Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2016

Dân Choa - Số ông Cự này lất bất thật!

Ông Võ Kim Cự
LẤT BĂT NHƯ CỰ

Dân Hà Tĩnh từ lâu vẫn hay có nhận xét về dàn lãnh đạo tỉnh nhà bằng các câu truyền khẩu dễ nhớ. Họ bảo rằng:

Khôn như Thại
Dại như Chất
Lất bất như Cự
Do dự như Hà Thạch.

Truyền khẩu dân gian vốn đơn giản. Cũng chẳng cần xưng hô ngôi vị, chức sắc ra sao, chỉ độc mỗi cái tên. Nhưng dân trong tỉnh thì ai ai cũng biết.

Thại là ông Trần Quốc Thại, cựu bí thư tỉnh ủy, khôn ngoan lọc lõi định hướng cho con cháu nối nghiệp mình. Ông con là Trần Đình Đàn cũng từng làm chủ tịch rồi bí thư Hà Tĩnh và sau cùng là chủ nhiệm văn phòng Quốc hội.

Chất là Lê Văn Chất, cựu chủ tịch Hà Tĩnh. Ông Chất ngay thẳng và trực tính nên làm mất lòng nhiều người. Hồi làm chủ tịch có người vác dao đòi chém , may mà ông trốn trong xe ô tô mới thoát nạn.

Hà Thạch là ông Hà Văn Thạch. Ông Thạch cũng thuộc loại cán bộ lãnh đạo lâu năm của tỉnh. Tính ông không quyết đoán, cái gì cũng sợ sai chính sách, vì thế ông Thạch cũng chỉ đạt tầm cựu trào chứ không vươn lên được.

Riêng câu „ lất bất như Cự“ có nghĩa là ám chỉ phong cách ông Võ Kim Cự . Nhưng lất bất là gì? Cụm từ thuộc phương ngữ nên cũng khó hiểu đối với người nơi khác. Chữ lất bất người ta thường dùng chỉ tính cách không nhất quán, nửa vời. lúc nửa ông lúc nửa thằng làm người khác rất khó ứng xử. Lất bất cũng có nghĩa là bất cần đời…

Tóm lại lất bất được sử dụng vào những trường hợp đánh giá con người không được tốt đẹp gì.

Ông Cự vốn từ dân phong trào đi lên. Ông là giám đốc doanh nghiệp kháng sản khai thác cát Titan của Hà Tĩnh. Hồi trước tỉnh Hà Tĩnh nghèo lắm. 

Nạn đói đe dọa thường xuyên. Mỗi năm xuân thu nhị kỳ trong chờ vào cứu trợ của trung ương. Cả tỉnh săm soi xem có cái gì ăn được, bán được để cứu đói.

Nơi đây đất cằn cỗi, quanh năm bão lụt, rồi gió Lào ào ạt suốt cả mùa hè. 

Sau năm 1990 Việt Nam mở cửa kêu gọi nước ngoài đầu tư. Doanh nghiệp nước ngoài ào ạt vào khu vực TP HCM, rồi khu vực Hà Nội. Chỉ riêng miền Trung thì vắng lặng.

Bỗng nhiên người ta phát hiện ra vùng biển Hà Tĩnh có cát đen giá trị lắm. Cát đen là gì? Đân địa phương chịu không biết, nhìn thấy nó lấp lánh tự ngàn năm ở bãi biển. Chẳng ai quan tâm. 

Thế nhưng có người nói, loại này dân Nhật quý như vàng. Họ làm khuôn đúc máy gì đó.

Thế là cơ hội lớn cho cả tỉnh. Hà Tĩnh bắt tay vào khai thác khoảng sản thô. Ông Cự phất lên khi liên doanh với nước ngoài để khai thác và bán cát Titan. 

Hồi đó cứ về đến Hà Tĩnh nói đến ông Cự khoáng sản thì ai ai cũng biết. Ông ăn to nói lớn, mạnh tay chi trả. Cả tỉnh ai cũng nể ông doanh nghiệp mạnh này. Từ quán xá đến phòng ban của tỉnh đâu đâu cũng câu chuyện ông Cự làm kinh tế giỏi, tiền nhiều như quân Nguyên.

Ấy nhưng khai thác cát đen cũng mang lại hệ lụy nặng nề cho môi trường. Hàng chục côc máy hút cát làm việc ngày đêm. Môi sinh bị tàn phá trầm trọng. Dân kêu lên tỉnh. Nhưng tỉnh cũng lờ đi. Tiền tươi thóc thật mới quý, chứ môi trường chỉ là chuyện nhỏ. Thiên nhiên tự xử lý lấy, cứu đói đã.

Nhưng rồi cát đen cũng cạn kiệt đi, đọng lại là những vùng hoang hóa vì do khai thác cát bừa bãi. Hà Tĩnh lay hoay tìm lối đi mới.

Rồi ý tưởng phát triển cảng nước sâu ở Hà Tĩnh được khơi dậy. Cảng biển này vừa phục vụ trực tiếp cho Hà Tĩnh và cho Lào tiện đường ra biển lớn. Khi Hà Tĩnh chính thức lập khu công nghiệp Vũng Áng do phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký thì ông cũng nhanh chóng nhập cuộc . Hơn ai hết ông Cự rất hiểu ý đồ của đối tác và ý đồ của tỉnh. Ông thuộc tuýp người nói là làm, không lý luận dài dòng. Vì thế ông nhanh chóng được bầu làm phó chủ tịch phụ trách kinh tế. Năm 2010 ông Chất nghỉ hưu, ông Cự nghiễm nhiên ngồi vào ghế chủ tịch tỉnh.

Lúc đó ông Trần Đình Đàn ra trung ương với chức vụ mới làm chủ nhiệm văn phòng Quốc hội. Ông Bình dân phong trào lên làm Bí thư tỉnh. Vì ông Bình không trải qua cương vị chủ tịch tỉnh nên mọi việc lớn nhỏ trong tỉnh đều do ông Cự quyết, ông Bình chỉ gật gù theo.

Có thể nói đó là những năm tháng hoành tráng nhất của ông Cự. 

Từ trước tới nay Hà Tĩnh luôn thất bại trong việc lôi kéo đầu tư nước ngoài. Nào khai thác mỏ sắt Thạch Khê, nào nuôi tôm công nghệ cao của Việt kiều Mỹ… Nhưng với Formosa thì đây là cả một cơ hội lớn với ông Cự và cả Hà Tĩnh. 

Ông Cự ủng hộ tối đa Formosa .Cũng biết Formaso làm thép, có nghĩa là cần điện, cần nước và cần diện tích mặt bằng. Nhưng thực sự thì không ai hình dung nổi, hệ lụy dài lâu ra sao. Vì thế từ con người đến môi trường chẳng ai quan tâm. 

Điều chính là từ đây Hà Tĩnh có đầu tư nước ngoài lớn, ngang tầm với các dự án lớn trong khu vực Đông Nam châu Á. Chính ông cũng bật đèn xanh cho Formaso vượt khung thời hạn 49 năm. Những đòi hỏi ưu đãi vượt khung quy định của quốc gia từ Formaso đều được ông kịp thời vận động ủng hộ.
Những nguồn thu từ Formaso đã thúc đẩy Hà Tĩnh bật nhanh. Tiếng tăm ông Cự vang dội khắp nước. Hàng ngày, hàng tuần các đoàn các tỉnh đua nhau về Hà Tĩnh học tập.

Được sự ủng hộ tối đa của các vị lãnh đạo người Hà Tĩnh ở trung ương như Võ Hồng Phúc, Lê Đức Thúy, Uông Chu Lưu , sau này là Trần Đình Đàn . Đặc biệt là hai vị có nhiều duyên nợ với Hà Tĩnh là Nguyễn Sinh Hùng và Hoàng Trung Hải cực kỳ ủng hộ nên dự án Formaso có lộ trình phát triển nhanh không ngờ. Ngay những dịp lãnh đạo cao cấp của quốc gia như ông Trương Tấn Sang hay Nguyễn Phú Trọng về thăm Hà Tĩnh ông Võ Kim Cự đều biết tận dụng cơ hội tiếp cận và khuếch trương vị thế của khu Vũng Áng.

Từ Vũng Áng Hà Tĩnh có khoản thu ngân sách rất khá và luôn tăng trưởng. Có tiền thì tỉnh cũng nở mặt mày hơn. 

Bây giờ tỉnh mới có dịp mà đãi đằng đền ơn đáp nghĩa. Người tài, người nổi tiếng Hà Tĩnh được mời về hội họp. Tướng lĩnh quân đội, tướng lĩnh công an mới có dịp về thăm lại quê hương. Văn nghệ sĩ về Hà Tĩnh cũng được đón tiếp long trọng hơn và đương nhiên sẽ gắng viết bài quảng bá cho Hà Tĩnh.

Nhiều bài báo ca ngợi ông Cự như một lãnh đạo địa phương sáng giá. Nào ông Cự biết chia sẻ với gia đình có hoàn cảnh nghèo, nào chủ tịch tỉnh dừng xe xuống thăm hỏi người dân…

Thậm chí có báo còn mong các vị lãnh đạo các tỉnh khác học theo gương ông Cự. Ông Vũ Kim Cự nổi bật hẳn lên trong hàng ngũ lãnh đạo địa phương. Từ bấy giờ phong thái của ông như một chính trị gia tầm cỡ chứ chẳng còn bóng dáng chút nào của một anh lất bất thời khai khoáng nữa.

Nào có ai ngờ trong „tiểu cục“ của một địa phương lại vướng vào một“ đại cục“ của đất nước. Đó là tháng 5 năm 2014 Trung Quốc ngang nhiên đưa dàn khoan Hải Dương 891 vào lãnh hải Việt Nam thăm dò dầu khí. Tuy công việc là thăm dò dầu khí, khoáng sản biển nhưng thực chất là thăm dò thái độ phản ứng của Việt Nam.

Đương nhiên toàn thể đất nước Việt Nam phản ứng quyết liệt. Ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng kiên quyết bày tỏ thái độ phản đối Trung Quốc. Gió đổi chiều nhanh chóng. Từ tỉnh công nghiệp Bình Dương cho đến khu Vũng Áng / Hà Tĩnh rầm rộ phản kháng Trung Quốc. 

Vũng Áng nhanh chóng rơi vào điểm nóng. 

Tiến trình đầu tư của Formaso nhanh chóng được đặt lên bàn nghị sự. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Một trong những câu hỏi nóng lúc đó là vấn đề an ninh quốc gia. Hà Tĩnh là một tỉnh hẹp ở miền Trung. Nay Trung Quốc cát cứ lâu dài những 70 năm thì tương lai của đất nước rồi sẽ như thế nào? Vì sao Formaso lại được vượt khung?...

Ở câu hỏi này ông Cự thì cho là ông làm theo Thủ tướng chính phủ. Chính phủ thì quả quyết là ông Cự lách luật vượt rào. Lời qua tiếng lại làm bật ra nhiều điều đáng nghi ngờ. Đương nhiên ông Cự nhận lỗi một trách nhiệm nhưng theo ông thì địa phương khó có thể làm được cái điều tày đình đó.

Nhưng cũng từ đây ông Cự rơi vào tầm ngắm của dư luận cũng như cơ quan quản lý tầm cao. Họ chỉ chờ dịp „ sửa sai“ cho ông Cự.

Đầu năm 2015 cuộc đua cho đại hội Đảng 12 chính thức được khởi động. Nhưng thực sự thì bên Đảng và bên Chính phủ đã có nhiều xê dịch về nhân sự từ trước. Biên độ thay đổi của bên điều hành trực tiếp ( chính quyền hành chính) không nhiều nữa vì Thủ tướng đã có dư thời gian để „ thiết kế“ từ trước. Vì thế phía Đảng „ cơ cấu“ nhân sự vào đó rất khó. Nhưng Đảng đã nhanh chóng nhận ra một điều, nếu thay đổi nhân sự phía Đảng thì ngay lập tức sẽ lộ diện ra những vị trí quan trọng của thể chế. Vì thế bên tổ chức Đảng quyết định luân chuyển nhân sự.

Đội ngũ lãnh đạo Hà Tĩnh vốn khá đoàn kết, rất biết nâng đỡ nhau và bảo vệ cho nhau. Họ cũng rất mẫn cảm với những thay đổi mới của Hà Nội. Ông Bình cũng lớn tuổi và trải quan một nhiệm kỳ ở tỉnh. Tiên lượng có thể nghỉ hưu nếu không vươn ra trung ương. Được sự nâng đỡ của ông Chu tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và đương nhiên cả sự đồng cảm của ông Trương Tấn Sang, ông Bình đã thành công chuyển sang Ban tổ chức trung ương trước lúc đại hội 12 một năm. Với thời gian đó cũng đủ cho ông Bình tìm hiểu và tạo mối quan hệ làm việc trong môi trường mới. Vừa củng cố vị thế của mình và vừa có điều kiện nâng đỡ, giới thiệu các gương mặt mới, nhất là các vị có gốc gác miền Trung.

Vị trí Bí thư tỉnh quyền lực không ai có thể thay thế được ngoài ông Cự. Với số phiếu 100% của dảng viên chủ chốt trong tỉnh ông Cự vừa là Bí thư và kiêm luôn cả chủ tịch. Đúng là nhất ông Cự ở dải đất miền Trung.

Nắm giữ một chức vụ kép như thế là quá mạnh về quyền lực. Nhưng cái điều cơ bản nhất cần thì ông còn thiếu. Đó là ủy viên của Ban chấp hành TƯ. Ông phải phấn đấu vào chân ủy viên trung ương đảng của khóa 12. Nay ông Cự kiêm nhiệm cả hai vị trí quan trọng nhất trong tỉnh nghiễm nhiên ông là người có quyền lực vô biên, khi đoàn Hà Tĩnh đi dự đại hội Đảng 12 đương nhiên ông Võ Kim Cự là trưởng đoàn và cũng là ứng cử viên sáng giá nhất cho Hà Tĩnh ở khóa 12.

Còn giả sử ông Cự chính thức thành ủy viên trung ương sáng giá thì ông sẽ …vươn lên tầm cao, chứ không ngồi ở Hà Tĩnh. Thậm chí còn có tin cho rằng ông sẽ gắng phấn đấu nắm lấy chức „ tư lệnh“ bộ công thương danh giá, chứ không loanh quanh ở chốn gió Lào cát trắng.

Vì thế năm 2015 là một năm „ bản lề“ của ông Võ Kim Cự. Một mặt ông thúc đẩy các hoạt động của bộ máy tỉnh, mặt khác cũng gắng cho đầu tư hạ tầng cơ sở tỉnh nhà. Hà Tĩnh có một diện mạo khá ngoạn mục. Đồng thời ông cũng cho truyền thông truyên truyền tối đa về nguồn thu, nhấn mạnh điều kỳ diệu của Hà Tĩnh. Từ một tỉnh nghèo đói nay đã có nguồn thu xấp xỉ 12 nghìn tỉ. Một con số mà nhiều tỉnh khác có mơ cũng không thể có.

Nhưng người ta vẫn có câu, người tính cũng không bằng trời tính. Phải nói là đường đi nước bước của ông Cự khá bài bản và logic. Thế nhưng những mâu thuẫn giữa ông và Chính phủ vẫn còn đó, chưa được giải quyết triệt để hay nói cách khác là chưa tìm được sự thỏa hiệp. Vì thế khi chuẩn bị nhân sự cho đại hội 12 ông không được sự ủng hộ từ Hà Nội.

Có lẽ ngày đại hội đảng bộ Hà Tĩnh chuẩn bị cho đại hội 12 là ngày thê thảm nhất của ông Cự. Ông Nguyễn Thanh Bình ( nay là phó Ban tổ chức trung ương) buộc phải làm công tác tư tưởng cho ông Cự và trao quyết định điều chuyển sang Ban liên minh HTX nông nghiệp. Ý của ông Bình là nếu trung ương không nhất trí cho ông Cự trị vì ở địa phương thì vẫn còn một lối thoát khác, đó là làm Bí thư đảng của liên minh HTX. Dù rằng chỉ là hội đoàn nhưng cái „ cơ“ vẫn còn, biết đâu…

Thế nhưng Hà Nội đã quyết. Cánh cửa mở cho nhiều người. Ngay người gốc Hà Tĩnh những 16 vị. Nhưng đối với ông Cự thì đường lên vô vọng mà đường về thì cũng xa ngái.

Người ta thường nói „ phúc bất trùng lai- họa vô đơn chí“. Lối ví von này có lẽ khá đúng với ông Cự. Vừa mất chức bí thư, mất đất dụng võ lại bất ngờ xảy ra vụ thảm họa cá chết ở miền Trung do nguồn nước thải của Formaso.

Không thể nào mô tả hết cơ cực của người dân 4 tỉnh miền Trung. Bao nhiều tức giận, bao hờn căm bỗng dưng đổ lên đầu „ tên tội đồ „ Võ Kim Cự. Truyền thông vào cuộc, xã hội lên án, chính trị vào cuộc buộc tội „ tổn công trình sư „ Võ Kim Cự. Những điều hay của ông thì người ta ít nhớ, nhưng giờ đây thì quá khứ vướng điều gì người ta cũng moi ra. Kể ra cũng khá bất công cho ông. 

Bão dư luận một mình ông hứng chịu. Ông tìm cách lẩn tránh tuyền thông. Bị nhắc nhở bởi cấp trên nên ông buộc lòng thanh minh. Nhưng càng thanh minh lại càng gây tức giận.

Nghe đâu câu chuyện của ông Cự vẫn chưa có thể kết thúc được. Người ta đang tiến hành đào bới trách nhiệm quá khứ của ông để buộc tội. Tương lai thế nào vẫn chưa có lời giải.

Cứ tưởng vào tầm tuổi của ông sẽ an nhàn. Nếu không làm việc nữa thì cũng được „ nghỉ chế độ“ để vui thú điền viên.

Thế nhưng điều đó không đến với ông. 

Không ngờ cái câu „ lất bất như Cự“ của dân Hà Tĩnh lại đúng:

Số ông này lất bất thật.

Dân Choa

(FB Dân Choa)

Không có nhận xét nào: