Không điện thoại, không nghỉ giữa giờ, không bình luận – phiên khai mạc hội nghị đầu tiên của kỳ Lưỡng hội Trung Quốc đã được bắt đầu như thế.
Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP – Hồng Kông) đưa tin, một tuần sau khi đảng Cộng sảnTrung Quốc công bố đề xuất bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ với chức vụ Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân đã được khai mạc hôm thứ Bảy (3/3) vừa qua.
Hội nghị này được cho là một trong những sự kiện quan trọng nhất năm tại Trung Quốc, với sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao, các nhà cố vấn chính trị hàng đầu và các nhà lập pháp Trung Quốc.
Khi các đại biểu của hội nghị bắt đầu xuất hiện tại quảng trường phía trước Đại lễ đường Nhân dân, lực lượng cảnh vệ đã đứng nghiêm chỉnh chờ sẵn để chào đón các đại biểu và ngăn đám đông truyền thông phía sau họ.
Đại lễ đường Nhân dân là nơi chứng kiến những cuộc họp quan trọng nhất của lãnh đạo Bắc Kinh trong suốt nhiều năm qua. Trước đây, quảng trường phía trước Đại lễ đường luôn là nơi cho phép các phóng viên có mặt để phỏng vấn và chụp hình các đại biểu trước khi họ bước vào Đại lễ đường. Lực lượng cảnh vệ rất hiếm khi can thiệp vào công việc của báo giới.
Tuy nhiên, năm nay thông lệ ấy đã bất ngờ thay đổi. Khi được hỏi về lí do cho sự thay đổi này, một sĩ quan cảnh vệ cho biết: "Năm nay luật lệ của chúng tôi đã thay đổi". Nhiệm vụ của họ chỉ đơn giản là giúp các đại biểu vào Đại lễ đường sớm nhất có thể, sĩ quan này cho biết.
Tuy các phóng viên vượt qua hàng rào cảnh vệ khá dễ dàng nhưng các đại biểu lại từ chối trả lời câu hỏi của họ. Bên trong Đại lễ đường còn có một lối đi khác dành riêng cho các quan chức cấp cao như các bộ trưởng.
Rất ít đại biểu chụp hình ở trước quảng trường, có lẽ một phần lí do là bởi việc sử dụng điện thoại di động bị cấm trong kỳ họp Lưỡng hội Trung Quốc năm nay.
Một đại biểu nữ tỏ vẻ bối rối khi thấy phóng viên SCMP sử dụng điện thoại di động tại quảng trường.
"Sao anh lại được mang theo điện thoại vậy? Chúng tôi được yêu cầu bỏ điện thoại ở nhà", nữ đại biểu trên nói.
Nhưng khi phóng viên đặt câu hỏi về những đề xuất sửa đổi Hiến pháp của đảng Cộng sản Trung Quốc, nữ đại biểu đó đã từ chối và nhanh chóng rời đi.
Theo SCMP, ngay cả trên bục phát biểu trong Đại lễ đường, các lãnh đạo cấp cao cũng rất ít nói chuyện hoặc tương tác trong suốt bài phát biểu báo cáo thành tích của Chủ tịch Hội nghị Du Chính Thanh. Không ai rời khỏi chỗ ngồi của họ, và hầu như mọi người không bắt tay nhau như thông lệ, khi cuộc họp kết thúc.
Năm nay, Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc được kỳ vọng sẽ đem đến những thay đổi chính trị mạnh mẽ và toàn diện nhất trong thập kỷ vừa qua, từ việc xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ Chủ tịch nước đến việc thành lập cơ quan chống tham nhũng mới để giám sát tất cả các nhân viên nhà nước và các cơ quan chính phủ hoạt động dưới quyền Hội đồng Nhà nước. Dự kiến các vị trí chủ chốt trong nội các chính phủ và các bộ cũng sẽ được công bố trong Đại hội.
Để chính thức hóa những thay đổi này, cơ quan lập pháp sẽ phải sửa đổi Hiến pháp nhà nước lần đầu tiên trong vòng 14 năm. Giới phân tích dự đoán những sửa đổi này sẽ được thông qua dễ dàng tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc, bởi họ chỉ cần sự chấp thuận của hơn hai phần ba số đại biểu. Tuy nhiên, giới quan sát vẫn sẽ tiếp tục theo dõi phiếu bầu của các đại biểu trong kỳ Lưỡng hội năm nay.
theo Thời đại
Khai màn Lưỡng hội Trung Quốc: Phóng viên bị “cách ly”, không ý kiến
Lưỡng hội Trung Quốc khóa 13 vừa khai màn với truyền thống bị phá vỡ khi cảnh vệ chuẩn bị lối đi riêng cho các đại biểu để ngăn đám đông phóng viên tiếp cận.
Ngày 3/3, một tuần sau khi Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đề xuất loại bỏ khỏi hiến pháp nội dung quy định chủ tịch và phó chủ tịch nước không tại chức quá 2 nhiệm kỳ, đại biểu bắt đầu đổ về Bắc Kinh để tham dự các kỳ họp thường niên gọi “Lưỡng hội”. “Lưỡng hội” bao gồm kỳ họp Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC – tương đương quốc hội) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC – tương tự mặt trận tổ quốc) diễn ra vào tháng 3 hàng năm.
South China Morning Post cho biết, vào năm 2018, khi các đại biểu của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân bắt đầu về Đại lễ đường Nhân dân, hai hàng cảnh vệ đã chuẩn bị cho họ một lối đi rộng và ngăn đám đông phóng viên tiếp cận. Trong những năm trước, khoảng sân trước của Đại lễ đường thường là nơi phóng viên có thể tiếp cận đại biểu trước khi họ vào họp và cảnh vệ ít khi can thiệp.
Khi được hỏi vì sao truyền thống bị phá vỡ, một cảnh vệ cho biết: “Đây là một năm mới, chúng tôi có luật lệ mới” và họ đơn giản chỉ muốn đại biểu vào hội trường càng nhanh càng tốt.
Tuy nhiên, các phóng viên không tốn nhiều thời gian để phá vỡ hàng rào cảnh vệ và tiếp cận đại biểu. Dù vậy, họ thường nhận được lời từ chối trả lời. Cũng không nhiều đại biểu đứng lại chụp hình như những năm trước với lý do chính là họ không được mang theo điện thoại vào phòng họp năm nay.
Một đại biểu tỏ ra bất ngờ khi bà thấy phóng viên của South China Morning Post gõ trên điện thoại. “Sao anh/chị được mang theo điện thoại vậy“, bà hỏi. “Chúng tôi được yêu cầu không mang theo điện thoại“. Bà từ chối trả lời khi được hỏi ý kiến về việc sửa đổi hiến pháp, bà vẫy tay rồi bỏ đi.
Bên trong Đại lễ đường, phóng viên bị giữ tránh xa khu vực phía Bắc, nơi các quan chức cấp cao như bộ trưởng thường dùng để đi vào phòng họp.
Trong suốt 90 phút Chủ tịch CPPCC Du Chính Thanh đọc báo cáo trước đại hội, các quan chức cấp cao ngồi hàng đầu hầu như không nói chuyện hay tương tác với nhau. Không ai rời chỗ ngồi, ít người bắt tay nhau trước phần cuối của cuộc họp như họ thường làm trong quá khứ.
Trong cuộc họp báo về cuộc họp của CPPCC, người phát ngôn cơ quan này nói rằng việc các nước chỉ trích Trung Quốc “xâm nhập” chính trị nội bộ của họ là một cụm từ được tạo ra để hạ thấp uy tín Trung Quốc. “Đáng tiếc thay, chúng tôi thấy nhiều người phương Tây, thân thể ở thế kỷ 21 nhưng trí não mắc lại ở Chiến tranh Lạnh“, Reuters dẫn lời ông Wang Guoqing nói. Năm 2017, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nói rằng, ông không coi thường các báo cáo về việc đảng Cộng sản Trung Quốc tìm cách can thiệp nội bộ chính trị nước này.
Ông Wang nói rằng, một số thế lực phương Tây sử dụng tiêu chuẩn kép và đầy thành kiến với Trung Quốc. Cuộc họp báo này chỉ nhận 1 câu hỏi từ phóng viên nước ngoài. Một nhà báo Nhật Bản đã hỏi về triển vọng quan hệ Trung – Nhật.
Cuộc họp của NPC, khai mạc ngày 4/3, dự kiến thông qua thay đổi quan trọng nhất đối với chính trị Trung Quốc trong thập kỷ qua khi xóa bỏ hạn chế hiến định về số nhiệm kỳ tối đa của chủ tịch và phó chủ tịch nước. Việc này sẽ mở đường cho Chủ tịch Tập Cận Bình nắm quyền sau năm 2022.
Tú Văn (t/h)
Ông Trump nói vui ông Tập “sẽ là chủ tịch suốt đời”, TV Trung Quốc chuyển màu đen
Hôm 4/3, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói vui về ông Tập Cận Bình “sẽ là chủ tịch suốt đời“trong phòng họp kín và giữa những người thân cận, màn hình của kênh CNN tại Trung Quốc bất ngờ chuyển sang màu đen.
Theo báo New York Times, trong cuộc họp riêng với các nhà tài trợ ngày 3/3 tại khu biệt thự Mar-a-Lago ở Florida, ông Trump bình luận vui răng: “Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bây giờ là chủ tịch suốt đời“. Tổng thống Mỹ nói thêm, “tôi nghĩ điều đó thật tuyệt. Có lẽ một ngày nào đó chúng ta nên thử làm vậy”.
Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 25/2 đề nghị bỏ giới hạn tối đa hai nhiệm kỳ đối với chủ tịch và phó chủ tịch nước. Ông Tập, 64 tuổi, bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai hồi năm ngoái. Đề xuất trên có thể giúp ông cầm quyền tới hết năm 2023, trở thành người nắm giữ quyền lực lâu nhất từ trước tới nay.
Những bình luận của ông Trump được một thành viên ủng hộ hàng đầu của đảng Cộng hòa xác nhận. Người này đã tham dự bữa tiệc trưa của ông Trump. Theo nguồn tin này, tổng thống mỉm cười khi đưa ra bình luận, còn những người tham dự thì phá lên cười vui vẻ sau câu nói của ông.
CNN là kênh đầu tiên đưa tin về phát ngôn của Trump và cũng có được bản ghi âm của cuộc gặp kín trên. Tuy nhiên, phát ngôn của lãnh đạo Mỹ không được đề cập đến trên truyền hình, mạng Internet hay báo chí nhà nước Trung Quốc. Khi CNN, vốn bị hạn chế phát sóng ở Trung Quốc, hôm 4/3 đưa tin về câu nói đùa của Trump, hệ thống kiểm duyệt đã biến màn hình TV chuyển sang màu đen.
Bất kể bối cảnh riêng tư, không chính thức, những quan điểm ấy rõ ràng vẫn là những bình luận đầu tiên của Tổng thống Mỹ về ý định xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ của nguyên thủ tại Trung Quốc.
Theo giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế Zhang Baohui tại Đại học Lingnan tại Hong Kong, câu nói đùa thể hiện tinh thần ủng hộ tích cực của ông Trump trước việc này là điều “bất ngờ” và “quan trọng với Trung Quốc”.
Theo giáo sư Zhang Baohui, quan điểm của ông Trump sẽ được đặc biệt hoan nghênh trong bối cảnh động thái muốn kéo dài vĩnh viễn thời gian tại nhiệm của ông Tập đang trở thành vấn đề hết sức nhạy cảm tại nội bộ Trung Quốc.
Cho tới nay, các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có giới nguyên thủ thuộc các quốc gia đồng minh của Mỹ ở cả châu Âu và châu Á, vẫn né tránh việc nêu quan điểm chỉ trích ông Tập, một phần vì lo ngại những đòn trả đũa kinh tế. Trong khi các chính quyền Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ vẫn im lặng, không bày tỏ quan điểm ủng hộ rõ ràng về vấn đề này.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đưa tin hạn chế tối đa về ý định thay đổi Hiến pháp với nhiệm kỳ nguyên thủ. Vấn đề này quá nhạy cảm tới mức tất cả những bình luận liên quan, dù tích cực hay tiêu cực, cũng đều bị cơ quan chức năng kiểm duyệt.
Tú Văn (t/h
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét