Thứ Năm, 8 tháng 12, 2016

Tin đồn đổi tiền ở Việt Nam xuất phát từ đâu?

Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã chính thức bác bỏ tin đồn xuất hiện vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm  nay về việc cơ quan  này sắp cho đổi tiền.

Tin đồn đổi tiền ở Việt Nam xuất phát từ đâu?

 Tất nhiên, chẳng có mấy người tin vào Ngân hàng nhà nước, bởi cơ quan này đã quá nhiều lần bất nhất về “sáp nhập ngân hàng”, “giảm nợ xấu ngân hàng”, “giảm lãi suất cho vay”…, và còn nhiều dấu hiệu Ngân hàng nhà nước liên quan mật thiết với các nhóm lợi ích ngân hàng, vàng, chứng khoán, bất động sản và ngoại tệ.

Nhưng khách quan mà xét, hiện thời chưa có cơ sở nào đủ thuyết phục để đổi tiền.

Cơ sở cấp bách nhất để tiến hành đổi tiền, là mức độ trượt giá ngoài tầm kiểm soát của đồng nội tệ so với ngoại tệ mạnh. Trong hai đợt đổi tiền năm 1978 và năm 1986, lạm phát ở Việt Nam đều tăng vọt từ 50% đến 700%.

Còn hiện thời, mức lạm phát năm 2016 chỉ khoảng 5% (theo báo cáo của chính quyền). Còn theo ước tính thực tế của một số chuyên gia độc lập cùng các bà nội trợ phải đi chợ hàng ngày, mức trượt giá của đồng Việt Nam có thể lên đến 30% trong năm 2016.

Một yếu tố nữa để có thể giúp đôi chút cho nhiệm vụ “bình ổn tỷ giá” là kho dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng đến 40 tỷ USD. Tuy con số 40 tỷ USD này vẫn chưa hề được Ngân hàng nhà nước công khai về kết cấu của nó (bao nhiêu USD, bao nhiêu vàng, bao nhiêu trái phiếu quốc tế…), song đây là một yếu tố tâm lý mà không làm cho thị trường ngoại tệ quá khan USD.

Tuy thế, có lửa mới có khói. Không loại trừ những thông tin bàn bạc trong nội bộ chính phủ và Ngân hàng nhà nước về kịch bản đổi tiền cho những năm tới đã lộ lọt ra ngoài, rơi vào tầm ngắm của các nhóm đầu cơ.

Một trong những nhóm đầu cơ đang tỏ ra hưng phấn là nhóm đầu cơ vàng và USD.

Trong những ngày qua, giá USD trong ngân hàng và chợ đen bất thần tăng mạnh, được lý giải là “tăng theo thế giới”. Cùng lúc, giá vàng trong nước cũng tăng vọt và chênh với giá vàng thế giới hơn 4 triệu đồng/lượng. Nhưng cứ nhìn vào cái cách ứng xử mập mờ đầy nghi ngờ của Ngân hàng nhà nước, chẳng thiếu gì người nhận ra đợt tăng USD lần này là một cú “đánh lên” của “nhà cái”.

Bối cảnh kinh tế đang suy yếu và suy sụp, các thị trường chứng khoán, bất động sản hầu như tê liệt. Chỉ còn vàng và USD. Nếu không “đánh lên” vàng và USD thì nguyên năm 2016 sẽ chẳng làm ăn được gì.

Tháng 8 năm 2015 cũng có một đợt “đánh lên” USD và vàng, và theo một quy luật nào đó thì mỗi năm cần phải tạo ra một đợt tăng giả tạo.

Rất có thể nhóm đầu cơ vàng và USD đã lợi dụng kịch bản đổi tiền để tung tin đồn đổi tiền, khiến thị trường ngoại tệ xáo động mạnh và làm cho bà con nháo nhào đổ tiền đồng ra để mua USD và vàng.

Lê Dung 

(SBTN)

Không có nhận xét nào: