Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

Tan hoang bên dòng sông Côn; Bình Định sập 27 cầu vì lũ, đường nào mà đi!

20/12/2016 08:54 GMT+7

TTO - Nhiều thôn xã dọc bên bờ sông Côn ở rốn lũ Tuy Phước vẫn đang bị ngập, cô lập bởi mênh mông là nước. Những bờ đê bị nước ăn hở hàm ếch, nhiều căn nhà tan hoang... 
​Tan hoang bên dòng sông Côn
Căn nhà bà Nguyễn Thị Nở (xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) đã bị lũ cuốn trôi. Nơi từng là căn nhà giờ là biển nước - Ảnh: MAI VINH
Thống kê của UBND huyện Tuy Phước, qua năm trận lũ dồn dập, gần 400 căn nhà ở các xã Phước Thuận, Phước Thắng, Phước Hoà… đã bị sập hoàn toàn. Có những căn bị nước giật sụp trong tích tắc, chỉ thoát được người không cứu được bất kỳ tài sản nào.
Xã Phước Hoà nằm ở đoạn cuối của sông Côn, chỉ riêng trong đợt lũ thứ 5 đã có hơn 150 căn nhà sập hoàn toàn. Đến thời điểm này, nước đang rút rất chậm. Hàng chục thôn vẫn còn đang bị cô lập, người dân sống chủ yếu bằng lương thực cứu trợ.  
Nước đang rút, nhưng hai bên bờ sông Côn là cảnh tượng tan hoang. Nhiều người phải tá túc nhà chùa, nhà thờ khi nhà cửa đã bị sập hoàn toàn.
​Tan hoang bên dòng sông Côn
Anh Phạm Hoàng Diệu (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) vẫn chất bao cát ở lối vào nhà vì sợ nước sông Côn bất thần dâng cao, trở tay không kịp - Ảnh: MAI VINH
​Tan hoang bên dòng sông Côn
Bờ đê sông Côn có hàng chục điểm sạt lở thành “hàm ếch” - Ảnh: MAI VINH
​Tan hoang bên dòng sông Côn
Bà Phạm Thị Khen (xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước) có nhà ngay bên bờ sông Côn và căn nhà của bà bị thổi bay trong vòng 5 phút, bà thoát chết nhờ chạy kịp ra khỏi nhà - Ảnh: MAI VINH
​Tan hoang bên dòng sông Côn
Em Đặng Nguyễn Tin (Trường THCS Phước Hoà, huyện Tuy Phước) lục tìm sách vở từ căn nhà đã sập - Ảnh: MAI VINH
​Tan hoang bên dòng sông Côn
Ông Nguyễn Hữu Chói dời những đồ đạc còn dùng được sang nhà người quen sau khi nhà ông bị sập - Ảnh: MAI VINH
​Tan hoang bên dòng sông Côn
Người dân sống bên sông Côn sau 5 ngày ngâm trong lũ giờ vẫn còn tiếp tục di chuyển bằng ghe - Ảnh: MAI VINH
​Tan hoang bên dòng sông Côn
Thầu Võ Huy, hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Phước Hoà hong khô máy tính bị ngập - Ảnh: MAI VINH
​Tan hoang bên dòng sông Côn
Thầy cô Trường tiểu học số 2 Phước Hoà lau dọn bàn ghế đón học sinh đi học - Ảnh: MAI VINH
​Tan hoang bên dòng sông Côn
Trẻ em sống hai bên dòng sông Côn trog mùa lũ. Dự kiến nước sẽ rút hoàn toàn ở vùng rốn lũ Tuy Phước trong 3 ngày tới nếu trời không mưa - Ảnh: MAI VINH
MAI VINH


Bình Định sập 27 cầu vì lũ, đường nào mà đi!

20/12/2016 08:36 GMT+7
TTO - Hàng chục cây cầu trên các đường tỉnh, đường huyện và đường liên xã ở Bình Định đã bị lũ xoáy sập, cuốn đứt hoàn toàn khiến việc đi lại của dân vô cùng khó khăn. Nhiều vùng vẫn bị cô lập.

Bình Định sập 27 cầu vì lũ, đường nào mà đi!
Cầu Dịch Nghi bắc qua sông La Tinh trên đường tỉnh 634 (Bình Định) bị lũ cuốn sập một nhịp - Ảnh: Duy Thanh
12g ngày 19-12, ông Phan Thanh Minh ở xóm Sơn Hồ, thôn Sơn Hồ, xã Cát Sơn, huyện Phù Cát (Bình Định) hối vợ là bà Đinh Thị Thu Trang thay đồ cho con trai Phan Cảnh Dương (học sinh lớp 2 Trường tiểu học Cát Sơn), để ông cõng con băng núi đến trường cho kịp giờ học vì cầu Dịch Nghi bắc qua sông La Tinh đã bị lũ cuốn sập.
Cầu sập, cõng con 
băng rừng đến trường
Ngày 19-12, Dương trở lại trường sau cả tuần nghỉ học vì mưa lũ, cũng là ngày đầu tiên ông Minh phải cõng con vượt đường rừng núi lầy lội, trơn trượt để đưa con đến trường.
“Cháu học ngày hai buổi, nên tôi phải vượt núi bốn lần đưa đón. Trước còn cầu thì lấy xe máy chở cháu chạy chừng năm phút là tới trường, còn giờ phải lội rừng vượt núi, mỗi lượt đi mất gần cả tiếng” - ông Minh thở dài.
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, người dân ở đây, lo lắng: “Cầu sập rồi, dân không biết làm cách nào đưa cây trái ở đây bán cho thương lái. Lo hơn là đêm hôm có người già, trẻ con bệnh thì biết đưa đi viện bằng cách nào...”.
Cầu Dịch Nghi được xây dựng bằng bêtông cốt thép kiên cố trên đường tỉnh 634, dài khoảng 20m, bắc qua sông La Tinh, không chỉ nối các địa phương phía đông xã Cát Sơn với vùng đất canh tác màu mỡ ở xóm Sơn Hồ, mà còn là cầu nối trên con đường huyết mạch phục vụ việc đi lại cho cán bộ, nhân viên vận hành hồ chứa nước Hội Sơn.
Chiều 15-12, khi nước lũ thượng nguồn đổ về quá dữ, hồ Hội Sơn mở lớn hai cửa xả lũ. Dòng nước xoáy đã gây xói lở mố cầu phía đông làm rơi một nhịp cầu xuống sông, cắt đứt hoàn toàn giao thông giữa phía tây cầu với phía đông.
“Hết lũ rồi mà làng tôi còn bị cô lập. Trong khi chờ làm lại cầu kiên cố, mong chính quyền đầu tư làm cầu tạm cho dân đi và cho lũ nhỏ đến trường...” - ông Phan Thanh Minh nói.
27 cầu sập hoàn toàn
Ông Nguyễn Tài Trung, bí thư Đảng ủy xã Cát Sơn, cho biết ngoài cầu Dịch Nghi bị sập hoàn toàn, hai cầu khác ở xã là Sơn Minh và Đập Tuận cũng bị sập, chia cắt các khu dân cư đôi bờ.
Cuối buổi chiều 19-12, khi chúng tôi gọi điện hỏi tình hình, ông Nguyễn Huỳnh Huyện, phó chủ tịch UBND huyện Phù Cát, nói cả huyện có tám chiếc cầu bị sập như thế.
“500 hộ dân ở hai thôn Chính Thắng và Chính Hùng của xã Cát Thành đang bị cô lập vì cây cầu bêtông trên đường liên xã bị lũ cuốn sập. Cũng ở xã Cát Thành, một chiếc cầu bêtông khác bị gãy làm 660 hộ dân ở thôn Cát Trung bị cô lập luôn. Thương nhất là mấy cháu học sinh, giờ cầu gãy, sập như vậy không biết làm sao đến trường...” - ông Huyện thông tin thêm.
Tại cuộc họp trực tuyến của UBND tỉnh Bình Định chiều 
19-12 để chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ, thông tin từ Sở Giao thông vận tải tỉnh cho biết trong mấy trận lũ liên tiếp vừa qua có đến 27 cây cầu trên các tuyến đường của tỉnh bị sập hoàn toàn, 128,5km đường hư, 310 vị trí bị sạt lở, gây ách tắc cục bộ nhiều địa phương...
Ông Hồ Quốc Dũng, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nói với chúng tôi: “Nhìn cảnh cầu sập, đường đứt, hạ tầng thủy lợi bị lũ xé nát mà tôi rối ren, không biết xoay xở nguồn lực từ đâu, tái thiết cái nào trước.
Trước mắt, tỉnh chỉ đạo các ngành và địa phương khắc phục tạm để dân đi lại, còn làm kiên cố cầu, đường lại phải một thời gian rất dài nữa vì lũ đã kéo lùi hạ tầng của Bình Định về 10 năm trước rồi…”.
Bình Định thiệt hại 1.230 tỉ đồng. Tỉnh đã có công văn gửi Thủ tướng xin hỗ trợ khẩn cấp 500 tỉ đồng để khắc phục thiệt hại; xin miễn học phí học kỳ 2 cho HS từ tiểu học đến THPT, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục - đào tạo hỗ trợ sách vở cho 50.000 học sinh; sắp xếp vốn ODA để phục hồi, tái thiết cơ sở hạ tầng; chỉ đạo các bộ, ngành hỗ trợ lúa giống, thuốc phòng dịch bệnh...
Thừa Thiên - Huế thiệt hại 356 tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Phương, phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết tỉnh đã đề nghị trung ương cấp 1.000 tấn gạo hỗ trợ đồng bào vùng ngập lụt và 300 tấn lúa giống để gieo cấy vụ đông xuân.
TH.LỘC

BÌNH LUẬN (4)

Không có nhận xét nào: