về chiến dịch này không còn đứng vững nữa vì thiếu cơ sở .
Lấy một tỉ dụ , người ta đọc thấy những câu chuyện hư cấu, những huyền thoại về Tây Sơn được viết lại trong “ ngoại thư ” Hoàng Lê Nhất Thống Chí ( HLNTC ) – một tập sách mà thật ra chỉ là sự pha trộn khéo léo giữa một số sự kiện có thể “ giả định là thực ” cộng với hư cấu ! Linh Mục Nguyễn Phương , giáo sư sử học đại học Huế có viết một bài : ” Giá trị Hoàng Lê Nhất Thống Chí “ đăng trên báo Bách Khoa , ngày 14-5-1963 , trang 15-22 Trong đó linh mục Nguyễn Phương đánh giá thấp giá trị lịch sử của tập sách và cuối cùng ông xếp vào loại sách truyện , thứ ngoại thư .
Tạ Chí Đại Trường trong tác phẩm Lịch sử nội chiến Việt Nam 1771 – 1802 cũng thừa nhận Hoàng Lê Nhất Thống Chí là không dùng được vì tính cách truyện của nội dung tập tài liệu .
Vậy mà cũng chính Tạ Chí Đại Trường trong phần viết về : Chiến tranh tiêu diệt họ Trịnh , vì không có tài liệu nào khác về phía nhà Nguyễn cũng như về phía sử Trung Hoa . Ông đã đành lòng ghi nhận : Phần viết này thì đều lấy lại ở Hoàng Lê Nhất Thống Chí !
Sự trung thực đáng quý . Nhưng nó lại thật là mâu thuẫn với tư cách một người viết sử .
Những “ kiến thức có sẵn ” ấy do sự lập đi lập lại bởi nhiều người, bởi nhiều “ sách vở viết theo ” do những nguyên do khác nhau đã dần trở thành những “ gánh nặng lịch sử ” khó phá vỡ được ?
Đã đến lúc phải can đảm trút đi cái “ Gánh nặng lịch sử này ” .
Cũng vậy , đọc một vài cuốn sách sử như : Nhà Tây Sơn của Trần Gia Phụng mới đây , năm 2005 , mà tính cách bảo hoàng trong tầm nhìn cũng như tài liệu sử toát ra ngay trong phần thư mục liệt kê sách đọc . Thiếu vắng các tài liệu về phía người Pháp hoặc xử dụng không đúng mức , thiếu vắng các tài liệu về phía người Anh và quan trọng hơn cả thiếu vắng các sử liệu Tàu được trích dẫn như một phản biện .
Và nhất là thiếu vắng một cái nhìn lịch sử , một chọn lựa “ đúng ” trong chiều kích nhìn một sự kiện lịch sử . Đây là một trong cái thiếu sót lớn nhất của tác giả Trần Gia Phụng .
Cho nên có lẽ có thể kết luận khi đọc sách của Trần Gia Phụng là đọc cái gì , đọc tài liệu như thế nào thì viết như thế nấy .
Xin đưa ra một bằng chứng để làm bằng cớ về số quân nhà Thanh trong cuộc chiến Việt Thanh . Số quân nhà Thanh sang đánh nước ta được sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí phóng lên đến 500.000 , chỗ tài liệu khác xuống 300.000 quân . Riêng sử gia Tạ Chí Đại Trường thì đành “ khiên cưỡng ” chấp nhận con số 200.000 quân được coi là chấp nhận được bằng vào các sử liệu của Việt Nam .
Nhưng ngay từ thập niên 1960 thì một ông sử gia Trung Quốc , ông Tưởng Quân Chương , dựa theo Thanh sử , châu bản cũng như Tấu chương của Tôn Sĩ Nghĩ đã đưa ra một con số “ sửng sốt ” . Tưởng Quân Chương cho rằng Tôn Sĩ Nghị chỉ mang ” 8.000 quân ” sang Việt Nam , trong khi đó Nguyễn Văn Nhạc đã tụ tập mười vạn binh mã để đánh quân Thanh , vì vậy quân Thanh đại bại .
Nguyễn Hiến Lê
Nguyễn Hiến Lê
Để đáp lễ tức khắc Tưởng Quân Chương , các tác giả Nguyễn Hiến Lê và Nguyễn Hữu Ngư viết bài trên Bách Khoa , số 77 , ngày 15-3-1960 , trang 23 : “ Bàn về đính chính sử liệu Việt Nam nhân một bài viết của học giả Trung Quốc Tưởng Quân Chương ” .
Trích lại trong Sự thực sử học : một con đường ngắn nhấn dẫn tới đoàn kết dân tộc, tác giả Vũ Ngự Chiêu , Phần tài liệu đọc thêm II : Việc nghiên cứu nhà Tây Sơn . Đăng trên Báo Đi Tới số 84 , Bộ mới , Tôn giáo và Dân tộc , trang 159 .
Vấn đề ở đây là để phản bác học giả Trung Quốc , ông Nguyễn Hiến Lê đã dựa trên tài liệu chính sử nào ? Tài liệu của các thừa sai Pháp , tài liệu Thanh sử hay tài liệu của các học giả viết bằng tiếng Anh ?
Ai là nhà sử học trên có thẩm quyền tinh thần để đưa ra một con số “ gần đúng ” với sự thật lịch sử ?
Tác giả Nguyễn Duy Chính , trong tập biên khảo Việt Thanh chiến dịch . Quân Thanh tiến vào Thăng Long đã đưa ra một con số khá tương cận với con số của học giả Trung Quốc khi ông viết :
” Việc dựng lại các trận đụng độ giữa quân Thanh và quân Nam trong vòng một tháng tiến binh của họ cần phải được cân nhắc để không quá sơ sài như sử nước ta mà cũng không huyênh hoang như sử Trung Hoa .
Vấn đề quân số nhà Thanh đem sang nước ta là bao nhiêu cũng cần được đánh giá lại . Việc khẳng định 20 , 30, 50 vạn như nhiều sách vở khó có thể coi là chính xác, phần lớn do nhận định chủ quan và dựa trên ước đoán tổng quát .
Riêng sách vở của Trung Hoa thì họ luôn luôn nhắc lại con số trong Đại Thanh thực lục là một vạn quân mặt đông và tám ngàn quân mặt tây đưa đến con số 18.000 quân cho cả hai mặt ” .
Và tác giả Nguyễn Duy Chính giải thích thêm là ” vua Càn Long chỉ sử dụng quân của bốn tỉnh phía Nam và tây nam như một cuộc chiến ủy nhiệm khác hẳn các chiến dịch khác thường điều động nhiều cánh quân từ nhiều vùng, nhất là Bát kỳ Binh ở miền Bắc ” [ Xin đọc thêm bài viết của cùng tác giả về “ Từ Quân Doanh kỷ lược đến Khâm Định An-Nam kỷ lược ”, đăng trên Gio-o.com ( http://www.gio-o.com/nguyenduychinh.html ) ]
Giữa con số đề nghị của Tạ Chí Đại Trường là 200.000 ngàn quân Thanh và con số của Nguyễn Duy Chính chứa tới 20.000 người , đâu là con số giả định có thể chấp nhân được gần đúng ?
Người viết xin mượn chữ của Phạm thị Hoài phải chăng cần có kết quả của những phép tính trừ trong việc đọc về các con số trong chiến dịch Việt-Thanh ?
3. Giải trừ huyền thoại về cách đối xử tàn nhẫn của nhà Nguyễn Gia Long đối với Quang Trung Nguyễn Huệ
Có một điều cần lưu ý bạn đọc là những tài liệu liên quan đến sự “ bạo tàn ” của Nguyễn Ánh khi mới lên ngôi thì đều xuất phát từ hai nguồn tài liệu : 
Thứ nhất từ các lá thư của các thừa sai Pháp trong Archives des Missions Étrangères de Paris , Cochinchine , trong đó có các tài liệu như : Lettres édifiantes et curieuses của Gia Tô Hội . Bộ Nouvelles lettres Édifiantes et curieuses do Đặng Phương Nghi hoặc do Nguyễn Ngọc Cư dịch hoặc Những Lời thuật của Barisy về Trận Thị Nại , Thư của giáo sĩ Le Labousse cũng về Trận Thị Nại hoặc Lời thuật của Brisy về trận Phú Xuân . Cả ba tài liệu trên đều do giáo sư Hoàng Xuân Hãn chuyển ngữ .
Thứ hai và đây là phần quan trọng nhất là các vụ trả thù Tây Sơn lại do chính các sử gia triều Nguyễn chính thức tường thuật lại . Điều đó cho thấy thái độ công khai hóa các trừng phạt vì họ cho rằng trừng phạt đó là xứng đáng , là xử theo luật . Bây giờ người đọc cho là xử phạt quá tàn độc như hình phạt cho voi giày xé là có ghi trong luật lệ hẳn hoi . Giả dụ Tây Sơn có quyền lực trong tay mà bắt được giặc có lẽ cũng không làm khác hơn .
Về các tài liệu của Hội Thừa sai Ba Lê
Khi dịch các tài liệu của Hội Thừa sai Ba Lê , bà Đặng Phương Nghi cũng ghi nhận tính cách “ tế nhị ” khi phải dịch những lá thư đó . Tuy nhiên , không thể phủ nhận tính cách cập nhật và tinh cách nhân chứng của các lá thư này .
Đọc các thư từ hay bài tường thuật của các thừa sai Ba Lê cho thấy những nhận xét chi li , tỉ mỉ , tính chất người đậm nét và những biểu lộ tình cảm cũng rất người của các lời tường thuật . Nó như chuyện kể thực , sống động và trung thực .
Điều này cũng chứng tỏ Vũ Ngự Chiêu đã bất công khi đánh giá các tài liệu này .
Các lời tường thuật có tính truyền đạt , được sự cảm thông của người đọc không thua gì một bài phóng sự của một tay viết báo bây giờ . Đọc không thể không mủi lòng , rơi lệ vì sự tàn bạo của con người , của kẻ thắng trận đối với kẻ bại trận . Nhất là đối với các phụ nữ, vợ các tướng tá bại trận .
Xin được trích dẫn vài đoạn tiêu biểu .
“Sau đó , Nguyễn Vương hỏi tôi đã trông thấy các ngụy tướng chưa ; thấy tôi đáp rằng chưa , ngài cho lệnh giải họ tới . Rồi ngài bảo tôi đi xem các chị em của Tiếm vương ( Cảnh Thịnh ) . Tôi đã tuân lệnh . Những tù nhân này ở một ngôi nhà kín , hơi tối , thiếu vẻ thanh nhã ; trong cảnh huống của họ , có sự tương phản giữa quá khứ và hiện tại . Tất cả có 5 người ; một 16 tuổi rất đẹp , một thiếu nữ 12 tuổi , con vương phi Đàng Ngoài , dung mạo tầm thường ; còn ba người khác từ 16 đến 18 có nứỚc da hơi sẫm , nhưng dung mạo xinh đẹp . Trong một ngục thất khác không xa , có thân mẫu của vị thiếu phó , tướng chỉ huy đạo quân bao vây thành Quy Nhơn . Bà ta độ 55 tuổi và có nhan sắc . Trong trạng huống bất hạnh , bà tỏ ra rất cương quyết , có vẻ trinh thục và không tự tôn . Rồi tới vợ phò mã Nguyễn Văn Trị , là chị ruột của Tiếm Vương . Còn bà Tư-Khấu Định , vợ tướng chỉ huy pháo binh , có võ tướng ; Bà Tham-lĩnh Thông , vợ phó đô đốc hải quân và sau nữa còn rất nhiều người , muốn nhớ hết phải ghi cả một niên giám trong ký ức .
Nguyễn Vương đã để cho cướp phá tất cả dinh thự của các tướng địch và tôi tức giận các binh lính đã đập vỡ và phá hủy tất cả những thứ lọt vào tay họ; chắc chắn có những tòa nhà tuy xây cất theo lối Trung Hoa nhưng nếu ở Paris thì có lẽ được coi là những lâu đài tráng lệ , nhiều vườn đẹp trồng nhiều dị thảo và nhiều bình cho Nhật Bản .
Tóm lại , đó là chung cục việc báo thù của Nguyễn Vương và chắc hẳn ít là nỗi oán cừu của ngài rất hời hợt” .
Về Chính sử triều Nguyễn
Nay thử đọc một số trích đoạn được ghi chép trong chính sử triều Nguyễn về các hình phạt “ dã man ” dành cho kẻ chiến bại :
“Tháng 11 làm lễ tuyên cáo võ công . Ngày Quý dậu tế thiên địa thần kỳ , Ngày Giáp tuất hiến phù ở Thái miếu .Hiến Phù : Dâng những người bắt được trong chiến tranh ) .
Sai Nguyễn Văn Khiêm là Đô thống chế dinh Túc trực , Nguyễn Đăng Hựu là Tham tri Hình bộ áp dẫn Nguyễn Quang Toản và em là Quang Duy , Quang Thiệu , Quang Bàn ra ngoài cửa thành , xử án lăng trì cho 5 voi xé xác ( Dùng 5 con voi chia buộc vào đầu và hai tay chân , rồi cho voi xé , đó là một thứ cực hình ) , đem hài cốt của Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ giã nát rồi vất di , còn xương đầu lâu của Nhạc , Huệ , Toản và một của vợ chồng Huệ thì đều giam ở Nhà đồ Ngoại ( Ngoại đồ gia : Sau đổi là vũ khổ . Năm Minh Mệnh thứ hai đổi giam vào ngục thất cấm cố mãi mãi ) . Còn đồ đảng là bọn Trần Quang Diệu , Võ Văn Dũng đều xử trị hết phép , bêu đầu cho mọi người biết . Xuống chiếu bố cáo trong ngoài ”.
( Trích Thực Lục , trang 531 ) .
Theo tài liệu Bissachère ghi ở trên còn đưa ra chi tiết anh em nhà Cảnh Thịnh trước khi chết còn phải chứng kiến cảnh các lính tráng tiểu tiện vào sọt đựng hài cốt của Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc .
Căn cứ vào sự việc được chính thức sử gia nhà Nguyễn kể lại thì quả thực cách hành xử của Nguyễn Ánh quả là quá tàn độc đội với kẻ đã chết cũng như đối với con cháu và tướng tá thuộc hạ của Nguyễn Huệ .
Cũng vì thế , các nhà viết sử Việt Nam đều đồng loạt lên án Nguyễn Ánh , Gia Long . Từ Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược , Phạm Văn Sơn trong Việt sử toàn thư , Hoa Bằng trong Quang Trung , anh hùng dân tộc đến Vũ Ngự Chiêu đều cùng đồng loạt lên án Nguyễn Ánh Gia Long .
Các sử gia Trần Trọng Kim và Phạm Văn Sơn chê trách triều đình nhà Nguyễn hẹp lượng . Hoa Bằng thương tiếc cho người anh hùng Quang Trung bị gán cho chữ Ngụy .
Trần Gia Phụng chê trách Nguyễn Ánh viện cớ việc trả thù chỉ là dựa trên “ nghĩa lớn trong kinh Xuân Thu ” mà thực ra là trái với đạo lý cổ truyền của dân tộc .
Vũ Ngự Chiêu thì viết :
” Không ai phủ nhận được một điều : Cách đối xử của các vua nhà Nguyễn ( 1802-1945 ) với Quang Trung Nguyễn Huệ và gia đình Tây Sơn cực kỳ tàn nhẫn . Theo Đại Nam Thực Lục , Chính biên , từ tháng Một Tân Dậu , ngay khi tái chiếm kinh thành Huế , Nguyễn Chủng cho lệnh phá hủy mộ Quang Trung , “ bổ săng , phơi thây bêu đầu ở chợ ” . Con trai , con gái , họ hàng và tướng hiệu của nhà Tây Sơn ” 31 người đều bị lăng trì cắt nát thây ” … Sự trả thù còn trút xuống dòng dõi Nguyễn Văn Nhạc dưới thời Minh Mạng (…) “
( Trích Việc nghiên cứu nhà Tây Sơn ( 1778-1802 ) Nguyên Vũ , Ngàn năm soi mặt , 2002 . Trích lại trong báo Đi Tới , số 84 , bộ mới , trang 159 ) .
Qua những tư liệu vừa trích dẫn trên cũng như sự đồng thuận của các người viết sử cho thấy dư luận nói chung đều lên án cách hành xử của các vua quan nhà Nguyễn đối với Tây Sơn – một người được coi là anh hùng dân tộc .
Tuy nhiên , cũng cần nhìn lại và đánh giá lịch sử cho công bằng .
Thực sự Nguyễn Ánh có phải là người có bản tính tàn độc đối với kẻ bại trận không ?
Căn cứ vào chính sử Nhà Nguyễn cho thấy Nguyễn Ánh không phải ác độc như cái nhìn miệt thị của các người viết sử .
“ Trừ cỏ xấu , cốt để nuôi cho lúa tốt; giết kẻ ác , cốt để cứu giúp dân lành . Vả chăng một phủ Quy Nhơn đều là đất đai cũ , nhân dân cũ của ta , từ thuở Tây Sơn nổi loạn , dùng làm sào huyệt , nhân dân bị thế bắt buộc , không thể không theo (…) . Vậy ra lệnh từ nay phàm khi đối trận chém giết thì không kể, còn bắt được người tại trận, không kể người ở Thuận Hóa, Bắc Hà, Quảng Nam , Quảng Ngãi , Quy Nhơn , đều được thưởng như nhau bất tất phân biệt ; người từ Quảng Ngãi về Bắc thì cho lưu lại để thu dùng , người ở Quy Nhơn trở vào thì cấp cho tiền gạo rồi thả về . Đó thực là đánh bằng nghĩa mà dạy bằng nhân vậy . Ta đã đinh ninh dặn bảo , nếu có ý trái lệnh giết càn thì tức là hạng quân kiêu căng giận dữ , do lòng tàn nhẫn , đều chiếu theo quân pháp mà trị tội ”
( Trích “ Quốc Sử Quán Triều Nguyễn . Đại Nam Thực Lục ”, tập một , trang 471-472 , nxb Giáo Dục ) .
Và đối với bọn cựu thần nhà Lê và những hương cống học trò cũng như con cháu họ Trịnh , Nguyễn Ánh đều lấy lẽ phủ dụ , thấu rõ tâm tình của họ để thu phục họ . Sử nhà Nguyễn viết :
“ Ta sẽ nghe lời nói thử việc làm , tùy tài bổ dụng , cho người hiền được có vị , người tài được có chức , họp lòng nghĩ , chia mưu làm , để cùng nên đạo trị nước . (…)
Với dòng họ Trịnh sử viết “ Tiên thế ta với họ Trịnh vốn là nghĩa thông gia . Trung gian Nam Bắc chia đôi , dần nên ngăn cách , đó là việc đã qua củ người trước , không nên nói nữa . Ngày nay trong ngoài một nhà, nghĩ lại mồí tình thích thuộc bao đời , thương người còn sống , nhớ người đã mất , nên lấy tình hậu mà đối xử . Vậy cũng báo cho nhau , họp chọn lấy một người trong họ giữ việc thờ cúng , để giữ tình nghĩa đời đời “ .
( Trích ĐNTL, trang 507-508 ) .
Cách ứng xử như trên , có tình có nghĩa nào phải của một kẻ tàn độc ?
Riêng đối với La Sơn phu tử được coi là cố vấn cận thần của Tây Sơn , bốn lần được Nguyễn Huệ vời ra giúp nước đã được Nguyễn Ánh đối đãi khoan hồng như Sử sách ghi :
“ Thả Xử sĩ ở Nghệ An là Nguyễn Thiếp về . Vua dụ rằng : “ Khanh là người có tuổi tác đạo đức , rất được người ta trông cậy . Sau khi trở về núi nên khéo đào tạo lấy nhiều học trò để ra sức phò giúp thịnh triều , khỏi phụ tấm lòng rất mực mến lão kính hiền của ta ” . Bèn sai quan quân đưa về.( Trích ĐNTL , trang 445 ) .
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao Nguyễn Ánh , Gia Long lại có mối thâm thù và muốn trả món nợ cừu hận ấy ? Phải chăng Nguyễn Huệ cũng xử sự tàn độc khi chiến thắng ?
Những việc làm “ tàn độc ” của Tây Sơn hầu như bị sử sách bỏ quên
Việc Nguyễn Ánh làm thì được kể lại kỹ càng . Nhưng việc của Tây Sơn làm thì không đụng tới . Phải được hiểu như thế nào về sự việc này ?
Xin đọc trích dẫn một số sự việc khi Nguyễn Huệ Bắc tiến do linh mục Thomas Thiện viết phúc trình :
“Chừng một tháng nay , một vị tướng của tầu Attila – Nguyễn Huệ tên là Vach Quinh đã trở lại xứ Nghệ mộ rất nhiều lính . và bắt dân chúng cung cấp một số gạo lớn . Với những hành động tối dã man , tên ác quỷ đó thường hay xẻo tai , lột da mặt từ trán cho tới miệng , đánh nhừ tử cho đến chết những viên xã trưởng hay những đại diện cho các làng xã không tuân lệnh hắn ngay (…) . Ai nếu đều tin chắc rằng Bắc Vương ra Bắc Kỳ là để chiếm ngai vàng vương quốc mà thôi .
Những người ra trình diện đều bị bắt ngay lập tức . Họ phaỉ trả một số tiền chuộc ít hay nhiều tùy theo chức vụ và tư cách của họ nếu họ muốn chạy tội . Còn nếu không có tiền chuộc , họ sẽ bị xử tử (…) . Phẫn nộ trước các hành động khinh thị ý ngài , Bắc Vương liền cho bắt họ lại và ra lệnh tịch thu tài sản của họ . Ngược lại họ cứng đầu mãi , thì họ sẽ bị giết (…) Quân Tây Sơn ra lệnh cho dân làng ông phải đem nộp ông ta ngay nếu không cả làng sẽ bị cướp phá hoàn toàn . Dân làng buộc lòng phải tuân lệnh và vị quan khốn nạn này lại rơi vào tay của quân Tây Sơn “ bạo tàn ” , chúng liền xử tử ông và treo đầu ông bên lề đường ”
Ký tên . Thomas Thiện, linh mục người Bắc Kỳ .
( Trích Tài liệu mới lạ về những cuộc Bắc tiến của Nguyễn Huệ , Đăng Phương Nghi ,Tập san sử địa , số 9-10 , Sàigòn , 1968 , từ trang 196-198 ) .
Có hai tài liệu do Ngô Bắc dịch mới đây chứng minh rằng Tây Sơn đã dùng hải tặc Trung Hoa trong việc Bắc tiến . Đám Hải tặc Trung Hoa đã gây nhiều kiếp nạn trong vùng mà chúng đi qua hoặc trú đóng đúng như nội dung bản phúc trình của Thomas Thiện vừa được trích dẫn ở trên . Tài liệu do Dian H. Murray viết với tựa đề : ” Các ảnh hưởng của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn trên sự phát triển của Hải tặc Trung Hoa “ . Để viết tài liệu này , Murray cũng đã dẫn chứng hàng chục tài liệu liên quan của các sử gia Tầu như Shun-tehsien-chih , Kuang-tung t’ung-chih , Chu Huai , 8 chuan , 1827 , v…v….
Điều đó cho thấy binh đội Tây Sơn đi đến đâu dân chúng lầm than khổ sở vì bị cướp bóc , bắt lính và tàn sát dân chúng đến đó .
Nào ai đã viết lại về các sự việc này ?
Riêng đối với dòng họ Nguyễn Ánh thì kể như không một người nào sống sót dưới bàn tay của Tây Sơn , trừ lại còn mình Nguyễn Ánh . Theo Trần Gia Phụng ghi lại thì :
  Thứ nhất chú , bác ruột Nguyễnh Ánh bị giết là Định Vương Nguyễn Phúc Thuần , Tân chính vương Nguyễn Phúc Dương .
  Thứ nhì anh em ruột của Nguyễn Ánh cũng bị Tây Sơn giết là Nguyễn Phúc Đông ( anh ruột ) và Nguyễn Phúc Mân , Nguyễn Phúc Thiên ( em ruột ) .
  Thứ ba quan trọng hơn cả , Tây Sơn đã cho quật mộ Nguyễn Phúc Côn ( thân phụ cả Gia Long ) đem hài cốt đổ xuống sông năm 1790 .
Về việc này , xin đọc kỹ chính sử nhà Nguyễn đã viết lại như sau :
“ Tháng 9 , ngày Ất Hợi , sửa lại sơn lăng .
Trước kia giặc Tây Sơn Nguyễn văn Huệ tham bạo vô lễ , nghe nói chỗ đất phía sau lăng Kim Ngọc ( tức lăng Trường Mậu ) rất tốt , định dem hài cốt vợ táng ở đó . Hôm đào huyệt , bỗng có hai con cọp ở bụi rậm nhảy ra , gầm thét vồ cắn , quân giặc sợ chạy . Huệ ghét không muốn chôn nữa . Sau Huệ đánh trận hay thua , người ta đều nói các lăng liệt thánh khí tốt nghi ngút , nghiệp đế tất dứt . Huệ bực tức , sai đồ đảng đào các lăng , mở lấy hài cốt quẳng xuống vưc….(…) . Đến nay Huyên đem việc tâu lên Vua thương xót vô cùng , thân đến xem chỗ ấy, thì vực đã bồi cát mấy chục trượng. Tức thì sai chọn ngày lành làm lễ cáo và an táng lại (….) . Ngày kỷ Hợi , vua thân đến tế cáo , nghẹn ngào sa lệ , bầy tôi đều khóc cả “
( Trích ĐNTL , trang 466 ) .
Chẳng những thế , Tây Sơn Nguyễn Huệ còn đào hết lăng tẩm Tám đời của chúa Nguyễn tại Thừa Thiên , ném xuống sông . Nhưng điều mà Nguyễn Ánh không thể tha thứ được là phần mộ của Nguyễn Phúc Côn , thân sinh của Nguyễn Ánh cũng bị khai quật và hài cốt bị ném xuống sông .
Theo tài liệu ghi lại không lấy gì làm chắc chắn trong Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả cho biết chi tiết như sau :
“ Theo truyền thuyết khi Tây Sơn khai quật hài cốt đức đức Hưng tổ ném xuống sông thì một hôm Nguyễn Ngọc Huyên bỏ lưới bắt cá , sau ba lần đều thấy cái sọ nằm trong lưới . Huyên cho là sọ của một vị nào anh linh nên kiếm nơi an táng tử tế. Khi vua Gia Long lên ngôi đi tìm lại hài cốt của thân phụ nghe người làng tường thuật , ngài cho đòi Ngọc Huyên bảo chỉ chỗ . Khi đào được sọ lên, vua chích huyết ở tay mình cho giọt vào sọ , sọ liền hút những gọt huyết này ( lối thử này cho biết mối liên hệ cốt nhục giữa hai người ) ” .
( Trích “ Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả ” , trang 193 , nxb Thuận Hoa , Huế 1995 . Trích lại trong bài viết của cụ Võ Hương An “ Bàn về Tây Sơn Nguyễn Ánh. Chuyện đời vay trả ” ) .
Dưới cái nhìn thông tục, đời thường , cụ Võ Hương An cho rằng cuộc trả thù của Nguyễn Ánh chỉ là một cuộc vay trả . Đời có vay thì có trả . Nói khác đi sự trả thù có ý nghĩa chính đáng , chấp nhận được nếu đặt trong bối cảnh một xã hội theo thứ “ Văn Hóa nuôi thù ” vốn tồn tại nơi người Việt Nam .
Trả thù đôi khi trở thành một thúc bách luân lý và bổn phận .
Kết luận
Nay về phía Hà Nội , vào năm 2008 đã có một hội thảo “ đánh giá lại Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn ”từ đó có một chuyển hướng trong cách nhìn và đánh giá lại sử đời nhà Nguyễn theo một cái nhìn công bình và khách quan hơn . Những đánh giá sử học dựa trên yêu cầu chính trị xem ra không còn thỏa đáng nữa .
Về số nhà viết sử tại miền Nam trước 1975 nay không còn lại mấy người , nhưng thiển nghĩ họ cũng cần xác định và đánh giá lại những bài viết của chính họ nhằm trả lại cho Nguyễn Ánh một vị trí xứng đáng hơn trong lịch sử Việt Nam .
Đã đến lúc một số những nhà viết sử của miền Nam Việt nam Cộng Hoà hiếm hoi còn sót lại phải tự họ điều chỉnh lại tầm nhìn, tầm hiểu biết sử, đánh giá lại “ những công trình sử học của chính họ và của đồng nghiệp ” .
Phải làm gấp đi . Thời giờ không còn bao nhiêu nữa cho họ .
Và nay còn một chút hy vọng , có một số người viết sử chuyên ngành , tham khảo nhiều nguồn tài liệu từ nhiều nguồn – từ tiếng Trung Quốc , tiếng Pháp , tiếng Anh .
Hy vọng họ như những con tàu phá băng , phải phá vỡ từ bên trong những kiến thức đã đông cứng . Không thể cứ mãi sống trong những huyễn tượng sử không thật , tự dối mình và dối người .
Công việc đó , Nguyễn Duy Chính đang âm thầm một mình , bỏ hết thì giờ và công sức viết lại sử đời Tây Sơn .

Không có nhận xét nào: