Bài liên quan
- Còn lâu mới dẹp nổi quan chức '5C'
- Việt Nam: Bộ máy hành chánh càng 'tinh giản', càng cồng kềnh
- Việt Nam: Càng 'tinh giản' càng phình to
HÀ NỘI (NV) - Dân số Việt Nam khoảng 90 triệu người nhưng số lượng các viên chức hưởng lương hoặc nhận các khoản có tính chất như lương, trợ cấp được lấy từ ngân sách lên tới 11 triệu người.
Mỗi năm, bộ máy công quyền ở Việt Nam ngốn hết 9.5% GDP, vượt xa mức chi tiêu cho bộ máy công quyền của nhiều quốc gia. (Hình: Báo Tiền Phong)
|
Bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, vừa cảnh báo rằng, không ngân sách nào nuôi nổi đội ngũ công chức như vậy.
Bà Lan cho biết, trên giấy tờ, hệ thống công quyền của Việt Nam có 2.8 triệu công chức. Tuy nhiên nếu cộng cả những người đang nhận lương, trợ cấp từ ngân sách như các viên chức trong hệ thống chính trị (cán bộ Đảng và các đoàn thể), công chức đã nghỉ hưu thì con số đó là 11 triệu.
Khi còn là phó thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc - nay là thủ tướng Việt Nam - từng khẳng định, chỉ có 30% đáp ứng được yêu cầu công việc. Vậy tại sao phải nuôi 70% còn lại?
Việt Nam đã bốn lần thực hiện cải tổ bộ máy hành chính, “tinh giản biên chế” nhưng sau mỗi lần cải tổ, bộ máy hành chính lại phình ra, to hơn trước khi cải tổ.
Giữa năm 2014, Bộ Nội Vụ Việt Nam công bố đề án, theo đó, đến năm 2020 giảm 100,000 cán bộ, viên chức nhưng theo viên bộ trưởng nội vụ của Việt Nam thì khả năng đạt đến mục tiêu này là rất thấp. Đến năm ngoái, ông ta tiết lộ, kế hoạch biên chế công chức hàng năm mà các bộ, ngành, địa phương gửi về luôn tăng từ 9% đến 11% so với biên chế công chức được giao của năm trước.
Mới đây, chính quyền tỉnh Nghệ An vừa loan báo là tỉnh này dư khoảng… 400 phó chủ tịch xã!
Bà Lan tâm sự với báo giới rằng bà đã hỏi nhiều người am tường hệ thống công quyền tại Việt Nam rằng liệu có thể tinh giảm biên chế được không và tất cả đều trả lời rằng đó là chuyện không thể làm được!
Bà Lan khuyến nghị, cũng vì vậy, chỉ còn một cách là “bỏ hẳn biên chế.” Các chuyên gia đã chứng minh nếu công chức là công việc suốt đời thì điều đó sẽ cản trở phát triển. Cần phải đặt định các tiêu chuần, ai hội đủ điều kiện thì ký hợp đồng lao động. Không làm được việc nữa thì hủy hợp đồng. Đó mới thực sự là “nền hành chính công vụ hiện đại, chuyên nghiệp.”
Theo bà Lan thì nên để lãnh đạo các cơ quan tự chịu trách nhiệm về hiệu quả công việc và do vậy, để họ toàn quyền quyết định việc tuyển dụng, xác định mức lương.
Bà Lan dẫn một nghiên cứu của Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách (VEPR), theo đó, mỗi năm các tổ chức, hội đoàn chính trị tại Việt Nam ngốn của ngân sách khoảng 14,000 tỉ đồng để trả lương, gấp đôi ngân sách dành cho hai Bộ Y Tế và Giáo Dục. Nếu tính cả chi phí kinh tế-xã hội (bao gồm: đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác) thì theo VERP ước tính, các tổ chức, hội đoàn chính trị tại Việt Nam ngốn của ngân sách từ 45,600-68,100 tỉ đồng/năm.
Xin mời xem thêm video: Dân khu bãi rác Đông Thạnh đang xài nguồn nước gây ung thư
Bà nhấn mạnh, muốn giảm gánh nặng cho ngân sách thì phải để các tổ chức, hội đoàn chính trị tại Việt Nam tự chủ, tự tìm tiền để hoạt động, tồn tại nhờ nhu cầu của cộng đồng. Nếu chính quyền muốn tài trợ một phần chi phí thì tiêu chí tài trợ phải rõ ràng, xét trên hiệu quả hoạt động.Bà Lan khuyến cáo, nợ nần đang tăng nhanh và cao trong khi các nguồn thu cho ngân sách hẹp lại và giảm đi, chi thường xuyên (chi để duy trì hoạt động của bộ máy công quyền) xấp xỉ 70% tổng chi ngân sách, khiến chi cho đầu tư để phát triển giảm liên tục là những lý do phải cải tổ bộ máy công quyền một cách triệt để. (G.Đ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét