Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

Nguyên Ngọc - Về trường hợp Bob Kerrey;"Dù đã rất đau đớn, nhưng chúng tôi không lựa chọn thù hận với người Mỹ"; Nạn nhân vụ thảm sát Thạnh Phong: Thôi thì bỏ qua cho thanh thản!

http://img.v3.news.zdn.vn/w480/Uploaded/rugtnv/2016_06_01/zing_fulbright_1.jpg
Bob Kerrey được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác của trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV)
Những ngày qua, trên các báo và các trang mạng, nhiều người đã lên tiếng tranh cãi về việc cựu chiến binh Mỹ Bob Kerrey được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác của trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) mà chúng ta đều mong đợi với rất nhiều hy vọng, mới được thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tranh cãi đến nay chưa xong. Quả thật Bob Kerrey là một nhân vật không hề đơn giản. Và cũng có thể, trong một chừng mực nhất định, trường hợp của ông là rất tiêu biểu cho việc, dù muốn hay không, thì ta vẫn còn phải nghĩ rất nhiều và cố mà thấu hiểu hơn nữa về cuộc chiến tranh đã qua. Về những con người, từng con người, đã đi qua cái lò lửa địa ngục ấy, bị nó đốt cháy và trui rèn. Số phận của họ, nỗi đau và trằn trọc không dễ nguôi của họ. Nhất là những người còn sống sót và đang đối mặt với cuộc sống hôm nay. Tôi, tôi cũng từng đi qua đó, và nay còn sống sót. Nên tôi cũng muốn hiểu. Tôi quan tâm đến Bob Kerrey, trường hợp kinh hoàng của ông ngày ấy, và cuộc đối mặt của ông hôm nay với thách thức ông đang đảm nhận. Và cũng muốn tự nghĩ cả về chính mình.

Nhiều người đã nói các chi tiết rồi, tôi chỉ xin nhắc lại vắn tắt: Đầu năm 1969, Bob Kerrey là đại úy, chỉ huy một trung đội SEALs, kiểu đơn vị biệt kích tinh nhuệ nhất hải quân Mỹ. Phân đội của ông được báo có lãnh đạo cao cấp của Việt cộng sẽ họp cùng bí thư chi bộ địa phương ở Thạnh Phong, một ấp nhỏ ven biển thuộc tỉnh Bến Tre. Ông cho đơn vị của mình tập kích vào Thạnh Phong. Ông nói rằng ông không tự tay giết người, điều ấy có thể tin, một người chỉ huy không nhất thiết phải tự mình bắn. Nhưng ông thừa nhận ông chịu trách nhiệm toàn bộ: họ đã giết chết 24 người, trong đó có 14 phụ nữ và trẻ em cùng một ông già. Bob nói: “Cuối cùng vẫn là những người phụ nữ đã chết, những đứa trẻ đã chết… vẫn là cái chết.” Và là tội ác. “Tội lỗi đối với tôi là cảm giác đầy hủy diệt…”. Suốt 32 năm nay. Suốt đời…

Sau chiến tranh, Bob Kerrey từng là thượng nghị sĩ, là thống đốc bang, là ứng viên tổng thống Hoa Kỳ, và trên tất cả các cương vị đó, ông đã có đóng góp quan trọng và lâu dài cho quan hệ Việt – Mỹ và trao đổi giáo dục giữa hai nước, ông cũng là một trong những nhân vật hàng đầu thiết kế chương trình kiên trì suốt nhiều năm cho sự ra đời của FUV hôm nay. Có thể nói không quá, ông đã làm tất cả cho Việt Nam, cho giáo dục Việt Nam… Nhưng chưa bao giờ ông coi là có thể bù đắp tội lỗi đã gây ra.

Tôi chưa từng gặp Bob Kerrey, nhưng tôi may mắn có một người bạn thân, Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam của Đại học Harvard, Chủ tịch Quỹ Sáng kiến Đại học Việt Nam (the Trust for University Innovation in Vietnam – TUIV), đơn vị chịu trách nhiệm huy động vốn để đầu tư cho FUV, cũng là người đã trực tiếp chọn Bob Kerry cho vị trí Chủ tịch Hội đồng Tín thác FUV. Thomas Vallely kể với tôi rằng, khi những người bạn cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam của Bob Kerrey là thượng nghị sĩ McCain và ngoại trưởng John Kerry đến gặp Bob để giúp ông trước nỗi ám ánh tội lỗi đeo đẳng, thì Bob đưa ra cho các bạn một yêu cầu buộc họ phải cam đoan: tuyệt đối không được bào chữa cho ông! Tôi nói với Thomas Vallely: “Vậy thì ông đã chọn rất đúng người lãnh đạo FUV!”.

Tôi cũng nói với Vallely rằng, nhưng phần tôi, là một người cũng từng có mặt trong suốt cuộc chiến tranh ấy, tôi thấy tôi cũng có bổn phận nói điều này khi tôi đọc được câu Bob Kerrey trả lời phóng viên Vietnamnet. Ông nói: “Hành động của tôi ở Việt Nam là kinh khủng và tôi tin đã được điều tra kĩ càng. Đó không phải là Mỹ Lai. Tuy nhiên, như bộ phim tài liệu sẽ sớm được phát của Ken Burns cho thấy: Chiến thuật của chúng tôi đã khiến ít nhất một triệu người vô tội thiệt mạng.” Bob Kerrey không để cho ai bào chữa cũng quyết không tự bào chữa cho mình, ông biết ông là một tội phạm không cầu mong được tha thứ, nhưng đồng thời bằng trải nghiệm đau đớn nhất của mình, ông cũng chỉ ra mâu thuẫn chết người trong cái mà ông gọi là “chiến thuật của chúng tôi”, tức của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam: để tiêu diệt Việt Cộng phải đánh bật họ ra khỏi dân thường, ra khỏi “phụ nữ và trẻ con” (còn được gọi là chiến thuật “tát nước để bắt cá”). Mà điều ấy là vô phương, bởi vì, đặc biệt ở nông thôn, thời ấy, hai thực thể đó về căn bản là một. Không thể đánh trúng cái này mà không đánh trúng cái kia! Không thể diệt Việt Cộng mà không giết dân, đàn bà và trẻ con! Cho nên, cho phép tôi nói điều này: Bob Kerrey là tội phạm, điều ấy ông đã đau đớn nhận, nhưng ông cũng là nạn nhân. Nạn nhân bi thảm của cái “chiến thuật” nghe rất hay ho kia. Bob Kerrey nhận ra mâu thuẫn chết người ở chiến thuật ấy, nhưng không dùng nó để bào chữa cho mình. Điều đó là vĩ đại. FUV có được một người đứng đầu như vậy là tuyệt đẹp. Và tôi cho lựa chọn của FUV là thật nhân văn.

Còn riêng đối với chúng tôi thì sao, chúng tôi, những người từng là lính Việt Cộng thời thảm khốc ấy, khi chúng tôi vẫn từng “nấp” trong nhân dân vô tội, để họ có thể cùng chết với chúng tôi? Kể cả, ngày ấy, như chính tôi từng được trải nghiệm, có bao bà mẹ, và cả các em bé nữa, sẵn sàng chết để che cho chúng tôi?

Hóa ra tự chúng tôi cũng còn một câu hỏi…

2-6-2016

Nguyên Ngọc

(Văn Việt)


"Dù đã rất đau đớn, nhưng chúng tôi không lựa chọn thù hận với người Mỹ"

Mai Phạm | 
"Dù đã rất đau đớn, nhưng chúng tôi không lựa chọn thù hận với người Mỹ"
Bà Bùi Thị Nhi, 73 tuổi (giữa) tại mộ của cha mẹ và 3 người cháu gái của bà đã thiệt mạng trong cuộc thảm sát ở Thạnh Phong, Bến Tre, năm 1969. Ảnh: Tư liệu/Người lao động

Những người lớn trong gia đình chúng tôi đã lựa chọn để sự thảm khốc của chiến tranh và sự thù hận ở ngoài cửa, không cho phép chúng đầu độc cuộc sống của gia đình...



Ông bà ngoại tôi có 3 người con đi bộ đội, hòa bình chỉ một người trở về. Trong hai người hy sinh, một người vẫn chưa biết đang nằm đâu trên đất nước này.
Nhưng đó chưa phải là tổn thất duy nhất.
Năm 1972, khi Mỹ ném bom rải thảm tại Hà Nội, ông ngoại và vợ chồng bác ruột của tôi đã cùng ra đi một lúc vì một quả bom rơi đúng vào xóm.
Khi những người dân moi được cửa hầm ra, ông và hai bác tôi vẫn còn hồng hào, ấm áp, như đang ngủ.
Bà ngoại tôi, một phụ nữ hiền hậu chưa từng thấy, quá đau buồn vì mất mát nên bị tai biến và ra đi chỉ vài ngày sau khi nhận được giấy báo tử cậu út, đúng một năm sau khi đất nước được hòa bình và thống nhất.
Mất mát mà chiến tranh trực tiếp và gián tiếp gây ra cho gia đình chúng tôi có thể nói là rất to lớn.
Cuối năm 1972, bà (em của bà ngoại), mẹ và mấy anh em tôi quay trở về từ nơi sơ tán ở vùng núi. Tôi nhớ mang máng, khi ấy, nhà chúng tôi ở mặt đường nên đã dành chỗ để đón cả các đơn vị bộ đội đi ngang qua. Buổi tối 2 ngôi nhà đầy chật những chiếc giường.
Một ngày cuối tháng 12, bà ngoại bế anh họ tôi (con của hai bác) khi ấy mới hơn 1 tuổi từ nơi sơ tán trở về. Lúc ấy tôi mới lên ba.
Đến đêm thì có một điều rất khủng khiếp.
Anh họ tôi dứt khoát không ngủ mà cứ khóc ngằn ngặt rồi bắt bế anh đi khắp các giường, lật màn lên để anh nhìn vào người nằm bên trong, rồi khóc, rồi lại đến giường khác, lại lật màn lên để nhìn, để tìm ai đó…
Cứ thế cho đến khi các bà, mẹ tôi và anh đều mệt lử.
Những ngày sau đó, tôi dần dần nhận thức anh tôi đang đi tìm hơi ấm của cha mẹ, còn tôi sẽ không còn bao giờ được gặp ông ngoại nữa.
Tôi nhớ rõ ràng rằng, trong trái tim của đứa trẻ mới lên 3 đã trào lên một niềm uất hận không tưởng tượng được đối với những kẻ đã gây ra cái chết của ông ngoại và hai bác tôi.
Nhưng ký ức đau thương và uất hận của tôi chỉ dừng đến đó. Không còn thêm hình ảnh nào thêm nữa và theo thời gian, nó càng ngày càng mờ dần. Tới mức để viết lại những dòng này, tôi đã phải ngồi rất lâu để nhớ lại.
Sự lãng quên này không tự nhiên mà có, nó cũng không phải là do tác động của thời gian đã hơn 40 năm mang lại. Nó có một nguyên nhân rất cụ thể.
Những người lớn trong gia đình chúng tôi đã lựa chọn không để ký ức đau buồn về chiến tranh và sự thù hận hiện diện lâu trong gia đình.
Trong các câu chuyện, sự thảm khốc của chiến tranh gần như không xuất hiện. Sự thù hận đối với tội ác mà người Mỹ đã gây ra cho người thân chúng tôi cũng không bao giờ xuất hiện.
Trong những bữa giỗ kỷ niệm ngày mất của ông ngoại tôi, các bác và cậu út, những người lớn luôn nhắc lại kỷ niệm đầy yêu thương, trìu mến.
Những người lớn trong gia đình chúng tôi đã lựa chọn để sự thảm khốc của chiến tranh và sự thù hận ở ngoài cửa, không cho phép chúng đầu độc cuộc sống của gia đình và tâm hồn của những đứa trẻ.
 Anh tôi đã lớn lên cùng với gia đình tôi. Những năm đầu, anh (nay là em của tôi, do ba má anh mất nên cha mẹ tôi mang về nuôi, anh nhỏ hơn tôi 2 tuổi nên là em) luôn có đôi mắt buồn bã, rất hay nhìn xuống. 
Bà, bố mẹ và chúng tôi đã cố gắng không nhắc lại, không đề cập đến nỗi đau trước mặt em. để em có thể lớn lên và phát triển như bao đứa trẻ khác. Sau vài năm, đôi mắt em đã khác. Nhiều năm trôi qua, em tôi trở thành một thanh niên hiền hậu, với nụ cười dí dỏm và sự hài hước.
Mỗi lần giỗ ông bà ngoại và các bác là dịp để cả gia đình chúng tôi tụ tập, và luôn luôn chỉ có những kỷ niệm trìu mến về ông bà và các bác được ôn lại.
Tiếng cười luôn rộn rã, ấm áp trong những dịp như thế.
Gia đình chúng tôi đã lựa chọn quên đi, lựa chọn tha thứ, để có thể tìm cho mình sự thanh thản trong tâm hồn, để hướng tới tương lai và sống một cách tích cực.
Bởi như lời Phật đã dạy: "Một người nếu tự đáy lòng không thể tha thứ cho người khác thì lòng họ sẽ không bao giờ được thanh thản".
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm và những ký ức đau thương đã gần mờ hẳn. Tôi cũng đã gặp những người Mỹ, một vài trong số đó là cựu chiến binh tại Việt Nam, trong những buổi tiếp tân và chiêu đãi ngoại giao và chưa một lần nào nỗi căm hờn của tôi thức dậy.
Cách đây quãng 15 năm, một đồng nghiệp người Đan Mạch của tôi nói rằng, Việt Nam là nơi duy nhất mà một đại sứ Mỹ, thậm chí là một cựu chiến binh và tù nhân chiến tranh tại Việt Nam như ngài P. Petersen, có thể thoải mái đi xe máy một mình trên đường và đến ăn phở ở Lê Văn Hưu, thoải mái ngồi cạnh và nói chuyện, đùa vui với những người Việt mà cách đó không lâu còn coi người Mỹ là kẻ thù không đội trời chung.
Tôi đã vô cùng tự hào khi người đồng nghiệp Đan Mạch của tôi cứ nhắc đi nhắc lại: "Mai ơi, chị có thể khẳng định với em là không ở nước nào mà Đại sứ Mỹ có thể làm như vậy. Người Việt thật tuyệt vời, thật tốt bụng".
theo Trí Thức Trẻ

Nạn nhân vụ thảm sát Thạnh Phong: Thôi thì bỏ qua cho thanh thản!

Khắc Thành - Phạm An | 
Nạn nhân vụ thảm sát Thạnh Phong: Thôi thì bỏ qua cho thanh thản!
Ông Bob Kerrey và bà Lượm

"Vụ việc đã qua gần 50 năm rồi... giờ ôm thù hận thì họ cũng không sống lại được. Tôi năm nay cũng đã già, chẳng lẽ ôm thù hận đến lúc chết sao, thôi thì bỏ qua cho thanh thản".

Rạng sáng 25/2/1969, một toán biệt kích Mỹ đã vào làng chài Khâu Băng (nay thuộc ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, Bến Tre) và ra tay sát hại 21 người dân vô tội.
Mặc dù không có tiếng súng khiêu chiến của Lực lượng quân giải phóng miền Nam Việt Nam, nhưng đội biệt kích của Kerrey vẫn thực hiện hành động dã man. Họ vào làng, dùng dao cắt cổ và xả súng ở cự ly gần vào 21 thường dân gồm người già, phụ nữ và trẻ em.
Nhiều nhân chứng vẫn chưa hết hoảng loạn về thời kỳ này.
Nạn nhân vụ thảm sát Thạnh Phong: Thôi thì bỏ qua cho thanh thản! - Ảnh 1.
Bia tưởng niệm vụ thảm sát Thạnh Phong.
Cụ bà Phạm Thị Lãnh (77 tuổi) kể lại: "Lúc đó, rất nhiều đàn ông ở xã Thạnh Phong tham gia cách mạng, người theo bộ đội đi biền biệt, người đi du kích dăm bữa nửa tháng mới về một lần".
Theo lời bà Lãnh thì lính Mỹ thường xuyên đến bắt bớ người dân để tra hỏi về việc có biết gì đến hoạt động cách mạng không và đàn ông trong làng đi đâu hết.
Tuy nhiên, do trong làng chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ em nên không ai biết gì. Mỗi lần càn quét, lính Mỹ đều đập phá đồ đạc, xả đạn lung tung và đốt nhà dân.
Nạn nhân vụ thảm sát Thạnh Phong: Thôi thì bỏ qua cho thanh thản! - Ảnh 2.Bà cụ Lãnh
Sau khi xảy ra vụ thảm sát, theo lời bà Lãnh, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa có lấy lời khai và gặp một số lính Mỹ tham gia vụ thảm sát để nhận mặt, tuy nhiên không thấy giải quyết gì.
Bà Nguyễn Thị Lượm (60 tuổi, người duy nhất sống sót trong vụ thảm sát) kể lại, ngoài việc càn quét thì Mỹ cũng thường xuyên ném bom, bắn pháo xuống xã Thạnh Phong.
Hầu hết người dân trong xã phải bỏ nhà đi xứ khác lánh nạn. Một số ít vì hoàn cảnh khó khăn phải bám trụ lại và làm trảng xê (loại hầm được thiết kế sát nhà, trồng nhiều cây xanh bên ngoài để ngụy trang và cản mảnh đạn pháo) để trú ẩn.

Nạn nhân vụ thảm sát Thạnh Phong: Thôi thì bỏ qua cho thanh thản! - Ảnh 4.
Nạn nhân vụ thảm sát Thạnh Phong: Thôi thì bỏ qua cho thanh thản! - Ảnh 3.
Bà Lượm với vết thương ở đầu gối do vụ thảm sát gây ra. Ảnh: Lao Động.
Đêm đó, bà Lượm đang ngủ cùng ông bà ngoại, mấy người cô, dì và 10 đứa em họ thì nghe tiếng súng nổ và la hét từ đầu làng vọng lại. Ngay lập tức, cả gia đình tổng cộng 16 người nhảy xuống trảng xê để trốn, tuy nhiên vẫn bị lính Mỹ lôi lên và sát hại.
Về phần bà Lượm, may mắn thoát chết khi lính Mỹ ném một quả lựu đạn, sức ép khiến bà văng xuống trảng xê và bị mảnh đạn găm vào đầu gối. Sau khi toán biệt kích bỏ đi, bà Lượm bò lên kêu cứu và được du kích về chữa trị vết thương.
Đến tận bây giờ, bà Lượm vẫn không hiểu tại sao lính Mỹ lại gây ra thảm sát kinh hoàng như vậy. Họ không hề tra hỏi gì như những lần càn quét trước mà thẳng tay giết hại hết những người có mặt trong xóm.
"Vụ việc đã qua gần 50 năm rồi, sao không thù hận cho được, ông bà, cô dì cùng mấy đứa em tôi bị họ giết hết rồi. Nhưng giờ ôm thù hận thì họ cũng không sống lại được. Tôi năm nay cũng đã già, chẳng lẽ ôm thù hận đến lúc chết sao, thôi thì bỏ qua cho thanh thản.
Nếu bây giờ ông Bob Kerrey về đây gặp chúng tôi xin lỗi, thì tôi sẽ sẵn lòng bỏ qua cho ông ấy", bà Lượm tâm sự.
Ông Bob Kerrey. (Ảnh: Minh Thanh)Ông Bob Kerrey. (Ảnh: Minh Thanh)
Lời xin lỗi của ông Bob Kerrey
"Tôi đã xin lỗi người Việt về những gì tôi gây ra trong chiến tranh và giờ tôi xin lỗi lại một lần nữa. Một cách chân thành và cùng những nỗi đau của ký ức mãi mãi ám ảnh, tôi xin lỗi những người mà tôi đã gây hại tới...".
"... Những đau đớn và chịu đựng tôi gây ra vào năm 1969 sẽ không bao giờ biến mất. Nó sẽ không chấm dứt chỉ vì tôi xin lỗi. Nhưng có trốn chạy, bằng việc tránh né Việt Nam hay tránh né người Việt, thì nó cũng sẽ không mất đi.
Chúng ta đang tạo dựng hoà bình và điều này đồng nghĩa với việc đối mặt với nó một cách thẳng thắn giống như chúng ta đối mặt với tương lai".
(theo Zing.vn)
theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào: