Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

Buýt nhanh, nhanh hơn 5 phút, tốn 55 triệu USD

(Người Việt) - Khá nhiều người tỏ ra thất vọng khi biết dự án xe buýt nhanh Hà Nội chỉ rút ngắn được thời gian so với buýt thường từ 5-10 phút.

Buyt nhanh, nhanh hon 5 phut, ton 55 trieu USD
Những chiếc xe buýt nhanh chuẩn bị được đưa vào chạy miễn phí trong thàng 1 tại Hà Nội.
Câu chuyện về hệ thống xe buýt nhanh Hà Nội (BRT) đã tốn khá nhiều giấy mực của báo chí trong thời gian gần đây. Đây cũng là dự án có tuổi thi công khá lớn, khởi công từ năm 2006, may mà đến cuối năm 2016, tức là 1 thập kỷ sau, cũng đã đưa vào hoạt động được chứ không đến nỗi phá sản.
Tổng kinh phí cho dự án BRT là 55 triệu USD, đây là một dự án gây nhiều băn khoăn trong dư luận, rất nhiều chuyên gia đã lên tiếng về độ thiếu khả thi của dự án, nhưng Sở GTVT Hà Nội vẫn quyết tâm làm. Trao đổi với báo chí, Tiến sĩ khoa học, thiếu tướng Nguyễn Quang Bắc, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ quân sự (Bộ Quốc phòng) cho biết:
“Số tiền vay để thực hiện dự án quá lớn trong khi tính hiệu quả thì thấp. Nhìn vào đường sá, cơ sở vật chất của Hà Nội, ai cũng đoán được việc triển khai buýt nhanh sẽ đi đến đâu. Tôi cho rằng, các cơ quan thực hiện dự án đang triển khai buýt nhanh theo kiểu “đâm lao phải theo lao”, bất chấp hiệu quả. Bởi số tiền đã đầu tư vào quá lớn”.
Để có được tuyến xe buýt nhanh (nhanh hơn xe buýt thường từ 5-10 phút) theo như thông tin được ông Vũ Hà, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư Phát triển Giao thông Đô thị cung cấp trong cuộc họp báo chiều 19/12, có thể thấy sẽ có khá nhiều điều ưu tiên cho dự án “nhà giàu” này.
Buyt nhanh, nhanh hon 5 phut, ton 55 trieu USD
Hạ tầng nhà chờ xe buýt nhanh BRT vẫn đang ngổn ngang (Ảnh chụp ngày 13.12.2016 trên đường Tố Hữu (Hà Nội).Ảnh: Lao động.
Cụ thể, đường Hà Nội vốn đã chật hẹp, đông đúc, thường xuyên ùn tắc nhưng tuyến buýt nhanh lại được chạy ở làn đường ưu tiên. Làn đường này chỉ được chia sẻ trong trường hợp ùn tắc, các phương tiện có thể chạy cùng làn với buýt nhanh để giải tỏa áp lực giao thông. Còn khi đường thông thoáng, nếu các phương tiện khác lấn vào làn đường ưu tiên này sẽ bị xử phạt. Tại các nút giao, nhà chờ đều lắp đặt hệ thống camera giám sát. Đây là căn cứ để lực lượng chức năng xử phạt nguội xe vi phạm qua hình ảnh.
Vậy thì chi ra 55 triệu USD để nhanh hơn 5-10 phút so với buýt thường, mà cuối cùng “chìa khóa thành công” lại nằm ở khâu kẻ đường ưu tiên không cho các phương tiện khác lấn vào, thì Hà Nội đâu cần phải có dự án BRT?
Chỉ cần sử dụng hệ thống xe buýt như đang có, kẻ sơn vạch quy định làn đường ưu tiên cho xe buýt thì cũng giúp cải thiện cho vận tốc của xe buýt thường rồi mà? Ấy là chưa kể, xe buýt thường vì cậy được ưu tiên nên chạy khá ẩu, gây ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông, giờ lại có thêm đội “kiêu binh” là xe buýt nhan dự án BRT, tình hình không biết còn diễn biến thế nào.
Chỉ cần đọc qua một vài thông số, có thể thấy dự án BRT Hà Nội đã tiêu tốn một số lượng lớn kinh phí, vật lực và thời gian để rồi cuối cùng, việc cải thiện tình trạng ùn tắc cũng chưa hơn là mấy. Lời can gián, phân tích của các chuyên gia giao thông là hoàn toàn chính xác, tiếc là không có ai nghe.
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề xuất: “Phải chạy thử, rồi rút kinh nghiệm, thậm chí ngừng lại để bổ sung các điều kiện kỹ thuật cho đảm bảo.
Các nhà quản lý giao thông cần thay đổi tư duy, phải tham khảo ý kiến các chuyên gia nhà khoa học, người dân chứ không thể “cứ hứng lên làm theo nhiệm kỳ” và cứ “có dự án thì ký ngay còn có làm sao thì hết nhiệm kỳ rồi” thì chẳng có ai chịu trách nhiệm”.
“Đứa con cưng” BRT sẽ bắt đầu vận hành chạy miễn phí trong vòng 1 tháng từ ngày 1 đến 31.1.2017 trong sự lo lắng hồi hộp của người dân.
Dù sao, việc được sử dụng một tuyến xe buýt “sang chảnh” trị giá 55 triệu USD cũng là một tính hiệu vui cho người dân thủ đô, dù rằng để có được 5-10 phút nhanh hơn xe buýt thường ấy là biết bao nhiêu tiền của từ ngân sách.
  • Mi An

Không có nhận xét nào: