Như thế, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với mối nguy hiểm có một không hai từ phía “8 nước liên quân”. Đây là khả năng có thể xảy ra, Trung Quốc không nên coi thường mà cần có sự chuẩn bị từ trước – bài viết được đăng trên mạng Trung Hoa với tựa đề: Một khi Trung – Mỹ khai chiến: Rất có thể Trung Quốc sẽ phải đối mặt với 8 nước liên quân mới.
Thời báo Hoàn Cầu mới đây la lối: "Trong hai tuần tới, Mỹ dự định sẽ đưa tàu chiến vào lãnh hải trên biển Đông của Trung Quốc!". Ngày 7/6, tờ Thời báo hải quân của Mỹ đưa tin, từ tháng 5 trở lại đây, luôn có nguồn tin nói rằng Mỹ đang lên kế hoạch đưa tàu chiến vào vùng biển gần với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông.
Ba quan chức của Lầu Năm Góc tiết lộ, hải quân Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng và đang chờ đợi lệnh phê chuẩn cuối cùng của chính quyền tổng thống Obama. Ngày 8/6, tờ Thời báo tài chính của Anh dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, tàu chiến Mỹ sẽ tiến vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, dự định kế hoạch sẽ được triển khai trong một tuần tới.
Nhà Trắng đã từ chối bình luận về điều này đồng thời chỉ nói những hành động này thuộc phạm trù “cơ mật”. Ngày 8/6, hãng Reuters của Anh đưa tin, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã phát biểu trong cuộc họp báo định kỳ rằng Trung Quốc đã chú ý đến bản tin này. Trước đó, Bộ ngoại giao Trung Quốc từng phát biểu rằng hoạt động tự do hàng hải không bao hàm việc tàu chiến, chiến đấu cơ nước ngoài có thể tùy tiện tiến vào lãnh hải và không phận của một quốc gia.
Hoa Xuân Oánh nói: "Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến những bản tin như thế này. Trong nhiều dịp tiếp xúc song phương và trong chuyến thăm Mỹ của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã có sự trao đổi sâu rộng về vấn đề biển Đông, do đó chúng tôi tin rằng phía Mỹ đã hiểu rất rõ về lập trường nguyên tắc của Trung Quốc. Điều chúng tôi mong muốn là phía Mỹ có thể nhận thức một cách khách quan, đúng đắn về cục diện Biển Đông hiện nay, cùng Trung Quốc phát huy vai trò mang tính xây dựng thực sự cho nền hòa bình, ổn định của khu vực Biển Đông".
Ngày 8/6, Hứa Lệ Bình – chuyên gia của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế và khu vực châu Á Thái Bình Dương thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc trả lời phỏng vấn Hoàn Cầu phán một cách hết sức vô lối rằng "Nếu Mỹ làm như vậy, chắc chắn sẽ khiến cục diện Biển Đông rối như mớ bòng bong. Điều này sẽ phát đi tín hiệu sai cho Philippines và Việt Nam, khiến hai quốc gia này có thể có những hành động mạo hiểm sau khi đánh giá sai về tình hình, đe dọa đến sự ổn định của Biển Đông".
Cận cảnh một phần Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, xây dựng thành đảo nhân tạo trái phép
Còn Dự Chí Vinh – nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu phát triển hải dương Trung Quốc quả quyết, nếu quân đội Mỹ tiến vào “lãnh hải” của Trung Quốc và có những hành động mang tính xâm phạm, Trung Quốc sẽ ngăn chặn. Nếu chỉ là hoạt động đi qua thông thường, Trung Quốc sẽ cảnh cáo và bám sát để theo dõi.
Bài viết chỉ ra rằng, từ lời phát ngôn của người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc có thể thấy, trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đã nhiều lần trao đổi với Mỹ trong các dịp tiếp xúc, nhưng Mỹ vẫn cố tình làm như vậy, đồng thời còn công khai nói với Trung Quốc, đây chẳng phải là hành vi khiêu khích ngang nhiên hay sao? Theo nguồn tin của truyền thông Mỹ, thực ra Mỹ đã nhiều lần ra tay, chỉ có điều không thông báo trước với Trung Quốc như lần này.
Nguồn tin từ báo chí Mỹ cho biết, quân đội Mỹ đã xây dựng một kế hoạch tấn công Trung Quốc, chia Trung Quốc thành các chiến khu Đông Hải, chiến khu Nam Hải, chiến khu Không Thiên. Mặt khác, Mỹ còn đưa ra những suy đoán về kết quả chiến tranh, cho rằng cho dù là giao chiến ở biển Hoa Đông hay Biển Đông, Trung Quốc đều không thể giành chiến thắng. Tạm thời chưa nói đến kết quả thực tế thế nào, nhưng những thông tin này ít nhất cho thấy chính phủ và quân đội Mỹ đã nhiều lần lên kế hoạch tấn công quân sự nhằm vào Trung Quốc.
Chỉ có điều Washington lo ngại Bắc Kinh sẽ dựa vào ưu thế về mặt địa lý tấn công căn cứ quân sự của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương bằng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Vì việc khai chiến hay không là do Mỹ quyết định, tuy nhiên tấn công thế nào, bao giờ kết thúc lại phụ thuộc vào Trung Quốc. Vì một khi súng đã nổ, với Trung Quốc là không có đường lùi, buộc phải đánh lại, báo chí Trung Quốc hô hào.
Gần đây, cho dù là phương tiện truyền thông hay lời phát ngôn của phía quân đội Mỹ hay Trung Quốc, đều đề cập rất nhiều tới chiến tranh. Trung Quốc cho rằng những hành vi mang tính khiêu khích của Mỹ ngày càng xuất hiện nhiều hơn và nghiêm trọng hơn. Hai tàu sân bay thuộc Hạm đội số 3 của Mỹ là USS Carl Vinson và Ronald Reagan cũng từ Đông Thái Bình Dương tiến vào Tây Thái Bình Dương. Bắc Kinh cho rằng, bất luận nhằm mục đích gì, ít nhất đây cũng là một lời đe dọa. Tất cả những điều này tạo cho dư luận một cảm giác rằng vùng biển xung quanh Trung Quốc ngày càng sặc mùi thuốc súng của chiến tranh. Theo lời một nhà chiến lược của Mỹ, mối quan hệ Mỹ - Trung đã đến điểm tới hạn.
Tác giả bài viết đặt ra câu hỏi rằng, chẳng lẽ mối quan hệ Trung - Mỹ đã đi tới bờ vực thẳm, buộc phải dùng chiến tranh để giải quyết ư? Trong một bài viết có tên gọi Cuộc chiến cả Mỹ và Trung Quốc đều không thể thua đã nêu rõ quan điểm này. Giả dụ Mỹ không quan tâm đến hậu quả, ngang nhiên chĩa súng vào Trung Quốc thì rất có thể cuộc chiến tranh này sẽ diễn ra rất dài, cho đến khi nào phân được thắng bại mới dừng.
Báo Trung Quốc chủ quan nhận định rằng khi chiến tranh đã nổ ra thì cả Trung Quốc và Mỹ đều không thể để bại trận. Nếu chiến bại, chắc chắn Mỹ sẽ để mất lòng tin trước các nước đồng minh, vị thế bá chủ của Mỹ sẽ rớt thảm hại, Nhật Bản, Nga sẽ thừa cơ vùng lên, Việt Nam, Philippines sẽ “ngả về” phía Trung Quốc. Mỹ bị hất cẳng ra khỏi châu Á, chính sách tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương sẽ phá sản hoàn toàn, do đó Mỹ chỉ có thể chiến thắng mà không được phép chiến bại.
Còn đối với Trung Quốc, sự thắng bại càng có mối liên hệ mật thiết với mối sinh tử tồn vong của quốc gia này. Nếu Mỹ bại trận, hậu quả nghiêm trọng nhất chỉ là rút khỏi châu Á, nhưng nếu Trung Quốc thua cuộc, đồng nghĩa với sự sụp đổ của chính quyền, bất ổn trong nội bộ quốc gia, đất nước chia tách, do đó bất luận thế nào cũng phải đánh thắng.
Bài viết nhấn mạnh, ý tưởng Mỹ muốn chiến tranh để phân định lại càn khôn là phi thực tế, là hết sức nguy hiểm. Giả dụ không thể đánh nhanh thắng nhanh, và lại không thể thỏa hiệp, chắc chắn Mỹ sẽ dùng chiêu bài cũ là bắt tay với các nước Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ, Úc, Canada, Malaysia…, thậm chí cả Đài Loan để bao vây Trung Quốc. Đây là nguy cơ Trung Quốc cần đăc biệt cảnh giác vì rất có khả năng xảy ra. Lúc này, thái độ của Nga sẽ hết sức quan trọng, nếu Nga nghiêng về bên nào, cán cân chiến thắng sẽ nghiêng về bên đó, nếu Trung Quốc bắt tay với Nga, hình thành nên mặt trận song cường, chiến tranh thế giới thứ ba sẽ ập xuống đầu nhân loại...